Năm 2020, Tập đoàn Hoa Sen có “thoát lầy”?

(NTD) - Năm 2019, ngoài việc bị ảnh hưởng chung từ nhu cầu yếu của ngành thép, Tập đoàn Hoa Sen (HSG) bị “sa lầy” còn bởi rủi ro từ hàng tồn kho lớn và nợ cao. Năm 2020, HSG dự tính sẽ bật cao nhờ chiến lược đầu cơ nguyên liệu thép cán nóng giá thấp. Dự tính này có dễ thực hiện?

Lợi nhuận thấp nhất 8 năm

Trong niên độ tài chính 2018-2019 (10/2018-9/2019), Tập đoàn Hoa Sen đạt hơn 28.000 tỷ đồng doanh thu và hơn 360 tỷ đồng lãi sau thuế. Kết quả này chỉ đạt gần 90% mục tiêu doanh thu và hơn 70% mục tiêu lợi nhuận. Kết quả kém khả quan này khiến lợi nhuận của HSG rơi vào mức thấp nhất trong 8 năm qua.

Trong năm qua, ngành thép khó khăn chủ yếu do ảnh hưởng của chiến tranh thương mại, HSG cũng bị vạ lây. Mặt khác, HSG cũng bị “sa lầy” do trữ hàng tồn kho quá lớn và duy trì nợ vay ngắn hạn cao. Nợ cao đẩy chi phí tài chính cao, nguyên liệu thép cán nóng HRC giảm giá khiến biên lợi nhuận của HSG cũng bị thu hẹp.

Để khắc phục các điểm yếu này, năm qua HSG đã ráo riết tái cơ cấu. Trong 9 tháng đầu năm, HSG đã giảm số lượng nhân viên xuống còn 6.600 người từ mức đỉnh là 9.800 người. HSG cũng đóng cửa hàng loạt công ty và điểm phân phối, một phần chuyển thành điểm bán hàng, để thu hẹp quy mô.

LPV
Tính đến cuối tháng 6/2019, chủ tịch Lê Phước Vũ nắm tổng cộng hơn 36% cổ phần Tập đoàn Hoa Sen.

Về mặt tài chính, HSG mạnh tay cắt giảm nợ vay xuống còn mức gần 9.700 tỷ đồng (giảm hơn 30%). Khoản mục tồn kho cũng giảm mạnh để tránh rủi ro giảm giá, con số này đến cuối niên độ tài chính chỉ còn hơn 4.400 tỷ đồng (giảm 30%).

Tuy nhiên, nợ ngắn hạn cao vẫn còn là một điểm yếu không nhỏ của HSG. Trong gần 10.000 tỷ đồng nợ vay đến cuối niên độ 2019 thì HSG phải chịu áp lực lãi vay khá lớn khi có tới hơn 6.700 tỷ đồng là vay ngắn hạn.

Những khó khăn trong năm qua khiến cổ phiếu HSG của tập đoàn này vẫn mãi lênh đênh dưới mức mệnh giá. Cổ phiếu HSG bắt đầu rớt xuống mệnh giá từ tháng 10/2018 và duy trì mức đó cho đến nay. Dù đã tăng giá gần 50% trong năm qua, nhưng đến cuối năm 2019, cổ phiếu HSG vẫn chưa được 8.000 đồng/cổ phiếu.

Hiện tại, chủ tịch Lê Phước Vũ là cổ đông lớn nhất của Tập đoàn Hoa Sen. Tính đến cuối tháng 6/2019, ông Vũ nắm trực tiếp 11,74% (gần 50 triệu cổ phiếu). Thông qua hai công ty do ông sở hữu riêng là Công ty TNHH Tập đoàn Đầu tư Hoa Sen và Công ty TNHH MTV Tam Hỷ, ông nắm thêm lần lượt 24,32% và 0,25% cổ phần HSG. Tổng cộng, ông Vũ giữ hơn 36% cổ phần HSG.

Rủi ro từ đầu cơ nguyên liệu HRC

Trong năm 2020, sau khi tái cơ cấu hoạt động mạnh mẽ, HSG lên kế hoạch “thoát lầy” chủ yếu nhờ vào đầu cơ nguyên liệu thép cán nóng (HRC). Trong đại hội cổ đông năm ngoái, ông Vũ tuyên bố rằng, từ trước đến nay, 50% lợi nhuận của  HSG đến từ đầu cơ nguyên liệu, và sẽ tiếp tục như vậy. HSG kỳ vọng giá thép cán nóng tăng sẽ giúp biên lợi nhuận của họ tăng theo.

Với cơ sở ước tính sản lượng tiêu thụ của HSG tăng 5% trong năm 2020, Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI) dự báo doanh thu và lợi nhuận sau thuế của HSG có thể tăng lần lượt 0,3% và 25%, lên mức 28.000 tỷ đồng và 453 tỷ đồng. Đồng thời, tỷ suất lợi nhuận phục hồi lên 12,8% trong năm tài chính 2020 từ 11,4% trong năm tài chính 2019.

Cơ sở kỳ vọng của HSG dựa vào biến động giá của nguyên liệu HRC. Còn nhớ, trong năm 2016, khi giá HRC tăng mạnh, nhờ đã đầu cơ lượng lớn hàng tồn kho giá thấp trước đó, biên lợi nhuận gộp của HSG đã tăng gấp đôi trong một năm, lên mức 25% của doanh thu. Tuy nhiên, giai đoạn 2017-2018, giá HRC giảm đẩy lợi nhuận sau thuế của HSG giảm mạnh cho đến nay. Trong năm 2019, khi giá HRC tăng trở lại (đỉnh điểm là tháng 3/2019), HSG liền dự tính trữ tồn kho để đón đợt tăng giá kế tiếp.

Tuy nhiên, theo ông Phạm Quốc Anh – chuyên viên phân tích Công ty Chứng khoán Đại Nam (DNSE), chu kỳ tăng giá của HRC trong năm 2020 khó kéo dài. “Giá HRC năm 2016 tăng mạnh bởi năm 2015 đã sụt giảm rất mạnh. Còn giá HRC năm 2018 và đầu 2019 giảm không nhiều”, ông đánh giá. Do đó, có thể thấy rủi ro từ việc đầu cơ nguyên liệu HRC của HSG trong năm 2020 là không nhỏ.  

thep 2
Giá HRC năm 2016 tăng mạnh bởi năm 2015 đã sụt giảm rất mạnh. Còn giá HRC năm 2018 và đầu 2019 giảm không nhiều.

Bên cạnh đó, DNSE cũng dự báo giá HRC trong nước sẽ ổn định chứ không tăng giá cao. Sang năm 2020, nhà máy Dung Quất của Tập đoàn Hòa Phát dự kiến cung cấp hơn 2 triệu tấn HRC ra thị trường, nhà máy Formosa sản xuất hơn 5 triệu tấn nữa. Như vậy, tổng công suất sản xuất HRC trong nước là hơn 7 triệu tấn/năm, đáp ứng 80% nhu cầu HRC trong nước, không đến nỗi thiếu.

Một cơ sở khác khiến các công ty chứng khoán kỳ vọng kết quả kinh doanh của HSG được cải thiện trong năm 2020 nằm ở cơ cấu sản phẩm. Việc gia tăng tỷ trọng tôn mạ màu (thường mang lại mức giá cũng như tỷ suất lợi nhuận cao nhất) cũng giúp gia tăng lợi nhuận của HSG.

Sản lượng tiêu thụ của tôn mạ màu của HSG đã tăng hơn 30% trong  quý 4/2019. Đây là kết quả của việc áp dụng thuế chống bán phá giá mà Việt Nam áp cho tôn mạ màu có nguồn gốc từ Trung Quốc và Hàn Quốc (3,45%-34,27%, có hiệu lực từ ngày 25/6/2019). Tuy nhiên, đến tháng 3/2020, Việt Nam sẽ xem xét lại khoản này, khiến lợi thế bán hàng của HSG bị ảnh hưởng. Ngoài ra, dù bị áp thuế, tôn mạ màu của Trung Quốc vẫn rẻ hơn sản phẩm của HSG, theo DNSE.

Dưới góc độ đầu tư, ông Phạm Quốc Anh – DNSE cũng lưu ý thêm, rủi ro từ các thị trường xuất khẩu vẫn là rào cản không nhỏ trong nỗ lực tăng trưởng của HSG. Hiện tập đoàn này có đến 40% doanh thu đến từ xuất khẩu ở 70 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới, chủ yếu là khu vực Đông Nam Á. Việc gia tăng các rào cản thương mại toàn cầu (thuế chống cạnh tranh hay bán phá giá) sẽ phần nào làm gia tăng chi phí, làm giảm lợi nhuận của HSG.

Hoàng Yến

Bình luận

Nổi bật

Thị trường bất động sản vẫn chờ những chính sách mới có hiệu lực

Thị trường bất động sản vẫn chờ những chính sách mới có hiệu lực

sự kiện🞄Thứ hai, 13/05/2024, 20:20

Dù đã bước sang quý II, nhưng thị trường bất động sản (BĐS) vẫn chưa có sự chuyển biến rõ nét khi thanh khoản kém tích cực, nguồn cung vẫn hạn chế… Và kỳ vọng của doanh nghiệp bất động sản là vẫn chờ những chính sách mới có hiệu lực.

[Longform] Đi tìm phân khúc bất động sản tiềm năng trong năm 2024

[Longform] Đi tìm phân khúc bất động sản tiềm năng trong năm 2024

sự kiện🞄Thứ hai, 13/05/2024, 20:19

Nhiều ý kiến cho rằng, thị trường bất động sản (BĐS) Việt Nam trong năm 2024 vẫn còn nhiều cơ hội. Nếu nhìn vào thực tế đang diễn ra, đây hoàn toàn là điều dễ hiểu khi thị trường mới chỉ chớm có sự phục hồi sau thời gian dài trầm lắng. Tuy nhiên, để tìm ra phân khúc tiềm năng cũng như thời điểm thích hợp để “xuống tiền” thì lại cần dựa vào nhiều yếu tố để đánh giá.

Vốn FDI tăng cao, thúc đẩy nhu cầu thuê căn hộ dịch vụ ở Việt Nam

Vốn FDI tăng cao, thúc đẩy nhu cầu thuê căn hộ dịch vụ ở Việt Nam

sự kiện🞄Thứ hai, 13/05/2024, 20:19

Báo cáo của Savills World Research vừa công bố vào tháng 2/2024 cho biết, xu hướng gia tăng về nhu cầu thuê đối với loại hình nhà ở là căn hộ dịch vụ đồng thời được ghi nhận tại Hà Nội và TP.HCM.