Thứ sáu, 08/03/2024, 14:23 PM

Mạnh tay ngăn chặn đường cát nhập lậu

(CL&CS) - Thời gian qua, lực lượng chức năng đã kiểm tra và thu giữ lượng lớn đường cát nhập lậu, do ngước ngoài sản xuất không có hóa đơn, chứng từ. Do chênh lệch giá đường trong nước và nước ngoài, nên tình hình buôn lậu đường kính có nhiều diễn biến phức tạp, các đối tượng thường sử dụng nhiều phương thức thủ đoạn, để qua mặt lực lượng chức năng.

Từ cuối năm 2023 đến nay, giá đường thế giới có xu hướng tăng, giá đường trong nước cũng nhích dần lên. Trước đó, từ ngày 18/8/2023, Việt Nam áp thuế chống bán phá giá đối với một số sản phẩm đường mía của các doanh nghiệp Thái Lan là từ 4,65% đến 32,75%. Quyết định này có hiệu lực đến ngày 15/6/2026. Cùng với Thái Lan, Campuchia, Myanmar... cũng có nguồn cung đường dồi dào. Khi bị áp thuế chống bán phá giá ở mức cao, đường nhập khẩu chính ngạch vào Việt Nam sẽ khó cạnh tranh. Tuy nhiên, mặt hàng đường cát ngoại hiện lại có giá thấp hơn giá sản phẩm trong nước. Đây là một trong những nguyên nhân khiến các đối tượng buôn lậu lợi dụng sự chênh lệch về giá đường cát giữa thị trường các nước tiếp giáp Việt Nam với thị trường trong nước để thực hiện hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển, kinh doanh, tàng trữ trái phép đường cát ngoại. Trong khi đó, người dân rất khó phân biệt được mặt hàng đường cát ngoại với đường cát sản xuất trong nước.

Bắt giữ hàng trăm tấn đường lậu ở nhiều khu vực

Mới đây, ngày 01/02/2024, thông tin từ Cục QLTT tỉnh Khánh Hòa đã kiểm tra và phát hiện 82 bao (loại 50 kg/bao) đường kính trắng hiệu Erewan Sugar không có hóa đơn chứng từ kèm theo. Tổng trị giá hàng hóa là 86.100.000 đồng. Đội QLTT số 5 lập biên bản vi phạm hành chính về hành vi kinh doanh hàng hoá nhập lậu, đề xuất Cục QLTT tỉnh Khánh Hòa trình UBND tỉnh Khánh Hoà xử phạt 75.000.000 đồng và tịch thu tang vật vi phạm theo quy định.

Ở diễn biến khác, ngày 23/01/2024, Cục QLTT TP. HCM tiến hành kiểm tra đột xuất Công ty TNHH T.M.D.N (huyện Củ Chi, TP, HCM) đã phát hiện 6.800 kg đường cát nhập lậu, loại 50kg/bao, xuất xứ Campuchia. Đội Quản lý thị trường số 19 đã tạm giữ toàn bộ số hàng hóa để xử lý theo quy định của pháp luật. 

Lực lượng chức năng TP. HCM kiểm tra hàng hóa vi phạm.

Lực lượng chức năng TP. HCM kiểm tra hàng hóa vi phạm.

Chỉ tính riêng đối với mặt hàng đường cát, trong năm 2023 các lực lượng Quản lý thị trường TP.HCM đã kiểm tra 44 vụ vi phạm, kết quả xử lý phạt tiền 1,44 tỷ đồng, tịch thu 14,8 tấn đường và buộc tiêu hủy 100,8 tấn đường cát.

Hay trước đó, ngày 20/1/2024, Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Bình Thuận vừa phát hiện và xử phạt vi phạm hành chính đối với hộ kinh doanh B.T.N về hành vi kinh doanh 4 tấn đường cát nhập lậu do Thái Lan sản xuất, lô hàng trên không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp; được mua trôi nổi trên thị trường theo trình bày của bà B.T.N chủ hộ kinh doanh.

Đẩy mạnh công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại

Theo lực lượng chức năng, tình trạng gian lận thương mại cộng với đường nhập lậu tràn vào đã gây tổn thất nghiêm trọng cho nông dân, doanh nghiệp và ngành mía đường Việt Nam khi doanh nghiệp khó mà cạnh tranh về giá với đường lậu, tình trạng tồn ứ hàng hoặc giảm giá cũng ảnh hưởng đến giá thu mua mía của người nông dân.

Không ít nhà máy đường phải đóng cửa, nhiều cánh đồng mía bỏ hoang do thua lỗ. Người tiêu dùng cũng bị thiệt hại do các loại đường không rõ nguồn gốc gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.

Giá mặt hàng đường cát ngoại thấp hơn giá sản phẩm trong nước là một trong những điều kiện thuận lợi cho đối tượng lợi dụng để buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển, kinh doanh, tàng trữ trái phép đường cát ngoại, gây thất thu thuế,  ảnh hưởng nghiêm trọng đến các doanh nghiệp sản xuất đường trong nước và người nông dân trồng mía. 

Số đường cát nhập lậu bất ngờ bị kiểm tra và thu giữ.

Số đường cát nhập lậu bất ngờ bị kiểm tra và thu giữ.

Theo đánh giá của lực lượng quản lý thị trường, phương thức, thủ đoạn của các đối tượng buôn lậu đường là lợi dụng sơ hở của lực lượng chức năng khi tuần tra, kiểm soát, thuê một số cư dân địa phương mang, vác hàng hóa qua biên giới, sau đó nhanh chóng tập kết đưa lên xe ôtô vận chuyển vào nội địa tiêu thụ.

Bên cạnh hình thức này, đường nhập lậu được đưa vào tiêu thụ thông qua việc quay vòng hồ sơ đấu giá đường nhập lậu. Ngoài ra, các đối tượng buôn lậu còn dùng thủ đoạn đưa bao bì in nhãn hiệu đường trong nước ra nước ngoài (thường là Campuchia, Thái Lan) và đóng bao đường với bao bì này. Như vậy đường nhập lậu đã có nhãn mác Việt Nam trước khi được nhập về Việt Nam.

Nhằm ngăn chặn tình trạng đường cát có dấu hiệu nhập lậu vào thị trường ngày càng nhiều cũng như kiểm soát lượng đường cát nhập lậu, Bộ Tài chính đã đề xuất Chính phủ gắn tem điện tử truy xuất nguồn gốc. Tem điện tử sử dụng công nghệ RFID có chứa đựng các thông tin về chủng loại đường; tên/địa chỉ cơ sở sản xuất; nguồn gốc xuất xứ; số tờ khai hải quan; thời điểm nhập khẩu; đồng thời truy xuất được nguồn gốc sản phẩm.

Đường nhập khẩu đã gắn tem điện tử sử dụng công nghệ RFID sau khi thông quan thay đổi quy cách đóng gói hoặc chia thành các gói nhỏ để bán lẻ tại thị trường trong nước đã đảm bảo đáp ứng đầy đủ tính năng truy xuất nguồn gốc theo mã QR Code. Việc dán tem đường nhập khẩu do doanh nghiệp tự thực hiện ngay tại khu vực cửa khẩu, dưới sự giám sát của cơ quan hải quan và trước khi thông quan hàng hóa.

Để ngăn chặn đường lậu, Tổng cục Quản lý thị trường đã chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường các tỉnh, đặc biệt là các tỉnh phía Nam tiếp tục tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng đẩy mạnh công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại trên các lĩnh vực quản lý; đặc biệt là công tác chống buôn bán, vận chuyển mặt hàng đường cát nhập lậu nhằm ổn định thị trường, bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp kinh doanh chân chính và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Về phía Ban chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389), đã chỉ đạo Ban Chỉ đạo 389 các địa phương xác định rõ các đối tượng, tuyến, địa bàn, mặt hàng trọng điểm cần tập trung theo dõi, phát hiện đấu tranh. Đặc biệt, kịp thời phát hiện và xử lý dứt điểm, triệt để các vụ việc vi phạm, không để kéo dài hoặc hình thành đường dây, ổ nhóm phức tạp.

Riêng ngành hải quan, đã và đang triển khai nhiều giải pháp để đấu tranh, trong đó đề xuất việc dán tem truy xuất nguồn gốc. Đáng chú ý, Tổng cục Hải quan cũng đã có nhiều văn bản chỉ đạo về tăng cường công tác kiểm tra đối với mặt hàng mía đường. Thời gian tới, cơ quan hải quan địa phương sẽ tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra kiểm tra đối với mặt hàng đường mía, kiểm soát ngăn chặn, phát hiện các hành vi quay vòng tờ khai nhập khẩu.

Trúc Anh

Bình luận

Nổi bật

Khởi động chuỗi chương trình sinh nhật “35 năm Saigon Co.op - niềm tin gắn kết”

Khởi động chuỗi chương trình sinh nhật “35 năm Saigon Co.op - niềm tin gắn kết”

sự kiện🞄Thứ hai, 29/04/2024, 13:56

(CL&CS) - Ngày 27/4/2024, Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP.HCM (Saigon Co.op) tổ chức lễ khởi động chương trình khuyến mãi “Niềm tin gắn kết”, đánh dấu bước khởi đầu cho chuỗi hoạt động chào mừng kỷ niệm 35 năm thành lập đơn vị.

Tăng sức cạnh tranh, chống hàng giả từ truy xuất nguồn gốc hàng hoá

Tăng sức cạnh tranh, chống hàng giả từ truy xuất nguồn gốc hàng hoá

sự kiện🞄Thứ sáu, 26/04/2024, 20:54

(CL&CS) - Thời gian qua, lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý nhiều vụ việc về hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ… nên những giải pháp về truy xuất nguồn gốc được khuyến nghị thực hiện nhằm bảo vệ thương hiệu của doanh nghiệp.

Nguyên tắc “một bước trước - một bước sau” trong truy xuất nguồn gốc hàng hóa

Nguyên tắc “một bước trước - một bước sau” trong truy xuất nguồn gốc hàng hóa

sự kiện🞄Thứ sáu, 19/04/2024, 15:09

(CL&CS) - “Một bước trước- một bước sau” là nguyên tắc truy xuất nguồn gốc mà tổ chức, cá nhân phải lưu giữ thông tin để bảo đảm khả năng giám sát, nhận diện được công đoạn sản xuất, kinh doanh trước và công đoạn sản xuất, kinh doanh tiếp theo trong quá trình sản xuất, kinh doanh đối với một sản phẩm được truy xuất nguồn gốc...