Chủ nhật, 15/12/2024, 08:32 AM

Đảm bảo bình ổn giá, chất lượng hàng hoá phục vụ Tết 2025

(CL&CS) - Thị trường dịp Tết là cơ hội để các doanh nghiệp thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa, tuy nhiên cần triển khai các biện pháp kiểm soát nhằm ổn định giá cả, ngăn chặn các hành vi gian lận thương mại.

Trao đổi tại tọa đàm "Hàng Việt phục vụ Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025" tổ chức vào ngày 13/12/2024, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Hà Nội Nguyễn Thế Hiệp cho biết, vào dịp cuối năm, nhu cầu hàng hóa tăng mạnh.

Vì thế, Sở đã chủ động triển khai kế hoạch đảm bảo bình ổn thị trường với hàng hóa thiết yếu.

Theo đó, các mặt hàng như gạo, thịt lợn, rau củ quả, thực phẩm chế biến sẵn… đều được dự trữ với khối lượng lớn để đảm bảo cung ứng đầy đủ cho người dân trong dịp Tết.

Ngành Công Thương Hà Nội và các doanh nghiệp dự trữ lượng hàng hóa gồm 298.350 tấn gạo, 59.670 tấn thịt lợn hơi, 19.890 tấn thịt gia cầm, 16.500 tấn thịt bò, 396 triệu quả trứng gia cầm, 331.500 tấn rau củ, 16.560 thủy sản, thực phẩm chế biến 16.560 tấn, trái cây 238.500 tấn và 1.575 tấn bánh mứt kẹo…

Để ổn định giá cả và tránh tình trạng sốt giá, Sở Công Thương đã phối hợp với các doanh nghiệp triển khai chương trình bình ổn giá, hỗ trợ các điểm bán lẻ, siêu thị, chợ truyền thống và cửa hàng tiện lợi trên địa bàn Hà Nội.

Theo ông Nguyễn Thế Hiệp, việc điều phối cung cầu một cách linh hoạt sẽ giúp người dân dễ dàng tiếp cận các sản phẩm thiết yếu với giá cả hợp lý.

Đồng thời, các chương trình khuyến mại cũng được triển khai mạnh mẽ để kích cầu tiêu dùng.

Về vấn đề này, bà Đỗ Huệ Tâm, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) cho biết, nhu cầu tiêu dùng dịp Tết năm nay dự kiến sẽ tăng khoảng 30%.

Do vậy, ngay từ tháng 10/2024, Hapro đã làm việc với các nhà cung cấp để đảm bảo đủ nguồn cung, đồng thời tăng sản lượng hàng hóa Tết lên 30% so với năm trước.

Các chương trình khuyến mại cũng được triển khai mạnh mẽ để kích cầu tiêu dùng. Ảnh: Hapro

Các chương trình khuyến mại cũng được triển khai mạnh mẽ để kích cầu tiêu dùng. Ảnh: Hapro

Bên cạnh đó, Hapro cũng đã chuẩn bị các sản phẩm đặc sản mang thương hiệu Việt, như gạo ST 25, hạt điều rang Hapro... để phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng trong dịp Tết.

Bà Nguyễn Thị Kim Dung, Giám đốc Siêu thị Co.op Mart Hà Đông cho hay, siêu thị đã tăng cường các dịch vụ mua sắm trực tuyến để phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng.

Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng tích cực tham gia vào việc đưa hàng Việt đến các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa...

Mặt khác, theo các chuyên gia, một trong những yếu tố quan trọng trong việc đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng chính là kiểm soát chất lượng hàng hóa.

Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Hà Nội nhấn mạnh, việc đảm bảo chất lượng và nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa là nhiệm vụ không thể thiếu, đặc biệt là đối với các mặt hàng thực phẩm.

Trong bối cảnh buôn lậu và gian lận thương mại gia tăng, các cơ quan chức năng như Cục Quản lý thị trường Hà Nội, Ban Chỉ đạo 389 TP Hà Nội đã triển khai các biện pháp kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Về phía doanh nghiệp, để đảm bảo chất lượng sản phẩm, Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) đã xây dựng một quy trình kiểm tra nghiêm ngặt đối với các mặt hàng đưa vào hệ thống siêu thị.

Mỗi sản phẩm, đặc biệt là các nông sản và thực phẩm chế biến sẵn, đều phải đáp ứng các tiêu chuẩn về độ tươi, chất lượng và bảo quản.

Các sản phẩm nhập khẩu phải có chứng từ đầy đủ, có tem phụ bằng tiếng Việt và phải đảm bảo an toàn thực phẩm trước khi trưng bày lên kệ.

Theo các chuyên gia, việc duy trì ổn định giá cả, bảo đảm chất lượng hàng hóa trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý và doanh nghiệp.

Trong thời gian tới, các cơ quan chức năng cho biết sẽ tiếp tục tăng cường kiểm tra, kiểm soát chất lượng và nguồn gốc hàng hóa; cũng như triển khai các giải pháp bình ổn giá, nhất là với hàng hoá thiết yếu.

Tại Nghị quyết số 233/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11/2024, Chính phủ yêu cầu yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương chủ động nắm chắc tình hình thị trường, cân đối cung cầu, giá cả hàng hóa để có giải pháp phù hợp, hiệu quả ổn định thị trường, nhất là đối với hàng hóa thiết yếu.

Qua đó bảo đảm nguồn cung vào dịp cuối năm và Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, không để thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng, tăng giá đột biến.

Chính phủ giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương tích cực tổ chức các chương trình khuyến mại tập trung trên phạm vi toàn quốc dịp cuối năm và Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025...

Theo Tạp chí Hải quan

Bình luận

Nổi bật

Đảm bảo bình ổn giá, chất lượng hàng hoá phục vụ Tết 2025

Đảm bảo bình ổn giá, chất lượng hàng hoá phục vụ Tết 2025

sự kiện🞄Chủ nhật, 15/12/2024, 08:32

(CL&CS) - Thị trường dịp Tết là cơ hội để các doanh nghiệp thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa, tuy nhiên cần triển khai các biện pháp kiểm soát nhằm ổn định giá cả, ngăn chặn các hành vi gian lận thương mại.

Xúc tiến xuất khẩu xanh: Động lực để tạo nên một nền kinh tế hiện đại, bền vững

Xúc tiến xuất khẩu xanh: Động lực để tạo nên một nền kinh tế hiện đại, bền vững

sự kiện🞄Thứ tư, 04/12/2024, 14:29

(CL&CS) - Ngày 4/12, tại Hà Nội, Bộ Công Thương đã tổ chức Diễn đàn xúc tiến xuất khẩu Việt Nam 2024 với chủ đề “Xúc tiến xuất khẩu xanh”.

Áp thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường cần được đánh giá toàn diện, phù hợp

Áp thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường cần được đánh giá toàn diện, phù hợp

sự kiện🞄Thứ ba, 26/11/2024, 15:30

(CL&CS)- Đề xuất bổ sung nước giải khát có đường với hàm lượng từ 5g/100ml vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt với mức thuế suất là 10% hiện vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều.