Thứ tư, 12/05/2021, 10:24 AM

Nếu không tư duy lại về DNNN sẽ còn nhiều mất mát cả hữu hình và vô hình

(CL&CS) - Trả lời phỏng vấn của Tạp chí Chất lượng và Cuộc sống, TS. Nguyễn Đình Cung - Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương đã chỉ ra hàng loạt nguyên nhân khiến DNNN cứ mờ dần, nhỏ dần trong sự phát triển kinh tế đất nước và niềm tin về họ đang giảm sút.

Doanh nghiệp nhà nước (DNNN) được xác định là thành phần quan trọng và được kỳ vọng sẽ thực sự là những con chim đầu đàn, dẫn dắt, lan tỏa khu vực doanh nghiệp khác. Nhưng niềm tin của xã hội, thị trường, người dân về bị giảm đi rất đang kể. Ông nhìn nhận thế nào về vai trò của DNNN?

TS.Nguyễn Đình Cung: DNNN tiếp tục có vai trò quan trọng phát triển kinh tế nước ta. Hiện nay DNNN đang nắm giữ và sử dụng một nguồn lực lớn của đất nước, đang nắm giữ khoảng 28% tổng giá trị tài sản của tất cả các doanh nghiệp. Nhưng mức đóng góp của họ vào phát triển kinh tế -xã hội còn thấp hơn tương đối so với số nguồn lực đang nắm giữ. DNNN không những không huy động được nguồn lực bên ngoài, mà còn không huy động hết và chưa sử dụng đầy đủ, tối đa các nguồn lực đang nắm giữ vào đầu tư sản xuất, kinh doanh. Và trong sự phát triển kinh tế của đất nước thì vai trò của DNNN đang mờ dần và nhỏ đi.

Vì sao, thưa ông?

TS.Nguyễn Đình Cung: Nguyên nhân thì có hàng loạt. Trong đó, Chính phủ, cơ quan chủ sở hữu vốn chưa thực sự làm nhà đầu tư vốn đúng nghĩa trong kinh tế thị trường mà chỉ chú ý nhiều đến quản lý nhà nước.  

Mục tiêu đầu tư của Nhà nước tại doanh nghiệp không rõ ràng, không phù hợp với kinh tế thị trường và đang lẫn lộn giữa mục tiêu đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp và thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Nhà nước trong cung ứng dịch vụ cho công dân. Trong khi mục tiêu đầu tiên của doanh nghiệp, gồm cả DNNN trong kinh tế thị trường là tối đa hóa lợi nhuận trên cơ sở bảo dảm hợp lý hiệu quả tài chính. Nếu không bảo đảm hiệu quả tài chính, thì doanh nghiệp sẽ mất dần, hao mòn dần số vốn đầu tư kinh doanh, và đến một thời điểm nào đó, không thể tiếp tục hoạt động, bị phá sản hoặc bị kẻ khác thôn tính.  DNNN chưa thực sự là doanh nghiệp đúng nghĩa trong kinh tế thị trường, hầu như không có quyền tự chủ đầu tư, tự chủ kinh doanh, phải xin ý kiến và tuân theo trình tự hành chính  chứ không phải quy tắc và thông lệ thị trường.

TS. Nguyễn Đình Cung - Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương

TS. Nguyễn Đình Cung - Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương

Trong 3 nội dung cơ bản của việc tái cơ cấu nâng cao hiệu quả của DNNN là Áp đặt kỷ luật thị trường, buộc các DNNN hoạt động đầy đủ theo cơ chế thị trường và cạnh tranh bình đẳng; Áp dụng quản trị công ty hiện đại theo thông lệ quốc tế; Cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp mà Nhà nước không cần nắm giữ.  Nhưng 2 nội dung đầu hầu như chưa thực hiện và nội dung thứ ba cơ bản không hoàn thành

Từ đó vai trò của DNNN cứ mờ dần, nhỏ dần trong sự phát triển kinh tế đất nước. Nếu không tư duy lại về DNNN để thay đổi những định chế tương ứng, sẽ còn mất mát nhiều, cả mất mát hữu hình và những mất mát vô hình. 

Vậy làm thế nào để ngăn chặn sự mất mát và để DNNN giữ vững vai trò, đạt được kỳ vọng mà cả đất nước trông đợi ở khu vực này, thưa ông? 

TS.Nguyễn Đình Cung: Để đạt mục tiêu và kỳ vọng, yêu cầu hết sức cấp thiết là đổi mới tư duy. Nếu không tư duy lại về DNNN để thay đổi những định chế tương ứng, thì sẽ còn mất mát nhiều, cả mất mát hữu hình và những mất mát vô hình, mất mát không chỉ về hiệu quả kinh tế mà còn về vai trò dẫn dắt của DNNN với nền kinh tế.  

DNNN phải là doanh nghiệp thực sự có đầy đủ quyền tự chủ kinh doanh tương tự như doanh nghiệp khác và hoạt động thực sự theo nguyên tắc thị trường, chịu cạnh tranh bình đẳng và được cạnh tranh bình đẳng.

DNNN cũng cần một chế độ tài chính mà về cơ bản tương tự như chế độ tài chính đối với các doanh nghiệp khác.

Cần có chính sách chủ sở hữu hợp lý, trong đó lưu ý mục tiêu đầu tư của chủ sở hữu Nhà nước phải làm gia tăng giá trị cổ phần, phần vốn góp của nhà nước, tức là tăng giá trị của công ty và có được tỷ suất lợi nhuận hợp lý/tổng đầu tư mà không tính trên từng dự án hay khoản mục đầu tư cụ thể.

Đầu tư của Nhà nước phải hướng tới phát triển một số công nghệ, sản phẩm, dịch vụ chủ lực của đất nước, có năng lực canh tranh quốc tế, tạo ra công nghệ, sản phẩm, dịch vụ chủ lực, thiết yếu…  cho đất nước và góp phần củng cố tính tự chủ và sức chống chịu của nền kinh tế.

Đồng thời, ngay trong nhiệm kỳ này phải đẩy mạnh để áp dụng đầy đủ các nguyên tắc quản trị theo thông lệ quốc tế. Đây là nội dung một nội dung của cải cách, tái cơ cấu DNNN luôn có trong các nghị quyết có liên quan của Đảng và nhà nước, nhưng hầu như chưa thực hiện được. Khi DNNN, nhất là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, chưa thực sự là công ty cổ phần hay trách nhiệm hữu hạn, thì không thể áp dụng được các nguyên tắc quản trị công ty hiện đại theo thông lệ quốc tế tốt.

Và tất cả DNNN cần niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam, lựa chọn và thực hiện niêm yết một số DNNN trên thị trường chứng khoán quốc tế,  trước hết là các doanh nghiệp trong các ngành, các nghề đang đối mặt với cạnh quốc tế. Niêm yết được trên thị trường chứng khoán là một bước tiến có tính quyết định về chất lượng quản trị DNNN, tạo điều kiện tốt cho đổi mới và phát triển DNNN nói chung và đầu tư Nhà nước nói riêng.

 Cảm ơn ông đã trả lời phỏng vấn.

Hà Linh Lan

Bình luận

Nổi bật

Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn

Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn

sự kiện🞄Thứ năm, 25/04/2024, 15:37

(CL&CS) - Chiều 24/4 tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp bán dẫn. Hội nghị do Văn phòng Chính phủ phối hợp cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức.

Trông giữ xe không dùng tiền mặt

Trông giữ xe không dùng tiền mặt

sự kiện🞄Thứ ba, 23/04/2024, 09:28

(CL&CS) - Hà Nội vừa chính thức triển khai thí điểm thu phí không dùng tiền mặt tại 7 điểm trông giữ xe ở quận Hoàn Kiếm. Đây là một nội dung nhằm triển khai Đề án 06 của Chính phủ và Nghị quyết số 18-NQ/TU của Thành ủy Hà Nội về chuyển đổi số, xây dựng Thành phố thông minh.

Tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, sinh kế cho người dân

Tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, sinh kế cho người dân

sự kiện🞄Thứ ba, 23/04/2024, 09:28

(CL&CS) - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 21/4/2024 về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.