Hàng giả làm giảm sức cạnh tranh của thương hiệu Việt

Hàng giả, hàng nhập lậu giá rẻ “phủ sóng” dày đặc tại các chợ truyền thống đang làm giảm sức cạnh tranh của các thương hiệu Việt trên thị trường.

Chợ là nơi hàng giả, hàng nhái có độ “phủ sóng” rộng nhất. Từ quần áo, giày dép, túi xách, mỹ phẩm cho đến thuốc lá, hàng điện máy, dược phẩm, rượu… đều có sự hiện diện của hàng giả. Bà P.T.H, kinh doanh mỹ phẩm tại chợ Mơ cho biết: “Mỹ phẩm “rởm” có giá rẻ hơn nhiều so với hàng thật, mẫu mã nhìn không khác sản phẩm chính hãng là mấy. Chẳng hạn, một hộp kem trị nám hiệu L. chính hãng nhập từ Mỹ có giá khoảng 550.000 đồng/hộp, nhưng hàng giả chỉ khoảng 220.000 đồng/hộp. Sản phẩm này bị làm giả rất nhiều với mẫu mã giống y như thật, từ vỏ hộp, màu sắc cho đến các thông tin trên bao bì. Nếu không phải là khách hàng sành sỏi, rất dễ mua nhầm hàng giả”.

Không chỉ các thương hiệu lớn của nước ngoài bị làm giả, nhiều nhãn hiệu trong nước có uy tín, bán chạy cũng đã và đang là nạn nhân của hàng giả, hàng nhái. Nhiều sản phẩm nhái in bao bì với những tên gọi nhái gần giống tên thương hiệu nổi tiếng như: nước rửa chén Vỹ Hảo (gần giống tên Mỹ Hảo), bánh kẹo Kim Đô (nhái tên Kinh Đô), Bibika (nhái Bibica), bột giặt Viko (nhái Viso)… “Nhiều sản phẩm làm giả nhái màu sắc, logo hàng chính hãng y như thật, dễ gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng”.

Phương thức tinh vi

Lý giải nguyên nhân khiến hoạt động chống hàng giả chưa thật sự hiệu quả, cục Quản lý thị trường cho biết: Hiện nay, các thông tin, đặc điểm nhận biết giữa hàng thật và hàng giả vẫn chưa đầy đủ, trong khi các phương thức làm giả ngày càng tinh vi. Đội ngũ cán bộ làm công tác kiểm tra, kiểm soát còn mỏng, kiến thức về hàng hóa, sở hữu trí tuệ còn hạn chế, các công cụ hỗ trợ, thiết bị kiểm tra nhanh chất lượng hàng hóa chưa được trang bị đầy đủ. Ngoài ra, việc nhiều người tiêu dùng có thu nhập thấp nhưng lại có tâm lý sính ngoại đã tạo điều kiện cho hàng giả mặc sức tung hoành.

Theo các ngành chức năng, phương thức, thủ đoạn của đối tượng sản xuất, buôn bán hàng giả thường tổ chức sản xuất ở những nơi hẻo lánh, khu vực ngoại thành, xa khu dân cư, rồi đưa về tiêu thụ ở những nơi người dân có thu nhập thấp sinh sống để ít bị chú ý, tránh né sự phát hiện của các cơ quan kiểm tra, kiểm soát. Việc vận chuyển, tiêu thụ thường diễn ra vào đêm khuya, ngoài giờ làm việc của các lực lượng kiểm tra. Tại các nơi có lực lượng chức năng thường xuyên kiểm tra, các đối tượng thường bày bán hàng hóa lén lút, hoặc chỉ bày mẫu chào hàng, còn lại cất giấu tại nhà riêng, kho bí mật. Còn tại các nơi ít bị kiểm tra, đối tượng vô tư bày bán công khai, trộn lẫn hàng giả với hàng thật để lừa người tiêu dùng.

Thương hiệu Việt còn yếu thế.

Những năm qua, hàng Việt đã có nhiều cải tiến về chất lượng, nhiều thương hiệu Việt có uy tín được người tiêu dùng ưa chuộng. Tuy nhiên, theo bà Ngô Thị Trúc (chợ Hôm): “Hàng Việt nhìn chung vẫn còn đơn điệu, mẫu mã chưa phong phú, giá lại cao gấp nhiều lần hàng giả. Chẳng hạn, một chiếc áo của Việt Tiến, An Phước có giá tới 400.000 – 800.000 đồng, trong khi hàng nhái thương hiệu Lacoste bán tại chợ chỉ có giá từ 80.000 – 150.000 đồng”. Đại diện một gian hàng kinh doanh mũ bảo hiểm thương hiệu Chí Thành – đơn vị từng tham gia Hội chợ Hàng Việt Nam chất lượng cao tại chợ cho hay, mũ bảo hiểm của một số công ty sản xuất trong nước có chất lượng cao nhưng vẫn phải chịu sự cạnh tranh gay gắt của các sản phẩm nhập lậu và hàng nhái bày bán tràn lan trên thị trường. Các sản phẩm này trốn thuế hoặc không phải đầu tư nhiều về công nghệ, sản xuất từ nguyên liệu rẻ tiền nên giá rất rẻ, chỉ khoảng 30.000 – 45.000 đồng/chiếc, phù hợp với túi tiền của đại đa số người dân.

Ông Ngyễn Xuân Quá – Giám đốc Công ty bánh ngọt Bảo Ngọc là nạn nhân của một vụ làm giả quy mô lớn đã bị phát hiện vài năm trước cho biết, Công ty đã có một số thay đổi về họa tiết, logo sản phẩm, các dấu hiệu nhận biết hàng thật trên phiếu giao hàng… nhằm đối phó với hàng giả. Tuy nhiên, để triệt tiêu hàng giả trên thị trường vẫn là bài toán khó bởi việc sản xuất và tiêu thụ hàng giả ngày càng tinh vi. Đối tượng làm giả tung ra thị trường các sản phẩm làm giả y như thật, lại rẻ hơn hàng chính hãng nên dễ dàng đánh lừa được người tiêu dùng.

Hàng giả không chỉ khiến doanh nghiệp Việt làm ăn chân chính bị mất uy tín với khách hàng, bị giảm lợi nhuận mà còn phải đầu tư số tiền khá lớn vào việc chống hàng giả, cải tiến mẫu mã, xây dựng các dấu hiệu nhận biết hàng thật.

Vì vậy, để từng bước đẩy lùi hàng giả, tạo môi trường lành mạnh cho hàng Việt phát triển, doanh nghiệp cần coi trọng công tác phối hợp với các cơ quan chức năng trong việc xác định hàng giả, chủ động cung cấp thông tin về sản phẩm, tạo thuận lợi cho người tiêu dùng trong việc phân biệt hàng thật, hàng giả. Ngoài ra, cần có chế tài xử lý những doanh nghiệp không tham gia phối hợp nhằm bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người tiêu dùng. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần tính toán nâng cao uy tín thương hiệu và sức cạnh tranh của hàng Việt trên thị trường để từng bước thay đổi tâm lý “hàng ngoại mới là hàng tốt”. Hy vọng trong tương lai, Chính phủ cần sớm ban hành Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả, mức độ xử phạt phải đủ nặng để bảo đảm tính răn đe. Kiến nghị hỗ trợ kinh phí thực hiện kiểm tra và giám định hàng thật, hàng giả; xây dựng đường dây nóng về chống hàng giả…

Hà My

Bình luận

Nổi bật

VINAMILK & Quỹ Sữa Vươn Cao Việt Nam năm thứ 17: Thêm nhiều bữa ăn có sữa cho trẻ em

VINAMILK & Quỹ Sữa Vươn Cao Việt Nam năm thứ 17: Thêm nhiều bữa ăn có sữa cho trẻ em

sự kiện🞄Thứ ba, 14/05/2024, 13:40

(CL&CS) - Năm 2024, Quỹ Sữa Vươn Cao Việt Nam và Vinamilk tiếp tục hành trình năm thứ 17, dành tặng 630.000 hộp sữa cho gần 8.000 trẻ em có hoàn cảnh khó khăn khắp cả nước. Không chỉ mang “niềm vui uống sữa” cho hàng trăm nghìn trẻ em, chương trình đã tiếp thêm sức mạnh cho nhiều em nhỏ theo đuổi ước mơ, hoài bão của mình.

Tài chính khó khăn, NSH Petro dự kiến chào bán riêng lẻ nhằm thu về 1.300 tỷ đồng

Tài chính khó khăn, NSH Petro dự kiến chào bán riêng lẻ nhằm thu về 1.300 tỷ đồng

sự kiện🞄Thứ hai, 13/05/2024, 07:24

(CL&CS) - CTCP Dầu khí Nam Sông Hậu (NSH Petro) sẽ chào bán riêng lẻ 130 triệu cổ phiếu nhằm thu về 1.300 tỷ đồng để mua nguyên, vật liệu phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh.