Dữ liệu cũ
Thứ ba, 15/07/2014, 13:31 PM

Hải Phòng hướng tới thành phố Cảng xanh: Đối ngoại nhân dân đóng vai trò quan trọng

Việc lựa chọn con đường tăng trưởng xanh để xây dựng Hải Phòng trở thành Thành phố Cảng xanh văn minh, hiện đại, có sức cạnh tranh cao thì đối ngoại nhân dân đóng vai trò quan trọng giúp thu hút nguồn lực, nâng cao vị thế, quảng bá hình ảnh… của thành phố Hải Phòng.

Ngày 14/7/2014, tại Thành phố Hải Phòng đã diễn ra “Hội nghị tập huấn công tác đối ngoại nhân dân” cho hơn 300 cán bộ, lãnh đạo chủ chốt của các sở, ban, ngành, đoàn thể thành phố, các đảng bộ trực thuộc Thành ủy, UBND, UBMTTQ các quận, huyện; đại diện lãnh đạo và cán bộ chuyên trách về đối ngoại Trường Chính trị Tô Hiệu, các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn…

Chủ tịch VUFO Vũ Xuân Hồng trình bày chuyên đề “Công tác đối ngoại nhân dân trong thời kỳ hội nhập quốc tế”. Ảnh: Ngọc Thọ

Tham dự có Ủy viên Trung ương Đảng – Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND Thành phố Nguyễn Văn Thành; Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (VUFO) Vũ Xuân Hồng.

Hội nghị được nghe các chuyên đề: “Công tác đối ngoại nhân dân góp phần xây dựng Hải Phòng trở thành “thành phố Cảng xanh, văn minh, hiện đại” theo Kết luận số 72 của Bộ Chính trị” của Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Thành; Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam Vũ Xuân Hồng với chuyên đề “Công tác đối ngoại nhân dân trong thời kỳ hội nhập quốc tế”; Phó Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam – Chủ tịch Ủy ban đoàn kết Á – Phi – Mỹ La tinh Phạm Văn Chương với chuyên đề “Công tác thông tin tuyên truyền đối ngoại thời kỳ hội nhập quốc tế”; Ủy viên Đoàn chủ tịch – Trưởng ban Công tác địa phương (VUFO) Đoàn Thị Xuân Hiền với chuyên đề “Lễ tân ngoại giao”; Trưởng Ban điều phối viện trợ nhân dân (thuộc VUFO) Phan Anh Sơn với chuyên đề “Tổng quan về tình hình viện trợ phi chính phủ nước ngoài; Kỹ năng vận động viện trợ và xây dựng đề xuất dự án”.

Trong chuyên đề “Công tác đối ngoại nhân dân trong thời kỳ hội nhập quốc tế”, Chủ tịch VUFO Vũ Xuân Hồng chỉ rõ:

Việc xây dựng, củng cố và phát triển tổ chức làm công tác đối ngoại nhân dân luôn được Chủ tịch Hồ Chí Minh và các thế hệ lãnh đạo Đảng ta đặc biệt quan tâm chỉ đạo. Ngay sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trực tiếp chỉ đạo thành lập các tổ chức đối ngoại nhân dân đầu tiên của nước ta. Năm 1960, Đảng thành lập Ban Quốc tế nhân dân của Đảng do đồng chí Xuân Thủy, Bí thư Trung ương Đảng làm Trưởng ban. Năm 1977, Ban Bí thư có chủ trương và Chính phủ ra quyết định thành lập Ủy ban Việt Nam đoàn kết và hữu nghị với nhân dân các nước. Năm 1978, Ban Bí thư quyết định nhập Ủy ban Việt Nam đoàn kết và hữu nghị với nhân dân các nước vào Ban Đối ngoại Trung ương nhưng vẫn giữ nguyên tổ chức, biên chế và chức năng, nhiệm vụ thành Liên hiệp các tổ chức hòa bình, đoàn kết và hữu nghị Việt Nam, có Đảng đoàn riêng và do Cụ Hoàng Minh Giám làm Chủ tịch. Năm 1992, trong bối cảnh Liên Xô và các nước XHCN Đông Âu sụp đổ ta thúc đẩy bình thường hóa quan hệ với một số nước, phá thế bao vây cấm vận của Mỹ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại, Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa VII đã ra quyết định số 22/QĐ-TW tách Liên hiệp các tổ chức hòa bình, đoàn kết, hữu nghị Việt Nam khỏi Ban Đối ngoại Trung ương thành một tổ chức chính trị-xã hội độc lập chuyên trách về hoạt động đối ngoại nhân dân trên các lĩnh vực hòa bình, đoàn kết, hữu nghị và vận động viện trợ nhân dân do đồng chí Nguyễn Thị Bình làm Chủ tịch.

Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa VII đã ban hành Chỉ thị 27-CT/TW ngày 27/7/1993 về nhiệm vụ và tổ chức của Liên hiệp các tổ chức hòa bình, đoàn kết, hữu nghị Việt Nam. Ngày 18/11/2008, Ban Bí thư khóa X đã họp tổng kết đánh giá kết quả 15 năm thực hiện Chỉ thị 27 và có Thông báo số 203-TB-TW ngày 1/12/2008 về ý kiến kết luận của Ban Bí thư, ban hành Chỉ thị 28-CT/TW ngày 2/12/2008 của Ban Bí thư về tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam.

Chỉ thị số 28-CT/TW ngày 2/12/2008 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa X) “Về tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam” đã khẳng định Liên hiệp là tổ chức “chính trị – xã hội chuyên trách về đối ngoại nhân dân”, “là tổ chức làm công tác chính trị đối ngoại và là bộ phận cấu thành của lực lượng đối ngoại chuyên trách của nước ta. Liên hiệp trung ương và cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được tổ chức chặt chẽ, được đảm bảo biên chế, kinh phí, các chế độ chính sách đối với đội ngũ cán bộ và các điều kiện, phương tiện làm việc của cơ quan thường trực. Các tổ chức thành viên của Liên hiệp được hỗ trợ kinh phí hoạt động”.
Ngày 6/7/2011, Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XI đã ban hành Chỉ thị 04-CT/TW “Về tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại nhân dân trong tình hình mới”. Các nghị quyết, chỉ thị của Đảng đều khẳng định tầm quan trọng của công tác đối ngoại nhân dân – với tư cách là một trong ba chân kiềng ngoại giao của Việt Nam, nêu rõ sự cần thiết phải củng cố, phát triển lực lượng đối ngoại nhân dân trong tình hình mới, trong đó Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam là tổ chức chuyên trách duy nhất.

Hoạt động của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam trong thời gian qua có nhiều nét nổi bật. Công tác hòa bình, đoàn kết, hữu nghị đã thực hiện mở rộng đa dạng hóa quan hệ hữu nghị, hợp tác với nhân dân các nước, coi trọng phát triển chiều sâu quan hệ hợp tác với các đối tác trọng điểm gồm các nước láng giềng, các nước có quan hệ đối tác chiến lược và hợp tác toàn diện, các nước có vị trí quan trọng trong chính sách đối ngoại của ta; củng cố quan hệ bạn bè truyền thống, tăng cường quan hệ với các lực lượng yêu chuộng hòa bình và tiến bộ, các tổ chức cánh tả; mở rộng quan hệ với các chính khách, các tổ chức, cá nhân có thiện chí với Việt Nam hoạt động trên nhiều lĩnh vực đa dạng.

Bí thư Thành ủy Hải Phòng trình bày chuyên đề “Công tác đối ngoại nhân dân góp phần xây dựng Hải Phòng trở thành “thành phố Cảng xanh, văn minh, hiện đại”. Ảnh: Ngọc Thọ

Quan hệ hữu nghị, hợp tác nhân dân đặc biệt với Lào và quan hệ hữu nghị truyền thống với Cam-pu-chia tiếp tục được củng cố và phát triển có chiều sâu thông qua nhiều nội dung, hình thức hoạt động phong phú, đa dạng và hiệu quả. Một số sáng kiến triển khai với Lào, Cam-pu-chia được đẩy mạnh cả ở cấp trung ương và địa phương. Liên hiệp và các tổ chức thành viên cũng đã chủ động triển khai hiệu quả nhiều hoạt động đối ngoại nhân dân với các đối tác Trung Quốc, điển hình là sáng kiến mang tính đột phá trong việc tổ chức thành công 05 Diễn đàn nhân dân Việt-Trung và các hoạt động giao lưu hữu nghị với sự tham gia của đông đảo các tầng lớp nhân dân hai nước, tạo kênh phù hợp để nhân dân hai nước trao đổi cởi mở, thẳng thắn và xây dựng về những vấn đề liên quan đến quan hệ Việt – Trung, đồng thời đưa ra những khuyến nghị nhằm góp phần giải quyết một số vướng mắc trong quan hệ hai nước theo hướng tích cực. Liên hiệp và Hội hữu nghị đối ngoại nhân dân Trung Quốc đã ký kết Kế hoạch hợp tác giai đoạn 2013- 2017. Hoạt động hữu nghị và hợp tác nhân dân ở các địa phương có biên giới với các nước bạn cũng đã góp phần xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị hợp tác.
Quan hệ nhân dân với các nước trong khu vực ASEAN được tiếp tục thúc đẩy thông qua nhiều hoạt động song phương, đa phương nhằm góp phần thực hiện vai trò chủ thể tích cực của các tổ chức nhân dân trong việc tham gia xây dựng cộng đồng ASEAN hướng về nhân dân. Vào cuối nhiệm kỳ, Liên hiệp đã thành lập và có chủ trương thành lập hội hữu nghị song phương với hầu hết các nước thành viên ASEAN. Ngoài ra, Liên hiệp và các tổ chức thành viên đã thiết lập quan hệ và triển khai nhiều hoạt động hữu nghị, hợp tác với các đối tác Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Xri Lan-ca và một số nước khác trong khu vực Á – Phi.
Với khu vực Châu Âu, khu vực Châu Mỹ đều được duy trì, tăng cường và mở rộng…Về công tác phi chính phủ nước ngoài, Liên hiệp đã chủ trì tổ chức 54 đoàn với 200 lượt người đi những nước trọng điểm nhằm giới thiệu về chính sách, nhu cầu của Việt Nam và tìm hiểu về chính sách của các nhà tài trợ; làm thủ tục đón và tạo điều kiện cho 4.429 đoàn với 6.556 lượt người vào thăm, hỗ trợ triển khai các dự án viện trợ; đã phối hợp tổ chức thành công Hội nghị quốc tế lần thứ 3 về hợp tác với các TCPCPNN với sự tham gia của trên 900 đại biểu trong nước và quốc tế; vận động các TCPCPNN cam kết tài trợ cho các hoạt động giảm nghèo cho Việt Nam nhằm hưởng ứng cuộc vận động “Nối vòng tay lớn” của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam với mức trung bình hàng năm đạt xấp xỉ 50% tổng giá trị cam kết của cả cuộc vận động.
Trong 5 năm qua, có 192 tổ chức mới đã vào Việt Nam; tổng giá trị viện trợ PCPNN giải ngân đạt 1 tỷ 403 triệu đô la Mỹ (chưa kể năm 2013) thông qua 14.208 chương trình, dự án ở tất cả 63 tỉnh/ thành phố. Viện trợ PCPNN tiếp tục tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên của Việt Nam và được sử dụng có hiệu quả.

Trong thời gian tới, hòa bình hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn, song tiếp tục diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều bất trắc khó lường. Những căng thẳng, xung đột tôn giáo, sắc tộc, ly khai, chiến tranh cục bộ, tranh chấp lãnh thổ, tranh chấp tài nguyên, bạo loạn chính trị, can thiệp, lật đổ, khủng bố vẫn tiếp tục diễn ra. Cục diện thế giới đa cực ngày càng rõ hơn, xu thế dân chủ hóa trong quan hệ quốc tế tiếp tục phát triển nhưng các nước lớn vẫn sẽ chi phối các quan hệ quốc tế. Khủng hoảng kinh tế thế giới mặc dù có dấu hiệu phục hồi nhưng chậm và vẫn còn nhiều khó khăn, bất ổn. Những vấn đề toàn cầu như an ninh tài chính, an ninh lương thực, biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh…sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp. Cuộc đấu tranh của nhân dân các nước trên thế giới về chính trị, tư tưởng, dân sinh, dân chủ ngày càng quyết liệt hơn. Trong thời kỳ đất nước hội nhập quốc tế sâu rộng, công tác đối ngoại nhân dân càng có vị trí, vai trò quan trọng trong việc tham gia thực hiện đường lối, chính sách đối ngoại chung, góp phần vào việc tạo môi trường quốc tế thuận lợi cho sự phát triển của đất nước, bảo vệ độc lập, chủ quyền vào toàn vẹn lãnh thổ, củng cố hình ảnh, vị thế quốc tế của Việt Nam, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Theo Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND Thành phố Hải Phòng, có 8 nhiệm vụ cụ thể và giải pháp chủ yếu nhằm tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại nhân dân tại Hải Phòng trong thời gian tới. Một là, Củng cố và phát triển các mạng lưới bạn bè quốc tế của thành phố, góp phần thúc đẩy và tăng cường hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân Hải Phòng với nhân dân các nước; tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân thế giới; bảo vệ lợi ích và nâng cao hình ảnh của thành phố đối với quốc tế; phát triển quan hệ ổn định, có chiều sâu với các tổ chức nhân dân của các thành phố kết nghĩa trên thế giới, với các nước láng giềng, các đối tác truyền thống, các địa bàn trọng điểm; củng cố quan hệ với các tổ chức, cá nhân có thiện chí với thành phố và Việt Nam.

Hai là, đổi mới công tác chỉ đạo hoạt động đối ngoại nhân dân, phố hợp và gắn kết các hoạt động đối ngoại nhân dân với công tác vận động, xúc tiến đầu tư, hợp tác kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học và công nghệ, bảo vệ môi trường… bảo đảm kết hợp hài hoà giữa lợi ích của tổ chức và lợi ích quốc gia, dân tộc.

Ba là, tích cực chủ động tham gia, vận động đấu tranh dư luận trên các vấn đề dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo; tham gia có hiệu quả các diễn đàn quốc tế, các hoạt động của nhân dân thế giới, các cơ chế khu vực và quốc tế vì lợi ích của đất nước, thành phố, góp phần vào cuộc đấu tranh chung vì hòa bình, phát triển công bằng, bền vững, dân chủ và tiến bộ xã hội. Tăng cường công tác an ninh đối ngoại, đấu tranh chống lại âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” và các thủ đoạn khác của các thế lực thù địch trong tình hình mới.

Bốn là, tiếp tục duy trì, tăng cường và mở rộng quan hệ, hợp tác với các tổ chức phi chính phủ nước ngoài để thu hút nguồn viện trợ phục vụ cho công cuộc phát triển kinh tế – xã hội và chủ trương giảm nghèo của thành phố, cũng như vận động các tổ chức này tham gia vào các hoạt động hữu nghị và hợp tác nhân dân. Đồng thời, xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình xúc tiến vận động viện trợ phi chính phủ nước ngoài của thành phố giai đoạn 2011-2015 để nâng cao hiệu quả hợp tác với các tổ chức phi chính phủ nước ngoài, phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội của thành phố.

