Ngân hàng năm 2018: Ổn định hệ thống nhưng vẫn lo nợ xấu

(NTD) - TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng bình luận trong năm 2018 ngành ngân hàng Việt Nam đã có nhiều thành tựu như ổn định hệ thống, ổn định tỷ giá, tỷ suất sinh lời tăng, nhưng nợ xấu vẫn là mối lo lớn cần phải xử lý mạnh tay trong năm 2019.

2

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng.

Năm 2018 qua đi với nhiều biến động lớn trong ngành ngân hàng. Phóng viên Báo Người Tiêu Dùng đã có cuộc trò chuyện với TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng về những gì ngành huyết mạch của nền kinh tế làm được trong năm 2018 và tập trung xử lý trong năm 2019.

Hệ thống ngân hàng ổn định trong năm 2018

* Theo ông, năm 2018, ngành ngân hàng đã có những thành tựu gì?

- Trong năm 2018, ngành ngân hàng Việt Nam đã có không ít thành tựu. Trong đó, thành tựu đáng kể nhất chính là ổn định hệ thống. Vấn đề giải quyết nợ xấu dù vẫn còn nhiều điểm phải bàn nhưng đã có nhiều tiến triển. Các ngân hàng báo lãi lớn, tăng vọt so với trước đây. Tỷ giá cũng nằm trong tầm kiểm soát. Nói chung, sau những đại án nghiêm trọng vừa diễn ra, ngành ngân hàng có nhiều bước tiến lớn đáng khích lệ.

* Năm qua, thị trường tiền tệ biến động mạnh nhưng tỷ giá USD/VND vẫn trong tầm kiểm soát. Đó có phải là thành công không thưa ông?

- Về chính sách tỷ giá, năm 2018, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện chính sách tỷ giá cẩn trọng và giữ được tỷ giá ổn định. Cho đến hiện tại, tỷ giá chỉ biến động dưới 3%, cụ thể là 2,6%. Đó là thành quả lớn trong bối cảnh thị trường tiền tệ thế giới biến động rất mạnh.

Dù vậy, trước mắt, áp lực dành cho tỷ giá vẫn rất lớn, đặc biệt từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Cuộc chiến này khiến đồng nhân dân tệ bị phá giá khoảng 6%. Trong khi tiền đồng mất giá so với USD chưa đến 3%. Kết quả là đồng nhân dân tệ mất giá khoảng 3% so với tiền đồng. Đồng nhân dân tệ mất giá khiến hàng hóa từ Trung Quốc xuất khẩu sang Việt Nam trở nên rẻ hơn. Áp lực nhập siêu từ Trung Quốc càng ngày càng lớn.

* Năm 2018, hàng loạt ngân hàng báo lãi lớn. Đó có phải là một trong những thành tựu nổi bật không thưa ông?

- Suốt thời gian qua, chúng ta đã chứng kiến nhiều ngân hàng báo lãi lớn. Khả năng sinh lời, tỷ lệ sinh lời của ngành ngân hàng là rất lớn. Đó là những số liệu lạc quan, là tín hiệu đáng mừng. Thế nhưng, con số lợi nhuận đó chính xác đến đâu lại là vấn đề khác.

Chúng ta cần đặt ra câu hỏi liệu rằng các số liệu đó chính xác đến đâu, minh bạch đến đâu. Thực tế cho thấy ngân hàng có vấn đề về các khoản phải thu, bao gồm lãi của những món nợ, đặc biệt, không ít trong đó là nợ xấu. Nợ xấu đã không thu hồi được thì lãi trên các món đó chẳng thể thu hồi được. Tôi biết, một số ngân hàng vẫn còn vấn đề về các khoản phải thu này.

Những khoản phải thu còn trên sổ sách, không có giá trị thực. Thu nhập của ngân hàng, lợi nhuận của ngân hàng thực đến đâu thì không ai biết được bởi trong đó có nhiều con số ảo. Vì vậy, tôi không thể bình luận một cách thực chất về khả năng sinh lời của ngân hàng.

3

Nợ xấu vẫn là vấn đề lớn ngành ngân hàng cần xử lý trong năm 2019. (Ảnh minh họa).

Năm 2019 cần xử lý triệt để vấn đề “nuôi nợ xấu”

* Năm 2018 qua đi, năm 2019 đang tới. Trong năm mới, theo ông hệ thống ngân hàng cần xử lý vấn đề gì đầu tiên?

- Trong năm 2018, vấn đề nợ xấu của ngành ngân hàng có nhiều tiến triển. Thế nhưng, nợ xấu vẫn là vấn đề và có nhiều khó khăn cần xử lý. Chính nợ xấu tạo ra hiện tượng các ngân hàng khó khăn về thanh khoản. Nợ xấu là tài sản mà lúc đầu ngân hàng dùng vốn huy động của khách hàng để cho vay ra. Đáng lý, bình thường, dòng vốn đó trở lại ngân hàng, ngân hàng dùng tiền đó trả lại cho khách hàng.

Bây giờ, khi ngân hàng cho vay ra, vốn vay trở thành nợ xấu, không trở lại ngân hàng. Khi khách hàng đến rút tiền, ngân hàng phải huy động vốn mới để trả lại cho khách hàng. Có thể gọi hiện tượng này là “nuôi nợ xấu” .

Hiện tượng “nuôi nợ xấu” làm cho một số ngân hàng có vấn đề về thanh khoản nên cứ phải tăng lãi suất để huy động vốn. Điều này giải thích tại sao cả nền kinh tế muốn giảm lãi suất nhưng không giảm được.

* Cùng với nợ xấu, ngành ngân hàng còn vướng mắc nào lớn nữa không thưa ông?

- Bên cạnh nợ xấu, Thông tư 41 của Ngân hàng Nhà nước sẽ có hiệu lực 2020 cũng gây áp lực cho nhiều đơn vị.

Thông tư 41 đòi hỏi tỷ lệ an toàn vốn tăng lên 8%. Hiện nay, cách tính các tài sản có rủi ro có nhiều thay đổi nhiều. Theo cách tính mới, nhiều ngân hàng không đáp ứng được hệ số an toàn vốn 8%. Nếu thiếu vốn, các đơn vị đó còn 1 năm để huy động vốn. Vốn ở đây không phải vốn tiền gửi khách hàng, mà vốn tự có, vốn chủ sở hữu, vốn cổ phần.

Ngoài ra, ngành ngân hàng còn nhiều vấn đề như quản lý quản lý hoạt động, quản lý rủi ro giải quyết tình trạng sở hữu chéo...

 

1

Ngành ngân hàng có nhiều thành tựu trong năm 2018. (Ảnh minh họa).

* Thưa ông, được biết trong năm 2018 rất nhiều ngân hàng đã thực hiện thoái vốn thành công, giảm tỷ lệ sở hữu chéo. Như vậy, sở hữu chéo sẽ không còn là vấn đề lớn đúng không?

- Đúng là trong năm 2018 nhiều ngân hàng đã thực hiện thoái vốn thành công với mức giá hấp dẫn, từ đó giảm tỷ lệ sở hữu chéo trong ngành. Về mặt này, có thể đánh giá việc giảm sở hữu chéo là có tiến triển.

Thế nhưng, cần phải hiểu sở hữu chéo là mắt xích quan trọng, không chỉ thể hiện qua việc ngân hàng này mua cổ phần của ngân hàng khác mà vấn đề sân trước, sân sau của ngân hàng còn rất lớn. Có người dùng ngân hàng của mình phục vụ quyền lợi riêng của họ. Cái đó cần có sự thanh lọc mạnh mẽ trong năm 2019.

* Xin cảm ơn ông!

Ngọc Lâm

13
 

 

Bình luận

Nổi bật

Nội thành “chật chội”, nhà đầu tư tiềm kiếm cơ hội tại các tỉnh lân cận?

Nội thành “chật chội”, nhà đầu tư tiềm kiếm cơ hội tại các tỉnh lân cận?

sự kiện🞄Thứ năm, 25/04/2024, 15:48

Trong khi các đô thị trọng điểm về nhà ở như Hà Nội, TP.HCM vẫn khan hiếm dự án mới cũng là lúc nhà đầu tư tìm đến những nơi có nguồn cung dồi dào hơn đó là tại các tỉnh.

Lo thiếu cát cho các công trình trọng điểm, HoREA có đề xuất bất ngờ

Lo thiếu cát cho các công trình trọng điểm, HoREA có đề xuất bất ngờ

sự kiện🞄Thứ năm, 25/04/2024, 15:38

Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh (HoREA) cho rằng nếu không có đủ nguồn cát san lấp thì các dự án trọng điểm sẽ khó hoàn thành vào năm 2025. Hiệp hội này đã có đề xuất lên Thủ tướng để giải quyết nguồn cung cát.

Bắc Giang yêu cầu tăng cường công tác quản lý, phát triển cụm công nghiệp

Bắc Giang yêu cầu tăng cường công tác quản lý, phát triển cụm công nghiệp

sự kiện🞄Thứ năm, 25/04/2024, 15:38

Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang mới đây đã ban hành công văn về việc tăng cường công tác quản lý, phát triển cụm công nghiệp (CCN) trên địa bàn tỉnh.