Thứ năm, 12/06/2014, 14:32 PM

Mua hàng qua truyền hình – “Thượng vàng hạ cám”

Hiện nay, việc bán hàng trên các kênh quảng cáo truyền hình đang ngày càng sôi động nhưng lại phức tạp. Hàng hóa thì “thượng vàng hạ cám” nhưng đều có điểm chung là quảng cáo thì hết sức hấp dẫn nhưng thực tế lại hoàn toàn khác. Vì vậy,dù có  ưu điểm mang lại thuận tiện khi mua hàng nhưng cũng làm nhiều phiền toái cho người tiêu dùng vì hàng hòa thường không đúng với những lời quảng cáo. Trước những thông tin quảng cáo chưa được chính xác trên các kênh mua sắm này, Báo Người tiêu dùng đã phỏng vấn Ông Nguyễn Mạnh Hùng  - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ NTD Việt Nam, về việc mua hàng thông qua các kênh quảng cáo trên truyền hình.

 PV: Các phương tiện thông tin truyền thông đã có những cảnh báo cho người tiêu dùng khi mua hàng thông qua các kênh quảng cáo trên truyền hình cũng như các trang mạng xã hội, nhưng hiện nay vẫn có nhiều người bị mắc bẫy vì tin vào những lời quảng cáo này, theo ông cần có những biện pháp gì để người tiêu dùng tránh phải việc mua hàng kém chất lượng từ các loại quảng cáo sai sự thật?

Ông Nguyễn Mạnh Hùng: Tôi nghĩ, để có câu trả lời có lẽ trước hết phải đi tìm hiểu nguyên nhân. Như chúng ta biết, nguyên nhân thì có nhiều, nhưng theo tôi, tựu trung lại cũng xuất phát từ những đối tượng có liên quan như: người quảng cáo, người kinh doanh dịch vụ quảng cáo, người phát hành quảng cáo, người quản lý hoạt động quảng cáo và cuối cùng là người tiếp nhận quảng cáo. Lấy Luật Quảng cáo làm chuẩn, nếu như người quảng cáo, người kinh doanh dịch vụ quảng cáo, người phát hành quảng cáo thực hiện tốt nghĩa vụ của mình; người quản lý hoạt động quảng cáo làm hết trách nhiệm của mình; người tiếp nhận quảng cáo sáng suốt tìm hiểu kỹ thông tin thì tình trạng quảng cáo gây nhầm lẫn, thậm chí không trung thực, người tiêu dùng bị mắc bẫy sẽ không đến nỗi như hiện nay. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn xảy ra không ít trường hợp quảng cáo một đằng, giao hàng một nẻo, không bảo đảm chất lượng như nội dung quảng cáo. Đó là nói về người quảng cáo và người kinh doanh dịch vụ quảng cáo thiếu trách nhiệm với sản phẩm quảng cáo. Các phương tiện truyền thông, trước hết phải ghi nhận đã có công trong việc điều tra, phát hiện, cảnh báo cho người tiêu dùng cũng như cơ quan quản lý. Nhưng ở góc độ người phát hành quảng cáo, cũng có trường hợp chưa giám sát chặt chẽ bộ phận làm dịch vụ quảng cáo nên vẫn để lọt những quảng cáo có nội dung thông tin không chính xác. Việc có quảng cáo gây nhầm lẫn, thậm chí mang tính lừa dối người tiêu dùng vẫn xuất hiện ở đâu đó trên phương tiện truyền thông, điều đó phản ánh một thực tế là công tác quản lý hoạt động quảng cáo hiệu quả còn hạn chế. Còn về phía người tiêu dùng, khi tiếp nhận những quảng cáo “có cánh”, không ít trường hợp vẫn thường hay nhẹ dạ, cả tin. Nên điều gì xảy ra, đã xảy ra. Điều đáng nói là việc trả giá của người trước lại không là bài học cho người sau. Đáng buồn hơn, có trường hợp, việc trả giá cho lần trước lại không là bài học cho lần sau.

