Thứ sáu, 02/07/2021, 17:14 PM

Một số nghiên cứu trên thế giới về sản phẩm thuốc lá làm nóng

(CL&CS)- Hành vi hút thuốc lá có thể gây ra một số bệnh nghiêm trọng cho người hút thuốc và tăng nguy cơ tử vong sớm. Trên cơ sở khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), chiến lược kiểm soát thuốc lá tại đa số các quốc gia đều tập trung vào các biện pháp cung và cầu nhằm ngăn chặn việc bắt đầu hút thuốc, giảm tiêu thụ và khuyến khích cai nghiện thuốc lá. Những biện pháp này đã giúp giảm tỉ lệ hút thuốc trong ba thập kỷ qua nhưng gần như không thể loại bỏ hoàn toàn được việc hút thuốc.

Theo WHO, đến năm 2025 ước tính vẫn có trên 1 tỉ người hút thuốc, tương đương với con số người hút thuốc lá hiện nay.

Sau khi chính thức gia nhập Công ước khung của Liên hợp quốc về Kiểm soát thuốc lá (FCTC) năm 2004, Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh hoạt động kiểm soát sản xuất và kinh doanh sản phẩm thuốc lá. Tiêu biểu nhất là việc Quốc hội khóa 13 đã thông qua Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá (Luật số 09/2012/QH 13) vào ngày 18 tháng 6 năm 2012. Đây là văn bản có giá trị pháp lý cao nhất về hoạt động kiểm soát thuốc lá, góp phần xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý đầy đủ và toàn diện điều chỉnh đối với sản phẩm thuốc lá tại Việt Nam.

Tuy nhiên, cùng với sự phát triển và ứng dụng của khoa học-công nghệ, nhiều loại hình thuốc lá mới đã ra đời nhằm đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng. Sản phẩm thuốc lá có sử dụng thiết bị điện tử là một trong số đó. Đây là những sản phẩm không có cơ chế cháy như thuốc lá điếu thông thường, các sản phẩm này sử dụng thiết bị điện tử để làm nóng dung dịch có chứa nicotin (trường hợp sản phẩm thuốc lá điện tử) hoặc làm nóng phần thuốc lá được đặc chế từ cây thuốc lá (trường hợp sản phẩm thuốc lá làm nóng) nhằm tạo ra làn hơi cho người sử dụng hít vào. Điểm khác biệt cơ bản của dòng sản phẩm này so với thuốc lá truyền thống (sản phẩm thuốc lá điếu) đó là không có sự cháy hay quá trình đốt cháy.

2

Các nghiên cứu độc lập về sản phẩm thuốc lá làm nóng

Sản phẩm thuốc lá làm nóng (heated tobacco product - HTP) đã được nghiên cứu, đánh giá độc lập, khách quan bởi các cơ quan chính phủ ở nhiều nước trên thế giới, bao gồm Hoa Kỳ, Đức, Hà Lan, Anh, Thụy Sỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Nga, Ukraina, v.v…

Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA): Để thẩm tra các căn cứ khoa học của thuốc lá làm nóng IQOS mà Công ty Philip Morris International (PMI) đã nộp theo quy trình xét duyệt sản phẩm thuốc lá giảm thiểu nguy cơ (MRTP), FDA tiến hành kiểm tra độc lập toàn bộ các dữ liệu này tại Phòng thí nghiệm Thuốc lá Đông Nam của FDA (SLT) và đưa ra báo cáo chi tiết về kết quả đánh giá. Theo đó, nồng độ nicotin, tar (“nhựa thuốc lá”), acrolein, amoniac, NNN (N’-nitrosonornicotin) và NNK (4-(methylnitrosamino)-1-(3-pyridyl)-1-butanon) được kết luận là tương tự báo cáo của PMI, tức là thấp hơn từ 26-98% (tùy theo từng chất). Lượng formaldehyd và benzo[a]pyren được SLT đo cao hơn so với số liệu do nhà sản xuất cung cấp. Tuy nhiên, hai chất này vẫn thấp hơn rất nhiều so với khói của thuốc lá điếu tiêu chuẩn. Cụ thể, formaldehyd thấp hơn 77% và benzo[a]pyren thấp hơn 90%.

Viện Đánh giá nguy cơ Liên bang Đức (BfR): Nghiên cứu được tiến hành năm 2017 và đánh giá, cập nhật lại vào năm 2019. Nhóm nghiên cứu phân tích các thành phần nicotin, nước, aldehyd và các hợp chất hữu cơ bay hơi khác có trong khí phát thải của thuốc lá làm nóng và thuốc lá truyền thống. Kết quả trong hai nghiên cứu cho thấy khí phát thải của thuốc lá làm nóng có sự giảm triệt để, hơn 99%, các chất gây ung thư chính như benzen và 1,3-butandien; hàm lượng aldehyd giảm 80-95%, hàm lượng các hợp chất hữu cơ bay hơi giảm 97-99%; nồng độ nicotin là tương đương so với thuốc lá điếu truyền thống. Việc giảm đáng kể các chất độc hại nói chung có tiềm năng sẽ tác động đến sức khỏe, nếu người sử dụng cai hoàn toàn các sản phẩm thuốc lá khác.

  Viện Sức khỏe cộng đồng và Môi trường quốc gia Hà Lan (RIVM): Nghiên cứu được công bố năm 2020 với kết luận “Sự thay đổi về mức độ phơi nhiễm tích lũy được ước tính là thấp hơn 10 lần đến 25 lần khi sử dụng các sản phẩm thuốc lá làm nóng so với thuốc lá điếu đốt cháy” và “Việc sử dụng các sản phẩm thuốc lá làm nóng thay vì thuốc lá điếu đốt cháy sẽ có liên quan đến việc tăng đáng kể tuổi thọ đối với nhóm những người hút thuốc có nguy cơ tử vong do ung thư”.

  Tổ chức Y tế công cộng Vương quốc Anh (PHE): Báo cáo đánh giá các bằng chứng về thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng được thực hiện năm 2018 bởi các cơ quan nghiên cứu độc lập thuộc PHE. Liên quan đến nguy cơ sức khỏe, đối với thuốc lá làm nóng, báo cáo kết luận sản phẩm thuốc lá làm nóng có tiềm năng giảm phơi nhiễm các chất hạt và các hợp chất gây hại và có tiềm năng gây hại cho người sử dụng và những người xung quanh, lượng nicotin trong khí phát thải từ sản phẩm thuốc lá làm nóng bằng khoảng 70% đến 84% lượng trong khói thuốc lá điếu.

Ủy ban Tư vấn khoa học về Độc học (COT) của Vương quốc Anh: Năm 2017, với sự hỗ trợ của Ủy ban Tư vấn khoa học về Ung thư (COC) và Ủy ban Tư vấn khoa học về Đột biến (COM), COT đã tiến hành nghiên cứu đánh giá nguy cơ độc tính của sản phẩm thuốc lá làm nóng và so sánh với nguy cơ của thuốc lá điếu truyền thống. Kết quả nghiên cứu đã được nộp cho Bộ Y tế Vương quốc Anh để làm cơ sở cho việc đánh giá ảnh hưởng của sản phẩm với người sử dụng. Nghiên cứu tiến hành thí nghiệm sản phẩm HTP được làm nóng ở nhiệt độ tối đa là 350 oC trong khi thuốc lá truyền thống được đốt ở nhiệt độ 800 oC. Kết quả nghiên cứu cho thấy các chất độc hại hoặc có tiềm năng gây hại (HPHC) trong hơi của thuốc lá làm nóng đã giảm đáng kể, từ 50% đến 90% so với thuốc lá truyền thống (tỉ lệ phần trăm thay đổi tùy theo từng hoạt chất) và nhiều chất ở dưới mức giới hạn phát hiện của phép định lượng.

Trung tâm Quốc gia Trung Quốc về Kiểm soát chất lượng và Thử nghiệm Thuốc lá (CNTQSTC): Nghiên cứu được tiến hành năm 2018 và được công bố vào tháng 1/2019 trên tạp chí Nicotine & Tobacco Research của Đại học Oxford. Nghiên cứu so sánh thuốc lá truyền thống và thuốc lá làm nóng. Kết quả nghiên cứu cho thấy một số chất carbonyl, amoniac, N-nitrosoanabasine (NAB) giải phóng từ thuốc lá làm nóng giảm 80% so với lượng giải phóng từ thuốc lá truyền thống. Hàm lượng nicotin và tar ở hai sản phẩm là tương tự nhau. Nghiên cứu kết luận thuốc lá làm nóng giải phóng chất có hại ít hơn đáng kể so với thuốc lá truyền thống. Kết quả quá trình nhiệt phân cho thấy nhiệt độ thấp hơn tạo ra sự khác biệt cơ bản này.

Viện Nghiên cứu quốc gia Nhật Bản về Sức khỏe cộng đồng (NIHS): Do tác động có hại của hút thuốc lá thụ động, chính phủ Nhật Bản mong muốn xây dựng một bộ luật hiệu quả để ngăn ngừa tác hại của hút thuốc lá thụ động trong nhà và hướng tới thế vận hội Tokyo 2020 không khói thuốc. Là một thành viên hợp tác với WHO trong kiểm soát thuốc lá, NIHS đã sử dụng phương pháp đánh giá của WHO đối với thuốc lá (WHO Tobacco Laboratory Network Official Method SOP) để tiến hành nghiên cứu vào năm 2017 nhằm đánh giá sản phẩm thuốc lá làm nóng có gây tác hại hút thuốc lá thụ động như thuốc lá truyền thống hay không. Nhóm nghiên cứu tiến hành đánh giá nhóm các hợp chất có hại (nicotin, tar, CO và nitrosamin) có trong khói thuốc lá truyền thống và hơi của thuốc lá làm nóng. Kết quả cho thấy nồng độ nicotin là tương tự giữa hai sản phẩm trong khi nồng độ nitrosamin của thuốc lá làm nóng chỉ bằng 1/5 lần và nồng độ cacbon monoxit (CO) chỉ là 1/100 lần so với thuốc lá truyền thống. Nghiên cứu cũng khẳng định các chất có hại không được loại bỏ hoàn toàn trong thuốc lá làm nóng nhưng kết quả này là cơ sở đánh giá tác động với sức khỏe và quy chế quản lý với sản phẩm này.

Viện Nghiên cứu Khoa học toàn quốc về Thuốc lá và sản phẩm thuốc lá Liên bang Nga: Theo yêu cầu của Chính phủ Nga nhằm đánh giá toàn diện các kết quả nghiên cứu khoa học về hệ thống làm nóng thuốc lá sử dụng thiết bị điện tử, nghiên cứu được tiến hành để đánh giá hàm lượng nicotin, 9 chất độc hại theo ưu tiên của WHO là CO, benz(a)pyren, benzen, 1, 3-butadien, NNN, NNK, formaldehyd, acetaldehyd và acrolein sinh ra từ điếu thuốc lá làm nóng. Khác biệt chính được khẳng định là sản phẩm thuốc lá làm nóng không cháy và được làm nóng, thể hiện qua hàm lượng CO rất thấp, chỉ bằng 2% lượng CO trong khói thuốc lá điếu. Nồng độ các hợp chất độc hại trong hơi của sản phẩm thuốc lá làm nóng thấp hơn nhiều so với thuốc lá điếu tiêu chuẩn và 5 nhãn thuốc lá điếu bán chạy nhất ở Nga.

Như vậy, có thể nói các kết quả nghiên cứu đều khẳng định nồng độ các chất gây hại và có thể gây hại trong khí phát thải của thuốc lá làm nóng đã giảm đáng kể so với khói thuốc lá điếu. Tuy nhiên, trong các văn bản của WHO từ năm 2018 đến nay đều khẳng định rằng thuốc lá làm nóng là sản phẩm thuốc lá và phải áp dụng đầy đủ các biện pháp kiểm soát giống như thuốc lá điếu theo Công ước khung về Kiểm soát thuốc lá./.

TS.Ngô Thị Ngọc Hà - ThS. Lê Thành Hưng – Phó Trưởng

Bình luận

Nổi bật

Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Ninh Thuận: Chú trọng thực hiện tốt công tác đảm bảo an toàn bức xạ, hạt nhân

Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Ninh Thuận: Chú trọng thực hiện tốt công tác đảm bảo an toàn bức xạ, hạt nhân

sự kiện🞄Thứ hai, 13/05/2024, 20:19

(CL&CS) - Thời gian qua, công tác đảm bảo an toàn bức xạ, hạt nhân được chú trọng thực hiện nhằm góp phần bảo vệ sức khỏe con người và môi trường, phát huy hiệu quả trong các nghiên cứu, ứng dụng vào thực tiễn đời sống cũng như phát triển kinh tế - xã hội.

Cảnh giác trước quảng cáo đào tạo nghề thẩm mỹ với hình ảnh trái phép

Cảnh giác trước quảng cáo đào tạo nghề thẩm mỹ với hình ảnh trái phép

sự kiện🞄Thứ hai, 13/05/2024, 20:14

Dù không được uỷ quyền hay liên kết tuyển sinh, đào tạo nghề thẩm mỹ nhưng nhiều cơ sở spa, “học viện” ở TPHCM đua nhau “mọc lên” rồi dùng hình ảnh của một số trường nghề để tuyển học viên.

Hơn 1.200 ca nhập viện do thuốc lá điện tử trong một năm

Hơn 1.200 ca nhập viện do thuốc lá điện tử trong một năm

sự kiện🞄Thứ ba, 07/05/2024, 13:55

(CL&CS) - Bộ Y tế cho biết trong thời gian qua đã có hơn 1.200 ca nhập viện do sử dụng thuốc lá điện tử. Số lượng các quốc gia và vùng lãnh thố áp dụng chính sách cấm sản phẩm thuốc lá điện tử đang tăng lên.