Dữ liệu cũ
Chủ nhật, 28/05/2017, 17:23 PM

Kiên Giang: Cát biển tại huyện đảo Phú Quốc bị xà xẻo, tận thu gây sạt lở nghiêm trọng

(NTD) - Không hoạt động "lén lút" như nạn hút cát trộm ở những địa phương khác, tình trạng hút cát tại thị trấn An Thới, huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang hoạt động một cách công khai, rầm rộ như một công trường để tận thu cát biển xuất khẩu sang Singapore gây sạt lở bờ biển nghiêm trọng.

"Nuốt" cát biển cả ngày lẫn đêm

Lâu nay, người dân ở thị trấn An Thới, huyện Phú Quốc (Kiên Giang) đã quá quen thuộc với những chiếc tàu đồ sộ từ nước ngoài đến nhận cát rồi chở đi Singapore. Theo chân người dân từ cảng quốc tế An Thới và quân cảng Vùng 5 hải quân nhìn ra hơn 1km, chúng tôi chứng kiến nhiều chiếc tàu khổng lồ đang neo đậu, có tàu trọng tải hàng chục nghìn tấn, đã "no" cát và hoàn tất thủ tục để rời đi.

DSC_5231
Những chiếc thuyền có trọng tải hàng chục ngàn tấn đang chờ lấy cát

Ngày 4/1/2017, UBND tỉnh Kiên Giang vừa gửi văn bản đề nghị cho Công ty Đức Long gia hạn xuất khẩu hơn 826.000m3 cát nạo vét tại quân cảng Vùng 5 hải quân, thì chỉ 2 ngày sau, Bộ Xây dựng liền có văn bản đồng ý cho gia hạn đến tháng 6/2017.

Tại đây, chúng tôi thấy gần trăm chiếc thuyền, xà lan cập thành nhiều tụ, đậu dọc bờ. Trên mỗi thuyền, xà lan, nhiều đối tượng liên tục thay nhau điều khiển dây ga máy, hì hục lay chuyển ống dẫn để hút cát lên. Một giờ sau khi thấy đầy, các đối tượng di chuyển thuyền, xà lan đi đến tàu lớn có trọng tải hàng chục ngàn tấn cạnh đó để chuyển cát lên. Khoảng chục phút sau, các thuyền, xà lan quay trở lại vị trí cũ, tiếp tục hút cát. Cứ thế, đến hơn 2 giờ sau, mỗi thuyền, xà lan đã hút và chuyển đi cả trăm tấn cát.

Trong khi đó chếch về phía bên phải, ngay sát Mũi Dương, có gần chục chiếc sà lan đang thả neo và bơm cát từ đáy biển lên, tiếng máy nổ ầm ầm. Trên mỗi xà lan có nhiều thanh niên liên tục dùng máy khoan có công suất lớn dìm ống dẫn đâm sâu xuống lòng biển, hút cát chảy lên sà lan. Các xà lan di chuyển đến đâu, nước từ đáy biển cuộn lên và nước từ các vòi bơm trên sà lan phun ra làm vùng biển xung quanh đục ngầu.

Không chỉ dùng sà lan dìm ống đâm sâu xuống đáy biển, các đối tượng khai thác còn sử dụng cả xe đào, xe múc “gặm” sạt đất bờ ruộng của dân để tận thu cát. Hoạt động này đã diễn ra trong thời gian dài nhưng chính quyền và ngành chức năng địa phương vẫn "im hơi lặng tiếng", khó hiểu là trong khi cát tại đây phải mang “xuất khẩu” sang Singapore thì các dự án tại Phú Quốc phải mua cát từ nơi khác về san lấp mặt bằng.

DSC_5257
Những chiếc thuyền cùng những vòi hút đang chuẩn bị hút cát

Có mặt tại vùng biển bị khai thác cát này, chúng tôi thấy ven bờ biển, đất sản xuất của người dân bị sạt lở nặng, rất nhiều cây bị bật gốc, phơi rễ chết khô. Chỉ tính riêng đoạn qua thị trấn An Thới, có cả trăm điểm sạt lở, mỗi vị trí bị sạt kéo dài hàng km.

Còn nhiều nỗi lo

Ông Q., một người dân địa phương, cho biết: "Nạn khai thác cát ở Thị trấn An Thới diễn ra từ nhiều năm nay. Không chỉ hoạt động ban ngày, đám khai thác cát còn lộng hành cả ban đêm. Có một thời gian tạm lắng xuống do báo, đài lên tiếng nhưng sau đó cả “tập đoàn” thuyền hút cát đổ về, xới tung mặt biển lên để đãi cát khiến đất ven đó bị sạt lở nghiêm trọng, bờ kè ngã đổ. Bức xúc, bà con nhiều lần gọi điện báo, làm đơn kêu cứu nhiều nơi, nhưng lần nào sự việc cũng không được giải quyết".

