Những người 'giữ lửa' nghề dệt thổ cẩm truyền thống ở Kon Tum
(CL&CS) - Bên mái nhà sàn, trong bộ trang phục truyền thống những người phụ nữ DTTS ở Kon Tum ngày ngày miệt mài bên khung cửi. Không chỉ tạo ra các sản phẩm thổ cẩm mang giá trị văn hóa đặc sắc, họ còn cùng nhau chỉ dạy cho con, cháu lưu truyền nghề dệt qua nhiều thế hệ.
Nhằm níu giữ và làm sống dậy sắc màu thổ cẩm của dân tộc, những nữ nghệ nhân người Jrai ở xã Ya Tăng, huyện Sa Thầy (tỉnh Kon Tum) ngày ngày miệt mài bên khung cửi, tỉ mỉ hướng dẫn cho các con, cháu và người dân trong làng cách se chỉ, dệt…
Bà Y Rỗi (73 tuổi, làng Lút, xã Ya Tăng) là một trong những nghệ nhân đã và đang giữ gìn, bảo tồn nghề dệt truyền thống của dân tộc. Trong ngôi nhà nhỏ của bà Y Rỗi ngổn ngang những khung cửi, chỉ màu, cùng những sản phẩm thổ cẩm rất tinh xảo do chính tay bà tạo ra.
“Từ nhỏ, chị em mình đã được mẹ và các bà trong làng cách dệt thổ cẩm. Mẹ bảo đã là phụ nữ ít nhiều cũng phải biết ngồi vào khung, se chỉ, dệt vải. Ngày ấy, con gái Jrai mình ai cũng biết dệt thổ cẩm. Lúc đầu, mình được tập dệt những vật dụng đơn giản như khăn, khố. Sau khi có kinh nghiệm thì phải làm tất cả các công đoạn từ lên rừng hái quả, vỏ cây để nhuộm, phối màu đến dệt những bộ trang phục truyền thống của dân tộc”, bà Rỗi cho hay.
Bà Y Rỗi kéo sợi dệt vải
Theo bà Y Rỗi, để hoàn thành một tấm thổ cẩm tốn rất nhiều thời gian. Bắt đầu từ bước kéo sợi, người dệt cần tách bông ra khỏi hạt, ép bông, đánh bông, làm cho bông mịn và trắng. Tiếp đó là quay sợi bông và kéo sợi chỉ, kéo đến đâu thì cuộn đến đó thành ống chỉ hoặc hình tròn…
Những năm gần đây, bà con ở làng có đời sống hiện đại, nên người dân dần thay những sản phẩm thổ cẩm truyền thống bằng những chiếc quần jean, áo sơ mi... hoặc đặt mua thổ cẩm từ nơi khác, khiến cho nghề dệt thổ cẩm ở làng đứng trước nguy cơ mai một.
Với quyết tâm không để nghề dệt bị mai một, bà Y Rỗi đã đến từng nhà, động viên từng người phụ nữ trở lại với khung cửi nhưng chỉ nhận được những cái lắc đầu từ chối. Sau nhiều ngày kiên trì vận động, thuyết phục phụ nữ trong làng, một vài người đã đồng ý bắt đầu quay lại với nghề dệt.
Tấm thổ cẩm đẹp và bắt mắt đang được hoàn thiện
Tương tự bà Y Blúi (trú tại làng Trấp, xã Ya Tăng) cũng rất tha thiết lưu giữ nghề dệt thổ cẩm qua hình thức mẹ truyền-con nối nhưng bà đã từng thất vọng khi các con không mấy mặn mà với nghề này. Thế nhưng, rồi những nỗ lực của bà Blúi cũng đã được đền đáp. Sau nhiều tháng, con gái và con dâu của bà đều đã làm quen với khung cửi, thành thạo những bước cơ bản trong dệt thổ cẩm.
“Hy vọng, nghề dệt thổ cẩm sẽ được gìn giữ như một tài sản quý báu của người Jrai nói chung, gia đình mình nói riêng. Để các con thay đổi suy nghĩ, trong các ngày hội do địa phương tổ chức, mình đều dẫn các con tham gia và chỉ rõ từng chi tiết quy trình dệt để các con hiểu. Đó cũng là cách mà mình thu hút các con yêu thích và học nghề dệt”, bà Blúi trải lòng.
Những người phụ nữ Jrai ngày đêm miệt mài bên khung cửi giữ gìn nghề dệt truyền thống
Ông Trần Văn Tiên-Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện Sa Thầy cho biết: “Nghề dệt thổ cẩm là nét đẹp văn hóa đặc trưng trong đời sống sinh hoạt của đồng bào Jrai. Tại xã Ya Tăng, nghề dệt thổ cẩm được chị em phụ nữ lưu truyền và phát triển. Để gìn giữ và phát huy nghề tại địa phương, cấp ủy và chính quyền đã tích cực tuyên truyền, vận động, khuyến khích các nghệ nhân truyền dạy cho thế hệ trẻ, nhất là các con cháu trong gia đình”.
Gần 20 năm qua, bà Y Hen (65 tuổi, trú tại làng Đăk Rơ Chót, xã Đăk La, huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum) đã truyền cảm hứng, dạy nghề dệt thổ cẩm cho gần 300 người phụ nữ trong và ngoài làng Đăk Rơ Chót.
Năm 2013, với mong muốn bảo tồn và phát huy nghề dệt thổ cẩm truyền thống người Rơ Ngao (dân tộc Ba Na), bà Y Hen đã tiên phong vận động chị em phụ nữ trong làng thành lập tổ dệt thổ cẩm với gần 20 thành viên. Hơn 10 năm qua, tiếng dệt vải vẫn đều nhịp dưới mỗi nếp nhà. Các mẹ, các chị cần mẫn dệt váy, áo phục vụ nhu cầu gia đình và bán kiếm thêm thu nhập, bình quân mỗi sản phẩm có giá từ 500 đến 1 triệu đồng.
Ngoài việc bảo tồn bản sắc dân tộc, nghề dệt thổ cẩm còn giúp các chị em có thêm nguồn thu nhập, góp phần nâng cao đời sống gia đình
Chia sẻ với PV, bà Y Hen cho biết: “Hàng năm, tổ dệt bán được khoảng hơn 10 bộ váy, áo. Tuy số lượng còn ít nhưng với niềm đam mê và trách nhiệm gìn giữ nghề truyền thống nên cứ rảnh là chị em trong làng lại ngồi dệt. Chúng tôi luôn tỉ mỉ từng họa tiết, hoa văn trên váy, áo để vừa nâng tầm giá trị sản phẩm và được nhiều người mua đánh giá cao. Từ đó, sản phẩm sẽ được nhiều người biết đến, nghề dệt thổ cẩm truyền thống của làng sẽ không bị mai một”.
Ngoài việc vận động chị em tham gia tổ dệt, bà Y Hen còn cùng các nghệ nhân dệt trong làng hướng dẫn, truyền dạy cho những thế hệ trẻ về kỹ thuật dệt. Theo bà Hen, dệt thổ cẩm là thước đo sự khéo léo của người con gái Rơ Ngao, bà luôn mong muốn truyền lại cho con cháu và những người trẻ trong làng để gìn giữ nghề dệt. Nhờ sự hướng dẫn nhiệt tình của các nghệ nhân như bà Hen, đến nay làng Đăk Rơ Chót đã có hơn 80% phụ nữ biết dệt thổ cẩm (trong đó, độ tuổi 15 - 25 chiếm hơn 40%).
Theo Nhà báo và công luận
- ▪Bảo tồn truyền thống dân tộc Tày xóm bản Đông: Tạo điểm nhấn bản sắc văn hóa riêng biệt gắn với du lịch bền vững
- ▪Bảo tồn, phát triển các môn thể thao dân tộc, trò chơi dân gian
- ▪Hỗ trợ bảo tồn, phát huy văn hóa dân tộc Dao tại Hoà Bình, Bắc Kạn
- ▪Xây dựng mô hình bảo tồn trang phục truyền thống dân tộc Khơ Mú
Bình luận
Nổi bật
Ghé thăm một nước Lào yên bình những ngày cuối năm
sự kiện🞄Thứ năm, 21/11/2024, 15:23
(CL&CS) - Những ngôi chùa trang nghiêm, đậm chất Phật giáo, những thác nước kỳ vĩ và những dòng sông thơ mộng là những điều khiến du khách ấn tượng khi đến với Lào. Nhưng đất nước này đâu chỉ có thế, bởi điều khiến cho Lào trở thành một trong những điểm đến nhất định phải ghé thăm một lần trong đời chính là sự bình yên không đâu có được, cùng nụ cười hiền hậu, mến khách của người dân nơi đây.
Hai tượng sư tử đá thành Đồ Bàn được công nhận là bảo vật quốc gia
sự kiện🞄Thứ năm, 21/11/2024, 15:05
(CL&CS) - Hai tượng sư tử đá thành Đồ Bàn (Bình Định) có niên đại cuối thế kỷ 11 đến đầu thế kỷ 12 làm bằng đá sa thạch, vừa được công nhận là bảo vật quốc gia.
Liên hoan ẩm thực Quốc tế 2024: Kết nối các nền văn hóa qua những câu chuyện ẩm thực
sự kiện🞄Thứ năm, 21/11/2024, 14:30
(CL&CS)- Liên hoan Ẩm thực Quốc tế 2024 là điểm hẹn vừa tôn vinh những hương vị tinh túy, vừa để khẳng định sức mạnh kết nối của ẩm thực.
anh đứcLorem ipsum dolor sit amet, consectetur adipisicing elit. Quis cum, ut esse cupiditate autem. Dolor est dolorem sunt, sequi omnis corporis cumque ratione accusamus ex deserunt, molestiae consequuntur natus beatae.