Thứ hai, 06/11/2023, 07:35 AM

Phân tích, đánh giá kỹ lưỡng, quyết định sáng suốt

Dõi theo Kỳ họp thứ Sáu, Quốc hội Khóa XV, cử tri và Nhân dân dành sự quan tâm đặc biệt đến phiên họp ngày 3.11.2023 thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Nhất là những nội dung thuộc cơ chế quản lý, chính sách tài chính đất đai, giá đất, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư… Đất đai, lãnh thổ là tiền đề của mọi sự phát triển, cử tri và Nhân dân rất mong Quốc hội và Ban soạn thảo phân tích, đánh giá thật kỹ lưỡng, quyết định sáng suốt, không để chậm lộ trình cải cách và lỡ thời cơ đưa đất nước đi lên.

Bước đi tiên phong, tạo đột phá

Là đạo luật chuyên ngành có vai trò quan trọng quyết định sinh kế của người dân và hưng thịnh quốc gia, Nhà nước ta đã quyết định lấy ý kiến toàn thể Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Thực hiện Nghị quyết số 671/NQ-UBTVQH15 ngày 23.12.2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, từ ngày 3.1 - 15.3.2023, đã có hơn 9 triệu lượt ý kiến góp ý của Nhân dân trong nước và người Việt Nam định cư ở nước ngoài; của các cơ quan nhà nước ở Trung ương và địa phương, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp và các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh và các tổ chức kinh tế khác; của các viện nghiên cứu, trường đại học và chuyên gia, nhà khoa học...

Theo dõi phiên thảo luận về dự thảo Luật, cử tri và Nhân dân đồng tình với các ý kiến của đại biểu Quốc hội rằng: Luật Đất đai có mối quan hệ đan xen với luật chung và nhiều luật chuyên ngành liên quan như: Bộ luật Dân sự, Luật Nhà ở, Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch, Luật Quản lý tài sản công, Luật Kinh doanh bất động sản… được ban hành ở những thời điểm khác nhau, đang có hiệu lực thi hành. Do đó, không tránh khỏi những mâu thuẫn, chồng chéo, cần cân nhắc kỹ lưỡng khi sửa đổi Luật Đất đai; nhưng không vì thế mà trì hoãn trong việc sửa đổi, bổ sung, để độ trễ pháp luật quá lớn so với yêu cầu cuộc sống, chậm khắc phục những vướng mắc, khó khăn đã được các tầng lớp Nhân dân góp ý kiến.

Dư luận cho rằng, sửa đổi Luật Đất đai là việc hệ trọng, việc khó nhưng không phải là không làm được trong giai đoạn phát triển mới hiện nay, khi tính bức thiết đã chín muồi, khi các công cụ quản lý đã từng bước được hiện đại hóa. Có thể nói, sửa đổi Luật Đất đai lần này là bước đi tiên phong, để từ đó đánh giá lại tổng quan mối quan hệ với các quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 và một số luật chuyên ngành liên quan khác, tạo ra bước đột phá tiếp tục đổi mới, đồng bộ thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5, Khóa XIII của Đảng.

Đại biểu Quốc hội Lò Thị Luyến (Điện Biên) phát biểu tại hội trường. Ảnh: Lâm Hiển
Đại biểu Quốc hội Lò Thị Luyến (Điện Biên) phát biểu tại hội trường. Ảnh: Lâm Hiển

Bất cập từ quy hoạch “treo”, chậm điều chỉnh

Cử tri đồng tình với các ý kiến đại biểu Quốc hội về tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và các quy hoạch có sử dụng đất, quy định tại khoản 7 Điều 76 Luật Đất đai (sửa đổi), sau 2 năm (Luật Đất đai 2013 quy định sau 3 năm) không thực hiện đối với diện tích đất ghi trong kế hoạch sử dụng đất thì trong một thời hạn nhất định ghi rõ trong Luật, cấp có thẩm quyền phải quyết định tiếp tục thực hiện năm tiếp theo hoặc hủy bỏ, không được kéo dài thời gian.

Luật Đất đai 2013 hiện hành cũng quy định trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch sử dụng đất không điều chỉnh, hủy bỏ hoặc có điều chỉnh, hủy bỏ nhưng không công bố việc điều chỉnh, hủy bỏ thì người sử dụng đất không bị hạn chế về quyền theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, thực tế nhiều năm qua, người dân trong vùng quy hoạch, kế hoạch rất bức xúc vì không được hưởng quyền này theo luật định.

