Thứ tư, 29/05/2024, 10:58 AM

Ninh Bình: Lấy du lịch, công nghiệp văn hóa gắn với kinh tế di sản làm mũi nhọn

(CL&CS) - Ngày 28/5, tại tỉnh Ninh Bình, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Ninh Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Ninh Bình - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Ninh Bình - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Cùng tham dự Hội nghị có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình Đoàn Minh Huấn; lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và địa phương; đại diện đại sứ quán các nước, các tổ chức quốc tế, các doanh nghiệp, nhà đầu tư.

Quy hoạch tỉnh Ninh Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được phê duyệt tại Quyết định 218/QĐ-TTg ngày 4/3/2024 của Thủ tướng Chính phủ.

Quy hoạch Ninh Bình lựa chọn mô hình phát triển "xanh" dựa trên các ngành kinh tế trụ cột, các hành lang phát triển, các nhiệm vụ trọng tâm, đột phá.

Trong đó, 4 ngành kinh tế trụ cột gồm: (1) Lấy du lịch, công nghiệp văn hóa gắn với kinh tế di sản làm mũi nhọn; (2) Lấy công nghiệp cơ khí ô tô làm động lực thúc đẩy một số ngành công nghiệp công nghệ cao; (3) Lấy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo làm đột phá; (4) Lấy nông nghiệp sinh thái, đa giá trị làm trụ đỡ.

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ vui mừng được dự sự kiện tại Ninh Bình - vùng đất Cố đô ngàn năm lịch sử, "địa linh nhân kiệt", gắn liền với nhiều danh thắng nổi tiếng mang tầm dân tộc và nhân loại; là nơi bảo tồn, lưu giữ nhiều giá trị văn hóa đặc sắc; chứng nhân của một giai đoạn lịch sử hào hùng thể hiện bản lĩnh, khí phách Đại Cồ Việt.

Thủ tướng đánh giá cao việc tổ chức và cơ bản thống nhất với nội dung Hội nghị; bày tỏ sự ấn tượng với khát vọng, ý chí, quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Ninh Bình trong triển khai Quy hoạch tỉnh; đồng thời nhấn mạnh một số nội dung trọng tâm về công tác quy hoạch nói chung và thực hiện quy hoạch tỉnh Ninh Bình nói riêng.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo hội nghị. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo hội nghị. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Thủ tướng khẳng định Ninh Bình có nhiều tiềm năng, lợi thế, là tỉnh nằm ở cực Nam đồng bằng sông Hồng, có vị trí chiến lược quan trọng cả về chính trị, kinh tế và quốc phòng - an ninh; điểm giao cắt giữa 3 vùng (Vùng Đồng bằng sông Hồng - Vùng rừng núi Tây Bắc và Vùng duyên hải Bắc Trung Bộ).

Tỉnh là vùng đất "địa linh nhân kiệt", nhiều giá trị văn hóa - lịch sử - sinh thái tự nhiên độc đáo, đặc sắc riêng có: Có Cố đô Hoa Lư với di sản lịch sử - văn hóa đồ sộ, đặc sắc, phong phú, chứa đựng những giá trị độc đáo; là một trong 8 tỉnh, thành phố có Di sản thế giới và là địa phương duy nhất của Việt Nam và khu vực Đông Nam Á sở hữu di sản hỗn hợp văn hóa và thiên nhiên - Quần thể danh thắng Tràng An, Vườn Quốc gia Cúc Phương..., nhiều nghề thủ công truyền thống đa dạng.

Ninh Bình cũng là 1 trong 3 trung tâm công nghiệp cơ khí ô tô lớn, hiện đại của đất nước; 1 trung tâm chế biến rau quả hàng đầu Việt Nam.

Dịch vụ của tỉnh phát triển mạnh mẽ, với du lịch trở thành điểm sáng, nhiều năm liền giữ vững vị trí trong nhóm 15 điểm đến hàng đầu và 10 tỉnh thu hút lượng khách cao nhất cả nước, đang dần trở thành trung tâm du lịch của quốc gia và quốc tế.

Ninh Bình là quê hương của nhiều danh nhân đất Việt tiêu biểu như: Anh hùng dân tộc Đinh Bộ Lĩnh, Vua Lê Đại Hành, Danh nhân văn hóa Trương Hán Siêu, Quốc sư Nguyễn Minh Không, Trạng Bồng Vũ Duy Thanh, Anh hùng Lương Văn Tụy, Sử gia Ninh Tốn,...

Thời gian qua, tỉnh đạt được nhiều kết quả quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. Năm 2023, kinh tế tỉnh duy trì phát triển, tốc độ tăng trưởng GRDP ước đạt 7,27%, đứng thứ 8 trong Vùng Đồng bằng sông Hồng và đứng thứ 22 toàn quốc; quý I/2024 tiếp tục tăng ở mức 8,02%. Từ năm 2022 tỉnh Ninh Bình thực hiện tự chủ về ngân sách (năm 2023 xếp 26/63, ước đạt 16.144 tỷ đồng); xuất khẩu xếp 23/63.

Từ một tỉnh thuần nông, đến nay, công nghiệp và dịch vụ đã chiếm tỉ trọng hơn 80% trong cơ cấu kinh tế. Công nghiệp thực sự đã trở thành động lực trong tăng trưởng. Du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần tích cực vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế nhanh và bền vững của tỉnh. Hạ tầng kinh tế - xã hội được quan tâm đầu tư, nâng cấp, nhất là hạ tầng giao thông.

Công tác xây dựng nông thôn mới được triển khai quyết liệt, đồng bộ, đạt được nhiều kết quả tích cực (đã có 100% xã và 100% huyện, thành phố của tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới). Công tác đảm bảo an sinh xã hội được chú trọng, tỉ lệ hộ nghèo, cận nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025 ở mức thấp (đến hết năm 2023 lần lượt là 1,86% và 2,27%; GRDP bình quân đầu người xếp 24/63).

Giáo dục - đào tạo được quan tâm, chú trọng phát triển toàn diện cả quy mô và chất lượng. Quốc phòng, quân sự địa phương được tăng cường; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; hoạt động đối ngoại mở rộng...

Theo Thủ tướng, đây chính là nền tảng vững chắc để Ninh Bình tiếp tục khẳng định vị thế của mình trên con đường phát triển và hội nhập. Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng ghi nhận và nhiệt liệt biểu dương những thành tựu mà Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Ninh Bình đã đạt được trong suốt chặng đường phát triển, đổi mới vừa qua, đóng góp tích cực vào thành công chung của cả nước.

Tuy nhiên, tỉnh còn những tồn tại, hạn chế, khó khăn, thách thức. Quy mô kinh tế nhỏ so với các tỉnh trong khu vực. Đô thị hóa thấp (dân số thành thị mới chiếm 21,5%, dân số nông thôn chiếm 78,5%). Việc phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ… cần đầu tư hơn nữa. Công tác giải phóng mặt bằng và triển khai một số dự án còn chậm. Tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội còn tiềm ẩn phức tạp…

Theo Thủ tướng, Quy hoạch tỉnh đã mở ra đường hướng, tầm nhìn và không gian phát triển mới, tạo động lực, giá trị mới cho Ninh Bình trong bức tranh chung của các tỉnh, thành phố trong khu vực và trên cả nước.

Quy hoạch tỉnh đã lựa chọn mô hình phát triển "xanh" dựa trên 4 ngành kinh tế trụ cột, 3 hành lang phát triển. Thủ tướng cho rằng, đây là lựa chọn hết sức đúng đắn, mang tầm chiến lược, có ý nghĩa quyết định cho sự phát triển nhanh, bền vững của tỉnh Ninh Bình trong thời gian tới.

Theo người đứng đầu Chính phủ, để thực hiện Quy hoạch, tỉnh Ninh Bình cần chú trọng, tập trung thực hiện "1 trọng tâm, 2 quyết tâm, 3 động lực".

"Một trọng tâm" là huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực hợp pháp để thực hiện quy hoạch, lấy nguồn lực bên trong là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định, nguồn lực bên ngoài là quan trọng và đột phá, trong đó nguồn lực quan trọng nhất vẫn là con người, phát huy tối đa tính tự lực, tự cường, truyền thống lịch sử, văn hoá hào hùng của vùng đất Cố đô Hoa Lư.

"Hai quyết tâm" gồm: (1) Quyết tâm đầu tư, phát triển yếu tố con người, nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài để đi lên từ "bàn tay, khối óc, khung trời, cửa biển" của mình, bảo đảm an sinh xã hội, không để ai bị bỏ lại phía sau; (2) Quyết tâm phát huy vai trò kết nối của 3 vùng (Vùng Đồng bằng sông Hồng - Vùng rừng núi Tây Bắc và Vùng duyên hải Bắc Trung Bộ) về kinh tế, giao thông, hạ tầng, hệ thống sản xuất và cung ứng theo chuỗi…

"Ba động lực" gồm: (1) Phát triển hạ tầng chiến lược; (2) Phát triển công nghiệp và dịch vụ, trong đó có công nghiệp ô tô, công nghiệp văn hóa, kinh tế di sản; (3) Thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ, phát triển các ngành, lĩnh vực mới nổi, đột phá vào các động lực tăng trưởng mới như kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức, ứng phó biến đổi khí hậu, phát triển bền vững.

Đồng thời, tỉnh Ninh Bình cần phải lưu ý bảo đảm tính tuân thủ, tính đồng bộ, tính liên kết, tính ổn định, kế thừa, phát triển, tính linh hoạt, mở rộng của quy hoạch.

Phân tích thêm về một số nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, Thủ tướng nhấn mạnh, tỉnh cần dựa vào công nghiệp và dịch vụ để bứt phá, chú trọng xây dựng giá trị thương hiệu di sản, du lịch.

Nhấn mạnh Cố đô Hoa Lư, rừng Cúc Phương, Tràng An, Tam Cốc – Bích Động… là những tài sản vô giá, Thủ tướng cho biết Đảng, Nhà nước đã có chủ trương, tỉnh Ninh Bình cần mạnh dạn đổi mới tư duy, nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách, tổ chức đấu thầu quản lý, khai thác các di sản để đẩy mạnh hợp tác công tư, phát huy tối đa sức mạnh của nhân dân, của doanh nghiệp.

Về hạ tầng giao thông, Thủ tướng yêu cầu Ninh Bình phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương để khẩn trương hoàn thành tuyến đường cao tốc ven biển Hải Phòng – Thái Bình – Nam Định – Ninh Bình, con đường kết nối di sản…

Thủ tướng nêu rõ, cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý đã có, tiềm năng, định hướng phát triển đã được xác định, giải pháp đã rõ, vấn đề còn lại mang tính quyết định đó là tổ chức thực hiện hiệu quả với tư duy, tính năng động, sáng tạo, quyết tâm chính trị và trách nhiệm của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Ninh Bình, huy động trí tuệ, sức mạnh của con người Ninh Bình cho sự phát triển.

Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Phạm Quang Ngọc phát biểu tại Hội nghị - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Phạm Quang Ngọc phát biểu tại Hội nghị - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Để triển khai Quy hoạch được thiết thực, hiệu quả, Thủ tướng đề nghị tỉnh lưu ý phải khẩn trương xây dựng, ban hành, triển khai tích cực, hiệu quả kế hoạch thực hiện Quy hoạch.

Thủ tướng đề nghị UBND tỉnh mạnh dạn trình Hội đồng nhân dân tỉnh xem xét, quyết định những nội dung thuộc thẩm quyền với tinh thần "chính sách thông thoáng, hạ tầng thông suốt, quản trị thông minh".

Với cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư, Thủ tướng đề nghị phát huy tinh thần "ba cùng": "Cùng lắng nghe, thấu hiểu"; "cùng sẻ chia tầm nhìn và hành động"; "cùng làm, cùng thắng, cùng hưởng và cùng phát triển"; xây dựng chiến lược kinh doanh lâu dài, bền vững, thực hiện đúng cam kết đầu tư, thoả thuận hợp tác; tuân thủ pháp luật, thực hiện tốt văn hóa, đạo đức kinh doanh, trách nhiệm xã hội, tham gia vào công tác an sinh xã hội, bảo đảm đời sống cho người lao động.

Thủ tướng đề nghị cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư cùng các bộ, ngành, các cấp chính quyền tỉnh Ninh Bình và các địa phương "đã nói thì phải làm, đã cam kết thì phải thực hiện, đã thực hiện thì phải ra sản phẩm, có kết quả thực chất, cân - đong - đo - đếm và lượng hóa được"; góp phần củng cố niềm tin, tạo khí thế mới, động lực mới cho phát triển.

Việc triển khai thực hiện quy hoạch là nhiệm vụ quan trọng, dài hạn, với không ít thuận lợi và khó khăn. Song Thủ tướng tin tưởng rằng, với truyền thống lịch sử - văn hoá, ý chí, khát vọng và lòng tự hào, tự trọng của vùng đất Cố đô, cùng với tinh thần đoàn kết, năng động, sáng tạo của toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Ninh Bình, với thành tựu đạt được và tiếp nối đà phát triển mới trong những năm qua, với sự chung sức, đồng lòng, nỗ lực lớn, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị tỉnh, sự hỗ trợ, phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành Trung ương, sự tham gia của các nhà đầu tư, doanh nghiệp, sự ủng hộ của bạn bè quốc tế, sự tin tưởng, ủng hộ của nhân dân, tỉnh Ninh Bình sẽ phát triển nhanh, bền vững, vươn lên mạnh mẽ, trở thành cực tăng trưởng các tỉnh phía nam đồng bằng sông Hồng, hướng tới trở thành thành phố trực thuộc Trung ương văn minh, hiện đại, thông minh, có bản sắc riêng, ngang tầm các đô thị di sản thiên niên kỷ trên thế giới.

Thuý Đào

Bình luận

Nổi bật

Thủ tướng yêu cầu công khai danh sách các cơ sở không đảm bảo phòng cháy chữa cháy

Thủ tướng yêu cầu công khai danh sách các cơ sở không đảm bảo phòng cháy chữa cháy

sự kiện🞄Thứ ba, 25/06/2024, 14:27

(CL&CS)- Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Chỉ thị 19 ngày 24/6/2024 về tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy đối với nhà ở nhiều tầng, nhiều căn hộ, nhà ở riêng lẻ kết hợp sản xuất, kinh doanh.

Quốc hội phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2022

Quốc hội phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2022

sự kiện🞄Thứ hai, 24/06/2024, 15:44

(CL&CS) - Chiều 24/6, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV - tại Nhà Quốc hội, Quốc hội Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2022 và thảo luận ở hội trường về dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp.

Thủ tướng yêu cầu tăng cường các biện pháp quản lý, điều hành giá

Thủ tướng yêu cầu tăng cường các biện pháp quản lý, điều hành giá

sự kiện🞄Thứ hai, 24/06/2024, 14:44

(CL&CS) - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Chủ tịch UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương tăng cường các biện pháp quản lý, điều hành giá.