Thứ bảy, 28/10/2017, 23:49 PM

Khaisilk đối diện khủng hoảng sau vụ lừa dối người tiêu dùng

(NTD) - Sau nhiều ngày im lặng, ông chủ Tập đoàn Khaisilk chính thức thừa nhận rằng hệ thống cửa hàng Khaisilk bán khăn lụa có xuất xứ từ Trung Quốc. Ông nói "sẽ cúi đầu xin lỗi khách hàng và hứa bồi thường thiệt hại".

KhaiX1
Gia đình ông Hoàng Khải trong cửa hàng đầu tiên ở phố Hàng Gai, Hà Nội. (Ảnh: Hoàng Khải).

Doanh nhân này cũng thừa nhận rằng tập đoàn đang đối diện với khủng hoảng và sẽ rất khó khăn trong việc lấy lại tên tuổi của thương hiệu đã gầy dựng suốt 30 năm qua.

"Thiệt hại bao nhiêu tôi cũng chưa tính tới. Nhưng cái tôi tính tới là tổn hại uy tín thương hiệu, cái này mới quan trọng và lớn hơn tiền bạc rất nhiều” - ông Khải trả lời báo chí. Ông cũng cho rằng vụ tai tiếng khăn lụa trong những ngày qua là do “cách hiểu và bán hàng sai lầm của doanh nghiệp”.

Khai10
Cửa hàng Khai Silk 113 Hàng Gai nơi bán chiếc khăn có hai mác.

Sang Trung Quốc tìm hàng

Ông Khải cho biết đã nhập lụa Trung Quốc từ giữa những năm 1990 khi sản xuất tơ lụa của Việt Nam suy thoái. Nhu cầu thị trường đòi hỏi chất lượng sản phẩm và mẫu mã đa dạng mà doanh nghiệp trong nước không đáp ứng được. Ông quyết định sang Trung Quốc tìm hàng.

Lúc đó, ông nghĩ các thương hiệu nổi tiếng đều nhập hàng từ Trung Quốc về phân phối ở các nước khác bằng tên và thương hiệu của họ. Khaisilk cũng có thể làm tương tự. Tuy nhiên, ông Khải thừa nhận rằng cái sai của Khaisilk là đã bán hàng mà không ghi rõ xuất xứ hàng hóa. Ông nói: “Lẽ ra tại cửa hàng phải có Khaisilk made in China và Khaisilk made in Vietnam”.

Ông Khải cũng cho biết hiện nay nguồn tơ lụa trong chuỗi cửa hàng của Khaisilk là nhập 50%, phần còn lại từ các làng nghề nổi tiếng của Việt Nam, chủ yếu là làng Nha Xá, Hà Nam.

Ông Khải cũng nhấn mạnh hàng tơ lụa nhập của Trung Quốc và bày bán ở các cửa cửa hàng Khaisilk không phải là hàng kém chất lượng bởi “từ trước đến nay tất cả hàng bán ở Khaisilk phải duyệt kỹ mẫu mã và chất lượng, đạt yêu cầu mới nhập”.

Ông Khải nói trước đây tơ lụa là sản phẩm chính làm nên tên tuổi cho riêng ông và giúp ông gầy dựng tập đoàn. Khi phát triển sang các lĩnh vực bất động sản, ẩm thực, du lịch và những ngành nghề khác trải dài từ Bắc xuống Nam, lụa tơ tằm chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong doanh thu của toàn tập đoàn. Ông thừa nhận hạn chế và lúng túng trong khâu quản lý, thậm chí lơ là, thiếu kiểm tra và giám sát, đặc biệt là mảng kinh doanh lụa tơ tằm.

22780599_903316899837332_202018314944751278_n
 

Ông nói: “… Tôi đã không bao quát được tất cả lĩnh vực và gần như không để ý nhiều đến mảng kinh doanh lụa nữa, dù đây là sản phẩm làm nên thương hiệu Khaisilk. Và sai lầm tôi phải chịu. Tôi không trốn tránh gì trách nhiệm mà đang đối diện với những sai lầm của mình. Tôi cúi đầu xin lỗi khách hàng với tư cách là Chủ tịch tập đoàn”.

Ông cũng nói sẽ thu hồi các sản phẩm đã bán ra thị trường có xuất xứ từ Trung Quốc nếu khách hàng có mong muốn đổi trả và sẽ bồi thường nghiêm túc cho khách hàng.