Điển hình, cử tri Trần Bảo Tuấn ở phường Lộc Tiến (thành phố Bảo Lộc, Lâm Đồng) chia sẻ: gia đình có hơn 5.000m2 đất trồng cà phê ở ngoại ô, trên thửa đất có 1 căn nhà tạm làm nơi ở để chăm sóc vườn và bảo quản vật tư, nông sản phẩm, nhưng đã xuống cấp trầm trọng. Để chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị, tôi xin phép làm lại một ngôi nhà nhỏ vừa để ở chăm sóc vườn cà phê, bảo quản nông sản, vật tư; vừa làm nơi cho gia đình và các cháu nhỏ trải nghiệm nông nghiệp đô thị vào cuối tuần. Cuối năm 2022, khi tôi gặp cơ quan chức năng của thành phố nộp đơn xin làm nhà thì được trả lời không được phép; lý do là đất trong vùng quy hoạch thương mại dịch vụ, đất quy hoạch cây xanh, khu vui chơi giải trí... phải chờ điều chỉnh, công bố quy hoạch mới. Năm 2023 và mới đây, tôi tiếp tục đến gặp cơ quan chức năng nhưng cũng được trả lời chung chung, không được phép như lần trước... mà phải chờ Quy hoạch giai đoạn 2022 - 2030 và chưa biết bao giờ công bố quy hoạch mới (!).

“Thời gian qua, chúng tôi chưa được ai lấy ý kiến về quy hoạch khu này, trong khi đang sinh sống, sản xuất ổn định hơn 20 năm nay. Vì vậy, kiến nghị các cấp khi lập quy hoạch sử dụng đất thời kỳ mới cần công khai bằng hình thức phù hợp để dân chúng được biết cụ thể, được tham gia góp ý kiến trước khi tỉnh phê duyệt theo quy định của Luật Quy hoạch và Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở” - cử tri Tuấn kiến nghị.

Đây là một trong nhiều trường hợp chịu ảnh hưởng của quy hoạch “treo”, chậm điều chỉnh, thiếu công khai, minh bạch trong công bố quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cần sớm được khắc phục trong thời gian tới.

Về chính sách thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, đại bộ phận người dân luôn đồng tình ủng hộ xây dựng các công trình mục đích công cộng, công trình an ninh, quốc phòng, vì lợi ích chung, nhưng không được gây thiệt hại lợi ích hợp pháp, gây đảo lộn cuộc sống của họ. Đối với những hộ dân sinh sống, canh tác hợp pháp, ổn định lâu năm trên đất không có tranh chấp nhưng chưa được cơ quan thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở gắn liền với đất do các thủ tục hành chính chậm trễ, thuộc lỗi của chính quyền, không thuộc lỗi người dân, thì cần được đối xử công bằng như các trường hợp đã có giấy chứng nhận khi thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng, hỗ trợ và tái định cư.

ThS. Nguyễn Vân Hậu

Bình luận

Nổi bật

Đề nghị xây dựng Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi)

Đề nghị xây dựng Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi)

sự kiện🞄Thứ tư, 17/04/2024, 15:29

(CL&CS) - Bộ Khoa học và Công nghệ đang đề nghị xây dựng Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi) nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý phục vụ mục tiêu phát triển các ứng dụng năng lượng nguyên tử đóng góp nhiều hơn nữa cho phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, củng cố an ninh quốc gia trong tình hình mới.

Tập trung sửa đổi toàn diện Luật khoa học và công nghệ

Tập trung sửa đổi toàn diện Luật khoa học và công nghệ

sự kiện🞄Thứ ba, 16/04/2024, 17:51

(CL&CS) - Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) sẽ quyết liệt sửa đổi toàn diện Luật KH&CN 2013 với nhiều điểm mới, đột phá, trở thành hành lang pháp lý quan trọng thúc đẩy mạnh mẽ khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trong thời gian tới.

Gia tăng giá trị chuỗi cung ứng quang điện tại Việt Nam

Gia tăng giá trị chuỗi cung ứng quang điện tại Việt Nam

sự kiện🞄Thứ hai, 15/04/2024, 08:33

( CL&CS) - Trong khuôn khổ dự án ODA của Chính phủ Đức dành cho Việt Nam về “Thúc đẩy các dịch vụ bảo đảm chất lượng vì năng lượng bền vững”, đoàn chuyên gia Viện Đo lường Đức (PTB) và điều phối viên Dự án đã có chuyến công tác tới thăm và làm việc với Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (từ ngày 5 – 12/4/2024) tại Hà Nội.