Từ những nguyên nhân theo suy nghĩ của tôi đã nêu trên đây, giả sử có phần nào đúng thì biện pháp hàng đầu là phải thượng tôn pháp luật. Luật pháp về lĩnh vực quảng cáo đã có, thậm chí được quy định rất cụ thể ngay trong Luật. Vấn đề là ở chỗ thực thi pháp luật. Đối với người quảng cáo phải cung cấp thông tin trung thực; bảo đảm nội dung quảng cáo phải phù hợp với chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ do mình cung cấp. Người kinh doanh dịch vụ quảng cáo phải chịu trách nhiệm về sản phẩm quảng cáo. Người phát hành quảng cáo phải chịu trách nhiệm trực tiếp về sản phẩm quảng cáo. Muốn tránh để lọt những sản phẩm quảng cáo không chính xác, gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng thì cần thẩm định trước khi phát sóng, đăng tin. Qua ý kiến của những người đã bị thiệt hại khi mua hàng qua quảng cáo, nhất là các bác đã nghỉ hưu, hầu như đều xuất phát từ suy nghĩ tin vào báo chí, truyền hình nhà nước vốn đã đi vào tiềm thức, mà không nhận ra rằng khi quảng cáo nặng về lợi ích kinh tế, nhẹ về mục đích xã hội thì thông tin không phải lúc nào cũng đáng tin cậy. Vụ quảng cáo vòng titan trên nhiều kênh truyền thông làm cho nhiều người tiêu dùng ở nhiều tỉnh, thành phố bị thiệt hại, tuy xảy ra từ năm 2009 nhưng vẫn còn nguyên giá trị mang tính cảnh báo điển hình. Vì vậy, để lập lại trật tự, kỷ cương, cùng với việc nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho các đối tượng liên quan đến hoạt động quảng cáo, nâng cao kiến thức về pháp luật, về thương mại điện tử, về thông tin cảnh báo cho người tiêu dùng, trong đó có vai trò vô cùng quan trọng của truyền thông, báo chí, thì biện pháp không thể thay thế là tăng cường vai trò của cơ quan chức năng trong việc kiểm tra, phát hiện, xử lý theo pháp luật các hành vi vi phạm để lập lại trật tự, kỷ cương trong lĩnh vực quảng cáo trên bất cứ phương tiện nào.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng  – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ NTD Việt Nam 

PV: Hiện nay đã có luật quảng cáo, nhưng vẫn có nhiều quảng cáo không được kiểm tra về nguồn gốc xuất xứ sản phẩm, hàng hóa mà vẫn được phát trên truyền hình? Vậy người tiêu dùng khi mua hàng kém chất lượng từ những quảng cáo phát trên truyền hình có thể khởi kiện được cả đơn vị phát quảng cáo đó không?

Ông Nguyễn Mạnh Hùng: Người tiêu dùng ở đây được hiểu là người tiếp nhận quảng cáo. Theo điều 16 của Luật Quảng cáo có quy định, quyền của người tiếp nhận quảng cáo: Được thông tin trung thực về chất lượng, tính năng, tác dụng của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ. Được từ chối tiếp nhận quảng cáo. Được yêu cầu người quảng cáo hoặc người phát hành quảng cáo bồi thường thiệt hại khi sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ không đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, chất lượng, số lượng, tính năng, công dụng, giá cả hoặc nội dung khác mà tổ chức, cá nhân đã quảng cáo. Được tố cáo, khởi kiện dân sự theo quy định của pháp luật. Khi tố cáo hoặc yêu cầu bồi thường thiệt hại, phải cung cấp đầy đủ tài liệu, chứng cứ về hành vi vi phạm pháp luật về quảng cáo với cơ quan quản lý nhà nước và chứng cứ chứng minh thiệt hại mà quảng cáo gây ra; được quyền yêu cầu người kinh doanh dịch vụ quảng cáo, người phát hành quảng cáo hoặc người quảng cáo cung cấp tài liệu liên quan đến sản phẩm quảng cáo.

PV: Ông có lời khuyên hay những cảnh báo cho người tiêu dùng trước khi mua hàng thông qua các kênh quảng cáo trên truyền hình?

Ông Nguyễn Mạnh Hùng: Tôi thì không có kinh nghiệm, nhưng qua những thông tin được chia sẻ từ người tiêu dùng cũng như qua nghiên cứu, tìm hiểu, tôi cho rằng truyền hình cũng mới chỉ là một kênh, mặc dù là một kênh rất lợi hại cho hoạt động quảng cáo. Trong điều kiện thời đại kỹ thuật số ngày nay, người tiêu dùng đang gặp nhiều thách thức khi giao dịch mua hàng, tiếp nhận thông tin quảng cáo qua các phương tiện kỹ thuật số như truyền hình kỹ thuật số, truyền hình cáp, internet, máy tính cá nhân, bảng quảng cáo kỹ thuật số ngoài trời, máy nhắn tin, đặc biệt là điện thoại di động. Chính vì vậy, chủ đề của Ngày Quyền của người tiêu dùng thế giới năm nay do Quốc tế người tiêu dùng (CI) đưa ra là “Quyền của người tiêu dùng trong thời đại kỹ thuật số”.

Vì vậy, khi mua hàng theo hình thức thương mại điện tử nói chung, người tiêu dùng nên thận trọng trước khi mua. Đặc biệt cần tìm hiểu những thông tin có liên quan đến hàng hóa cần mua, cũng như tổ chức, cá nhân bán hàng, trong đó cần kiểm tra địa chỉ, số điện thoại chăm sóc khách hàng chứ không phải số điện thoại bán hàng. Có lẽ, trong thương mại điện tử, thế yếu của người tiêu dùng bộc lộ rõ nhất, bởi người mua, người bán giao dịch qua phương tiện trung gian, người mua không có điều kiện tiếp xúc trực tiếp với hàng hóa. Để bán hàng, người bán thường quảng cáo những ưu điểm, bỏ qua những yếu điểm của hàng hóa. Giao hàng lại qua khâu trung gian, là người không chịu trách nhiệm về chất lượng hàng hóa, nên mới xảy ra tình trạng “treo đầu dê, bán thịt chó”, khi phát hiện, nhiều người chỉ biết “ngậm bò hòn khen ngọt” vì điện thoại của người bán không liên lạc được, hoặc liên lạc được nhưng chỉ nhận được những câu trả lời mục đích làm nản lòng người nghe hơn là thiện chí giải quyết, nên con đường đòi lại quyền lợi chính đáng của người mua nhiều khi không thành công.

Xin cảm ơn ông./.

                                                                                                    Huyền My

 

 

Bình luận

Nổi bật

Nước thải chăn nuôi sử dụng cho cây trồng phải đảm bảo theo QCVN 01-195:2022

Nước thải chăn nuôi sử dụng cho cây trồng phải đảm bảo theo QCVN 01-195:2022

sự kiện🞄Thứ sáu, 10/05/2024, 16:06

(CL&CS) - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 01-195:2022/BNNPTNT quy định giá trị giới hạn cho phép về các thông số của nước thải chăn nuôi sử dụng cho cây trồng nhằm hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường và sức khỏe con người.

QCVN 01-195:2022/BNNPTNT về nước thải chăn nuôi sử dụng cho cây trồng

QCVN 01-195:2022/BNNPTNT về nước thải chăn nuôi sử dụng cho cây trồng

sự kiện🞄Thứ sáu, 10/05/2024, 15:58

(CL&CS) - Xử lý chất thải chăn nuôi sẽ giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tiết kiệm chi phí cho việc tiêu hủy, mang lại hiệu quả kinh tế, bảo đảm yêu cầu về bảo vệ môi trường cộng đồng…

Sắp ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường

Sắp ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường

sự kiện🞄Chủ nhật, 05/05/2024, 12:24

(CL&CS) - Trong giai đoạn 2024-2026, Bộ Tài nguyên và Môi trường dự kiến sẽ ban hành nhiều Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường đối với khí thải phương tiện ô tô; Quy chuẩn về tiếng ồn;...