Văn hóa và Đời sống
Thứ ba, 23/04/2024, 20:37 PM

Cánh rừng rộng 300ha mang tên vị Đại tướng đầu tiên của QĐND Việt Nam, nơi bảo vệ bộ đội ta khỏi mưa bom bão đạn khi hành quân lên chiến trường Điện Biên Phủ

Cánh rừng này đã chở che, bảo vệ Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng bộ đội khỏi sự do thám, bắn phá của địch khi hành quân lên chiến trường Điện Biên Phủ.

Nằm ven Quốc lộ 37, cách trung tâm TP. Sơn La khoảng 105km, khu rừng mang tên Đại tướng Võ Nguyên Giáp nằm ở bản Nhọt, xã Gia Phù, huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La có diện tích khoảng 300ha, được hình thành bởi hai dãy núi bao bọc, cây cối rậm rạp và quanh năm mây bao phủ.

Toàn cảnh khu di tích lịch sử nhìn từ trên cao

Toàn cảnh khu di tích lịch sử nhìn từ trên cao

Trước năm 1954, khu rừng này từng có tên là rừng Đèo Nhọt hay rừng Khuân Pùa (tiếng Mường). Đến đầu năm 1954, Đại tướng Võ Nguyên Giáp dẫn đầu đoàn sĩ quan chỉ huy chiến dịch, cùng các đơn vị: Đại đoàn 312, 315, 316… trên đường hành quân lên chiến trường Điện Biên Phủ đã chọn khu rừng bản Nhọt là nơi đóng quân, nghỉ ngơi.

Thời điểm đó, máy bay của địch liên tục do thám và ném bom bắn phá, tuy nhiên, lớp mây mù cùng lớp lớp cây rừng đan xen đã tạo thành “tấm lá chắn” tự nhiên để che chở, bảo vệ an toàn cho đoàn quân cách mạng.

Khu rừng nguyên sinh được nhân dân bảo vệ chu đáo, giữ nguyên hệ sinh thái quý giá

Khu rừng nguyên sinh được nhân dân bảo vệ chu đáo, giữ nguyên hệ sinh thái quý giá

Ông Bạc Văn Kinh, ở bản Nhọt, xã Gia Phù kể lại rằng không ai nắm rõ được chính xác đoàn quân của Đại tướng đã ở đây bao lâu, bởi thời điểm đó là lúc quyết định nên việc hành quân, đóng quân diễn ra khẩn trương mà không để lại dấu vết gì. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, để tỏ lòng biết ơn công lao to lớn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người dân địa phương đã đặt tên cho khu rừng này là “Rừng Đại tướng Võ Nguyên Giáp” hay “Rừng Tướng Giáp”.

Bên trong

Bên trong "Rừng Tướng Giáp"

Nằm ven quốc lộ, ngay gần bản, tuy nhiên, cánh rừng với nhiều loại cây gỗ quý có đường kính hàng mét vẫn trường tồn qua năm tháng bởi người dân không ai chặt phá, săn bắt thú rừng, mà luôn coi trọng, bảo vệ, vì nơi đây luôn có hình bóng của vị tướng lỗi lạc. Đối với bà con, khu rừng Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một điều gì đó rất thiêng liêng, cao cả, trở thành nét văn hóa, thành thói quen tập tục giữ rừng.

Trong suốt 7 thập kỷ qua, khu rừng vẫn bạt ngàn, xanh tươi như tình cảm yêu mến, thủy chung của đồng bào các dân tộc Tây Bắc dành cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng đoàn quân năm ấy.

Là người có gần 30 năm tham gia Tổ bảo vệ Rừng Đại tướng Võ Nguyên Giáp, cựu chiến binh Đinh Công Són chia sẻ: "Trải qua hàng chục năm nay, người dân địa phương luôn coi trọng, bảo vệ khu rừng này như bảo vệ sự sống của mình, bởi nơi đây luôn có hình bóng của vị Đại tướng lỗi lạc. Tuyệt nhiên không ai chặt phá, săn bắt thú trong khu rừng này. Chúng tôi có một niềm tự hào là giữ được cánh rừng mang tên Đại tướng, cũng như là giữ được "lá phổi xanh" cho xã Gia Phù nói riêng và huyện Phù Yên nói chung”.

Đền thờ Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhìn từ trên cao

Đền thờ Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhìn từ trên cao

Vào năm 2008, để ghi nhớ dấu tích lịch sử gắn với tên tuổi vị Đại tướng đầu tiên của QĐND Việt Nam, UBND tỉnh Sơn La đã công nhận khu “Rừng Đại tướng Võ Nguyên Giáp” là di tích lịch sử cấp tỉnh. Cuối năm 2021, huyện Phù Yên đã khánh thành công trình bảo vệ rừng, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị Di tích lịch sử kháng chiến chống Pháp khu rừng bản Nhọt, gồm các hạng mục: Nhà tưởng niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp; sân đền thờ, sân hành lễ,...

Những ngày này, khi cả nước đang hướng về kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, "Rừng Tướng Giáp" là một trong những “địa chỉ đỏ” để các cựu chiến binh hành hương thăm lại chiến trường, cũng là nơi giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ.

Người lính già kể chuyện tướng Giáp cho thế hệ trẻ

Người lính già kể chuyện tướng Giáp cho thế hệ trẻ

Chiến tranh đã lùi xa, dẫu vậy, những chiến công hào hùng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và đoàn quân ta năm ấy vẫn mãi trường tồn theo thời gian, tựa cánh rừng xanh tươi mang tên Đại tướng đang được gìn giữ, bảo vệ bằng tình cảm trân quý nhất của đồng bào các dân tộc ở nơi đây.

Tình Hoàng

Bình luận

Nổi bật

Siêu du thuyền khỏa thân lớn nhất thế giới chuẩn bị ra khơi: Hơn 2.300 hành khách không mặc gì trong cả chuyến đi!

Siêu du thuyền khỏa thân lớn nhất thế giới chuẩn bị ra khơi: Hơn 2.300 hành khách không mặc gì trong cả chuyến đi!

sự kiện🞄Thứ bảy, 04/05/2024, 09:45

Chuyến tham quan kéo dài 11 ngày, được gọi với tên gọi "Con thuyền khỏa thân lớn năm 2025" trên con tàu Norwegian Pear với sức chứa hơn 2.300 người.

Người đàn ông lạ mặt mua cả cân vàng không nhìn giá, tốn 1,8 tỷ đồng: Cảnh sát bất ngờ ập vào điều tra, bắt giữ tội phạm rửa tiền

Người đàn ông lạ mặt mua cả cân vàng không nhìn giá, tốn 1,8 tỷ đồng: Cảnh sát bất ngờ ập vào điều tra, bắt giữ tội phạm rửa tiền

sự kiện🞄Thứ bảy, 04/05/2024, 09:01

Hành động mua vàng vội vàng của người đàn ông lạ mắt khiến nhiều người nghi ngờ, cảnh sát ập tới bắt ngay tội phạm nguy hiểm.

Vị vua duy nhất trong lịch sử Việt Nam lập con gái làm Hoàng thái tử và truyền ngôi báu, là quân vương đầu tiên xuất gia đi tu

Vị vua duy nhất trong lịch sử Việt Nam lập con gái làm Hoàng thái tử và truyền ngôi báu, là quân vương đầu tiên xuất gia đi tu

sự kiện🞄Thứ bảy, 04/05/2024, 09:01

Do không có con trai nên vua xuống chiếu lập con gái thứ hai, mới 7 tuổi làm Hoàng thái tử và truyền ngôi.