Năm là, các cấp, các ngành và Mặt trận Tổ quốc các cấp làm tốt công tác vận động cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài hướng về Tổ quốc, tích cực tham gia đóng góp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phát triển quan hệ hữu nghị, hợp tác và là cầu nối hữu nghị giữa nhân dân thành phố với nhân dân các nước; đẩy mạnh việc hỗ trợ cho kiều bào về đầu tư; mở rộng việc hình thành các hội, đoàn người Hải Phòng ở nước ngoài nơi có đông kiều bào Hải Phòng đang định cư; duy trì giữ mối liên hệ, cung cấp thông tin, tình hình trong nước và thành phố cho bà con kiều bào; thu hút bà con kiều bào cùng với nhân dân thành phố làm công tác đối ngoại nhân dân có hiệu quả, phát huy sức mạnh tổng hợp, góp phần xây dựng đất nước và  thành phố. Tạo điều kiện thuận lợi để Hội Liên lạc Việt kiều thành phố hoạt động có hiệu quả và làm cầu nối vững chắc giữa thân nhân và người Hải Phòng ở nước ngoài.

Sáu là, chủ động mở rộng hình thức và nâng cao chất lượng công tác thông tin tuyên truyền đối ngoại, làm cho các đối tác, bạn bè quốc tế ngày càng hiểu biết đầy đủ hơn về thành phố và con người Hải Phòng. Kết hợp các hoạt động hữu nghị với việc tuyên truyền, giới thiệu về thành tựu, mục tiêu, đường lối, chính sách đổi mới của đất nước và thành phố. Tuyên truyền về các hoạt động đối ngoại nhân dân của thành phố đến với các bạn đọc trong nước và quốc tế thông qua việc thường xuyên cập nhật thông tin về tình hình công tác đối ngoại nhân dân lên Trang Thông tin điện tử của thành phố. Gắn kết công tác đối ngoại nhân dân với việc tăng cường công tác tuyên truyền về chủ quyền biển đảo cho bà con kiều bào và nhân dân các nước trên thế giới.

Bẩy là, đẩy mạnh hoạt động ngoại giao văn hóa, quảng bá hình ảnh thành phố thông qua các chương trình xúc tiến du lịch, đầu tư, thương mại, và tham gia các sự kiện văn hóa tại các nước trên thế giới, để cho bạn bè trên thế giới hiểu biết hơn về thành phố, đồng thời tiếp thu tinh hoa văn hóa thế giới để làm phong phú và sâu sắc thêm những giá trị văn hóa truyền thống của Hải Phòng.

Và cuối cùng, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị thành phố và các tổ chức thành viên. Phát triển, củng cố tổ chức và thành lập các chi hội ở các hội thành viên. Xây dựng và thực hiện các cơ chế, chính sách phù hợp để phát huy vai trò của Liên hiệp.

-Ngọc Thọ-

 

 

 

 

 

 

Bình luận

Nổi bật

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

sự kiện🞄Thứ ba, 20/02/2024, 10:09

Trên thế giới còn rất nhiều những chiếc phi cơ 'lão thành' ngót nghét 50 tuổi vẫn đang bay trên bầu trời.

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

sự kiện🞄Thứ bảy, 14/10/2023, 05:57

Loại thực phẩm nhiều người xem như vô hại này lại là nguyên nhân dẫn đến bệnh tật, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng, chúng thường được gọi là "sát thủ thầm lặng" tàn phá sức khoẻ con người.

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

sự kiện🞄Thứ năm, 29/06/2023, 15:00

(CL&CS) - Cảng Chu Lai thuộc Công ty Giao nhận - vận chuyển quốc tế Trường Hải (THILOGI) đang dần khẳng định năng lực tiếp nhận tàu lớn, khai thác đa dạng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy giao thương tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên.