Thứ hai, 27/05/2024, 15:15 PM

Sản xuất lúa theo tiêu chuẩn SRP - Tăng thu nhập cho nông dân và bảo vệ môi trường

(CL&CS) - Mô hình canh tác lúa gạo bền vững theo tiêu chuẩn quốc tế - gọi tắt là SRP, được ngành nông nghiệp chú trọng mở rộng, không chỉ đạt lợi nhuận cao mà còn giúp nông dân nâng cao nhận thức trong việc sản xuất lúa gạo an toàn, bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng.

SRP là một liên minh đa đối tác toàn cầu hợp tác nhằm thúc đẩy việc sử dụng hiệu quả, bền vững nguồn tài nguyên trong các hoạt động thương mại, sản xuất, tiêu thụ lúa gạo. SRP bao gồm 41 tiêu chuẩn đánh giá 8 lĩnh vực liên quan của sản xuất lúa gạo, như: sử dụng nước, chuẩn bị xuống giống, thu hoạch và sau thu hoạch, quản lý đồng ruộng, quản lý sâu bệnh, quản lý dinh dưỡng, quyền của người lao động, sức khỏe và an toàn lao động.

Từ năm 2017 đến nay, Tổ chức Rikolto - thành viên của Diễn đàn Lúa gạo Bền vững SRP từ năm 2015, đã hỗ trợ triển khai mô hình “Sản xuất lúa theo tiêu chuẩn SRP” tại các HTX ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long như Đồng Tháp, Kiên Giang, An Giang với diện tích 4.300 ha cho trên 1500 nông dân. Đến nay, đã có hơn 97% nông dân tham gia mô hình trồng lúa theo bộ tiêu chuẩn SRP đạt từ 80-89 điểm. 100% nông dân ở Đồng Tháp và 92,5% ở Kiên Giang đạt trên 80 điểm SRP trong vụ đông xuân 2021. Số diện tích canh tác đạt từ 80-89 điểm cũng đạt gần 90%.

Ông Ngô Thanh Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển Nông thôn tỉnh Đồng Tháp chia sẻ: "Trong sản xuất theo tiêu chuẩn SRP thì phải kết hợp giữa phân bón hóa học và phân bón hữu cơ, việc quản lý phải áp dụng theo quy trình IPM, áp dụng 4 đúng trong sản xuất, như vậy sẽ giảm đc dư lượng thuốc BVTV, tăng giá trị sản xuất, góp phần bảo vệ sức khoẻ người tiêu dùng. Sau khoảng 3 năm thực hiện, đánh giá lại thì ruộng làm theo SRP giảm chi phí được trên 2 triệu đồng/ha."

Hiệu quả mô hình canh tác lúa gạo bền vững theo tiêu chuẩn SRP.

Hiệu quả mô hình canh tác lúa gạo bền vững theo tiêu chuẩn SRP.

Theo đó, sản xuất lúa theo tiêu chuẩn SRP, nông dân không được đốt rơm rạ, khi bón phải kết hợp phân vô cơ và hữu cơ, quản lý dịch hại tổng hợp theo nguyên tắc “4 đúng”, khi phun thuốc phải mang bảo hộ lao động, ruộng mới phun thuốc phải cắm bảng thông báo, điều này góp phần bảo vệ môi trường. Ứng dụng mô hình SRP giảm chi phí sản xuất hơn so với bên ngoài. Lúa sản xuất theo mô hình đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu, đáp ứng nhu cầu của các đơn vị liên kết bao tiêu.

Việc đánh giá và tính điểm được tiến hành vào cuối vụ, từ “Sổ nhật ký đồng ruộng” và phiếu phỏng vấn. Tùy theo số điểm tại thời điểm đánh giá, mô hình sản xuất được xem là: chưa bền vững, bền vững hay đang hướng đến sự bền vững. “Để kiểm soát quy trình canh tác, nông dân phải ghi chép nhật ký sản xuất. Việc làm này còn giúp nông dân hạch toán chi phí sản xuất và lợi nhuận rất dễ dàng.

Ngoài hiệu quả về tăng thu nhập cho nông dân, kết quả dự án cho biết các nông hộ nhỏ tham gia dự án đã ghi nhận điểm đánh giá tăng hơn 50% theo tiêu chuẩn sản xuất lúa gạo bền vững (SRP).

Bên cạnh đó, một số nông dân tham gia mô hình trình diễn của dự án đã giảm tới 40% lượng nước sử dụng và tới 15% lượng phân bón N-P-K khi chuyển từ tưới ngập liên tục theo phương pháp truyền thống sang kỹ thuật tưới nước ngập khô xen kẽ và tưới nhỏ giọt.

Theo các nông dân đang thực hiện mô hình, canh tác lúa gạo bền vững theo tiêu chuẩn SRP thì nhờ áp dụng các phương pháp giảm lượng giống gieo sạ, bón phân cân đối, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc “4 đúng” và áp dụng công nghệ sinh thái trồng hoa trên bờ ruộng nên giảm được chi phí, lợi nhuận tăng.

Gia đình ông Nguyễn Văn Ký (Kiên Giang) cho biết: “Mùa này, tôi giảm được phân bón, giảm giống, giảm thuốc bảo vệ thực vật, nhưng cây lúa phát triển rất khỏe, bông đẹp, bự, dài, gạo chắc hạt. Năng suất ước đạt 6-6,5 tấn/ha đồng thời lợi nhuận cao hơn từ 3-3,5 triệu đồng so với canh tác truyền thống”.

Qua thực hiện mô hình, nông dân đã nắm được bộ tiêu chuẩn SRP, giúp nông dân ý thức hơn về việc sản xuất ra sản phẩm, chú trọng đến chất lượng nhiều hơn, góp phần nâng cao kỹ năng cho người nông dân, sản xuất theo nhu cầu thị trường, đem lại hiệu quả cao về mặt kinh tế gắn với hiệu quả bền vững và bảo vệ môi trường. Đây được xem là hướng đi mới cho người nông dân trong thời kỳ hội nhập.

Các chuyên gia về nông nghiệp cho rằng, khi được tham gia sản xuất lúa gạo theo tiêu chuẩn SRP sẽ là cơ hội lớn cho lúa gạo Việt Nam vươn xa trên thị trường thế giới. Đây cũng là điều kiện thuận lợi để lúa gạo Việt Nam tiếp cận với nền sản xuất hiện đại, tiên tiến; tiếp cận với những đối tác lúa gạo hàng đầu... Khi đạt được chứng nhận SRP, thì hạt gạo Việt Nam sẽ được giới thiệu đi nhiều nước trên thế giới, nâng tầm hạt gạo Việt Nam và giá bán cũng tăng lên. Đồng thời, tăng sức cạnh tranh của hạt gạo Việt Nam trên thế giới.

Trúc Anh

Bình luận

Nổi bật

TCVN 13917-2:2023 về phát hiện và định lượng thực vật ngô chuyển gen

TCVN 13917-2:2023 về phát hiện và định lượng thực vật ngô chuyển gen

sự kiện🞄Thứ năm, 26/09/2024, 10:13

(CL&CS) - Ngô biến đổi gen hiện vẫn còn là đề tài tranh cãi nên việc phát hiện và định lượng thực vật sự kiện ngô chuyển gen MIR 604 theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 13917-2:2023 là điều cần thiết.

Bắc Giang: Ban hành kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 38-CT/TW của Ban Bí thư

Bắc Giang: Ban hành kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 38-CT/TW của Ban Bí thư

sự kiện🞄Thứ năm, 26/09/2024, 08:12

(CL&CS)- Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Giang vừa ban hành Kế hoạch số 148-KH/TU thực hiện Chỉ thị số 38-CT/TW ngày 30/7/2024 của Ban Bí thư về đẩy mạnh công tác tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng quốc gia đến năm 2030 và những năm tiếp theo.

Tiêu chuẩn hỗ trợ tính toán trong hệ thống đo màu CIE

Tiêu chuẩn hỗ trợ tính toán trong hệ thống đo màu CIE

sự kiện🞄Thứ tư, 25/09/2024, 15:11

(CL&CS) - Mới đây, Ủy ban tiêu chuẩn quốc tế ASTM đã ban hành tiêu chuẩn mới trong hệ thống đo màu sắc, được áp dụng trong nhiều ngành nghề hiện nay.