Cũng theo người dân tại địa phương, nhiều năm nay, biển giờ đây đã bị sạt lở ăn sâu vào bờ hàng trăm mét, nhiều đoạn sạt lở tạo thành những vực sâu, sụt lún rất nguy hiểm. Bên cạnh đó, tiếng máy móc gầm rú hút cát inh ỏi suốt cả ngày lẫn đêm. Nhiều người bức xúc phản đối thì bị các chủ tàu, nhân công làm thuê chửi bới, đe dọa, hành hung, uy hiếp, gây áp lực với các hộ dân sinh sống. Và dù rất bức xúc nhưng người dân tại đây đành bất lực, không thể làm gì được. Các đối tượng khai thác cát “xẻ thịt”, lấy đi hàng ngàn tấn cát, nạn khai thác cát ồ ạt từ nhiều năm qua khiến cho trữ lượng cát biển ngày càng cạn kiệt. Đổi lại, hàng trăm mét vuông ruộng vườn của người dân ven biển bị sạt lở; nhà cửa có thể bị “hà bá” cuốn trôi bất cứ lúc nào.

DSC_5211
Bờ biển bị sạt lở nặng do khai thác cát

Ông A. buồn bã: "Có miếng đất dưỡng già, mấy năm trước người ta đến trả mua hơn tỷ bạc mà tui không bán. Giờ đang cần tiền để chữa bệnh, gọi người bán thì chẳng ai mua, có người trả giá còn có hơn trăm triệu vì sợ đất bị trôi hết xuống biển.Tự dưng bị mất giá, chắc giờ cũng chẳng bán được mà nợ nần thì chồng chất do vay mượn để chữa bệnh".

Ông A cho biết thêm, ruộng vườn của hàng chục hộ dân khác cũng lâm vào cảnh sắp bị trôi do những người khai thác cát tạo nên, thậm chí có người mất trắng hàng chục hecta đất, số bị ảnh hưởng thì bị khoét hàm ếch rộng ở phía dưới có nguy cơ sạt lở bất cứ lúc nào.

Nạn khai thác cát đang đẩy cuộc sống của người dân địa phương vào cảnh bế tắc. Nhiều năm qua, người dân địa phương đã nhiều lần lên tiếng đề nghị chính quyền và các ngành chức năng can thiệp, ngăn chặn những kẻ hút cát, phá đất của dân nhưng vẫn chẳng ăn thua gì, nỗi lo của người dân ngày càng chồng chất mà còn thêm bị đe dọa bởi những kẻ coi trời bằng vung. Để cứu cát, cứu vườn tược, những năm qua, người dân đã gửi hàng trăm lá đơn kêu cứu đến xã, huyện nhưng kết quả vẫn bằng không.

Được nạo vét theo cơ chế "xã hội hoá"?

Được biết, đây là dự án thi công nạo vét vùng nước quân cảng Vùng 5 hải quân tại thị trấn An Thới, huyện Phú Quốc (Kiên Giang) do Công ty CP Hải Việt (Nam Định) làm chủ dự án nhưng không làm gì, sau đó bán lại cho Công ty TNHH xây dựng XNK Hải Dương KG (Kiên Giang). Bắt đầu từ ngày 1/5, công ty này ký hợp đồng liên doanh, nhưng giao trực tiếp cho Công ty  Hải Dương KG trực tiếp nạo vét, tận thu để xuất khẩu. Theo đó, để có được "đặc ân" này, cứ mỗi m3 cát thu được thì Công ty Hải Dương KG phải trả cho Công ty Hải Việt 21.000 đồng/m3cát và phải có trách nhiệm đóng thuế, phí.

DSC_5251
Xà lan đang neo đậu để lấy cát

Do đây là hạng mục công trình quốc phòng nên chính Bộ Quốc phòng phê duyệt từ các bước thẩm định hồ sơ, thủ tục, báo cáo đánh giá tác động môi trường. Theo đó, để thực hiện dự án này, chủ đầu tư đã hợp đồng với Công ty CP Hải Việt và Công ty TNHH sản xuất xây dựng - thương mại Đức Long thi công nạo vét theo cơ chế “xã hội hóa”.

Một cán bộ Sở Tài nguyên và môi trường tỉnh Kiên Giang cho biết, chính Bộ Xây dựng duyệt cấp khối lượng cát khai thác ở dự án nạo vét luồng tàu tại quân cảng Vùng 5 hải quân với tổng số khoảng 7 triệu m3, trong đó, đơn vị thi công được phép xuất khẩu 1 triệu m3.

Tháng 10 và 11-2015, Công ty Hải Dương KD xuất khẩu cho Công ty JIA DA Investment & Construction chỉ có... 1 USD/m3. Nhưng Công ty này khi mua dự án khai thác cát của 3 doanh nghiệp khác, phải chi trả từ 21.000 - 31.500 đồng/m3. Rất khó hiểu!

(Còn nữa)

C.T.

 

Bình luận

Nổi bật

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

sự kiện🞄Thứ ba, 20/02/2024, 10:09

Trên thế giới còn rất nhiều những chiếc phi cơ 'lão thành' ngót nghét 50 tuổi vẫn đang bay trên bầu trời.

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

sự kiện🞄Thứ bảy, 14/10/2023, 05:57

Loại thực phẩm nhiều người xem như vô hại này lại là nguyên nhân dẫn đến bệnh tật, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng, chúng thường được gọi là "sát thủ thầm lặng" tàn phá sức khoẻ con người.

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

sự kiện🞄Thứ năm, 29/06/2023, 15:00

(CL&CS) - Cảng Chu Lai thuộc Công ty Giao nhận - vận chuyển quốc tế Trường Hải (THILOGI) đang dần khẳng định năng lực tiếp nhận tàu lớn, khai thác đa dạng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy giao thương tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên.