Những cuộc viễn chinh thâu tóm “đất vàng” từ Bắc chí Nam, hé mở năng lực thực sự của “đại gia” địa ốc mới nổi Viva Land

(CL&CS) - Mặc dù được thành lập chưa lâu nhưng cái tên Viva Land đã gây chú ý trên thị trường bất động sản thời gian qua khi liên tục có những động thái thâu tóm đất vàng từ Bắc tới Nam. Câu hỏi đặt ra đâu là năng lực thực sự của doanh nghiệp còn non trẻ này?

Viva Land được thành lập như thế nào?

CTCP Đầu tư và Phát triển Viva Land (Viva Land) tiền thân là CTCP Cirius Power, được thành lập vào giữa tháng 5/2019, do bà Nguyễn Thị Kim Khánh (SN 1983) làm Tổng giám đốc.

Doanh nghiệp có quy mô vốn điều lệ 2.000 tỷ đồng, cơ cấu cổ đông sáng lập bao gồm các bà: Nguyễn Thị Kim Khánh (sở hữu 30% VĐL), Dương Thị Hạnh (sở hữu 20% VĐL) và Nguyễn Thị Ngọc Mai (sở hữu 25% VĐL).

Nên lưu ý rằng, bà Nguyễn Thị Kim Khánh và bà Dương Thị Hạnh (SN 1993) còn là những cổ đông sáng lập của CTCP Đại Chấn Hưng. Doanh nghiệp này được thành lập vào tháng 5/2019 với vốn điều lệ ban đầu ở mức 350 tỉ đồng. Trong đó, bà Nguyễn Thị Kim Khánh và bà Dương Thị Hạnh lần lượt góp 214,5 tỉ đồng và 66 tỉ đồng, sở hữu 65% và 20% vốn điều lệ. Số cổ phần còn lại của Đại Chấn Hưng (15% VĐL) do ông Nguyễn Quốc Tuấn (SN 1985) sở hữu.

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Ngọc Mai (SN 1986) - cổ đông lớn của Viva Land, còn là một trong những cổ đông sáng lập của CTCP Hoa Phú Thịnh. Trong ít tháng trở lại đây, CTCP Hoa Phú Thịnh cùng CTCP Osaka Garden và CTCP Phú Hoàng Vương đã hút về 15.500 tỉ đồng từ kênh trái phiếu, mục đích nhằm đặt cọc để nhận chuyển nhượng một phần dự án Khu đô thị Sài Gòn Bình An.

Ngoài ra, Viva Land còn sở hữu đội ngũ lãnh đạo là những nhân sự cũ của CapitaLand Việt Nam.

Cụ thể, Chủ tịch HĐQT Viva Land là ông Chen Lian Pang - cựu Tổng giám đốc CapitaLand Việt Nam. Ông vừa rời khỏi chức vụ này vào ngày 1/7/2020. Chen Lian Pang không phải là cái tên xa lạ với giới bất động sản Việt Nam khi hàng chục năm phát triển trong lĩnh vực bất động sản. Ông và đội ngũ của mình đã phát triển một số dự án tiêu biểu trong khu vực, bao gồm Capital Tower (Singapore), Raffles City (Thượng Hải, Trung Quốc), Capital Place (Hà Nội, Việt Nam), d'Edge (TP.HCM, Việt Nam), The Vista (TP.HCM, Việt Nam).

Trong khi đó, Giám đốc điều hành của Viva Land là ông Eddie Lim, một nhân sự khác có 25 năm kinh nghiệm làm việc tại CapitaLand. Ông Lim có nhiều kinh nghiệm trong việc điều hành hoạt động kinh doanh và đầu tư về căn hộ dịch vụ và bán lẻ.

Ông Chen Lian Pang – Chủ tịch HĐQT Viva Land và ông Eddie Lim - Giám đốc điều hành.  

Theo thông tin từ chính Viva Land, doanh nghiệp này có trụ sở tại số 39 đường Robinson, Singapore và có 2 văn phòng tại số 1-1A-2, đường Tôn Đức Thắng, phường Bến Nghé, quận 1, TP Hồ Chí Minh và tại tầng 32 Tòa nhà Capital Place Building, số 29 Liễu Giai, quận Ba Đình, Hà Nội.

Trên Website của mình, Viva Land cũng tự giới thiệu “đang sở hữu 1,500ha đất tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, với hơn 18.000 căn hộ. Cùng với đội ngũ lãnh đạo có hơn 30 năm kinh nghiệm trên thị trường bất động sản trong nước và khu vực, quản lý giá trị tài sản hơn 5 tỷ USD”.

Được biết, hiện Viva Land đang vận hành và phát triển nhiều dự án như: Project GP (Đường Nguyễn Trãi, Quận 5, T P Hồ Chí Minh), Robin Point (tại Singapore), WaterFront Saigon (Đường Tôn Đức Thắng, Quận 1, TP Hồ Chí Minh), Saigon Peninsula (Phường Phú Thuận, Quận 7, TP Hồ Chí Minh) và dự án IFC One, Saigon.

IFC One, Saigon: Dấu ấn đầu tiên của Viva Land trên thị trường

Thời điểm cuối năm 2021, thị trường bất động sản bỗng “dậy sóng” trước thông tin một doanh nghiệp bí ẩn bất ngờ xuất hiện tại dự án triệu đô Saigon One Tower ngay giao lộ Hàm Nghi và Tôn Đức Thắng (quận 1, TP Hồ Chí Minh).

Saigon One Tower được xây dựng trên khu đất hơn 6.672 m2. Với quy mô 40 tầng (gồm 6 tầng trung tâm thương mại và 34 tầng văn phòng, căn hộ cao cấp). Tổng mức đầu tư cho dự án khoảng 256 triệu USD. Theo dự kiến sẽ được hoàn thành vào năm 2009.

Saigon One Tower được kỳ vọng sẽ trở thành tòa nhà cao thứ ba tại TP Hồ Chí Minh (chỉ đứng sau Bitexco Financial Tower 68 tầng và The One 55 tầng). Dự án ban đầu do CTCP Địa ốc Sài Gòn M&C (doanh nghiệp được thành lập vào năm 2004) làm chủ đầu tư. Tuy nhiên do vấn đề ‘sức khỏe tài chính’ của chủ đầu tư nên dự án đã bị “đắp chiếu” hàng thập kỷ qua.

Còn nhớ, thời điểm cuối năm 2020, thị trường bất động sản bỗng xôn xao khi CTCP Di sản quốc tế Hồ Tràm đăng ký với UBND TP Hồ Chí Minh về việc xin đầu tư dự án này. Tuy nhiên, giường kế hoạch lại đi vào bế tắc và dự án vẫn “đâu đóng đấy” một thời gian dài.

Thực hư về mối lương duyên giữa Di sản quốc tế Hồ Tràm và Saigon One Tower chưa đi đến đâu thì một cái khác bất ngờ xuất hiện với vai trò nhà phát triển dự án trên, đó là CTCP Đầu tư & Phát triển Viva Land (Viva Land). Tuy nhiên Saigon One Tower được Viva Land giới thiệu với cái tên hoàn toàn mới là “IFC One, Saigon”.

Saigon One Tower bất ngờ được Viva Land giới thiệu trên trang chủ với cái tên hoàn toàn mới là IFC One, Saigon.  

Viva Land “thâu tóm” tòa Capital Palace

Không bao lâu sau thương vụ thâu tóm và tham vọng hồi sinh dự án triệu đô Saigon One Tower, Viva Land một lần nữa gây chú ý khi nhảy vào thâu tóm Tòa nhà văn phòng Capital Place trên đường Liễu Giai (quận Ba Đình) của nhóm CapitaLand.

Cụ thể, theo thông tin được công bố trên trang chủ Capitaland.com, CapitaLand Development (CLD) – chi nhánh phát triển của Tập đoàn CapitaLand đã thông báo thoái vốn của Capital Place (tòa nhà văn phòng hạng A quốc tế tại Hà Nội) với giá 751 triệu đô la Singapore (550 triệu đô la Mỹ) cho một bên thứ ba không liên quan.

Đến ngày 24/1, CTCP Đầu tư và Phát triển Viva Land (Viva Land) đã thông qua các đơn vị liên kết và công bố chính thức sở hữu tòa nhà Capital Place. Được biết, đây cũng là dự án văn phòng và thương mại đầu tiên của Viva Land tại khu vực phía Bắc.

Sau IFC One Saigon, Viva Land “thâu tóm” thêm tòa văn phòng Capital Palace.  

Tòa Capital Place được sở hữu bởi Quỹ Giá trị Gia tăng Thương mại CapitaLand Việt Nam (CVCVF). Dự án được CVCVF mua lại vào năm 2018 và khai trương vào năm 2020, có vị trí tại nút giao Liễu Giai – Kim Mã, trung tâm quận Ba Đình. Dự án có diện tích sàn cho thuê 100.000 m2 với hai tòa tháp văn phòng cao 37 tầng.

Trong đó CLD nắm giữ 50% cổ phần của CVCVF và 50% còn lại do MEA Commercial Holdings Pte nắm giữ. Ltd.

CVCVF được thành lập vào năm 2017 với quy mô quỹ là 177 triệu USD Singapore (tương đương 130 triệu USD). Quỹ được quản lý bởi CapitaLand Investment Limited (CLI), doanh nghiệp quản lý đầu tư bất động sản của Tập đoàn CapitaLand.

Thông tin được công bố cho thấy, CVCVF sẽ được thoái vốn hoàn toàn và đóng cửa, cung cấp cho các nhà đầu tư vào quỹ tỷ lệ hoàn vốn nội bộ, tính phí ròng là 34% sau khi hoàn tất chuyển nhượng. Với khoản tiền thu được, CVCVF sẽ dùng để cơ cấu nguồn vốn và xử lý nợ. Từ đó, lợi nhuận dự kiến của quỹ sẽ được cải thiện. Đồng thời sẽ tạo ra khoản lãi khoảng 23 triệu đô la Singapore (17 triệu đô la Mỹ) cho CLI.

Chia sẻ về thương vụ chuyển nhượng này, ông Ronald Tay – Giám đốc điều hành của CLD (Việt Nam) cho biết thêm: “Việc thoái vốn tại Capital Place là một phần trong chiến lược rút lui của CVCVF, phù hợp với nỗ lực tái chế vốn đang thực hiện của CLD nhằm khai thác giá trị cơ bản mạnh mẽ tài sản của chúng tôi. Khai thác sức mạnh tổng hợp của hệ sinh thái ONE CapitaLand và hợp tác chặt chẽ với CLI, chúng tôi đã tạo ra giá trị thành công cho đối tác vốn của mình thông qua khả năng phát triển bất động sản và quản lý tài sản của mình, bán tài sản chính ở mức cao hơn giá trị sổ sách. CLD sẽ phân bổ lại số tiền thu được từ việc thoái vốn này thành các tài sản có năng suất cao hơn và làm vốn gốc cho các quỹ trong tương lai sẽ được phát triển cùng với CLI tại Việt Nam. ”

Viva Land “thế chân” FLC trên khu đất vàng tại Hải Phòng?

Thời điểm tháng 6 năm nay, Viva Land thêm một lần gây xôn xao dư luận khi bất ngờ xuất hiện tại khu đất vàng quy mô hơn 13.000m2 ở Hải Phòng vốn thuộc sở hữu của Tập đoàn FLC.

Cụ thể, thời điểm đầu tháng 6/2022 tại khu đất số 4 đường Trần Phú, quận Ngô Quyền (TP Hải Phòng) xuất hiện logo của Viva Land kèm theo dòng chữ “coming soon” trên hàng rào quây xung quanh khu đất.

Nhiều khả năng, đây sẽ là địa điểm làm dự án mới của Viva Land tại Hải Phòng

Logo của Viva Land bất ngờ xuất hiện trên khu đất số 4 đường Trần Phú vốn thuộc về FLC.  

Nên nhớ, trước đó, chia sẻ trong bài viết trên tạp chí The CEO Magazine, ông Eddie Lim - Tổng giám đốc Viva Land đã cho biết, trong năm nay, Viva Land sẽ giới thiệu ra thị trường một số dự án tiềm năng. Trong đó, tập chung chủ yếu tại TP Hồ Chí Minh và Hải Phòng.

Nói qua một chút về khu đất mà Viva Land bất ngờ nhắm tới tại Hải Phòng.

Tháng 11/2019, Hải Phòng có quyết định chủ trương đầu tư dự án tổ hợp khách sạn, trung tâm thương mại và văn phòng cho thuê với quy mô 72 tầng (tên thương mại là Tòa tháp FLC Diamond 72 Tower) cao 290m, tổng mức đầu tư gần 4.000 tỷ đồng. Tháng 5/2020, FLC đã tổ chức động thổ dự án.

Tuy nhiên, sau lễ động thổ, nhà đầu tư đã không thực hiện các thủ tục như ký quỹ đầu tư, thuê đất, thẩm định thiết kế, xin cấp phép xây dựng khiến dự án vẫn chỉ là bãi đất trống.

Ngày 23/11/2020, UBND TP Hải Phòng ban hành quyết định chấm dứt hiệu lực của quyết định chủ trương đầu tư dự án tổ hợp khách sạn, trung tâm thương mại và văn phòng cho thuê. Khu đất sau đó được Hải Phòng đưa vào kế hoạch bán đấu giá quyền sử dụng đất để tìm nhà đầu tư thực hiện dự án.

Thời điểm tháng 9/2021, lô đất này được Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản thuộc Sở Tư pháp TP Hải Phòng thông báo đấu giá với mức giá khởi điểm là 1.110 tỷ đồng. Trước đó vào tháng 6, khu đất số 4 Trần Phú cũng được thông báo tổ chức đấu giá với mức khởi điểm 739 tỷ đồng.

Viva Land sở hữu thêm dự án Đảo Tuần Châu (Hạ Long)

Mới đây nhất Viva Land đã công bố trở thành nhà phát triển và vận hành dự án đảo Tuần Châu, TP Hạ Long. Dự án có diện tích 618 ha, được chia thành 31 dự án thành phần, với đầy đủ các sản phẩm bất động sản như villa, resort, shophouse, khách sạn, bán lẻ… Được biết, Đảo Tuần Châu là dự án của Tuần Châu Group – một trong những doanh nghiệp có tiếng tại Quảng Ninh.

Dự án Đảo Tuần Châu xuất hiện trên danh mục dự án của Viva Land.  

Dự án này gắn liền với tên tuổi của doanh nhân Đào Hồng Tuyển, được thực hiện từ năm 1997. Vào cuối năm 2019, dự án Đảo Tuần Châu được UBND tỉnh Quảng Ninh đồng ý mở rộng khu du lịch giải trí thêm hơn 1.000ha, quy mô dân số khoảng 50.000 – 70.000 người được chia làm 7 tiểu khu. Ngoài việc phát triển trên cơ sở khu dân cư hiện hữu, bổ sung các công trình dịch vụ hỗn hợp, khách sạn – căn hộ cao cấp, nhà hát Opera…

Hé mở mối quan hệ giữa Viva Land và Vạn Thịnh Phát

hời điểm tháng 5/2022, theo The Business Times dẫn nguồn tin cho hay, khách sạn SO/ Singapore – toạ lạc tại góc đường Robinson Rd và Boon Tan St, đối diện với khu ẩm thực Lau Pa Sat – đã được bán với giá 240 triệu SGD (khoảng 173 triệu USD), tương đương với 1,8 triệu SGD/phòng. Theo đó, Bên mua là Viva Land – doanh nghiệp có trụ sở tại Việt Nam, được cho là có mối liên hệ với một ‘đế chế’ bất động sản – tài chính danh tiếng, đang sở hữu loạt dự án bất động sản tầm cỡ ở vùng lõi TP Hồ Chí Minh, mà như tờ báo này chỉ ra là Tập đoàn Vạn Thịnh Phát của nữ doanh nhân Trương Mỹ Lan.

Cũng như đề cập về cơ cấu cổ đông của Viva Land ở đầu bài bà Nguyễn Thị Ngọc Mai (sở hữu 25% VĐL) đồng thời cũng là một trong những cổ đông sáng lập của CTCP Hoa Phú Thịnh (doanh nghiệp có quan hệ mật thiết với Vạn Thịnh Phát).

Viva Land cũng được tin rằng đã chi ra 500 triệu SGD (khoảng 361 triệu USD) để thâu tóm toà nhà Robinson Point Tower cao 21 tầng – nằm kế bên khách sạn SO/ Singapore – từ hai năm trước. Thương vụ này được hoàn tất vào giữa năm ngoái.

Giới đầu tư cho rằng việc Viva Land mua thêm khách sạn SO/ Singapore nhằm kết hợp với khu đất của Robinson Point Tower để tái đầu tư tổ bất động sản toạ lạc tại khu Trung tâm thương mại (Central Business District) sầm uất bậc nhất Singapore.

Quang Anh

Bình luận

Nổi bật

Khó mua nhà 2 tỷ ở Hà Nội, chuyên gia chỉ ra nguyên nhân

Khó mua nhà 2 tỷ ở Hà Nội, chuyên gia chỉ ra nguyên nhân

sự kiện🞄Thứ bảy, 20/04/2024, 10:21

Thị trường bất động sản Hà Nội đang phải trải qua tình trạng sốt giá căn hộ chung cư, nhiều người đã phải từ bỏ ý định mua nhà hoặc chuyển sang hướng khác như tìm nhà trong ngõ. Một trong những nguyên nhân chính dẫn tới việc này là tình trạng lệch pha cung – cầu, lệch pha phân khúc bất động sản khiến thị trường đã khó càng khó hơn.

Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cho ngành công nghiệp văn hóa thủ đô Hà Nội

Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cho ngành công nghiệp văn hóa thủ đô Hà Nội

sự kiện🞄Thứ sáu, 19/04/2024, 18:07

(CL&CS) - Với vị thế là Thủ đô ngàn năm văn hiến, có bề dày lịch sử và nền tảng di sản văn hóa phong phú, đa dạng, thành phố Hà Nội là địa phương đầu tiên ban hành Nghị quyết về phát triển công nghiệp văn hóa.

[Longform] Bất động sản Đà Nẵng 2024: “Ngụp lặn” suốt 1 năm, đã đến lúc “thức giấc”?

[Longform] Bất động sản Đà Nẵng 2024: “Ngụp lặn” suốt 1 năm, đã đến lúc “thức giấc”?

sự kiện🞄Thứ sáu, 19/04/2024, 15:08

Thị trường bất động sản Đà Nẵng vừa trải qua một năm 2023 tương đối khó khăn ở tất cả các phân khúc, trừ phân khúc căn hộ. Tuy nhiên, với việc công bố quy hoạch chung thành phố, đồng thời thông qua đồ án quy hoạch phân khu ven sông Hàn và bờ Đông được dự báo sẽ tạo sức bật cho thị trường bất động sản Đà Nẵng trong năm 2024 và những năm tiếp theo.