Thứ ba, 05/12/2023, 15:49 PM

Nỗi lo an toàn thực phẩm trước cổng trường học

(CL&CS) - Những ngày qua, nhiều vụ trẻ bị ngộ độc do ăn kẹo lạ mua ở cổng trường khiến dư luận băn khoăn, lo lắng. Chuyên gia y tế khuyến cáo, thực phẩm không rõ nguồn gốc, không được bảo quản, chế biến bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP), có thể gây ngộ độc cho người sử dụng.


Câu chuyện đồ ăn vặt bán bên ngoài cổng trường từ lâu đã được nhắc tới, nhưng dường như càng ngày vấn đề này càng có xu hướng nghiêm trọng hơn.

Lực lượng chức năng đã nhiều lần cảnh báo về hàng quán bên ngoài cổng trường, về nguồn gốc và chất lượng các loại đồ ăn vặt cho học sinh. Đặc biệt là ngày càng xuất hiện nhiều loại hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, bán giá rẻ, gây tò mò, bắt mắt giới trẻ gây ra những hệ lụy xấu, ảnh hưởng tới sức khỏe của tuổi thanh thiếu niên.

Mới đây, 11 học sinh trường THCS Nguyễn Quý Đức, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội (gồm 10 em lớp 6 và 1 em học lớp 7) trên đường đi đến trường mua loại kẹo (không rõ nguồn gốc, vỏ bao kẹo màu xanh, chữ nước ngoài) và cùng chia nhau ăn. Khoảng 45 phút sau, các em mệt, đau đầu, buồn nôn.

Nhà trường phối hợp với trạm y tế phường đưa học sinh tới trạm y tế để khám và theo dõi. Hiện sức khỏe các em ổn định và đi học bình thường.

Liên quan đến sự việc này, UBND phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm đã chỉ đạo Công an phường phối hợp đội hình sự, đội ma tuý đến cửa hàng tại số 19/8 Quang Tiến kiểm tra, thu giữ 66 gói nilon màu xanh có hình gấu, quả đào, dâu tây, coca, ô mai; bên ngoài bao bì có nhãn hiệu nước ngoài. Công an phường Đại Mỗ đang chờ trưng cầu giám định.

Trường hợp nặng hơn, 17 học sinh lớp 5 Trường tiểu học Lý Thường Kiệt (Buôn Dù, xã Ea Tu, thành phố Buôn Ma Thuột) đã phải nhập viện cấp cứu với biểu hiện của ngộ độc thực ăn sau khi cùng uống trà sữa được bán cạnh trường học.

Tràn lan thực phẩm bán rong trước cổng trường

Theo khảo sát của phóng viên, nhiều cổng trường tại Hà Nội đều xuất hiện người bán hàng rong với các loại đồ ăn như bánh kẹo, bim bim, bỏng ngô… đều trong tình trạng ba không: "Không nhãn mác, không bao bì, không nhà sản xuất".

Ghi nhận thực tế cho thấy, tại cổng trường dễ dàng nhận thấy các hàng quán hàng, xe đẩy bày bán la liệt nhiều đồ ăn vặt đa dạng mẫu mã khác nhau mời chào học sinh sau mỗi giờ tan học.

Các loại bánh kẹo đều trong tình trạng ba không:

Các loại bánh kẹo đều trong tình trạng ba không: "Không nhãn mác, không bao bì, không nhà sản xuất".

Tại cổng trường THCS Tân Triều (Thanh Trì, Hà Nội) cũng có 4-5 xe đẩy bán hàng cho học sinh như nem chua rán, xúc xích, chả viên, cóc dầm, xoài dầm, các loại đồ uống và bánh kẹo.... Người bán hàng cho biết các món này đều được học sinh rất ưa thích.  Các loại đồ ăn vặt này còn kèm nhiều hình ảnh các nhân vật hoạt hình quen thuộc để thu hút sự chú ý của trẻ.

Theo tìm hiểu của phóng viên, mỗi que xiên được người bán hàng rán ngay tại cổng trường có giá từ 2.000 đồng đến 5.000 đồng/ que tùy loại. Những thực phẩm này chỉ được đựng trong túi nilong không nhãn mác, đồng thời được che đậy sơ sài hoặc không che đậy. 

Khi được hỏi về nguồn gốc của những que xiên này, người bán hàng cho hay, đồ này không rõ từ đâu do nhập hàng về bán nhiều nên được các xưởng chế biến giao hàng tận nơi.

Những chiếc xe hàng rong với đầy đủ các loại thức ăn, nước uống... không rõ nguồn gốc xuất xứ, không nhãn mác, bao bì, rất khó kiểm chứng về nguồn gốc và an toàn thực phẩm.

Những chiếc xe hàng rong với đầy đủ các loại thức ăn, nước uống... không rõ nguồn gốc xuất xứ, không nhãn mác, bao bì, rất khó kiểm chứng về nguồn gốc và an toàn thực phẩm.

