Dữ liệu cũ
Thứ hai, 22/07/2019, 13:55 PM

Khó khăn “bủa vây” khi xây mới chung cư Thanh Đa

(NTD) - Thông qua hình thức đấu thầu, chính quyền TP.HCM đã chọn được nhà đầu tư để triển khai dự án chỉnh trang đô thị tại khu chung cư Thanh Đa gần 50 năm tuổi xuống cấp. Song những khó khăn khách quan đang đẩy việc khởi công dự án trở thành vấn đề nan giải.

Giải quyết bài toán di dân

Khu chung cư Thanh Đa thuộc P.27, Q. Bình Thạnh, TP.HCM có 21 lô chung cư cũ, trong đó 15 lô chữ có quy mô 21ha và 8 lô số có diện tích 15ha. Dân số cư ngụ trong hai cụm này khoảng 3.500 hộ.

Năm 2014, UBND Q. Bình Thạnh đã di dời gần 300 hộ tại lô IV và lô VI do hai lô chung cư này nghiêng lún, thuộc vào diện di dời khẩn cấp. Hiện nay, số dân còn lại vào khoảng 3.200 hộ.

Năm 2017, UBND thành phố đã có quyết định công nhận CTCP Phát triển Thanh Đa làm chủ đầu tư của 8 lô số. Từ đó tới nay, chủ đầu tư đã phối hợp cùng chính quyền thực hiện các thủ tục để đầu tư, song gặp vô vàn khó khăn dẫn tới sự chậm trễ.

Trong số các nguyên nhân chậm trễ thì việc giải quyết bài toán di dân như thế nào là nan giải hơn cả. Đầu tháng 5/2019, gần 1.300 hộ dân tại 6 lô số còn lại của chung cư Thanh Đa đã nhận được thông báo thu hồi đất để thực hiện dự án, nhưng người dân vẫn hết sức băn khoăn vì chưa biết sẽ tạm cư ở đâu.

Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng Q. Bình Thạnh cho biết các hộ dân trong dự án được chọn một trong ba phương thức tái định cư (TĐC): Nhận tiền tự lo nơi ở mới, chọn căn hộ TĐC tại chỗ hoặc chọn căn hộ TĐC tại vị trí khác.

Nói về các phương án của quận Bình Thạnh đưa ra, cô Hạnh, người dân ngụ tại lô V chung cư Thanh Đa cho rằng, về việc nhận tiền tự lo nơi ở mới nghe rất hợp lý nhưng số tiền theo tính toán thì rất khó để mua căn nhà tại quận Bình Thạnh. Phương án chọn căn hộ TĐC tại chỗ là dễ chấp nhận nhất, tuy nhiên dù đã được giải phóng mặt bằng từ năm 2016 song tới thời điểm này nhà đầu tư vẫn chưa thể triển khai. Cô Hạnh cho rằng nhà đầu tư nên xây trước nhà TĐC trên diện tích đất đã giải phóng mặt bằng từ lô IV, lô VI để dân về ở, tiếp đó mới tiến hành giải phóng mặt bằng các lô còn lại.

Còn về phương án TĐC ở vị trí khác, theo các hộ dân cho biết, hiện nay 6 lô số có tới 1.300 căn hộ, nếu cùng lúc di dời thì sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm chỗ ở. Còn nếu phải di dời ra khỏi quận Bình Thạnh thì càng vất vả hơn vì đảo lộn cuộc sống.

chungcu
Kế hoạch chỉnh trang xây mới chung cư Thanh Đa đã có nhiều năm qua nhưng khi triển khai lại gặp nhiều khó khăn cho nhà đầu tư.

Cần cơ chế đặc thù

Theo tìm hiểu, CTCP Phát triển Thanh Đa hiện là chủ đầu tư của 8 lô số. Sau khi được công nhận chủ đầu tư thông qua đấu thầu, công ty đã nộp vào ngân sách 40,4 tỷ đồng là chi phí và kinh phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư các hộ thuộc sở hữu tư nhân của lô IV, lô VI. Cùng lúc đó là việc ký hợp đồng với Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng Q. Bình Thạnh thực hiện công tác bồi thường, tái định cư 6 lô số còn lại... Nguyên nhân chậm trễ triển khai xây dựng mới tại lô IV và lô VI là do thủ tục hành chính.

Dự án chung cư Thanh Đa nằm trong kế hoạch chỉnh trang đô thị, chính vì vậy, các bước để triển khai dự án được áp dụng theo Luật Đất đai 2013. Tức là phải đấu thầu để chọn nhà đầu tư. Sau khi trúng đấu thầu nhà đầu tư phải lo thủ tục pháp lý giống như một dự án thương mại bình thường.

Chuyên gia kinh tế, tiến sĩ Lê Bá Chí Nhân cho rằng, việc này rất thiệt thòi cho chủ đầu tư vì phải mất thời gian thực hiện thủ tục pháp lý như dự án thương mại bình thường, song lợi nhuận chắc chắn sẽ không bằng được vì những chính sách trong dự án chỉnh trang đô thị khắt khe hơn.

“Cần phải có cơ chế đặc thù, có thể lập ra một hội đồng riêng để giải quyết thủ tục pháp lý cho các dự án chính trang đô thị nhanh hơn, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư” - tiến sĩ Nhân đưa ra giải pháp.

Ngoài khó khăn về thủ tục pháp lý, vấn đề làm sao để thỏa mãn TĐC cho người dân cũng gặp nhiều nan giải. Hầu hết người dân chưa biết tái định cư ở đâu, tạm cư như thế nào? Qua khảo sát lấy ý kiến cư dân tại 6 lô số, được biết nhiều người dân đồng tình việc đầu tư xây dựng dự án và có mong muốn được tái định cư tại chỗ. Do đó, quận đề xuất thành phố cho phép thực hiện dự án theo hình thức cuốn chiếu. Nghĩa là sẽ thực hiện đầu tư trước tại hai lô IV và VI. Khi xây xong, sẽ chuyển người dân về tái định cư tại đây và tiếp tục giải phóng mặt bằng các lô còn lại. Tuy vậy, hình thức này gây ra khó khăn cho nhà đầu tư trong bài toán tài chính. Theo tính toán, nhà đầu tư phải bỏ hàng trăm tỷ đồng tiền vốn để triển khai dự án trong 2-3 năm mà không huy động vốn được từ nguồn khác.

Được biết, hiện quỹ nhà TĐC ở quận Bình Thạnh có tới gần 500 căn hộ tuy vậy, quận gặp khó khăn vì quỹ nhà lại phục vụ cho dự án cải tạo rạch xuyên tâm, chứ không phải chỉnh trang đô thị tại Thanh Đa. Có ý cho rằng, nếu quỹ nhà TĐC tại địa bàn quận được ưu tiên để TĐC cho dân Thanh Đa trước thì công tác di dân nơi đây sẽ đỡ rối, có nghĩa người dân được TĐC ngay trên Q. Bình Thạnh, ít xáo trộn cuộc sống và nhà đầu tư có thêm giải pháp hữu hiệu để giải quyết vấn đề TĐC.

Nguyên Vũ

 

Bình luận

Nổi bật

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

sự kiện🞄Thứ ba, 20/02/2024, 10:09

Trên thế giới còn rất nhiều những chiếc phi cơ 'lão thành' ngót nghét 50 tuổi vẫn đang bay trên bầu trời.

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

sự kiện🞄Thứ bảy, 14/10/2023, 05:57

Loại thực phẩm nhiều người xem như vô hại này lại là nguyên nhân dẫn đến bệnh tật, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng, chúng thường được gọi là "sát thủ thầm lặng" tàn phá sức khoẻ con người.

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

sự kiện🞄Thứ năm, 29/06/2023, 15:00

(CL&CS) - Cảng Chu Lai thuộc Công ty Giao nhận - vận chuyển quốc tế Trường Hải (THILOGI) đang dần khẳng định năng lực tiếp nhận tàu lớn, khai thác đa dạng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy giao thương tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên.