Văn hóa và Đời sống
Thứ ba, 12/12/2023, 21:24 PM

Khám phá ngôi cổ tự trăm năm tuổi nằm cheo leo trên đỉnh núi, nổi tiếng với cột đá có niên đại từ thế kỷ XI được công nhận là bảo vật Quốc gia

Được biết, đây là một trong những ngôi chùa cổ kính và linh thiêng nhất nhì miền Bắc, đồng thời là biểu tượng tâm linh và văn hóa của nước ta.

Bắc Ninh - cái nôi của Phật giáo Việt Nam, nơi đây có nhiều ngôi chùa cổ kính với hàng trăm năm lịch sử. Đặc biệt, một kiến trúc không thể không nhắc đến khi khám phá vùng đất tâm linh Bắc Ninh, đó là chùa Dạm - ngôi cổ tự mang đậm dấu ấn của thời gian và văn hóa dân tộc. 

Quang cảnh chùa Dạm.

Quang cảnh chùa Dạm.

Lịch sử dựng xây

Chùa Dạm là ngôi chùa cổ nằm trên núi Dạm (phường Nam Sơn, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh). Chùa thờ Phật và Nguyên Phi Ỷ Lan (dân gian gọi bà là Tấm nên cũng gọi là chùa Bà Tấm). Chùa còn có nhiều tên gọi khác như: chùa Dạm, chùa Lãm Sơn, Thần Quang tự, Cảnh Long Đồng Khánh, Đại Lãm tự. Theo sử sách ghi chép lại, vào năm 1085, Nguyên Phi Ỷ Lan khi dạo chơi Đại Lãm Sơn, đã lựa chọn vị trí lưng chừng núi Dạm này với mong muốn xây dựng chùa. Năm 1086, triều đình nhà Lý đã cho xây dựng chùa. Sau 10 năm xây dựng, đến năm 1094 chùa Dạm hoàn thành, được vua ban tên chùa là ‘Cảnh Long Đồng Khánh’ đồng thời ban 300 mẫu ruộng tự điền để chùa có hoa lợi hương khói.

Toàn cảnh chùa Dạm.

Toàn cảnh chùa Dạm.

Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chùa bị dỡ bỏ. Sau khi hòa bình lập lại nhân dân địa phương đã cùng nhau xây dựng 3 gian chùa nhỏ trên nền đất cũ để thờ Phật. 

Khuôn viên chùa được cải tạo lại khang trang hơn và được phủ kín bởi cây xanh.

Khuôn viên chùa được cải tạo lại khang trang hơn và được phủ kín bởi cây xanh.

Ngày nay, chùa Dạm được trùng tu tôn tạo, quy mô to lớn, khang trang hơn cùng với hệ thống tượng thờ và đồ thờ tự có giá trị lớn về nghệ thuật, thẩm mỹ đại diện cho đặc trưng mỹ thuật mỗi thời kỳ.

Lối kiến trúc cổ độc đáo

Hiện tòa Tam Bảo có kết cấu mặt bằng kiến trúc kiểu chữ Công (I), bao gồm các công trình như: tiền đường, thiêu hương và thượng điện. Toàn bộ công trình làm bằng gỗ lim to chắc khỏe đồ sộ.

Các hạng mục mới của chùa được xây dựng bằng gỗ lim và trang trí tinh xảo bằng kỹ thuật truyền thống.

Các hạng mục mới của chùa được xây dựng bằng gỗ lim và trang trí tinh xảo bằng kỹ thuật truyền thống.

Tiền đường 7 gian, 2 chái, 4 mái đao cong, có kết cấu vì nóc kiểu ‘chồng rường giá chiêng’, vì nách ‘chồng rường bán giá chiêng'. Nối giữa tiền đường và thượng điện là 3 gian thiêu hương. Thượng điện gồm 3 gian, 2 chái, 4 mái đao cong, có kết cấu vì tương tự tòa tiền đường, có hệ thống hiên chạy bao quanh công trình chính.

Các hạng mục mới của chùa có quy mô kiến trúc đồ sộ, được xây dựng hoàn toàn bằng gỗ lim, đắp vẽ, trang trí tinh xảo bằng kỹ thuật truyền thống. Hệ thống cửa bức bàn mở cả 7 gian, 2 hồi xây tường gạch trổ cửa kiểu chữ ‘Thọ’.

7
Hệ thống cửa bức bàn mở cả 7 gian, 2 hồi xây tường gạch trổ cửa kiểu chữ 'Thọ'.

Hệ thống cửa bức bàn mở cả 7 gian, 2 hồi xây tường gạch trổ cửa kiểu chữ 'Thọ'.

Ngoài ra, chùa còn có nhà Tổ, nhà Mẫu xây dựng đăng đối hai bên, mỗi tòa 3 gian, 2 chái, 4 mái đao cong và bộ khung gỗ chịu lực và có kết cấu tương tự nhau.

Nhà thờ Tổ.

Nhà thờ Tổ.

Các hệ thống tượng trong nhà thờ Tổ và nhà thờ Mẫu.

Các hệ thống tượng trong nhà thờ Tổ và nhà thờ Mẫu.

Đặc biệt, di vật trứ danh nhất ở chùa Dạm còn lại là một cột đá có niên đại từ thế kỷ XI, được công nhận là bảo vật Quốc gia có giá trị về lịch sử, mỹ thuật, thu hút đông đảo các nhà nghiên cứu khoa học về nghiên cứu, tìm hiểu. 

16 (1)
Cột đá có niên đại từ thế kỷ XI, được công nhận là bảo vật Quốc gia.

Cột đá có niên đại từ thế kỷ XI, được công nhận là bảo vật Quốc gia.

Ngoài ra, trong chùa còn có các tượng thờ tiêu biểu như: 3 pho tượng Tam Thế, bộ tượng Dida Tam Tôn, bộ tượng Hoa Nghiêm Tam Thánh, tượng Ngọc Hoàng, tượng Di Lặc, tượng Quan âm, tượng bà Nguyên Phi Ỷ Lan, tượng Vua Lý Nhân Tông, Hoành phi,...

10
Hệ thống tượng phật được đúc bằng đồng thếp vàng.

Hệ thống tượng phật được đúc bằng đồng thếp vàng.

Đặc biệt, chùa tọa lạc trên ngọn núi Dạm, nên từ trên cao nhìn xuống, du khách có thể chiêm ngưỡng núi Con Rùa, xa xa là sông Tào Khê và sông Thiên Đức, một khung cảnh yên bình, hiếm ngôi chùa nào có được.

Nếu du khách muốn đến chùa Dạm để chiêm bái và cầu an thì nên đi vào những ngày lễ hội của chùa, từ ngày 7 đến ngày 9, tháng 9 âm lịch hằng năm. Đây là dịp để khách du lịch tham gia vào những hoạt động tâm linh sôi động và ý nghĩa như: lễ khai quang, lễ cúng dường, lễ húy kỵ Thái hậu Ỷ Lan và vua Lý Nhân Tông, lễ rước kiệu và các trò chơi dân gian,...

Ngoài ra, du khách cũng có thể đi chùa Dạm vào những ngày rằm hoặc mùng một để thưởng thức không khí thanh tịnh và yên bình của ngôi chùa cổ này. Hiện nay, chùa Dạm là một di tích lịch sử văn hóa quốc gia, thu hút nhiều du khách và tín đồ Phật giáo đến tham quan và chiêm bái. Chùa Dạm là một minh chứng cho sự phát triển của Phật giáo ở Việt Nam, cũng như cho tinh thần yêu nước và tôn kính Phật pháp của người dân tỉnh Bắc Ninh.

Thanh Thanh

Bình luận

Nổi bật

Vô vàn trải nghiệm trong mùa kích cầu “Chạm Sa Pa, chạm những tầng mây”

Vô vàn trải nghiệm trong mùa kích cầu “Chạm Sa Pa, chạm những tầng mây”

sự kiện🞄Thứ năm, 21/11/2024, 21:46

(CL&CS) - Sa Pa bùng nổ hàng loạt lễ hội và trải nghiệm chào đón du khách trong mùa săn mây. Hơn 130 doanh nghiệp đồng loạt tung ưu đãi lên đến 50%, hưởng ứng chương trình kích cầu du lịch lớn nhất năm 2024. Chất lượng với giá cả hấp dẫn, Sa Pa hứa hẹn trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn nhất miền Bắc dịp thu đông này.

Ghé thăm một nước Lào yên bình những ngày cuối năm

Ghé thăm một nước Lào yên bình những ngày cuối năm

sự kiện🞄Thứ năm, 21/11/2024, 15:23

(CL&CS) - Những ngôi chùa trang nghiêm, đậm chất Phật giáo, những thác nước kỳ vĩ và những dòng sông thơ mộng là những điều khiến du khách ấn tượng khi đến với Lào. Nhưng đất nước này đâu chỉ có thế, bởi điều khiến cho Lào trở thành một trong những điểm đến nhất định phải ghé thăm một lần trong đời chính là sự bình yên không đâu có được, cùng nụ cười hiền hậu, mến khách của người dân nơi đây.

Rừng Đỗ Quyên ở PuTaLeng được công nhận kỷ lục Việt Nam

Rừng Đỗ Quyên ở PuTaLeng được công nhận kỷ lục Việt Nam

sự kiện🞄Thứ hai, 18/11/2024, 07:16

(CL&CS) - Rừng Đỗ Quyên cổ thụ trên núi PuTaLeng ở độ cao 2.619m sẽ được công nhận kỷ lục diện tích lớn nhất Việt Nam.