Thứ năm, 12/09/2024, 20:49 PM

Nâng cao nguồn nhân lực chất lượng cao, đào tạo mỹ thuật ứng dụng trong bối cảnh phát triển công nghiệp văn hóa

(CL&CS) - Ngày 12/9, Hội thảo Khoa học Quốc gia "Đào tạo mỹ thuật ứng dụng trong bối cảnh phát triển công nghiệp văn hóa" được diễn ra tại Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội. Với sự tham gia đông đảo của các nhà khoa học, các nhà thiết kế, các cơ sở đào tạo Mỹ thuật ứng dụng, đại diện các doanh nghiệp.

Phát triển công nghiệp văn hóa hiện nay là xu thế chung

Phát triển đạo tạo mỹ thuật ứng dụng gắn với nhu cầu xã hội là nhiệm vụ trọng tâm chiến lược hàng đầu mà các cơ sở đào tạo trên cả nước nói chung và Trường đại học Kiến trúc Hà Nội nói riêng đang nỗ lực thực hiện, nhất là khi xu hướng toàn cầu hoá đang diễn ra ngày càng sâu rộng trên hầu hết các lĩnh vực, văn hoá, xã hội, kinh tế và cả giáo dục đào tạo.

z5822995352535_feb82f1d03c96d9465bb677d80884817

Hội thảo Khoa học Quốc gia "Đào tạo mỹ thuật ứng dụng trong bối cảnh phát triển công nghiệp văn hóa"

Việc đào tạo ngành nghề và phát triển nguồn nhân lực để có đội ngũ có chuyên môn cao liên quan đến từng lĩnh vực trong công nghiệp văn hóa được đặc biệt chú trọng.

PGS.TS. Đặng Mai Anh – Chủ nhiệm Câu lạc bộ khối các trường đào tạo mỹ thuật ứng dụng, cho hay, đào tạo mỹ thuật ứng dụng trong bối cảnh phát triển công nghiệp văn hóa hiện nay là xu thế chung toàn cầu, của mọi lĩnh vực trong xã hội nhất là giáo dục đại học hiện nay.

Để cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao trong bối cảnh phát triển, hội nhập của đất nước cũng như sự phát triển công nghiệp văn hoá ngoài việc nâng cao chất lượng đào tạo thông qua chương trình học, công cụ hỗ trợ, cần có sự nắm bắt nhanh chóng các chủ trương, chính sách phát triển của các cơ quan nhà nước.

Sự liên kết giữa các đơn vị đào tạo, sự kết nối giữa đơn vị đào tạo với doanh nghiệp tuyển dụng nguồn nhân lực để nắm bắt nhu cầu thị trường và có được cái nhìn đa chiều về sự phát triển của công nghiệp văn hoá, vai trò và sự ảnh hưởng đối với lĩnh vực nghiên cứu, đào tạo Mỹ thuật ứng dụng. Từ đó có những giải pháp phát triển đào tạo mỹ thuật ứng dụng có năng lực, có trình độ cao đáp ứng nhu cầu xã hội trong thời kỳ mới.

Ở Việt Nam hiện nay, đã có một số trường tham gia vào đào tạo công nghiệp văn hóa (như trường Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh), hoặc đào tạo các lĩnh vực cụ thể liên quan đến công nghiệp văn hóa và sáng tạo nói chung và các ngành nghệ thuật nói riêng (như trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, trường Đại học Mỹ thuật công nghiệp, trường Đại học sân khấu điện ảnh, Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương, trường Đại học Văn hoá nghệ thuật Quân đội, trường Đại học RMIT Việt Nam, trường Đại học FPT, trường Đại học Thủ Dầu Một, trường Đại học Anh Quốc tại Việt Nam, trường Đại học Mỹ thuật công nghiệp Á Châu ...). Nhưng nhìn chung, nguồn nhân lực trong công nghiệp văn hóa/sáng tạo ở Việt Nam còn tương đối mỏng và bị giới hạn về nhận thức lý luận lẫn những kỹ năng thực tiễn.

Trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo, hầu hết nguồn nhân lực phục vụ cho các lĩnh vực thuộc công nghiệp văn hóa/sáng tạo hiện nay ở Việt Nam đều vẫn chủ yếu được cung cấp dựa trên hệ thống giáo dục nghệ thuật truyền thống với hệ thống các trường chuyên ngành như Học viện Âm nhạc Quốc gia, Học viện múa Quốc gia (âm nhạc và nghệ thuật biểu diễn), trường Đại học Sân khấu Điện ảnh (các lĩnh vực sân khấu điện ảnh), trường Đại học Mỹ thuật (các lĩnh vực hội họa, điêu khắc), trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp (đồ họa, thiết kế và tạo dáng công nghiệp), trường Đại học Kiến trúc (kiến trúc) … đã tồn tại suốt hơn nửa thế kỷ qua. Dù vậy, kinh nghiệm thực tế của lực lượng lao động này trong việc thích ứng với môi trường phát triển của công nghiệp văn hóa/sáng tạo ở Việt Nam cũng như trên thế giới đã biểu hiện hàng loạt vấn đề bất cập đối với mô hình đào tạo nghệ thuật truyền thống.

Văn hóa Việt Nam là kết tinh thành quả hàng nghìn năm văn hiến, lao động sáng tạo, đấu tranh kiên cường dựng nước và giữ nước của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, là kết quả giao lưu và tiếp thu tinh hoa của nhiều nền văn hóa trên thế giới để không ngừng hoàn thiện mình và phát triển. Văn hóa Việt Nam đã hun đúc nên tâm hồn, khí phách, bản lĩnh, con người Việt Nam anh hùng, mến khách, yêu quý bạn bè, làm rạng rỡ lịch sử vẻ vang của dân tộc.

Nói về công nghiệp văn hóa là đề cập đến các ngành công nghiệp sản xuất ra các sản phẩm mang tính nghệ thuật và sáng tạo, có bản chất vật thể hoặc phi vật thể; thông qua khai thác những giá trị văn hóa cùng những sản phẩm và dịch vụ có tính trí tuệ, có ý nghĩa xã hội và văn hóa để thu về những nguồn lợi kinh tế.

Trong kỷ nguyên toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng, đặc biệt trong bối cảnh của Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đặt ra nhiều thách thức, khó khăn mới, phát triển công nghiệp văn hóa phải dựa trên các quan điểm cơ bản sau: Bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước;

Đặt trong tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, góp phần quan trọng xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, bản sắc, thống nhất trong đa dạng và dựa trên đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ; phát triển có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với các quy luật cơ bản của kinh tế thị trường, xu thế của thời đại; gắn liền với quảng bá, lan tỏa hình ảnh đất nước, con người Việt Nam và bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc;

Đáp ứng được các yếu tố "Sáng tạo - Bản sắc - Độc đáo - Chuyên nghiệp - Lành mạnh - Cạnh tranh - Bền vững" trên nền tảng "Dân tộc - Khoa học - Đại chúng"; từng bước tạo dựng thương hiệu mang tầm quốc gia, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu; lựa chọn và triển khai một số chính sách có tính chất đột phá; cần "Tư duy sắc bén, hành động sắc sảo, lựa chọn tinh hoa để đột phá phát triển" các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam.

Lĩnh vực đào tạo mỹ thuật ứng dụng trong những năm gần đây đã và đang có rất nhiều đổi mới, góp phần vào sự nghiệp phát triển của đất nước, tuy nhiên thực tiễn cuộc sống luôn có sự thay đổi không ngững đặt ra cho các đơn vị đào tạo mỹ thuật ứng dụng một số vấn đề cần bàn luận. Trong giai đoạn tới, việc triển khai các nhiệm vụ, giải pháp phải đồng bộ, quyết liệt, kiên trì, có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các chính sách có tính chất đột phá nhằm chuyển hóa tài nguyên văn hóa "tiềm năng" thành các sản phẩm và dịch vụ văn hóa có khả năng cạnh tranh cao.

Nâng cao chất lượng đào tạo mỹ thuật ứng dụng ở Việt Nam hiện nay

Theo TS. Mai Thị Thùy Hương, Phó Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, để nâng cao chất lượng đào tạo mỹ thuật ứng dụng ở Việt Nam hiện nay, các trường cần tập trung đổi mới chương trình đào tạo, đa dạng các phương pháp đào tạo, từ đó nâng cao chất lượng đội ngũ các giảng viên toàn diện. Ngoài ra, nhà trường cần chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị học tập, thực hành, tăng cường hoạt động hợp tác quốc tế, hợp tác với các đơn vị doanh nghiệp để góp phần trao đổi, tạo ra những chiến lược phát triển mang thương hiệu bền vững. 

Chương trình hội thảo cũng đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp, bàn luận của các nhà nghiên cứu, chuyên gia, cán bộ, giảng viên tham dự với các nhận định đa chiều, mang đến nguồn thông tin giá trị, thiết thực cho phát triển đào tạo mỹ thuật trong bối cảnh phát triển công nghiệp văn hóa hiện nay.

Các diễn giả, chuyên gia, nhà khoa học đã nhất trí rằng mỹ thuật ứng dụng không chỉ đơn thuần là một ngành đào tạo về nghệ thuật, mà nó còn đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển nền công nghiệp văn hóa. Các sản phẩm thiết kế từ lĩnh vực này có khả năng ảnh hưởng đến xu hướng tiêu dùng, định hình văn hóa thị giác, và góp phần xây dựng bản sắc văn hóa quốc gia. Việc phát triển ngành công nghiệp văn hóa hóa đòi hỏi một nguồn nhân lực có chuyên môn sâu về mỹ thuật ứng dụng, đồng thời hiểu rõ về các giá trị văn hóa và nhu cầu của thị trường.

Chương trình đã mang lại nhiều góc nhìn đa chiều và các đề xuất quan trọng nhằm cải thiện chất lượng đào tạo mỹ thuật ứng dụng trong bối cảnh công nghiệp văn hóa phát triển. Các ý kiến của các chuyên gia đều đồng thuận rằng, để đáp ứng nhu cầu thị trường và phát huy tối đa tiềm năng của ngành, hệ thống đào tạo cần phải thay đổi mạnh mẽ, linh hoạt và sáng tạo hơn. Đồng thời, việc giữ gìn bản sắc văn hóa trong thiết kế sẽ là chìa khóa để mỹ thuật ứng dụng Việt Nam tạo dấu ấn trên bản đồ công nghiệp sáng tạo toàn cầu.

Một số đề xuất và kiến nghị quan trọng như sau:

Nâng cao chất lượng đào tạo: Cần đổi mới chương trình giảng dạy mỹ thuật ứng dụng theo hướng gắn liền với thực tiễn, tập trung vào các kỹ năng sáng tạo, tư duy phản biện, và ứng dụng công nghệ hiện đại. Điều này giúp sinh viên không chỉ nắm vững kiến thức chuyên môn mà còn có khả năng thích ứng nhanh với thị trường lao động.

Tăng cường hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp: Việc hợp tác này sẽ giúp sinh viên có cơ hội tiếp cận với những dự án thực tế, từ đó nâng cao kỹ năng và kinh nghiệm làm việc ngay từ khi còn trên ghế nhà trường. Đồng thời, các doanh nghiệp cũng sẽ đóng góp ý kiến xây dựng chương trình đào tạo phù hợp với nhu cầu thực tế.

Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa: Trong bối cảnh toàn cầu hóa, việc giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống trong các sản phẩm thiết kế là vô cùng quan trọng. Đào tạo Mỹ thuật Ứng dụng cần chú trọng hơn đến việc khuyến khích sinh viên tìm hiểu, nghiên cứu các yếu tố văn hóa địa phương để tạo ra các sản phẩm có giá trị nghệ thuật và bản sắc riêng.

Ứng dụng công nghệ và sáng tạo kỹ thuật số: Để bắt kịp xu hướng toàn cầu, việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào Đào tạo Mỹ thuật Ứng dụng là cấp thiết. Các cơ sở đào tạo cần đầu tư vào trang thiết bị hiện đại và phát triển các khóa học về thiết kế số, thực tế ảo (VR, 3D), trí tuệ nhân tạo (AI) nhằm trang bị cho sinh viên những kỹ năng cần thiết cho tương lai.

Thái Bảo

Bình luận

Nổi bật

Vì sự phát triển Phụ nữ trong Khoa học: Tôn vinh 38 nhà khoa học nữ tài năng của Việt Nam

Vì sự phát triển Phụ nữ trong Khoa học: Tôn vinh 38 nhà khoa học nữ tài năng của Việt Nam

sự kiện🞄Thứ sáu, 13/09/2024, 22:04

(CL&CS) - Chương trình Giải thưởng khoa học L’Oréal – UNESCO "Vì sự phát triển Phụ nữ trong Khoa học” vừa tôn vinh 38 nhà khoa học nữ xuất sắc của Việt Nam đã nhận Giải thưởng khoa học L’Oréal – UNESCO "Vì sự phát triển Phụ nữ trong Khoa học" từ năm 2009 đến năm 2023 nhân kỷ niệm 15 năm Chương trình có mặt tại Việt Nam.

Chuyển đổi số trong ngành bán lẻ: Xu hướng lớn định hình tương lai?

Chuyển đổi số trong ngành bán lẻ: Xu hướng lớn định hình tương lai?

sự kiện🞄Thứ năm, 12/09/2024, 22:01

(CL&CS) - Tiếp nối thành công của chương trình Ngày Hội Công Nghệ Advantech 2024 tại Hà Nội, ngày 12/9, Advantech Việt Nam tiếp tục tổ chức hội thảo và triển lãm công nghệ với chủ đề chuyển đổi số trong ngành bán lẻ tại TP.HCM. Sự kiện đã thu hút được sự quan tâm từ giới công nghệ cùng sự đồng hành của nhiều đối tác lớn trong và ngoài nước.

Nâng cao nguồn nhân lực chất lượng cao, đào tạo mỹ thuật ứng dụng trong bối cảnh phát triển công nghiệp văn hóa

Nâng cao nguồn nhân lực chất lượng cao, đào tạo mỹ thuật ứng dụng trong bối cảnh phát triển công nghiệp văn hóa

sự kiện🞄Thứ năm, 12/09/2024, 20:49

(CL&CS) - Ngày 12/9, Hội thảo Khoa học Quốc gia "Đào tạo mỹ thuật ứng dụng trong bối cảnh phát triển công nghiệp văn hóa" được diễn ra tại Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội. Với sự tham gia đông đảo của các nhà khoa học, các nhà thiết kế, các cơ sở đào tạo Mỹ thuật ứng dụng, đại diện các doanh nghiệp.