Thứ năm, 12/11/2020, 07:20 AM

Quốc hội thống nhất GDP năm 2021 tăng khoảng 6%

(CL&CS) - Sáng 11/11, Quốc hội đã biểu quyết thông qua kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, thống nhất GDP năm 2021 tăng khoảng 6%.

Nghị quyết Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 của Quốc hội nêu rõ, tình hình quốc tế, trong nước dự báo có những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, trong đó đại dịch COVID-19 tiếp tục tác động tiêu cực trên nhiều mặt đến kinh tế thế giới và Việt Nam.

Trong bối cảnh đó, Nghị quyết của Quốc hội đặt mục tiêu tổng quát cho năm 2021 là tập trung thực hiện hiệu quả mục tiêu vừa phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khoẻ nhân dân, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trên cơ sở giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn.

Đồng thời, thúc đẩy mạnh mẽ cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tính tự chủ và sức cạnh tranh, phát triển mạnh thị trường trong nước; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án quan trọng và công trình trọng điểm quốc gia; phát huy vai trò của các vùng kinh tế trọng điểm, các đô thị lớn; đẩy nhanh chuyển đổi số và phát triển nền kinh tế số, xây dựng xã hội số…

11-11-2020-quoc-hoi-bieu-quyet-gdp-nam-2021-tang-khoang-6-3537504D-details

Kết quả biểu quyết thông qua kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021.

Các chỉ tiêu chủ yếu của năm 2021 là: Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 6%; quy mô GDP bình quân đầu người khoảng 3.700 USD/người; tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4%; tỷ trọng đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng khoảng 45%-47%; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội khoảng 4,8%; tỷ lệ lao động qua đào tạo khoảng 66%, trong đó tỷ lệ có bằng cấp, chứng chỉ khoảng 25,5%; tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế khoảng 91%; tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo đa chiều) giảm 1-1,5 điểm phần trăm; tỷ lệ dân cư khu vực thành thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung trên 90%; tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị trên 87%; tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường khoảng 91%; tỷ lệ che phủ rừng khoảng 42%.

Trước đó, trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội về dự thảo Nghị quyết Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, chỉ tiêu tăng trưởng GDP năm 2021 được xây dựng trên cơ sở kết quả ước thực hiện của năm 2020, tính toán, cân đối các nguồn lực cũng như tham khảo dự báo của một số tổ chức quốc tế; bối cảnh, tình hình của năm 2021.

Việc đặt chỉ tiêu tăng trưởng GDP khoảng 6% thể hiện quyết tâm của Chính phủ phục hồi kinh tế sau khi kiểm soát thành công đại dịch COVID-19, để bảo đảm sự hài hòa, linh động trong thực hiện các mục tiêu cho năm 2021.

Trả lời chất vấn đại biểu hôm 10/11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đánh giá mức tăng trưởng 6% năm tới "còn khiêm tốn so với tiềm năng của đất nước", một phần bởi xuất phát từ mức thấp của năm 2020. Tuy nhiên, trong giai đoạn dịch bệnh còn phức tạp, cùng với những xung đột khu vực căng thẳng, lãnh đạo Chính phủ cho biết đang chỉ đạo xây dựng các kịch bản tăng trưởng và phương án hành động khác nhau.

Nghị quyết yêu cầu tiếp tục thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng chống và giảm thiểu thiệt hại từ đại dịch COVID-19 và các dịch bệnh khác. Chủ động bố trí nguồn lực và thực hiện các giải pháp phù hợp, kịp thời theo thẩm quyền (bao gồm cả các giải pháp về tín dụng, tài chính – ngân sách nhà nước, thuế, phí, lệ phí…) để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19, nhất là trong một số ngành công nghiệp, dịch vụ, du lịch, hàng không… và người lao động mất việc làm, thiếu việc làm, bị giảm sâu thu nhập.

Quốc hội yêu cầu công khai, minh bạch trong điều hành đối với giá điện, xăng dầu cũng như các hàng hóa, dịch vụ quan trọng, thiết yếu khác có ảnh hưởng đến sản xuất và tiêu dùng của người dân.

Tăng cường huy động, quản lý và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực. Chú trọng phát huy nội lực của nền kinh tế, đồng thời thu hút có chọn lọc các nguồn lực đầu tư từ bên ngoài, nhất là các luồng vốn FDI dịch chuyển trong khu vực và toàn cầu.

Nghị quyết cũng nêu phát triển mạnh kinh tế tư nhân, kinh tế tập thể, hộ kinh doanh cá thể…

Huyên Phương

Bình luận

Nổi bật

Báo chí góp phần hiện thực hóa Nghị quyết 68: Lan tỏa chính sách, vun bồi an sinh xã hội

Báo chí góp phần hiện thực hóa Nghị quyết 68: Lan tỏa chính sách, vun bồi an sinh xã hội

sự kiện🞄Thứ ba, 10/06/2025, 15:16

(CL&CS) – Trong dòng chảy đổi mới và phát triển đất nước, Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị ra đời như một bước ngoặt chiến lược, khẳng định vai trò “động lực quan trọng” của kinh tế tư nhân trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đồng hành với tiến trình đó, báo chí cách mạng Việt Nam đã phát huy vai trò tiên phong trong tuyên truyền, lan tỏa tinh thần Nghị quyết, góp phần xây dựng nhận thức đúng đắn, tạo sự đồng thuận xã hội và thúc đẩy hành động từ các cấp, ngành, địa phương đến cộng đồng doanh nghiệp.

Tổng Bí thư: Tạo điều kiện phát triển các hành lang kinh tế xuyên suốt từ đồng bằng - trung du - miền núi

Tổng Bí thư: Tạo điều kiện phát triển các hành lang kinh tế xuyên suốt từ đồng bằng - trung du - miền núi

sự kiện🞄Thứ ba, 10/06/2025, 15:12

Sáng 10/6, tại Phú Thọ, Tổng Bí thư Tô Lâm và Đoàn công tác Trung ương đã làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy các tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hòa Bình về tình hình triển khai thực hiện các nghị quyết, kết luận của Trung ương gần đây; việc sắp xếp tổ chức bộ máy của địa phương; công tác quốc phòng, an ninh; thực hiện nhiệm vụ tăng trưởng kinh tế và công tác bảo đảm an sinh xã hội.

Thủ tướng Phạm Minh Chính hội kiến Tổng thống Pháp

Thủ tướng Phạm Minh Chính hội kiến Tổng thống Pháp

sự kiện🞄Thứ ba, 10/06/2025, 10:43

Nhân dịp tham dự Hội nghị Đại dương Liên Hợp Quốc lần thứ 3 tại Nice, Pháp, ngày 9/6, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã hội kiến Tổng thống Pháp Emmanuel Macron.