Văn hóa và Đời sống
Thứ ba, 23/01/2024, 17:16 PM

Kỳ lạ thị trấn nằm dưới lòng đất tập trung khoảng hơn 2.000 cư dân, nhà cửa hiện đại, tiện nghi không kém trên mặt đất

Thị trấn đặc biệt này có những ngôi nhà dưới lòng đất, nhà thờ, cửa hàng sách, bảo tàng và khoảng hơn 2.000 cư dân sinh sống.

Thị trấn Coober Pedy nằm ở bang Nam Australia, cách thành phố Adelaide khoảng gần 850km về phía bắc. Nơi đây còn có tên là thủ phủ đá mắt mèo thế giới vì khoảng 70% lượng khoáng vật này được khai thác ở đây.

Thị trấn Coober Pedy tại Nam Úc

Thị trấn Coober Pedy tại Nam Úc

Khoảng 150 triệu năm trước, khu vực Coober Pedy được đại dương bao phủ. Khi nước biển rút đi, biến đổi khí hậu khiến mực nước ngầm hạ thấp. Silica lắng đọng trong các hang và khe nứt gãy dưới lòng đất, hình thành đá mắt mèo (opal) sau hàng triệu năm.

Khu vực này ban đầu cũng được đặt tên là Ruộng đá mắt mèo dãy Stuart, lấy theo tên của John McDouall Stuart, nhà thám hiểm châu Âu đầu tiên đặt chân tới đây năm 1858.

Một ngôi nhà khoét vào lớp đá dưới sa mạc của người dân thị trấn Coober Pedy

Một ngôi nhà khoét vào lớp đá dưới sa mạc của người dân thị trấn Coober Pedy

Năm 1920, khu vực phải đổi tên để lập bưu cục. Cái tên Dãy Stuart không phù hợp do gần giống với Dãy Stewart ở bang Washington nước Mỹ. Những người thợ khai thác đá đã chọn tên mới là Coober Pedy, thuật ngữ theo tiếng thổ dân nghĩa là "Người da trắng trong hố".

Tại thị trấn này có hàng trăm mỏ khai thác đá mắt mèo đang hoạt động và ước tính có vài trăm nghìn hầm mỏ rải rác quanh khu vực sau một thế kỷ khai thác.

Thợ mỏ tìm đá quý dưới lòng đất

Thợ mỏ tìm đá quý dưới lòng đất

Thợ mỏ thường khoan sâu xuống lòng đất theo phương thẳng đứng, trước khi đào theo phương ngang sang các phía để tìm kiếm đá mắt mèo. Họ dùng máy hút đất đá lên bề mặt, tạo ra những gò đất khổng lồ rải rác quanh thị trấn.

Vào mùa hè, nhiệt độ của thị trấn Coober Pedy thường vượt quá 40 độ C, có lúc lên tới 52 độ C, độ ẩm hiếm khi vượt quá 20% và bầu trời thường không có mây. Để chạy trốn khỏi nhiệt độ như thiêu như đốt tại đây, người dân địa phương và các thợ mỏ đã nghĩ ra cách sống dưới lòng đất. Họ đào hầm, làm nhà trong lòng đất.

Những ngôi nhà được xây dựng sâu dưới lòng đất 4m để mái nhà không bị sập. Người dân dùng đá sa thạch và đá bột kết để xây nhà. Dù bên ngoài nhiệt độ nắng nóng khắc nghiệt thì ở bên dưới lòng đất, nhiệt độ chỉ khoảng 24 độ C. Việc tìm được nơi trú ngụ mát mẻ hơn đã giúp các người thợ mỏ trụ lại được ở Coober Pedy.

Dưới lòng đất còn có cả nhà thờ Chính thống giáo Serbia do người Serbia xây năm 1993, cửa hàng sách và bảo tàng dưới lòng đất giúp khách tham quan trải nghiệm cuộc sống của thợ mỏ.

Nhà thờ Chính thống giáo Serbia được xây dựng trong lòng đất ở thị trấn Coober Pedy

Nhà thờ Chính thống giáo Serbia được xây dựng trong lòng đất ở thị trấn Coober Pedy

Cửa sổ kính màu đón ánh sáng tự nhiên ở lối ra vào nhà thờ

Cửa sổ kính màu đón ánh sáng tự nhiên ở lối ra vào nhà thờ

Hiện nay có khoảng 2.500 cư dân sinh sống ở làng Coober Pedy để tận hưởng sự yên tĩnh và bóng tối. Chi phí xây dựng những ngôi nhà dưới lòng đất tương đối phải chăng, khoảng 24.000 euro (khoảng hơn 600 triệu đồng) cho một ngôi nhà trung bình có 3 phòng ngủ, trong khi phải mất 415.000 euro (hơn 11 tỷ đồng) cho một ngôi nhà ở Adelaide.

Dù sống dưới lòng đất nhưng nhà cửa của người dân Coober Pedy rất hiện đại chứ họ không hề sống kham khổ như một số người hình dung ban đầu. Những ngôi nhà dưới lòng đất có tất cả các tiện nghi của những ngôi nhà bình thường, từ mạng internet cho đến điện và nước. Điểm khác biệt duy nhất là chất liệu tường nhà và việc mọi người không được tiếp xúc với ánh mặt trời tự nhiên mà thôi.

Nội thất một ngôi nhà trong lòng đất

Nội thất một ngôi nhà trong lòng đất

Trong nhà dưới lòng đất cũng đầy đủ tiện nghi và mát mẻ

Trong nhà dưới lòng đất cũng đầy đủ tiện nghi và mát mẻ

Sự độc đáo của thị trấn miền Nam nước Úc đã thu hút rất nhiều du khách tò mò. Vậy nên giờ đây người dân Coober Pedy còn giàu có nhờ du lịch.

Ngoài những ngôi nhà dưới lòng đất, thị trấn Coober Pedy còn có các cửa hàng, quán bar, nhà hàng trên mặt đất để phục vụ nhu cầu của người dân và du khách.

Cửa hàng sách duy nhất trong thị trấn được đào dưới lòng đất

Cửa hàng sách duy nhất trong thị trấn được đào dưới lòng đất

Theo BBC, Coober Pedy không phải là khu định cư dưới lòng đất đầu tiên trên thế giới, hay thậm chí là lớn nhất. Tập quán này đã có từ lâu đời (từ thời người Neanderthal - tộc người cổ xưa sinh sống tại đại lục Á - Âu cho tới 40.000 năm trước và đã bị tuyệt chủng) và tiếp tục được duy trì ở những khu vực có khí hậu khắc nghiệt như Thổ Nhĩ Kỳ, Jordan, Iran, Trung Quốc... nhưng chủ yếu là ở những vùng khô hạn. BBC cho hay, độ ẩm là kẻ thù của các công trình ngầm như nhà dưới lòng đất ở làng Coober Pedy.

Hải Yến

Bình luận

Nổi bật

Hòn đảo kỳ lạ nhất trên thế giới 6 tháng đổi chủ một lần, người dân mang 2 quốc tịch luân phiên, nhiều người muốn nhập tịch để 'tận hưởng' ưu ái

Hòn đảo kỳ lạ nhất trên thế giới 6 tháng đổi chủ một lần, người dân mang 2 quốc tịch luân phiên, nhiều người muốn nhập tịch để 'tận hưởng' ưu ái

sự kiện🞄Thứ bảy, 04/05/2024, 23:47

Tuy nhiên, đây là vùng đất rất hạn chế khách du lịch nên không phải ai cũng có thể đặt chân tới.

Phát sốt với con đường cát giữa biển mỗi tháng chỉ xuất hiện vài lần, nằm ở nơi được ví như ‘viên ngọc ẩn’ của vùng Đông Bắc

Phát sốt với con đường cát giữa biển mỗi tháng chỉ xuất hiện vài lần, nằm ở nơi được ví như ‘viên ngọc ẩn’ của vùng Đông Bắc

sự kiện🞄Thứ bảy, 04/05/2024, 23:47

Con đường cát chỉ xuất hiện một tháng khoảng 8 lần ở vùng biển đảo Thanh Lân đang là điểm tham quan mới thu hút khách đến trải nghiệm.