Văn hóa và Đời sống
Chủ nhật, 28/01/2024, 21:40 PM

Nguồn gốc sự linh thiêng của ngôi chùa lâu đời bậc nhất Thủ đô, là điểm đến quen thuộc của người lận đận tình duyên

Đối với những bạn trẻ độc thân, năm mới tới chùa, họ không chỉ cầu bình an, sức khỏe mà còn cầu tình duyên, hạnh phúc cá nhân.

Người Hà Nội vẫn thường nói với nhau rằng: Muốn cầu công danh tài lộc thì lễ phủ Tây Hồ, cầu xin bình an thì đến chùa Trấn Quốc, còn cầu xin tình duyên thì đến chùa Hà. 

Phía bên ngoài chùa Hà

Phía bên ngoài chùa Hà

Chùa Hà còn gọi là Thánh Đức tự, cùng với đình Bối Hà lập thành cụm di tích đình - chùa Hà thuộc làng Vòng xưa, nay là số 86 phố Chùa Hà, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội. Chùa nằm ở phía tây kinh thành Thăng Long, là nơi ghi dấu văn hiến của xứ Đoài xưa.

Ngoài chủ đề tình duyên kể trên, chùa Hà thực tế là một công trình có lịch sử thú vị. Chùa Hà có liên quan mật thiết tới 2 truyền thuyết từ thời Lý và Hậu Lê. Truyền thuyết đầu tiên diễn ra vào đời nhà Lý, thời kỳ vua Lý Thánh Tông trị vì. Theo đó, dù đã 42 tuổi nhưng nhà vua vẫn chưa có con kế nghiệp nên đã cầu tự ở một ngôi chùa và sinh ra Thái tử Càn Đức. Ngôi chùa này về sau được gọi là chùa Thánh Chúa, để kỷ niệm sự kiện. Trên đường đi vua còn ghé qua một ngôi chùa khác, chính là chùa Hà và ban tiền bạc để chùa trùng tu lại. Vì vậy, chùa Hà còn có tên là Thánh Đức tự.

Chùa Hà là một công trình có lịch sử thú vị

Chùa Hà là một công trình có lịch sử thú vị

Truyền thuyết khác lại kể rằng vua Lê Thánh Tông cho xây dựng ngôi chùa này để tưởng nhớ các vị đại thần có công với đất nước. Theo thời gian, ngôi chùa bị phá hủy bởi chiến tranh loạn lạc. Đến năm 1680, chùa được xây dựng lại bằng gạch vồ, lợp lá gồi nên người dân gọi là chùa Vồi.

Thời vua Lê Hy Tông, có 2 người buôn bán gốm sứ quê ở làng Thổ Hà, Bắc Giang, làm ăn thuận lợi nên đã công đức cho nhà chùa số tiền lớn để xây dựng lại chùa bằng gạch ngói. Từ đó, người dân của làng có một ngôi chùa đẹp. Làng Dịch Vọng và làng Thổ Hà kết nghĩa, đặt tên xóm có ngôi chùa là Bối Hà. Người dân gọi nôm tên chùa là chùa Hà.

Đình Bối Hà

Đình Bối Hà

Để nhớ đến sự kiện này, người dân xóm Thổ Hà sẽ cử đoàn sang lễ ở Bối Hà và ngược lại vào những ngày kỵ hàng tháng. Sau này, chùa Hà cùng với đình Bối Hà - nơi thờ thành hoàng làng Triệu Chí Thành - đã tạo nên cụm di tích đình - chùa Hà độc đáo và vô cùng nổi tiếng.

chua tam bao anh 7
Bên trong chùa Hà

Bên trong chùa Hà

Chùa Hà nhìn ra hướng tây, chùa chính kết cấu kiểu chữ Đinh có Tiền đường và Thượng điện, Tam bảo năm gian rộng. Tòa phật điện của chùa được bố trí theo nhiều lớp.

Phía sau chính điện của chùa là Điện Mẫu

Phía sau chính điện của chùa là Điện Mẫu

Kiến trúc Điện Mẫu bao gồm phía trước là phương đình, phía sau là Thần điện. Trong phương đình có đặt đỉnh hương và đôi hạc lớn. Phía sau phương đình là nhà bái đường gồm 5 gian làm theo kiến trúc cổ.

Bên cạnh chùa là đình Bối Hà có lối kiến trúc theo kiểu chữ Đinh nhìn hướng Tây, tuân thủ quy luật âm dương: tiền quảng đại, hậu thần mật; tiền náo nhiệt, hậu túc tĩnh.

Với khuôn viên rộng rãi, khung cảnh thiên nhiên thoáng đãng, bước qua những ồn ào của phố xá, quần thể chùa Hà như một đóa hoa đẹp nở giữa lòng Thủ đô mang nét linh thiêng, thanh tịnh, trở thành nơi ghé thăm của không ít người dân và khách du lịch.

Chùa Hà là ngôi chùa cầu duyên nổi tiếng đất Bắc

Chùa Hà là ngôi chùa cầu duyên nổi tiếng đất Bắc

Chùa Hà mặc dù không thờ bất cứ nhân vật nào có điển tích liên quan đến tình yêu, nhưng kỳ lạ thay, nơi đây lại trở thành chốn cầu duyên đặc biệt thu hút các bạn trẻ. Trải qua cả nghìn năm lịch sử, chuyện cầu được hay không có lẽ phải dựa vào sự chiêm nghiệm của mỗi người, tuy nhiên có một điều chắc chắn, chùa Hà đã là điểm tựa tinh thần của biết bao thế hệ người Việt.

Chẳng tự nhiên mà dân gian lưu truyền câu nói đến chùa Hà “khi đi lẻ bóng, khi về có đôi”. Hẳn là những lời cầu nguyện, những nén tâm hương đã thành hiện thực nên niềm tin của Phật tử với ngôi chùa này ngày càng mạnh mẽ

Có những người, chẳng hiểu vì “cao số” hay không mà mãi vẫn chưa có ai gõ cửa “vườn hồng”, có người đã chia tay nhưng tình chưa dứt, tìm về lễ chùa để mong “gương vỡ lại lành”. Người ta cũng kháo nhau rằng, chùa Hà rất hợp với những người độc thân.

Lễ vật cầu duyên ở chùa Hà

Lễ vật cầu duyên ở chùa Hà

Cứ như vậy, năm tháng bồi đắp nên sự linh thiêng của chùa Hà và nơi đây trở thành một điểm tựa tâm linh để san sẻ nỗi lòng với những bạn trẻ lận đận trong con đường nhân duyên.

Chùa Hà ngày nay thu hút rất nhiều du khách gần xa. Ngày mùng 1 và ngày Rằm hàng tháng, người dân đến dâng hương lễ Phật cầu Thánh, xin bình an, xin tài lộc và xin duyên lành. Trai gái dập dìu đến chốn thiêng chùa Hà để xin thành đôi, người độc thân thì cầu cho nhanh chóng có người thương.

Chùa Hà không chỉ là chùa cầu duyên linh thiêng ở Hà Nội, mà đây còn là một ngôi chùa linh thiêng về học hành, thi cử. Vì thế, biết bao người đều tìm đến chùa Hà trong dịp đầu xuân để mọi ước nguyện được viên mãn.

Quỳnh Như

Bình luận

Nổi bật

Rừng Đỗ Quyên ở PuTaLeng được công nhận kỷ lục Việt Nam

Rừng Đỗ Quyên ở PuTaLeng được công nhận kỷ lục Việt Nam

sự kiện🞄Thứ hai, 18/11/2024, 07:16

(CL&CS) - Rừng Đỗ Quyên cổ thụ trên núi PuTaLeng ở độ cao 2.619m sẽ được công nhận kỷ lục diện tích lớn nhất Việt Nam.

Quảng Ninh: Phát triển, nâng cao chất lượng đội tàu du lịch trên vịnh

Quảng Ninh: Phát triển, nâng cao chất lượng đội tàu du lịch trên vịnh

sự kiện🞄Thứ tư, 13/11/2024, 08:51

(CL&CS) - Nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách, ngành Giao thông vận tải Quảng Ninh đã xây dựng giải pháp phát triển, nâng cao chất lượng đội tàu du lịch hoạt động trên vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long đến năm 2030.

Năm 2024, tổng lượng khách du lịch đến Thái Bình ước đạt 950.000 lượt

Năm 2024, tổng lượng khách du lịch đến Thái Bình ước đạt 950.000 lượt

sự kiện🞄Thứ hai, 11/11/2024, 15:44

(CL&CS) - Với nhiều chính sách kích cầu, tăng cường xúc tiến, hợp tác, hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh Thái Bình năm 2024 có nhiều khởi sắc, doanh thu và số lượng du khách tăng 20% so với cùng kỳ năm 2023.