Chủ nhật, 19/05/2024, 14:14 PM

Hà Nội: Xây thêm nhiều hầm chui để giảm tải áp lực giao thông

(CL&CS) - Sở Giao thông vận tải Hà Nội đang đề xuất thực hiện phương án xây dựng các đường hầm đi bộ, phòng trung chuyển và có hai hướng kết nối giữa ga trên cao Cát Linh (tuyến số 2A) và ga ngầm S10 (tuyến số 3) trên địa bàn quận Ba Đình và Đống Đa nhằm tạo liên kết, thuận lợi hơn cho người dân khi sử dụng tàu điện. Bên cạnh đó, trong thời gian tới, TP Hà Nội cũng sẽ đầu tư thêm hàng loạt hầm chui lớn để giảm tải áp lực giao thông trong nội thành.

Hành khách sử dụng quầy soát thẻ khách lên tàu Cát Linh – Hà Đông. Ảnh minh họa: Lã Dịu

Hành khách sử dụng quầy soát thẻ khách lên tàu Cát Linh – Hà Đông. Ảnh minh họa: Lã Dịu

Tăng tính liên kết

Sở Giao thông vận tải Hà Nội vừa báo cáo UBND TP về tình hình triển khai thực hiện lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi các dự án đầu tư công trình giao thông sắp xây dựng trên địa bàn. Trong hàng chục dự án giao thông quan trọng nhằm mục tiêu giảm ùn tắc, thay đổi diện mạo hạ tầng giao thông Thủ đô, có dự án xây dựng hầm kết nối tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông và tuyến đường sắt đô thị đoạn Nhổn - Ga Hà Nội (ga S10).

Theo đó, Sở Giao thông vận tải Hà Nội đề xuất thực hiện theo phương án xây dựng các đường hầm đi bộ, phòng trung chuyển và có 2 hướng kết nối. Phương án kết nối giữa ga trên cao Cát Linh (tuyến số 2A) và ga ngầm S10 (tuyến số 3) nằm trong phạm vi chỉ giới đường đỏ, thực hiện trên địa bàn quận Ba Đình và Đống Đa. Cụ thể, cơ quan này đề xuất thực hiện theo phương án xây dựng các đường hầm đi bộ, phòng trung chuyển và có 2 hướng kết nối. Để phục vụ người dân đi ga Cát Linh (tuyến số 2A), dự kiến sẽ thiết kế lối lên xuống bao gồm thang bộ, thang cuốn và thang máy. Đi từ ga S10 (tuyến số 3) sẽ kết nối với tầng trung chuyển ga S10. Đây là dự án nhóm C có tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 113 tỷ đồng. Từ tháng 6/2022, Sở Giao thông vận tải đã trình UBND TP, Sở Kế hoạch và Đầu tư thẩm định, phê duyệt báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, nghiên cứu tiền khả thi dự án.

Theo Quyết định số 519/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đến năm 2030 thị phần vận tải hành khách công cộng khu vực đô thị trung tâm phải đạt 50 - 55%; sau năm 2030 đạt 65 - 70%. Đây là mục tiêu rất khó khăn nếu TP Hà Nội không có hệ thống đường sắt đô thị phát triển. Dự kiến sau khi đưa vào khai thác, hệ thống đường sắt đô thị sẽ vận chuyển khoảng 3,2 triệu lượt khách/ngày, chiếm khoảng 35 - 40% thị phần vận tải hành khách công cộng khu vực đô thị trung tâm và khoảng 20% khu vực ngoại ô.

Do đó, theo đánh giá của các chuyên gia việc xây dựng hầm kết nối giữa 2 tuyến đường sắt đô thị sẽ tạo liên kết, thuận lợi hơn cho người dân khi sử dụng tàu điện. Đây cũng là một cách để thu hút người dân đến với đường sắt đô thị, sử dụng phương tiện giao thông xanh, bảo vệ môi trường.

Giải tỏa “điểm đen” ùn tắc

Bên cạnh việc làm hầm kết nối đường sắt đô thị, trong thời gian tới, TP Hà Nội cũng sẽ đầu tư thêm hàng loạt hầm chui lớn để giảm tải áp lực giao thông trong nội thành. Hiện trên địa bàn TP Hà Nội có khoảng 8 triệu phương tiện tham gia giao thông, gồm: 6,7 triệu xe máy, 1 triệu ô tô các loại và 0,2 triệu xe điện. Chưa kể đến khoảng 1,2 triệu phương tiện đến từ tỉnh thành khác lưu thông trên địa bàn. Lưu lượng phương tiện quá cao khiến tình trạng ùn tắc giao thông của Thủ đô ngày càng nghiêm trọng. Trên một số tuyến đường chính, trục đường xuyên tâm như Cầu Giấy - Xuân Thủy - Hồ Tùng Mậu, Âu Cơ - Nghi Tàm - Xuân Diệu, La Thành - Giảng Võ… các phương tiện di chuyển khó khăn trong giờ cao điểm. Tình trạng ùn tắc trên một số tuyến đường vào nội đô, cửa ngõ ra vào TP luôn có diễn biến phức tạp, đặc biệt là trong giờ cao điểm, các dịp lễ, Tết.

Theo số liệu thống kê của Sở Giao thông vận tải Hà Nội, hiện nay, trên địa bàn TP Hà Nội có tổng cộng 4 hầm chui được đưa vào sử dụng, một hầm chui đang xây dựng. 4 hầm chui đã đưa vào sử dụng tại 4 nút giao thông lớn gồm: Kim Liên, Trung Hòa, Thanh Xuân, Lê Văn Lương. Một hầm đang xây dựng là hầm trên đường Vành đai 2,5 tại nút giao Giải Phóng - Kim Đồng.

Để giảm tải áp lực giao thông trong nội thành, từ nay đến năm 2026, nút giao khác mức giữa đường Vành đai 3,5 với Đại lộ Thăng Long (đoạn qua huyện Hoài Đức) sẽ được xây dựng. Công trình có tổng mức đầu tư hơn 2.450 tỷ đồng, do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng TP Hà Nội làm chủ đầu tư. Theo thiết kế, hầm chui theo hướng đường Vành đai 3,5 (đường Lê Trọng Tấn cũ, nay là đường Hoàng Tùng) - Quốc lộ 32 có tổng chiều dài 975m, rộng 18,5m. 4 cầu nhánh bằng bê tông cốt thép dự ứng lực với tổng chiều dài hơn 2.300m, bề rộng cầu 8,8m. Tường chắn bê tông cốt thép dài hơn 600m.

Trước đó, tháng 1/2024, Sở Giao thông vận tải Hà Nội cũng đề xuất bổ sung danh mục một số dự án đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn, nhằm triển khai công tác chuẩn bị đầu tư. Theo đó, đề xuất ưu tiên xây dựng hầm chui qua đường Phạm Văn Đồng với quy mô hầm 4 làn xe; đồng thời lên phương án xây hầm chui tại nút giao Cổ Linh (thuộc địa phận quận Long Biên) và đường dẫn lên cầu Vĩnh Tuy.

Trong năm 2024, trên địa bàn TP Hà Nội có tổng số 33 điểm ùn tắc giao thông. Trong đó, 22 điểm chuyển tiếp từ năm 2023 và 11 điểm phát sinh. 3 tháng đầu năm 2024, Sở Giao thông vận tải Hà Nội đã xóa được 2 điểm ùn tắc giao thông tại: khu vực nút giao Nguyễn Trãi - Khuất Duy Tiến, Nguyễn Xiển và nút giao Sa Đôi - Đường 70. Trong thời gian tới, Sở Giao thông vận tải Hà Nội sẽ tiếp tục xử lý 31 điểm ùn tắc còn lại trong năm 2024.

Theo Tạp chí Hải quanông luận

Bình luận

Nổi bật

Tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát, nâng cao chất lượng các công trình, dự án quan trọng quốc gia

Tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát, nâng cao chất lượng các công trình, dự án quan trọng quốc gia

sự kiện🞄Thứ hai, 17/06/2024, 08:10

(CL&CS) - Ngày 14/6, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành GTVT chủ trì phiên họp thứ 12 của Ban Chỉ đạo.

Đến năm 2030, 70-90% xe buýt tại Hà Nội sẽ sử dụng năng lượng xanh

Đến năm 2030, 70-90% xe buýt tại Hà Nội sẽ sử dụng năng lượng xanh

sự kiện🞄Thứ sáu, 14/06/2024, 15:01

(CL&CS)- hát triển hệ thống giao thông vận tải công cộng bằng xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh trên địa bàn Hà Nội sẽ góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, giảm khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính.

Hưng Yên: Nâng cao hiệu quả quy hoạch, quản lý đất đai tại đô thị

Hưng Yên: Nâng cao hiệu quả quy hoạch, quản lý đất đai tại đô thị

sự kiện🞄Thứ tư, 12/06/2024, 13:18

(CL&CS) - UBND tỉnh Hưng Yên vừa ban hành kế hoạch triển khai Nghị quyết số 116/NQ-CP ngày 6/12/2019 của Chính phủ nhằm tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị.