Thứ sáu, 23/04/2021, 15:48 PM

Nguy cơ mất thương hiệu gạo ST25 và câu chuyện “biết rồi khổ lắm nói mãi” của ngành gạo Việt

(CL&CS) - Trước gạo ST 25, nhiều thương hiệu nổi tiếng khác như nước mắm Phú Quốc, cà phê Buôn Ma Thuột, ACB,… cũng bị doanh nghiệp (DN) nước ngoài đăng ký thương hiệu, và câu chuyện đòi lại “bản quyền” cũng khiến hao tốn không biết bao nhiêu công sức và tiền của. Tuy nhiên, dường như vấn đề này đến nay vẫn chưa được “người trong cuộc” chú ý…

Những ngày qua, dư luận đặc biệt quan tâm đến thông tin gạo ST24, gạo ST25 đã bị 4 doanh nghiệp nước ngoài "nhanh tay" đăng ký bảo hộ thương hiệu tại Mỹ. Thông tin này đến nay chưa ngã ngũ là chính xác hay chưa vì Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương) mới chỉ xác nhận qua thông tin phản ánh của doanh nghiệp, đang chờ xác minh.

Chưa coi trọng hay ỷ lại (!?)

Tuy nhiên, từ cách phản ứng của “người trong cuộc” cho thấy, dường như vấn đề “bảo hộ thương hiệu” chưa được quan tâm. Theo TS Hồ Quang Cua - "cha đẻ" của giống lúa ST24, ST25, cho biết, đã nắm được thông tin 4 doanh nghiệp nước ngoài đăng ký bản quyền thương hiệu gạo ST24, ST25 tại thị trường Mỹ. Song ông cũng thừa nhận, "đây là vấn đề vô cùng phức tạp".

"Trước nay, tôi chỉ chuyên tâm nghiên cứu, lai tạo ra các giống lúa, trong khi vấn đề đăng ký bản quyền thương hiệu rất phức tạp", ông Hồ Quang Cua nói.

IMG_0811

Trong khi đó, ông Hồ Quang Trí, Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang Trí (con trai ông Cua), đơn vị đang sở hữu bản quyền lúa giống ST25 cho biết, việc 4 doanh nghiệp tại Mỹ đăng ký bản quyền gạo ST24, ST25… không ảnh hưởng đến chủ sở hữu giống lúa ST24, ST25 và không có ai cấp độc quyền sản phẩm gạo cả (!?).

"Tại sao có đến 4 doanh nghiệp cũng đăng ký sở hữu thương hiệu gạo ST24, ST25, bởi doanh nghiệp nào cũng đăng ký được, kể cả ở Mỹ hay Việt Nam miễn đáp ứng đủ hồ sơ. Và thương hiệu gạo ST24, ST25 được đăng ký bảo hộ thương hiệu đó phải gắn liền với tên của doanh nghiệp đó", ông Trí khẳng định.

Tuy nhiên, ở dưới góc độ xuất khẩu, việc 4 doanh nghiệp nước ngoài "nhanh tay" đăng ký bảo hộ thương hiệu gạo ST24, ST25 khiến nhiều đơn vị lo lắng. Nguyên nhân là vì nếu các DN này được công nhận thương hiệu, khi Việt Nam xuất khẩu 2 loại gạo này sang Mỹ sẽ phải thông qua doanh nghiệp chủ sở hữu thương hiệu ST24, ST25 ở Mỹ. Nếu không thông qua, doanh nghiệp Việt sẽ vi phạm về sở hữu trí tuệ.

“Nếu bên Hoa Kỳ chính thức cấp phép cho 4 doanh nghiệp đăng ký sở hữu trí tuệ thương hiệu gạo ST24, ST25 cần hiểu rằng, sản phẩm gạo ST24, ST25 của doanh nghiệp Việt nếu muốn bán tại thị trường Mỹ, bắt buộc phải thông qua 4 doanh nghiệp đó, không thể bán cho người khác được. Họ sẽ cầm trịch toàn bộ hệ thống phân phối bên thị trường Mỹ. Nếu doanh nghiệp Việt không muốn thông qua, bán cho 4 doanh nghiệp nêu trên thì bắt buộc phải lấy một tên khác, không phải tên là gạo ST24, ST25”, ông Hoàng Minh Chiến, Phó cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại, cho hay.

Trong khi đó, trên thực tế không phải là DN Việt không muốn đăng ký thương hiệu gạo ST24, ST25. Theo ông Nguyễn Lâm Viên, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Vinamit, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nông nghiệp trang trại nông thôn Việt Nam, nói: "Ngay khi gạo ST25 giành giải gạo ngon nhất thế giới năm 2019, tôi đã đặt vấn đề với tác giả mua lại quyền quản lý thương hiệu gạo ST25 và trả phí cho tác giả theo kg lúa gạo bán ra như thông lệ nhưng tác giả không đồng ý. Không chỉ tôi mà những đơn vị chuyên nghiệp khác cũng đã ngỏ lời muốn quản lý thương hiệu gạo ST25 nhưng không thành công".

Cũng theo chia sẻ của Chủ tịch HĐQT Vinamit, ông không hề ngạc nhiên hay bất ngờ về việc ST24, ST25 bị DN nước ngoài đăng ký bảo hộ thương hiệu. Bởi, trong lĩnh vực này luôn luôn phải nhanh, hễ chậm là mất, sơ hở là mất.

“Ngay chính Vinamit cũng từng mất thương hiệu ở nước ngoài và chúng tôi đã phải tốn nhiều năm cùng nhiều tiền của mới đòi lại được", ông Viên cho biết.

Nếu mất, có dễ đòi?

Theo tìm hiểu, tra cứu thông tin công khai trên WIPO - cơ sở dữ liệu của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới - hiện có 3 tổ chức, cá nhân có địa chỉ tại Hoa Kỳ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu liên quan trên sản phẩm gạo ST25. Đó là Ngon Fish Sauce đăng ký bảo hộ "Gao Thom ST25" "Dac san Soc Trang" nộp đơn ngày 22/10/2020; Transworld Foods đăng ký bảo hộ "VIETNAM’S ST25 RICE, DAC SAN SOC TRANG", nộp đơn ngày 1/9/2020 và John D.Tran đăng ký nhãn hiệu ST25 nộp đơn ngày 18/6/2020.

Đáng lưu ý, cả 3 đơn đăng ký bảo hộ trên đều trong trạng thái đang chờ xử lý (pending). Điều này có nghĩa là đến thời điểm hiện tại, chưa có tổ chức, cá nhân nào được Cơ quan Sáng chế và Nhãn hiệu Mỹ (USPTO) cấp giấy văn bằng bảo hộ.

Thông tin này là một tín hiệu tốt cho Việt Nam nếu lúc này “người trong cuộc” (chủ sở hữu thương hiệu gạo ST24, ST25 tại Việt Nam) chủ động khiếu nại đến USPTO để đề nghị hủy bỏ các đơn đăng ký trên và tiến hành thủ tục đăng ký "chính chủ".  Tuy nhiên, quá trình này chắc chắn sẽ tốn kém không ít nhưng vẫn sẽ “mềm” hơn rất nhiều so với việc phải mua lại nếu đã bị đăng ký trước.

LS Lê Bá Thường - Giám đốc Công Ty Luật TNHH MTV Dân Luật Tín Thành (Đoàn Luật sư TP.HCM), nhận định, việc đòi thương hiệu là một vấn đề rất căng. Việt Nam từng có nhiều vụ, như nước mắm Phú Quốc, ngân hàng ACB… cũng từng bị DN Trung Quốc, Mỹ lấy thương hiệu, nhưng khi kiện tụng đòi lại, nếu thương hiệu đó thuộc chỉ dẫn địa lý thì còn dễ, ví dụ như nước mắm Phú Quốc, còn ST24, ST25 chỉ là nhãn hiệu, không phải là chỉ dẫn địa lý nên khó lấy lại, bất kỳ ở đâu người ta cũng làm được.

“Còn nhớ, thời điểm ACB đã mất phải số tiền rất lớn mới lấy lại được. Đối với các nhãn hiệu Việt Nam như ST24, ST25 phần lớn là chúng ta đăng ký sở hữu ở trong nước, còn nếu chưa đăng ký ở nước ngoài, đặc biệt là với Mỹ thì nguy cơ bị mất là rất lớn…”, LS Lê Bá Thường nói.

Cũng theo ông Thường, cái dở nhất của DN Việt Nam là vậy, tại vì với gạo ST24, ST25 chúng ta là viết tắt, không phải chỉ dẫn địa lý. Còn với nước mắm Phú Quốc, do có chỉ dẫn địa lý Phú Quốc là ở Việt Nam nên khi đưa ra trọng tài quốc tế, họ sẵn sàng bảo vệ cho Việt Nam, còn ST thì ở đâu chẳng đặt được, nên khả năng thua là rất cao…

Linh Đan

Bình luận

Nổi bật

Giải pháp cho sự phát triển bền vững khu công nghiệp Việt Nam

Giải pháp cho sự phát triển bền vững khu công nghiệp Việt Nam

sự kiện🞄Thứ năm, 28/03/2024, 15:31

(CL&CS) - Sáng 28/3, tại Hà Nội, diễn đàn Thúc đẩy phát triển vền vững khu công nghiệp Việt Nam đã được diễn ra do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức. Tại đây, các chuyên gia đã chỉ ra những thách thức và giải pháp để phát triển hiệu quả các khu công nghiệp, khu kinh tế.

Thủ tướng tiếp Bộ trưởng Phát triển kinh tế, thương mại quốc tế và xúc tiến xuất khẩu Canada

Thủ tướng tiếp Bộ trưởng Phát triển kinh tế, thương mại quốc tế và xúc tiến xuất khẩu Canada

sự kiện🞄Thứ năm, 28/03/2024, 15:29

(CL&CS) - Chiều 27/3, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Bộ trưởng Phát triển kinh tế, thương mại quốc tế và xúc tiến xuất khẩu Canada Mary Ng đang thăm, làm việc tại Việt Nam.

Hàng nghìn cư dân cùng lan tỏa tinh thần sống xanh tại “Ngày hội Xanh” 2024

Hàng nghìn cư dân cùng lan tỏa tinh thần sống xanh tại “Ngày hội Xanh” 2024

sự kiện🞄Thứ năm, 28/03/2024, 15:28

(CL&CS) - Cuối tuần qua, biển người đã đổ về tâm điểm sôi động phía Đông Hà Nội - Grand World, để tham gia chuỗi hoạt động thể thao, trải nghiệm độc đáo của chương trình “Ngày hội Xanh 2024”, sự kiện cộng đồng về môi trường quy mô và hấp dẫn nhất từ đầu năm đến nay.