Làm thế nào để kiểm soát chất lượng phân bón?

(CL&CS) - Mặc dù hàng năm, các cơ quan chuyên ngành, lực lượng chức năng đều triển khai các đợt thanh tra, kiểm tra đối với mặt hàng phân bón. Tuy nhiên, tình trạng phân bón giả, kém chất lượng, hết hạn sử dụng vẫn tồn tại trên thị trường, gây ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp và thiệt hại cho nông dân.

Tràn lan phân bón kém chất lượng

Theo đánh giá của Hiệp hội Phân bón Việt Nam, chỉ tính riêng ngành nông nghiệp, mỗi năm thiệt hại 2,5 tỷ USD vì nạn phân bón giả, phân bón kém chất lượng. Đứng trước lợi nhuận lớn, các cơ sở sản xuất phân bón kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ xuất hiện tràn lan, cùng với hàng trăm đại lý phân phối phân bón tiếp tay cho phân bón giả đã ảnh hưởng trực tiếp quyền và lợi ích của người nông dân.

Mới đây, ngày 09/10/2023, Cục QLTT tỉnh Kiên Giang tiến hành kiểm tra đối với 02 cơ sở kinh doanh phân bón trên địa bàn xã Nam Thái Sơn và xã Sơn Kiên, huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang. Tại thời điểm kiểm tra, đoàn kiểm tra phát hiện phân bón NPK đang được bày bán tại hộ kinh doanh nghi vấn có dấu hiệu vi phạm về chất lượng, qua đó đã tiến hành lấy mẫu để thử nghiệm chất lượng theo quy định.

Kết quả thử nghiệm có 02/03 mẫu phân bón NPK không đạt chất lượng so với mức đăng ký trong Quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam, thấp hơn mức chỉ tiêu chất lượng được chấp nhận. Ngay sau khi có kết quả thử nghiệm, Cục QLTT tỉnh Kiên Giang lập biên bản vi phạm hành chính 02 cơ sở kinh doanh phân bón không đạt chất lượng, trị giá trên 200 triệu đồng, đề nghị xử phạt tổng số tiền 70 triệu đồng.

Lực lượng chức năng kiểm tra tại cơ sở.

Lực lượng chức năng kiểm tra tại cơ sở.

Trước đó, ngày 11/7/2023 Đoàn kiểm tra Đội QLTT số 4, Cục QLTT tỉnh Kiên Giang chủ trì kiểm tra đối với 1 hộ kinh doanh phân bón trên địa bàn huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang.

Quá trình kiểm tra, Đoàn kiểm tra lấy 02 mẫu phân bón gửi kiểm nghiệm chất lượng. Kết quả, cả 02 mẫu này có chất lượng không phù hợp quy chuẩn kỹ thuật tương ứng; tang vật vi phạm hơn 22 tấn phân bón với trị giá trên 400  triệu đồng. Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang đã ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với hộ kinh doanh về hành vi buôn bán hàng hóa có chất lượng không phù hợp quy chuẩn kỹ thuật tương ứng với số tiền 130 triệu đồng. 

Làm thế nào để kiểm soát chất lượng phân bón?

Theo các chuyên gia nông nghiệp, người nông dân rất khó phân biệt được phân bón giả, kém chất lượng khi căn cứ bao bì, nhãn mác vì chỉ nhìn cảm quan thì phân bón giả, kém chất lượng cũng có đầy đủ logo thương hiệu, hàm lượng các chất đầy đủ. Chỉ khi sử dụng phân bón sau vài tháng, đánh giá hiệu quả sử dụng, người dân mới có thể biết hàng giả, hàng thật. Nếu dùng phải phân bón giả, hàm lượng dinh dưỡng không đạt tiêu chuẩn thì năng suất rất thấp, vừa gây hại đất, ảnh hưởng môi trường, nguồn nước, người nông dân vừa thua lỗ nặng. Với những hộ trồng cây ăn trái, thì thiệt hại về đất, cây trồng có thể sau vài năm mới phát hiện và phục hồi được.

Chia sẻ với báo chí, Ông Nguyễn Văn Tuyên, Chánh Thanh tra (Sở Nông nghiệp và PTNT) cho biết: Để nông dân không bị thiệt hại kép, 6 tháng đầu năm 2023, hoạt động kiểm tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực phân bón được tập trung, quyết liệt hơn. Kết quả đã phát hiện nhiều sai phạm, trong đó có 2 tổ chức, 3 cá nhân đã bị xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền phạt là gần 70 triệu đồng. 

Qua đó, đã góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của các đơn vị sản xuất, kinh doanh phân bón. Đồng thời, bảo vệ các doanh nghiệp làm ăn chân chính, tạo sự cạnh tranh công bằng, lành mạnh. 

Tuy nhiên, khó khăn, bất cập trong công tác thanh, kiểm tra chất lượng phân bón hiện nay là số lượng cơ sở kinh doanh phân bón lớn và chủ yếu dưới dạng nhỏ lẻ trong khi lực lượng thanh tra mỏng, kinh phí thực hiện lấy mẫu kiểm định để phục vụ xử lý vi phạm còn hạn chế. Hơn nữa, khâu kiểm nghiệm mất rất nhiều thời gian. Do vậy, việc xử phạt đối với những trường hợp vi phạm bị chậm, ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng nếu trong khi chờ xử lý, những mặt hàng không bảo đảm chất lượng vẫn lưu thông trên thị trường. 

Lực lượng chức năng lấy mẫu phân bón kiểm nghiệm chất lượng.

Lực lượng chức năng lấy mẫu phân bón kiểm nghiệm chất lượng.

Để tiếp tục chấn chỉnh hoạt động sản xuất, kinh doanh lĩnh vực này, thời gian tới, ngành Nông nghiệp sẽ tăng cường tuyên truyền, tập huấn kiến thức về phân bón nhằm nâng cao nhận thức cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh và người sử dụng phân bón trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, Thanh tra Sở phối hợp với các đơn vị, cơ quan liên quan tiếp tục thanh tra, kiểm tra, đặc biệt là tăng cường các cuộc tranh tra đột xuất. Cùng với đó, đẩy mạnh công tác kiểm tra chất lượng thông qua việc lấy mẫu để giám định, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. 

Nhằm đảm bảo đầu ra sản phẩm phân bón đạt chất lượng, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất phân bón cần chú ý đến Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia QCVN 01-189:2019/BNNPTNT Chất lượng phân bón do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng.

Ngoài ra, mẫu phân bón được lấy để xác định hàm lượng các chỉ tiêu chất lượng, yếu tố hạn chế theo phương pháp lấy mẫu được quy định tại TCVN 9486:2018 Phân bón - Phương pháp lấy mẫu và TCVN 12105:2018 Phân bón vi sinh vật - Lấy mẫu. Tiêu chuẩn Quốc gia TCVN 10676:2015 Phân bón - Xác định hàm lượng thủy ngân tổng số bằng phương pháp phổ hấp thụ nguyên tử - kỹ thuật hóa hơi lạnh.

Việc quản lý chất lượng phân bón (bao gồm sản xuất trong nước, nhập khẩu, lưu thông trên thị trường) phải tuân thủ quy định của pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa và pháp luật về quản lý phân bón; đảm bảo minh bạch, khách quan, không phân biệt đối xử về xuất xứ hàng hóa và tổ chức, cá nhân có hoạt động liên quan đến chất lượng sản phẩm, hàng hóa, phù hợp với thông lệ quốc tế, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân sản xuất, buôn bán và người tiêu dùng. Phân bón nhập khẩu phải được kiểm tra nhà nước về chất lượng trước khi thông quan và phải tuân theo quy định của pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa, pháp luật về quản lý phân bón.

Bên cạnh nỗ lực của ngành Nông nghiệp, các địa phương cũng cần đẩy mạnh tuyên truyền để người dân nâng cao nhận thức trong việc chọn lựa phân bón phù hợp, đúng loại cây trồng, đúng liều lượng, đúng cách, đúng thời điểm, tuân thủ hướng dẫn sử dụng. Tích cực đấu tranh phòng, chống, tố giác tội phạm, lên án các hành vi buôn lậu, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, nếu có nghi vấn về các trường hợp sản xuất, buôn bán phân bón giả, kém chất lượng cần liên hệ với cơ quan chuyên môn gần nhất để kịp thời điều tra, xác minh. 

Nghị định 98/2020/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thương mại, sản xuất buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ người tiêu dùng trong đó quy định các hành vi sản xuất buôn bán hàng giả bị xử phạt hành chính. Mức xử phạt cao nhất là phạt tiền lên đến 200 triệu đồng.

Ngoài ra, cá nhân tổ chức có hành vi sản xuất buôn bán hàng giả là phân bón còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả là thức ăn dùng để chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, giống vật nuôi” theo Điều 195 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Trường hợp bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo tội này gồm: Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá từ 30 triệu đồng, hoặc dưới 30 triệu đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 188, 189, 190, 191, 192, 193, 194, 196 và 200 của Bộ luật Hình sự hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; Gây thiệt hại về tài sản từ 100 triệu đồng trở lên; thu lợi bất chính từ 50 triệu đồng trở lên.

Trúc Thi

Bình luận

Nổi bật

Nội thành “chật chội”, nhà đầu tư tiềm kiếm cơ hội tại các tỉnh lân cận?

Nội thành “chật chội”, nhà đầu tư tiềm kiếm cơ hội tại các tỉnh lân cận?

sự kiện🞄Thứ năm, 25/04/2024, 15:48

Trong khi các đô thị trọng điểm về nhà ở như Hà Nội, TP.HCM vẫn khan hiếm dự án mới cũng là lúc nhà đầu tư tìm đến những nơi có nguồn cung dồi dào hơn đó là tại các tỉnh.

Lo thiếu cát cho các công trình trọng điểm, HoREA có đề xuất bất ngờ

Lo thiếu cát cho các công trình trọng điểm, HoREA có đề xuất bất ngờ

sự kiện🞄Thứ năm, 25/04/2024, 15:38

Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh (HoREA) cho rằng nếu không có đủ nguồn cát san lấp thì các dự án trọng điểm sẽ khó hoàn thành vào năm 2025. Hiệp hội này đã có đề xuất lên Thủ tướng để giải quyết nguồn cung cát.

Bắc Giang yêu cầu tăng cường công tác quản lý, phát triển cụm công nghiệp

Bắc Giang yêu cầu tăng cường công tác quản lý, phát triển cụm công nghiệp

sự kiện🞄Thứ năm, 25/04/2024, 15:38

Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang mới đây đã ban hành công văn về việc tăng cường công tác quản lý, phát triển cụm công nghiệp (CCN) trên địa bàn tỉnh.