Văn hóa và Đời sống
Thứ năm, 28/03/2024, 11:48 AM

Nhà thơ có tài đàm phán xuất chúng từng là Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, sở hữu ngòi bút làm 'đòn xoay chế độ', là vị Chủ tịch đầu tiên của Hội Nhà báo Việt Nam

Ông là một nhà chính trị, nhà văn hóa, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh; là biểu tượng của tinh thần yêu nước và đại đoàn kết dân tộc.

Sự nghiệp cách mạng đa dạng, phong phú

Cố nhà báo Xuân Thủy (1912-1985) tên thật là Nguyễn Trọng Nhâm. Tham gia hoạt động cách mạng và nghề báo rất sớm, ông có những đóng góp quan trọng đối với cách mạng nước nhà nói chung và sự nghiệp báo chí cách mạng Việt Nam nói riêng.

Nhà ngoại giao xuất chúng, nhà báo tài hoa Xuân Thủy. Ảnh tư liệu/Báo Nhân Dân

Nhà ngoại giao xuất chúng, nhà báo tài hoa Xuân Thủy. Ảnh tư liệu/Báo Nhân Dân

Từ năm 1932, ông được giác ngộ và hoạt động cách mạng thông qua báo chí, trong vai ký giả... Năm 1945, ông tham gia Tổng khởi nghĩa và được cử vào Ủy ban Nhân dân Cách mạng lâm thời Bắc Bộ, rồi làm Trưởng ban Tuyên truyền của Tổng bộ Việt Minh, kiêm Chủ nhiệm báo Cứu quốc. Cuối năm đó, ông được cử vào Xứ ủy Bắc Kỳ, phụ trách công tác Tổng tuyển cử Quốc hội khóa đầu tiên, được phân công làm Trưởng Đoàn đại biểu Việt Minh, Ủy viên Ban Thường trực Quốc hội khóa I.

Sự nghiệp cách mạng của cố Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Xuân Thủy rất đa dạng, phong phú và sôi động.

Về mặt Đảng, từ năm 1945, ông là Ủy viên Xứ ủy Bắc Kỳ. Từ 1955-1982, ông là Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Trung ương Đảng (1968-1982), Trưởng ban Dân vận Trung ương.

Bí thư Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Hội đồng bầu cử miền Bắc kiểm tra công tác chuẩn bị bầu cử tại khu vực bỏ phiếu số 2, Hà Nội. Ảnh: Xuân Lâm/TTXVN

Bí thư Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Hội đồng bầu cử miền Bắc kiểm tra công tác chuẩn bị bầu cử tại khu vực bỏ phiếu số 2, Hà Nội. Ảnh: Xuân Lâm/TTXVN

Về công tác mặt trận, từ 1945-1985: Trưởng ban Tuyên truyền Tổng bộ Việt Minh (1945-1948); Ủy viên Thường vụ Tổng bộ Việt Minh (1948-1950); Trưởng ban Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Liên Việt (1951-1954), Bí thư Đảng đoàn kiêm Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (1955-1985).

Về công tác Quốc hội, ông đóng vai trò quan trọng trong việc tổ chức Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, là đại biểu Quốc hội từ khóa I (1946-1960) đến khóa VII (1981-1987), Ủy viên Thường trực, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký nhiều khóa, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội đồng Nhà nước, có nhiều đóng góp về lập hiến và lập pháp của Quốc hội.

Nhà hoạt động xuất sắc trong cả ba “binh chủng” đối ngoại

Ông được đánh giá là người hoạt động xuất sắc trong cả ba “binh chủng” đối ngoại: đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân. Ông cũng là Trưởng ban Đối ngoại Trung ương những năm từ 1961-1979. Đây là giai đoạn khó khăn khi phong trào cộng sản và công nhân quốc tế khủng hoảng về đường lối, có bất đồng và chia rẽ sâu sắc, cũng là lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của Việt Nam phát triển mạnh, cần sự ủng hộ quốc tế.

Giai đoạn này, ông được giao thêm nhiệm vụ Bộ trưởng Bộ Ngoại giao (4/1963-4/1965). Hoàn cảnh khó khăn đó càng làm nổi bật bản lĩnh và tài trí của nhà ngoại giao Xuân Thủy. Ông nỗ lực xử lý bất đồng Xô-Trung thời điểm 1961-1975, nhắc nhở cán bộ Bộ Ngoại giao bình tĩnh, tránh bàn luận, phê phán bên này, bên kia...

Được Đảng tin tưởng trao trách nhiệm xây dựng công tác ngoại giao nhân dân, ông phụ trách công tác này cho đến năm 1975, có công rất lớn trong việc hình thành và phát triển rộng rãi nền ngoại giao nhân dân nước ta, là Tổng chỉ huy đối ngoại nhân dân, trực tiếp làm Phó Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ hòa bình thế giới của Việt Nam (1952), Phó Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Á - Phi của Việt Nam (1957), Ủy viên Hội đồng Hòa bình thế giới (1954)…

Với tài tổ chức và thuyết phục, ông Xuân Thủy đã nói lên tiếng nói của nhân dân ta, tranh thủ được sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân thế giới đối với cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân ta, đóng góp quan trọng hình thành mặt trận nhân dân thế giới ủng hộ Việt Nam, góp phần xây dụng cơ sở cho nền ngoại giao nhân dân mang đậm bản sắc Việt Nam ngày nay.

Dấu ấn đậm nét nhất trong sự nghiệp ngoại giao của Xuân Thủy là thời kỳ từ năm 1968-1973, với tư cách Bộ trưởng, Trưởng đoàn Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Hội nghị Paris về Việt Nam. Đây là một trong các trang sử chói lọi của ngành ngoại giao Việt Nam, đặc biệt là trong thời đại Hồ Chí Minh; đồng thời là một trong các sự kiện quốc tế rất quan trọng của thế kỷ XX.

Trưởng đoàn đàm phán Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Xuân Thuỷ trả lời phỏng vấn các nhà báo quốc tế, Paris, năm 1968. Ảnh tư liệu/Báo QĐND

Trưởng đoàn đàm phán Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Xuân Thuỷ trả lời phỏng vấn các nhà báo quốc tế, Paris, năm 1968. Ảnh tư liệu/Báo QĐND

Gần 5 năm đàm phán, trong khi phía Mỹ bốn lần thay trưởng đoàn thì ông Xuân Thủy trước sau vẫn là Trưởng đoàn của Đoàn đàm phán Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Vị Chủ tịch đầu tiên của Hội Nhà báo Việt Nam

Không chỉ là một nhà ngoại giao xuất chúng, tài hoa, đức độ, ở ông Xuân Thủy còn thể hiện trên nhiều vai trò như nhà báo, nhà thơ… Ngay từ những ngày đầu hoạt động cách mạng, ông Xuân Thủy đã có dấu ấn trong những vai trò này.

Ngay từ lúc ngoài 20 tuổi, ông đã là ký giả, có bài đăng trên các tờ Tin tức, Đời nay… là thông tin viên cho tờ Trung Bắc Tân văn và từ năm 1932 hoạt động cách mạng thông qua báo chí.

Chủ nhiệm Xuân Thủy (quàng khăn) cùng các đồng nghiệp Báo Cứu Quốc tại đèo Bụt, Bắc Giang, năm 1948. Ảnh: Bảo tàng Báo chí Việt Nam

Chủ nhiệm Xuân Thủy (quàng khăn) cùng các đồng nghiệp Báo Cứu Quốc tại đèo Bụt, Bắc Giang, năm 1948. Ảnh: Bảo tàng Báo chí Việt Nam

Gắn bó với nghiệp cầm bút, nhà báo Xuân Thủy thường viết xã luận và bình luận, viết ca dao bằng nhiều hình thức khác nhau. Ông viết hàng nghìn bài trên mặt báo trong thời kỳ chống thực dân Pháp với lời văn hùng hồn, tha thiết, mạch lạc.

Năm 1944, ông làm Chủ nhiệm, chủ bút Báo Cứu Quốc, đồng thời là cây bút chính với các bút danh Chu Lang, Tất Thắng, Ngô Tất Thắng... Trong những thời điểm then chốt, tính dự báo chính xác, tính chiến đấu mạnh mẽ của Báo Cứu Quốc đã hô gọi, lôi cuốn quần chúng vào dòng thác cách mạng ào ạt, không sức gì ngăn nổi dưới ngọn cờ của Mặt trận Việt Minh.

Năm 1950, tại Quảng Nạp (thuộc chiến khu Việt Bắc), ông lại đứng ra triệu tập các nhà báo, mở Đại hội thành lập Hội những người viết báo Việt Nam (từ năm 1959 đổi tên là Hội Nhà báo Việt Nam) và ông được bầu làm Chủ tịch đầu tiên của hội.

Tháng 7/1950, Ðại hội của Tổ chức quốc tế các nhà báo (OIJ) họp ở Helsinki công nhận Hội Những người viết báo Việt Nam là thành viên chính thức của OIJ. Nhà báo Xuân Thủy là nhà báo Việt Nam đầu tiên được bầu làm Phó chủ tịch OIJ năm 1957 và là nhà báo đầu tiên của Việt Nam được tặng thưởng phần thưởng cao quý của tổ chức này.

Trong quá trình làm báo, nhà báo Xuân Thủy cũng có những đóng góp quan trọng trong chỉ đạo, trực tiếp chuẩn bị cho sự ra đời của một số cơ quan báo chí lớn của đất nước như Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam…

Trong một lần nhắc về nhà báo Xuân Thủy, Tổng Bí thư Trường Chinh đã nói: “Anh Xuân Thủy có phong cách rất Bác Hồ… Ở anh Xuân Thủy người ta thấy có sự kết hợp hài hòa giữa tài năng và đức độ, giữa tính cách dân tộc truyền thống và văn minh thời đại”.

Tham khảo:

- Nhớ về Xuân Thủy - nhà ngoại giao xuất chúng, nhà báo tài hoa - Báo Vietnamplus (2/9/2022).

- Xuân Thủy- người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Báo Nhân Dân (2/9/2022).

- Nhà báo Xuân Thủy - người học trò ưu tú của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Báo CAND (19/6/2023).

- Xuân Thủy - Nhà báo cách mạng ưu tú, người tham gia sáng lập Hội Nhà báo Việt Nam - VTV News.

- Tầm cao văn hóa trong báo và thơ Xuân Thủy - Báo Nhân Dân (19/6/2023).

Quỳnh Như

Bình luận

Nổi bật

Cánh rừng rộng 300ha mang tên vị Đại tướng đầu tiên của QĐND Việt Nam, nơi bảo vệ bộ đội ta khỏi mưa bom bão đạn khi hành quân lên chiến trường Điện Biên Phủ

Cánh rừng rộng 300ha mang tên vị Đại tướng đầu tiên của QĐND Việt Nam, nơi bảo vệ bộ đội ta khỏi mưa bom bão đạn khi hành quân lên chiến trường Điện Biên Phủ

sự kiện🞄Thứ ba, 23/04/2024, 20:37

Cánh rừng này đã chở che, bảo vệ Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng bộ đội khỏi sự do thám, bắn phá của địch khi hành quân lên chiến trường Điện Biên Phủ.

Công nghệ giúp con người kéo dài tuổi thọ lên đến 120 tuổi trong vòng 50 năm tới

Công nghệ giúp con người kéo dài tuổi thọ lên đến 120 tuổi trong vòng 50 năm tới

sự kiện🞄Thứ ba, 23/04/2024, 17:03

Giới khoa học dự báo tuổi thọ của con người có thể tăng lên nhờ vào trí tuệ nhân tạo (AI) và kiến thức từ đại dịch Covid-19 trong vài thập kỷ tới.

Cận cảnh tháp đồng hồ hơn 600m cao nhất thế giới, mặt to gấp 6 lần Big Ben, nằm ở trung tâm đại dự án hơn 400.000 tỷ đồng đắt giá nhất hành tinh

Cận cảnh tháp đồng hồ hơn 600m cao nhất thế giới, mặt to gấp 6 lần Big Ben, nằm ở trung tâm đại dự án hơn 400.000 tỷ đồng đắt giá nhất hành tinh

sự kiện🞄Thứ ba, 23/04/2024, 17:02

Mỗi mặt của đồng hồ có đường kính 43m, với kim phút dài 23m và kim giờ dài 17m, được chiếu sáng bởi 2 triệu bóng đèn LED vào buổi đêm.