Các loại kẹo, bim bim chỉ ghi nhãn mác nước ngoài, giá của mỗi loại từ 5.000 đồng/gói. Đặc điểm chung của các đồ ăn này hoặc là không có nhãn mác, hoặc là có nhãn mác bằng chữ nước ngoài, không tem nhãn phụ bằng tiếng Việt, bày bán lộ thiên và được che đậy sơ sài.

Chị Tâm, một phụ huynh có con đang theo học tại trường tiểu học Tân Triều (Thanh Trì, Hà Nội) chia sẻ, việc các con ăn vặt  tại những hàng quán không đảm bảo vệ sinh ảnh hưởng đến rất nhiều về vấn đề sức khỏe của các con. Đặc biệt đã có rất nhiều vụ ngộ độc thực phẩm do học sinh ăn quà vặt trước cổng trường.

“Nhiều lần con gái tôi thấy những gói tẩm ướp gia vị liền đòi mua, tuy nhiên sau khi mở thấy mùi nồng, hắc của gia vị đồng thời chỉ có chữ nước ngoài nên đã không cho con ăn”, chị Tâm chia sẻ.

Tương tự chị Tâm, Anh Ngô Văn Nam (Hà Đông) cho biết các con của anh đều thích ăn vặt nhưng mình luôn nghiêm cấm các con ăn vặt ở cổng trường vì cho rằng các sản phẩm không đảm bảo vệ sinh.

“Tuy nhiên, nhiều lần, tôi phát hiện trong balo của con có những gói kẹo, bim bim lạ. Khi được hỏi, các con chỉ trả lời bạn cho hoặc lấy lý do đói quá nên mua ở cổng trường. Những gói bánh này giá rất rẻ từ 3.000-10.000 đồng”

Phụ huynh này cho rằng các con ăn bán trú ở trường nên lúc tan học trẻ hay đói. Trong lúc chờ cha mẹ tới đón, nhiều trẻ lại tìm tới các cửa hàng tạp hóa hoặc xe bán hàng tự động quanh cổng trường. 

Đặc điểm chung của các đồ ăn này hoặc là không có nhãn mác, hoặc là có nhãn mác bằng chữ nước ngoài, không tem nhãn phụ bằng tiếng Việt.

Đặc điểm chung của các đồ ăn này hoặc là không có nhãn mác, hoặc là có nhãn mác bằng chữ nước ngoài, không tem nhãn phụ bằng tiếng Việt.

Theo các chuyên gia, tất cả thực phẩm không rõ nguồn gốc, không được bảo quản và chế biến theo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm đều có thể gây ngộ độc cho người sử dụng. Số liệu từ Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho thấy, có tới 70-80% thức ăn đường phố, trong đó có quà vặt cổng trường được xác định là bị nhiễm khuẩn, như: E.coli, gây tiêu chảy, bệnh đường ruột...

Ngoài nguy cơ ngộ độc cấp tính, gây tiêu chảy, nôn mửa, đau đầu, khó thở…, các loại thực phẩm không rõ nguồn gốc, sản xuất không đúng quy trình bày bán ở gần cổng các trường học còn tiềm ẩn nhiều mối nguy hại lâu dài cho sức khỏe mà không có biểu hiện ngay ra bên ngoài, gây ra các bệnh mạn tính, như: Béo phì, tim mạch, đái tháo đường, thậm chí gây ung thư.

Cần ngăn chặn thực phẩm bẩn trước cổng trường học

Mặc dù các ngành chức năng và nhà trường đã liên tục cảnh báo về việc đảm bảo an toàn thực phẩm phòng tránh ngộ độc, nhiều trường còn có chủ trương cấm học sinh ăn quà vặt và đánh nặng vào thành tích thi đua của từng lớp, thế nhưng, việc ngăn chặn, dẹp bỏ những hàng quán ăn vặt trước cổng trường vẫn là vấn đề nan giải.

Theo công an Hà Nội , nhiều loại đồ ăn vặt, nước ngọt không kiểm soát được các hóa chất, chất phụ gia độc hại đang được bán ở nhiều cổng trường học, phần nhiều trong số này không có nhãn mác hoặc có nhãn mác chữ nước ngoài. Giá của những đồ ăn vặt này rất rẻ so với học sinh, chỉ 1.000-5.000 đồng mỗi loại. 

Đây là nguyên nhân có thể gây ra các vụ ngộ độc cho học sinh. Các loại đồ ăn, thức uống bày bán ở cổng trường học rất phong phú, màu sắc bắt mắt, rẻ tiền và hấp dẫn trẻ nhỏ, như: Nem tôm thịt hổ, que cay, thạch dừa, nước ngọt có ga…

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo thông tin, thời gian gần đây, tại một số tỉnh, thành phố xảy ra tình trạng học sinh có dấu hiệu bị ngộ độc sau khi ăn “kẹo lạ” mua ở khu vực ngoài cổng trường học, gây ảnh hưởng đến an ninh, an toàn trường học và sức khỏe của học sinh.

Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đề nghị trưởng phòng giáo dục và đào tạo các quận, huyện, thị xã; hiệu trưởng các các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố cần tập trung thực hiện đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến cha mẹ học sinh và học sinh. Học sinh không mua, ăn đồ ăn không rõ nguồn gốc xuất xứ, đồng thời phổ biến cha mẹ học sinh cần lưu tâm, tăng cường quản lý tình hình học tập, sinh hoạt của con em.

Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cũng đề nghị các đơn vị, trường học chỉ đạo cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh nêu cao tinh thần trách nhiệm, chủ động phát hiện các cơ sở quanh khu vực cổng trường kinh doanh sản phẩm, thực phẩm không rõ nguồn gốc và báo cho chính quyền địa phương để có biện pháp ngăn chặn kịp thời.

Để bảo đảm an toàn sức khỏe, học sinh cần có ý thức về việc sử dụng thực phẩm, các gia đình cũng nên bố trí cho con ăn uống tại nhà đầy đủ và chuẩn bị các đồ ăn nhẹ đáp ứng nhu cầu của con em.

Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cũng cần kiểm soát chặt chẽ hơn nữa chất lượng những sản phẩm được bán trên thị trường, thường xuyên thanh tra, kiểm tra các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, kịp thời giải tỏa những hàng quán không đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm, đặc biệt là những hàng quán bày bán ở khu vực quanh trường học.

Vì tương lai con trẻ, để hạn chế nguy cơ mất vệ sinh an toàn thực phẩm từ các loại thực phẩm bày bán ở cổng trường, thiết nghĩ, các ngành chức năng cần hành động cương quyết hơn; thường xuyên kiểm tra, xử lý đối với các cá nhân buôn bán hàng rong vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm và cố tình lấn chiếm vỉa hè, lòng đường làm nơi bán hàng.

Đối với các nhà trường cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục cho học sinh kiến thức về vệ sinh an toàn thực phẩm; đưa vào nội quy, quy định cấm học sinh mua đồ ăn trước cổng trường. Đồng thời, có biện pháp kiểm soát, nhắc nhở, phối hợp với các bậc phụ huynh để xử lý học sinh vi phạm.

Còn từ phía gia đình, các bậc phụ huynh cũng cần nhắc nhở, khuyến cáo con trước các món đồ ăn vặt ngoài cổng trường, đặc biệt là những đồ ăn lạ, mầu sắc… Cha mẹ cũng cần kiểm soát tiền của con. Việc học sinh hằng ngày mang tiền đi học, dù chỉ năm, mười nghìn đồng cũng có thể là khởi đầu cho một thói quen ăn quà vặt không lành mạnh, có nguy cơ ngộ độc, rước bệnh vào thân…

Trúc Thi

Bình luận

Nổi bật

Tăng sức cạnh tranh, chống hàng giả từ truy xuất nguồn gốc hàng hoá

Tăng sức cạnh tranh, chống hàng giả từ truy xuất nguồn gốc hàng hoá

sự kiện🞄Thứ sáu, 26/04/2024, 20:54

(CL&CS) - Thời gian qua, lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý nhiều vụ việc về hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ… nên những giải pháp về truy xuất nguồn gốc được khuyến nghị thực hiện nhằm bảo vệ thương hiệu của doanh nghiệp.

Nguyên tắc “một bước trước - một bước sau” trong truy xuất nguồn gốc hàng hóa

Nguyên tắc “một bước trước - một bước sau” trong truy xuất nguồn gốc hàng hóa

sự kiện🞄Thứ sáu, 19/04/2024, 15:09

(CL&CS) - “Một bước trước- một bước sau” là nguyên tắc truy xuất nguồn gốc mà tổ chức, cá nhân phải lưu giữ thông tin để bảo đảm khả năng giám sát, nhận diện được công đoạn sản xuất, kinh doanh trước và công đoạn sản xuất, kinh doanh tiếp theo trong quá trình sản xuất, kinh doanh đối với một sản phẩm được truy xuất nguồn gốc...

Dữ liệu truy xuất nguồn gốc hàng hóa phải đủ 10 thông tin cơ bản

Dữ liệu truy xuất nguồn gốc hàng hóa phải đủ 10 thông tin cơ bản

sự kiện🞄Thứ hai, 15/04/2024, 17:01

(CL&CS) - Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành quy định dữ liệu truy xuất sản phẩm, hàng hóa phải tối thiểu 10 thông tin cơ bản giúp người tiêu dùng biết rõ nguồn gốc hàng hóa.