Thứ hai, 28/10/2019, 14:16 PM

Những công trình cần dẹp bỏ

(NTD) - Mới đây, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân đã đích thân xuống Q. Thủ Đức để chỉ đạo xử lý vụ xây dựng không phép liên quan đến Phó Chủ tịch HĐND quận này, ông Lê Hữu Thành. Không chỉ ở TP.HCM mà cả Hà Nội lẫn Đà Nẵng, lãnh đạo các địa phương này đang quyết tâm dẹp vấn nạn nhức nhối xây dựng không phép. Nhưng chỉ quyết tâm không có lẽ chưa đủ...

Vụ việc xây dựng không phép của lãnh đạo Q. Thủ Đức đã kéo dài đến 7 năm, trầm trọng đến nỗi Bí thư Thành ủy TP.HCM đặt vấn đề: “7 công trình sai phạm, lý do gì mà đến 7 năm chưa xử lý xong? Có phải quận chưa nghiêm túc, cán bộ địa bàn chưa nghiêm túc, người trong cuộc cũng cho qua luôn?”. Ông Nguyễn Thiện Nhân nói rất có thể sẽ “phải sắp xếp lại” chức vụ của ông Lê Hữu Thành.

Lẽ ra những vụ việc tương tự thì chính quyền sở tại đã phải giải quyết rốt ráo nhưng lần này Bí thư Thành ủy phải “ra tay” không chỉ vì ông bức xúc trước thái độ chưa nghiêm túc của quận mà còn muốn tỏ rõ lãnh đạo TP.HCM quyết liệt xử lý tình trạng khó chấp nhận này. Tháng 7/2019, TP.HCM đã liên tiếp có các cuộc họp nhằm lập lại trật tự trong xây dựng và sau đó nhiều “án phạt” hàng loạt công trình đã được đưa ra, không ít cán bộ bị kỷ luật vì để xây dựng không phép lan tràn.

Không ai chấp nhận chuyện một người dân mới đổ xe gạch trước nhà đã có nhiều cán bộ quản lý đô thị hỏi thăm nhưng cao ốc hàng ngàn căn hộ xây xong phần móng vẫn chưa có giấy phép xây dựng! Chẳng ai có thể thông cảm với việc những công trình hoành tráng, những dự án khổng lồ nhưng lại xem quy định, luật lệ như “cái móng tay”. Biết rằng dù chỉ một bức tường, nửa căn phòng phải đập bỏ thì tiền bạc xót xa, lãng phí nhưng kỷ cương phép nước cùng lẽ phải công bằng cần được coi trọng hơn.

Những khu chung cư dân đã vào ở, xây xong từ lâu “bỗng dưng” lòi ra những phần không phép. Những tòa cao ốc hoạt động cả năm tự nhiên phải đập bỏ nhiều phần ngoài giấy phép. Những dãy nhà phải cưỡng chế dù đã tồn tại nhiều năm do chẳng có miếng giấy lận lưng... Chuyện trên vừa khôi hài, vừa đau lòng lại vô cùng lãng phí của cải, tiền bạc, công sức của cả chủ đầu tư vi phạm, khách hàng lẫn cơ quan Nhà nước. Riêng người mua nhà thì nhiều khi không biết bám víu vào đâu!

Gần đây, một bệnh viện hoành tráng với 500 giường bệnh cũng được xây rầm rộ nhưng không hề có phép ở Q. Nam Từ Liêm, Hà Nội. Lãnh đạo Hà Nội cũng phải chỉ đạo, vụ việc đã được xử lý và chủ đầu tư bị xử phạt không nhẹ. Nhưng những câu hỏi tương tự như ở TP.HCM, Đà Nẵng hay các thành phố lớn khác là vì sao đến giờ mới xử lý? Lý do nào khiến họ ngang nhiên và công khai như thế? Có ai “chống lưng” khiến họ coi thường pháp luật?

Những câu hỏi ấy phải có lời giải rõ ràng giống như việc Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu Q. Thủ Đức phải làm rõ trách nhiệm việc để tồn tại đến 7 năm 7 công trình không phép của ông Lê Hữu Thành. Dân cần minh bạch để thấy không có cán bộ hay quan chức nào được đứng trên pháp luật. Lãnh đạo cần công khai nhằm làm gương cho những kẻ manh nha vi phạm để trục lợi và phá vỡ quy chuẩn, phép tắc. Dù họ là ai, ở cương vị nào hay biện minh cho cái gì thì đều phải thượng tôn pháp luật.

Thực tế cho thấy từ Thủ tướng cho đến lãnh đạo TP.HCM, Hà Nội và nhiều tỉnh thành đã chỉ đạo quyết liệt, lập lại trật tự xây dựng, nhưng, thực tế, tình trạng xây dựng sai phép, không phép đặc biệt nghiêm trọng vẫn xảy ra! Vụ việc ở Q. Thủ Đức đã chỉ ra lỗ hổng dẫn đến “lệ làng” đáng trách này: Cán bộ cơ sở bao che, nể nang và xí xóa cho nhau. Rồi cấp cao sẽ thấy, lãnh đạo sẽ nhận ra và tình hình sẽ yên ổn. Nhưng nghiêm trị được những người “bất tuân thượng lệnh” sớm ngày nào, trật tự xây dựng nhanh yên ổn ngày đó.

Không phải ngẫu nhiên mà từ Chính phủ xuống các địa phương lớn đều muốn ổn định trật tự xây dựng. Đây không chỉ là lĩnh vực có nhiều vi phạm trầm trọng nhất mà đôi khi còn như “thách thức” quyền lực Nhà nước, dư luận xã hội ở nhiều nơi. Nếu đột phá và xử lý tốt lĩnh vực này thì không những xây dựng không phép giảm thiểu mà các vấn nạn khác cũng khó có nguy cơ tái diễn lâu dài.

 Phan Nguyễn

 

Bình luận

Nổi bật

Bộ Xây dựng: Phê duyệt Quy chế quản lý kiến trúc theo Chiến lược phát triển ngành Xây dựng đến năm 2030

Bộ Xây dựng: Phê duyệt Quy chế quản lý kiến trúc theo Chiến lược phát triển ngành Xây dựng đến năm 2030

sự kiện🞄Thứ ba, 16/04/2024, 09:53

(CL&CS) - Mới đây, Bộ Xây dựng có Công văn 1502/BXD-QHKT gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc đôn đốc triển khai thi hành Luật Kiến trúc theo Quyết định số 1037/QĐ-TTg ngày 16/8/2019; Định hướng phát triển kiến trúc Việt Nam.

Thông xe tuyến đường gần 200 tỉ đồng kết nối Hà Nội với Bắc Giang

Thông xe tuyến đường gần 200 tỉ đồng kết nối Hà Nội với Bắc Giang

sự kiện🞄Thứ hai, 15/04/2024, 08:06

(CL&CS)- Tuyến đường 4,2km nối Hà Nội với Bắc Giang chính thức thông xe giúp tăng tính kết nối, tạo đà phát triển kinh tế - xã hội của hai địa phương và các vùng lân cận.

Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông dịp nghỉ lễ 30/4-01/5

Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông dịp nghỉ lễ 30/4-01/5

sự kiện🞄Thứ sáu, 12/04/2024, 20:19

(CL&CS) - Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang vừa ký Công điện số 36/CĐ-TTg ngày 11/4/2024 của Thủ tướng Chính phủ về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân dịp nghỉ lễ 30/4-01/5 và cao điểm du lịch hè 2024.