Những khó khăn khi các doanh nghiệp áp dụng TQM tại Việt Nam
(CL&CS)- Từ thực tiễn áp dụng TQM tại các doanh nghiệp Việt Nam cho thấy, trong quá trình áp dụng hệ thống quản lý chất lượng toàn diện còn có không ít khó khăn và hạn chế.
Hệ thống quản lý chất lượng toàn diện TQM hiện đang là một công cụ quan trọng giúp doanh nghiệp nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ để đáp ứng nhu cầu của khách hàng.
Những khó khăn khi các doanh nghiệp áp dụng TQM tại Việt Nam
Ngày nay, mô hình quản lý chất lượng toàn diện gọi tắt là TQM được nhiều nước trên thế giới đánh giá là một phương pháp quản lý chất lượng mang lại hiệu quả cao. Sau khi được áp dụng thành công tại Nhật Bản, các doanh nghiệp ở nhiều quốc gia cũng đã tìm đến và triển khai áp dụng TQM. Ở tại Việt Nam, mô hình này cũng đang được triển khai tại nhiều doanh nghiệp nhưng lại đang gặp những thách thức không nhỏ.
Lãnh đạo còn yếu kiến thức về TQM: Nhận thức được xem là rào cản lớn nhất đối với các doanh nghiệp khi tiếp cận hệ thống quản lý TQM. Một cuộc khảo sát với 45 doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn Hà Nội cho thấy 40/45 doanh nghiệp cho rằng lý do khiến họ khó tiếp cận và xây dựng hệ thống TQM là do không hiểu rõ về hệ thống này. Một trong các nguyên nhân của tình trạng này xuất phát từ trình độ quản lý và trình độ quản lý chất lượng của các chủ doanh nghiệp. Họ còn quá yếu trong các kiến thức về quản lý chất lượng cũng như áp dụng các công cụ quản lý chất lượng.
Hầu hết các nhà quản lý doanh nghiệp đều hiểu rằng để đảm bảo cho chất lượng sản phẩm thì cần phải quản lý tốt ở các khâu, các quá trình và các bộ phận, tuy nhiên việc quản lý đó như thế nào, áp dụng tiêu chuẩn hay các công cụ nào thì các nhà lãnh đạo cũng không thể nắm rõ được hết. Do đó khi triển khai TQM trong các doanh nghiệp sẽ gặp nhiều khó khăn mà chủ yếu là từ việc chỉ đạo không sát sao của ban lãnh đạo trong quá trình triển khai.
Hạn chế về tài chính: Kết quả điều tra chỉ rõ, chỉ có 26/45 doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Hà Nội khẳng định khả năng sẵn sàng chi trả cho việc áp dụng hệ thống TQM. Còn 19/45 doanh nghiệp trả lời chưa sẵn sàng chi trả cho hoạt động áp dụng hệ thống này, nguồn vốn tài chính của họ chủ yếu tập trung cho hoạt động sản xuất và kinh doanh.
Qua đó có thể thấy, hầu hết các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt nam đều có năng lực tài chính thấp thể hiện ở chỗ: cơ sở vật chất còn nghèo nàn, thiếu thốn, trang thiết bị kỹ thuật lạc hậu, không có nơi sản xuất ổn định hay trình độ chuyên môn và quản lý còn thấp. Chính vì thế, họ khó có thể đầu tư cho hoạt động sản xuất, kinh doanh chứ chưa nói tới đầu tư cho việc quản lý chất lượng. Bởi, để xây dựng hệ thống TQM đòi hỏi các doanh nghiệp phải đầu tư một khoản chi phí rất lớn, bao gồm chi phí cho hoạt động tư vấn, đào tạo TQM, tổ chức thực hiện, kỹ thuật áp dụng, phần mềm thống kê, hoạt động quản lý và hành chính…
Khó khăn về thói quen lao động và môi trường làm việc: Môi trường làm việc nhóm của người lao động trong các doanh nghiệp còn hạn chế. Mọi người vẫn chưa quen với việc làm việc nhóm và thường thích làm việc một cách độc lập trong công việc. Trong khi đó, TQM cần huy động sự tham gia của tất cả mọi người vào hoạt động cải tiến chất lượng thông qua hoạt động của nhóm kiểm soát chất lượng. Tuy nhiên, đó chưa hẳn là đặc điểm của người lao động mà có thể do những người lao động này chưa được đào tạo về cách thức hoạt động nhóm, các kỹ năng làm việc nhóm và các công cụ cần phải áp dụng trong quá trình làm việc nhóm.
Đồng thời, TQM còn đòi hỏi nhà quản lý phải xây dựng được các mối quan hệ cởi mở, thân mật và phát huy tinh thần sáng tạo của nhân viên. Vì vậy, để việc áp dụng hệ thống TQM đạt hiệu quả nhất, các doanh nghiệp cần huấn luyện về cách thức, kỹ năng làm việc nhóm và các công cụ cần phải áp dụng cho quá trình làm việc nhóm.
Hạn chế về trình độ của lao động: Việc trang bị cho người lao động các công cụ để tham gia vào quá trình cải tiến chất lượng còn ở mức hạn chế. Những người công nhân trong các doanh nghiệp có trình độ hạn chế, hầu hết đều là công nhân phổ thông và học nghề nên việc tìm hiểu các công cụ cải tiến chất lượng cũng sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Trong khi đó việc đào tạo của doanh nghiệp hay bên ngoài cũng chưa được phù hợp cho đối tượng người học là những người công nhân này. Do đó việc họ tham gia vào các hoạt động của nhóm kiểm soát chất lượng cũng sẽ gặp rất nhiều khó khăn.
Ngại tiếp cận với cách quản lý mới: Ngại tiếp cận với cách quản lý mới chính là rào cản lớn khi doanh nghiệp triển khai TQM. Đặc biệt là khi doanh nghiệp đã tồn tại và hoạt động theo các mô hình quản lý truyền thống từ trước. Cả lãnh đạo và nhân viên có thể phản đối sự thay đổi vì không chắc chắn và sợ hãi về những thách thức phải đối mặt khi thay đổi.
Nhân viên có thể đối mặt việc thích nghi với các quy trình mới và lãnh đạo có thể ngần ngại với việc thay đổi cách họ quản lý doanh nghiệp trước đó. Điều này không chỉ tạo khó khăn trong quá trình triển khai TQM mà còn có thể dẫn tới mất cơ hội cạnh tranh do mô hình quản lý lạc hậu.
Với vai trò ngày càng cao của chất lượng sản phẩm trong việc thỏa mãn các yêu cầu của khách hàng, TQM đang trở thành một công cụ quan trọng cho các doanh nghiệp bước vào nền kinh tế thị trường cạnh tranh khốc liệt ngày nay. Việc tìm được giải pháp để hạn chế các vật cản trên sẽ là yêu cầu tiên quyết trước tiên của các doanh nghiệp khi muốn đưa mô hình TQM vào sản xuất và phát huy được lợi ích của mô hình này.
Thế Anh
- ▪Phương thức quản lý chất lượng toàn diện TQM giúp doanh nghiệp cải tiến quy trình làm việc
- ▪Hệ thống ISO 9001:2015 và 7 nguyên tắc quản lý chất lượng
- ▪Nâng cao khả năng quản lý chất lượng vật liệu xây dựng
- ▪Bắc Giang hướng dẫn triển khai quy định về quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng
Bình luận
Nổi bật
Những khó khăn khi các doanh nghiệp áp dụng TQM tại Việt Nam
sự kiện🞄Thứ hai, 16/12/2024, 06:56
(CL&CS)- Từ thực tiễn áp dụng TQM tại các doanh nghiệp Việt Nam cho thấy, trong quá trình áp dụng hệ thống quản lý chất lượng toàn diện còn có không ít khó khăn và hạn chế.
Nguồn cung bất động sản mới tại TP HCM thấp nhất trong 5 năm qua
sự kiện🞄Chủ nhật, 15/12/2024, 08:33
Theo Savills Việt Nam, nguồn cung căn hộ và bất động sản gắn liền với đất tại TP.HCM trong năm 2024 là thấp nhất trong 5 năm qua. Phần lớn, những dự án mở bán trong năm 2024 đều từ phân khúc trung cấp trở lên nên tình hình hoạt động cũng không khả quan.
Nhiều doanh nghiệp Việt vươn lên trở thành niềm tự hào quốc gia
sự kiện🞄Chủ nhật, 15/12/2024, 08:33
(CL&CS) - Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp trong nước đã vươn lên mạnh mẽ, mở rộng thị phần và khẳng định vị trí trên thị trường, đơn cử như: VinFast trong ngành xe điện, Hòa Phát trong ngành thép, Viettel trong lĩnh vực viễn thông, Vinamilk, TH trong ngành sữa, GrowMax trong ngành tôm…
2
anh đứcLorem ipsum dolor sit amet, consectetur adipisicing elit. Quis cum, ut esse cupiditate autem. Dolor est dolorem sunt, sequi omnis corporis cumque ratione accusamus ex deserunt, molestiae consequuntur natus beatae.