Ông nói sẽ dốc sức gầy dựng lại thương hiệu Khaisilk bằng mọi giá, từ sản xuất, phân phối và quản lý. Việc nhập tơ lụa vẫn tiếp tục, nhưng sẽ ghi rõ nguồn gốc của sản phẩm. Ông khẳng định: “Tôi không bao giờ muốn khách hàng nghĩ là chúng tôi đánh lừa họ".

Năm 32 tuổi, Hoàng Khải xây khu resort 4 sao đầu tiên ở Hội An và bắt đầu kế hoạch Nam tiến. Ông chuyển dần sang mảng kinh doanh bất động sản, nhà hàng hạng sang, khách sạn và resort cao cấp, trung tâm thương mại… Tháng 6/2017, ông khai trương cửa hàng đầu tiên trong chuỗi Phở Ông Khải.

Khai6
Chiếc khăn lụa có gắn hai mác "Khaisilk made in Vietnam" và "made in China". (Ảnh: Đặng Như Quỳnh).

Cuộc khủng hoảng ngày 17/10/2017

Công ty truyền thông Vinacom đặt mua 60 chiếc khăn tơ lụa từ cửa hàng Khaisilk 113 Hàng Gai. Sau đó, Vinacom phát hiện trong lô hàng có một chiếc vừa gắn mác Khaisilk vừa có mác của Trung Quốc. Đại diện của công ty đã gửi văn bản đến cửa hàng. Cửa hàng này giải thích, cũng bằng văn bản, rằng thiếu một chiếc khăn nên đã lấy một chiếc khác trên máy may. Chiếc khăn này thuộc lô hàng 350 khăn đang gia công cho một đơn vị ở Hongkong.

Khai7
Đoàn kiểm tra liên ngành tại cửa hàng 113 Hàng Gai chiều 26/10.

Trả lời nhập nhằng của cửa hàng và sự im lặng trong nhiều ngày của doanh nhân Hoàng Khải đã gây nên cơn bão khủng hoảng của doanh nghiệp. Cho đến chiều 25/10, ông Khải mới chính thức lên tiếng và thừa nhận sai lầm của tập đoàn và cá nhân ông.

Vụ việc này sẽ còn lùm xùm trong tương lai.

Bộ Công thương: Cửa hàng 113 Hàng Gai

“có dấu hiệu gian lận thương mại”

Trưa ngày 26/10, Văn phòng Bộ Công thương đã gửi công văn hỏa tốc đến Cục Quản lý thị trường về vụ một cửa hàng của Khaisilk bán khăn lụa vừa có mác “Khaisilk made in Vietnam” vừa có mác “made in China”.

Công văn truyền đạt chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh đề nghị Cục Quản lý thị trường phối hợp với Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng kiểm tra, xem xét và làm rõ thông tin vụ khăn lụa.

“Nếu có dấu hiệu vi phạm liên quan đến xuất xứ hàng hóa, hàng giả, hàng nhái, bảo vệ người tiêu dùng, các đơn vị đề nghị ngay hướng xử lý” - Bộ trưởng chỉ đạo.

Bộ trưởng cũng yêu cầu các đơn vị báo cáo trước ngày 28/10.

Tiếp đó, chiều ngày 26/10, đoàn kiểm tra gồm các thành viên Ban chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (gọi tắt là Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia), Bộ Công thương, Công an đã kiểm tra và làm việc tại cửa hàng 113 Hàng Gai, quận Hoàn Kiếm. Đoàn kiểm tra đã thu giữ 52 mẫu gồm khăn, quần áo, cà vạt… trị giá khoảng 30 triệu đồng.

Ông Trần Hùng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường thuộc Bộ Công Thương, thành viên đoàn kiểm tra, cho biết kiểm tra sơ bộ ban đầu cho thấy “có dấu hiệu gian lận thương mại”.

30 năm gầy dựng thương hiệu và Tập đoàn Khaisilk

Thời bao cấp, gia đình Hoàng Khải sống dựa vào thu nhập của nghề may thêu của mẹ ông. Hoàng Khải là con trai cả trong gia đình có ba anh em. Năm 15 tuổi, Hoàng Khải đã phụ mẹ thêu cờ thi đua để kiếm thêm tiền. Mười năm sau, Hoàng Khải bỏ học Nhạc viện để mở cửa hàng tơ lụa cao cấp đầu tiên ở phố Hàng Gai. Khách hàng của ông lúc đó là các vị phu nhân của ngoại giao đoàn ở Hà Nội và khách du lịch. Bốn năm sau, Hoàng Khải có 8 cửa hàng tơ lụa cao cấp ở các khách sạn 5 sao ở Hà Nội.

Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng:

Điều 8: Quyền của người tiêu dùng

Người tiêu dùng (khách hàng) được cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ về tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ; nội dung giao dịch hàng hóa, dịch vụ; nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa; được cung cấp hóa đơn, chứng từ, tài liệu liên quan đến giao dịch và thông tin cần thiết khác về hàng hóa, dịch vụ mà người tiêu dùng đã mua, sử dụng.

Được yêu cầu bồi thường thiệt hại khi hàng hóa, dịch vụ không đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, chất lượng, số lượng, tính năng, công dụng, giá cả hoặc nội dung khác mà tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đã công bố, niêm yết, quảng cáo hoặc cam kết.

Điều 10. Các hành vi bị cấm:

1. Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ lừa dối hoặc gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng thông qua hoạt động quảng cáo hoặc che giấu, cung cấp thông tin không đầy đủ, sai lệch, không chính xác về một trong các nội dung sau đây:

a) Hàng hóa, dịch vụ mà tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ cung cấp.

b) Uy tín, khả năng kinh doanh, khả năng cung cấp hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ.

c) Nội dung, đặc điểm giao dịch giữa người tiêu dùng với tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ.

Hoàng Anh - Ricky Hồ thực hiện

“Khaisilk có thể bị xử lý hình sự tội lừa dối khách hàng”

Luật sư Nguyễn Viết Giao - Đoàn Luật sư TP.HCM

Điều 162, Bộ luật hình sự nêu rõ: Hành vi mua, bán mà cân, đong, đo, đếm, tính gian, đánh tráo loại hàng hoặc dùng thủ đoạn gian dối khác gây thiệt hại nghiêm trọng cho khách hàng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm. Nếu tái phạm nhiều lần, hoặc thu lợi bất chính lớn thì bị phạt 2-7 năm tù.

“Như vậy, việc thương hiệu Khaisilk bán những sản phẩm không có nguồn gốc xuất xứ từ mình, kém chất lượng hơn với giá cao chót vót trong một thời gian dài mà người tiêu dùng bị qua mặt, hoặc không được thông báo cho biết thì có thể được coi đã có hành vi vi phạm Điều 162, BLHS năm 1999 về tội lừa dối khách hàng. Thương hiệu Khaisilk đã thu lợi lớn từ hoạt động này, đồng thời qua mắt khách hàng trong thời gian dài thì không thể chỉ xử phạt vi phạm hành chính bình thường được. Ngoài ra, thương hiệu Khaisilk cũng vi phạm nghiêm trọng Điều 8 và 10, luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng” - Luật sư Giao nhận định.

Ricky Hồ

Bao Nguoi Tieu Dung so 378_4-5
 

 

Bình luận

Nổi bật

Nước thải chăn nuôi sử dụng cho cây trồng phải đảm bảo theo QCVN 01-195:2022

Nước thải chăn nuôi sử dụng cho cây trồng phải đảm bảo theo QCVN 01-195:2022

sự kiện🞄Thứ sáu, 10/05/2024, 16:06

(CL&CS) - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 01-195:2022/BNNPTNT quy định giá trị giới hạn cho phép về các thông số của nước thải chăn nuôi sử dụng cho cây trồng nhằm hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường và sức khỏe con người.

QCVN 01-195:2022/BNNPTNT về nước thải chăn nuôi sử dụng cho cây trồng

QCVN 01-195:2022/BNNPTNT về nước thải chăn nuôi sử dụng cho cây trồng

sự kiện🞄Thứ sáu, 10/05/2024, 15:58

(CL&CS) - Xử lý chất thải chăn nuôi sẽ giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tiết kiệm chi phí cho việc tiêu hủy, mang lại hiệu quả kinh tế, bảo đảm yêu cầu về bảo vệ môi trường cộng đồng…

Sắp ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường

Sắp ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường

sự kiện🞄Chủ nhật, 05/05/2024, 12:24

(CL&CS) - Trong giai đoạn 2024-2026, Bộ Tài nguyên và Môi trường dự kiến sẽ ban hành nhiều Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường đối với khí thải phương tiện ô tô; Quy chuẩn về tiếng ồn;...