Dữ liệu cũ
Thứ năm, 07/04/2016, 14:59 PM

Nguyễn Xuân Phúc - Nhà lãnh đạo quyết đoán và đổi mới

Trong gần 10 năm (1997-2006) giữ cương vị lãnh đạo ở tỉnh Quảng Nam, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc đã để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp trong lòng cán bộ và nhân dân địa phương. Ông là nhà lãnh đạo quyết đoán, có tâm và có tầm, tạo nhiều dấu ấn cá nhân trong tiến trình phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Quảng Nam.

phuctiep2_opt_GBOY
Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc luôn quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành và kiểm tra sâu sát tình hình thực tế.

Nhà lãnh đạo thực hành

Vùng đất và con người Quảng Nam luôn mang trong mình tính cách mở. Có thể nói, điều đó hội tụ và thể hiện trong ông Nguyễn Xuân Phúc. Khi ông lên làm Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam - năm 2001 - cũng là lúc Trung ương bắt đầu ý tưởng xây dựng mô hình khu kinh tế mở (KTM), và sau đó lựa chọn Chu Lai (huyện Núi Thành, Quảng Nam) để thí điểm, với QĐ 108 ngày 5.6.2003 của Thủ tướng Chính phủ chính thức thành lập Khu KTM Chu Lai. Quảng Nam đứng trước thách thức lớn bởi mô hình KTM còn quá mới mẻ, mọi thứ phải làm từ đầu, và phải thí điểm những cách làm mới...

Nhưng đối với ông Nguyễn Xuân Phúc, thì đó không phải là cuộc thí điểm, mà chính là thực nghiệm. Còn nhớ, ông từng nói: “Trên chính vùng đất này, các bậc tiền nhân từng làm nên một khu KTM - chẳng phải Hội An cũng từng là một mô hình kinh tế - văn hoá tiên tiến, một khu KTM thành công của thế kỷ 19 đó sao? Vậy thì, với quyết tâm chính trị và tư duy mở, cán bộ và nhân dân Quảng Nam quyết tâm phải xây dựng thành công khu KTM Chu Lai”.

Theo ông, đặc điểm quan trọng nhất của Chu Lai là mở. Phải mở cửa, mở về môi trường đầu tư, về cách làm, về thủ tục hành chính, về cơ chế. Tháo mở những vướng mắc để giải phóng năng lực tại chỗ, để thu hút mọi nguồn lực từ bên ngoài vào đầu tư phát triển. Là mở hàng hải, mở hàng không, mở rộng giao lưu, mở khu thương mại tự do, mở trung chuyển, mở viễn thông, mở rộng sẵn mặt bằng... Là mở trường đại học, mở mang dân trí... Là người tổng chỉ huy trực tiếp, vật lộn hằng ngày với khu KTM, ông như “con thoi”, từ tham gia đề xuất, xây dựng cơ chế, đến xúc tiến đầu tư, giải quyết kiến nghị của doanh nghiệp, việc gì ông cũng giải quyết nhanh gọn, thấu đáo. “Cả tỉnh phải dồn sức cho Chu Lai, bởi Chu Lai sẽ là đầu tàu kéo kinh tế Quảng Nam đi lên” - ông nói. Và điều đó đã thành sự thực, từ vùng đất cát trắng trơ khô cằn, Chu Lai đã mọc lên các nhà máy, khu công nghiệp, mở cửa bầu trời, cảng biển….

Một ý tưởng táo bạo của ông Nguyễn Xuân Phúc cũng chứng minh tầm nhìn và sự quyết đoán của một nhà lãnh đạo đi trước thời cuộc, đó là quy hoạch xây dựng vệt đất ven biển hơn 100 cây số từ giáp Đà Nẵng qua Điện Bàn, đô thị cổ Hội An đến vùng cát phía đông các huyện Thăng Bình, Duy Xuyên, Tam Kỳ và vùng vịnh Kỳ Hà - Chu Lai thành một vùng du lịch - đô thị sinh thái. Thời điểm khoảng năm 2000, nhiều ý kiến cho rằng đó là một ý tưởng xa vời, phi thực tế. Nhưng Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Nguyễn Xuân Phúc lại đầy quyết tâm và rất tin tưởng vào kế hoạch này. Lúc đó, khắp nơi người ta xây dựng các khu đô thị mới để khai thác quỹ đất trả lại vốn đầu tư. Nhưng ông Phúc cho rằng: “Dải bờ biển Quảng Nam với những tiềm năng du lịch sinh thái - nghỉ dưỡng là vốn quý không dễ gì có được, cần phải khai thác đúng hướng. Đó là kêu gọi đầu tư chuỗi du lịch và đô thị sinh thái”. Cùng với xúc tiến đầu tư tuyến đường ven biển Đà Nẵng - Hội An, kêu gọi đầu tư vào du lịch trên dải ven biển này, ông cũng kiên quyết giữ yếu tố sinh thái bằng các quy định tương đối táo bạo lúc đó, như yêu cầu các nhà đầu tư phải trồng vệt cây xanh rộng đến 100m, tỉ lệ xây dựng không được quá 30%... Khi các nhà đầu tư trong nước và quốc tế ồ ạt đăng ký vào khu vực này, bên cạnh những chính sách “trải thảm đỏ”, ông Phúc đã có những quyết định cương quyết thu hồi giấy phép những nhà đầu tư “xí phần”, không thực chất.

 

Dám nghĩ, dám làm

Ông Phúc từng bộc bạch, một cách “đặc sệt” Quảng Nam, rằng: “Tôi là người không ngán gì, làm là làm “tới bến” luôn. Làm gì cũng phải xuất phát từ nhận thức, tôi ghét nhất bệnh hình thức, giả dối!”. Vốn là người “xuất thân” từ ngành du lịch, ông đã bỏ nhiều tâm huyết cho việc biến Quảng Nam gần như là một “con số không” trên bản đồ du lịch trở thành điểm đến thu hút khách du lịch vào bậc nhất nước ta. Ghi nhận lớn nhất mà đến nay người Hội An và Duy Xuyên vẫn còn mang ơn ông, đó là lần đầu tiên trong cả nước, ông mạnh dạn và quyết liệt đấu tranh với lãnh đạo tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng giao quyền quản lý hai di sản Hội An, Mỹ Sơn cho địa phương (huyện) quản lý.

Việc giao hai di sản Mỹ Sơn, Hội An cho chính quyền huyện Duy Xuyên và Hội An quản lý như một bước ngoặt chưa có tiền lệ và trở thành một hiện tượng trên cả nước cho đến ngày nay. Và những sáng kiến kết hợp các địa phương Quảng Nam, Huế, Quảng Bình xây dựng “Con đường di sản”, từ đó biến dự án này thành những hành trình di sản từ năm 2003.

Năm 2005, ông đã đưa ra một quyết định táo bạo, chưa từng có tiền lệ: Gộp tất cả hàng chục buổi lễ kỷ niệm 60 năm thành lập nước, của các ban ngành, đoàn thể trong tỉnh, thành một buổi lễ chung. Trước đó, ông Phúc đã quyết định Quảng Nam không bắn pháo hoa trong dịp tết để tiết kiệm hơn 400 triệu đồng xây nhà tình nghĩa.

Năm 2006, ông ra quy định nghiêm cấm sử dụng xe công để đưa đón các vị lãnh đạo các cơ quan, đơn vị của tỉnh từ TP.Đà Nẵng đi vào làm việc tại thị xã Tam Kỳ (nay là TP.Tam Kỳ) vào đầu tuần và ngược lại vào cuối tuần. Thay vào đó, ông giao Sở Giao thông Vận tải tổ chức chuyến xe buýt đưa đón các vị lãnh đạo đi-về vào đầu và cuối tuần. Đây là một chủ trương “đánh mạnh” vào tình trạng lãng phí công khố.

Với Quỹ Tấm lòng vàng Lao Động

Năm 2001, Quảng Nam nói riêng, miền Trung nói chung vừa trải qua hai năm ròng rã chống chọi với những trận lũ lụt lịch sử. Ông luôn cùng Quỹ Tấm lòng vàng Lao Động “kề vai, sát cánh” đi tận những vùng xa xôi nhất của tỉnh để thăm hỏi, động viên và giúp đỡ các cá nhân, gia đình khó khăn do hậu quả lũ lụt. Rất nhiều ngôi nhà do Quỹ Tấm lòng vàng xây dựng đều do ông cắt băng khánh thành.

Lần đó, quỹ quyết định hỗ trợ cho xã Tiên Sơn, huyện Tiên Phước (tỉnh Quảng Nam) và xã Nghĩa Lâm, huyện Nghĩa Hành (tỉnh Quảng Ngãi) mỗi địa phương miền núi một ngôi trường hai tầng, trị giá 500 triệu đồng. Lúc đó số tiền trên là rất lớn đối với ngành giáo dục vốn khó khăn của hai tỉnh nghèo. Chính quyền tỉnh ủng hộ nhiệt liệt, nhưng va vào thực tế mới thấy sự phiền hà vô kể của cơ sở. Mỗi cửa cơ quan xây dựng là một bước chầu chực, nhiễu nhương của thủ tục. Có lần, đã đến ngày khởi công, quan khách mời đã đủ, địa phương huyện “chơi ngẳng” yêu cầu phải có một văn bản chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh mới cho làm. Từ Tiên Sơn chúng tôi chạy xe máy về đến tỉnh vừa đứng bóng. Gấp quá, chúng tôi “bậm môi” đạp cửa xông vào dãy nhà công vụ, gọi ông dậy. Không cần nghe chúng tôi trình bày hết, ông gọi Chánh văn phòng mang máy tính qua phòng, ngồi ngay tại đó soạn văn bản rồi ký đóng dấu tại chỗ để chúng tôi mang đi cho kịp, trước khi chính quyền huyện Tiên Phước đóng cửa nghỉ chiều (từ Tam Kỳ đến Tiên Phước mất khoảng 3 giờ chạy xe máy).

Rồi ngặt nghèo nữa là khi công trình vừa hoàn công, học sinh chuẩn bị vào năm học mới với ngôi trường vững chãi, khang trang, Kiểm lâm địa phương ách lại và buộc đình chỉ công trình trường học của Quỹ Tấm lòng vàng vì... phát hiện toàn bộ gỗ làm cửa, sườn, trính lợp mái ngói... do nhà thầu địa phương cung cấp là gỗ khai thác trái phép. Nghe chuyện, ông đích thân điện thoại ngay đến Chi cục Kiểm lâm huyện yêu cầu dỡ bỏ lệnh đình chỉ và chỉ đạo: Ai khai thác gỗ trái phép thì xử lý đúng pháp luật, còn trường phải mở cửa ngay để học sinh vào học.

Thời còn làm ở Quảng Nam, trong mắt cán bộ, ông Nguyễn Xuân Phúc là con người hành động, miệng nói, tay làm... đến có kết quả tốt đẹp mới thôi; trong lòng dân, ông là người gần gũi, thấu hiểu và sống bình dị, không có khoảng cách. Nhớ ngày ông ra Hà Nội nhận nhiệm vụ, trong số các cuộc gặp, ông bảo nhà làm một bữa mì Quảng mời mươi anh em báo chí thân quý chia tay. Đó là tình cảm, nhưng cũng là lời nhắn nhủ, dù có đi đến phương trời thì quê hương vẫn là nơi chốn để gửi gắm, để nhớ thương về và cũng là động lực để vươn đến.

 Theo Lao động

Bình luận

Nổi bật

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

sự kiện🞄Thứ ba, 20/02/2024, 10:09

Trên thế giới còn rất nhiều những chiếc phi cơ 'lão thành' ngót nghét 50 tuổi vẫn đang bay trên bầu trời.

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

sự kiện🞄Thứ bảy, 14/10/2023, 05:57

Loại thực phẩm nhiều người xem như vô hại này lại là nguyên nhân dẫn đến bệnh tật, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng, chúng thường được gọi là "sát thủ thầm lặng" tàn phá sức khoẻ con người.

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

sự kiện🞄Thứ năm, 29/06/2023, 15:00

(CL&CS) - Cảng Chu Lai thuộc Công ty Giao nhận - vận chuyển quốc tế Trường Hải (THILOGI) đang dần khẳng định năng lực tiếp nhận tàu lớn, khai thác đa dạng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy giao thương tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên.