Chủ nhật, 07/05/2023, 13:55 PM

Hà Nội đề xuất 5 nhóm kiến nghị với Chính phủ

(CL&CS)- Sáng 6/5, báo cáo tại cuộc làm việc của Thường trực Chính phủ với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội, Chủ tịch UBND TP Trần Sỹ Thanh đã nêu 5 nhóm kiến nghị, trọng tâm là tháo gỡ cơ chế, chính sách nhằm tạo điều kiện cho Hà Nội thúc đẩy các dự án, công trình lớn.

Sáng 6/5/2023, tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp giữa Thường trực Chính phủ với Ban Thường vụ Thành uỷ TP Hà Nội về tình hình phát triển kinh tế-xã hội tháng 4 đầu năm 2023 và kết quả giữa nhiệm kỳ Đại hội XVII của Đảng bộ thành phố. Tại đây, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã nêu 5 nhóm đề xuất, kiến nghị gồm:

Nhóm kiến nghị thứ nhất về dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô, Hà Nội có 3 kiến nghị cụ thể. Một là về các nội dung phê duyệt các dự án thành phần sử dụng vốn đầu tư công trong trường hợp tổng mức đầu tư cao hơn sơ bộ tổng mức đầu tư tại chủ trương đầu tư. Thành phố đề nghị Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành cho phép tỉnh Hưng Yên phê duyệt các dự án thành phần sử dụng vốn đầu tư công trong trường hợp tổng mức đầu tư cao hơn sơ bộ tổng mức đầu tư tại chủ trương đầu tư. Đồng thời tổng hợp, gửi UBND thành phố Hà Nội là cơ quan đầu mối để chủ trì tổng hợp các nội dung liên quan, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét quyết định việc điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án trong trường hợp phát sinh các yếu tố dẫn đến phải điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án (nếu có).

Trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện dự án đầu tư, cho phép thành phố Hà Nội chủ động thực hiện điều hòa, điều chỉnh cơ cấu tổng mức đầu tư giữa các dự án thành phần 1.1 và 2.1 trong trường hợp tổng mức đầu tư của từng dự án thành phần vượt (có dự án tăng/giảm) nhưng tổng mức đầu tư của cả 2 dự án thành phần này không vượt sơ bộ tổng mức đầu tư tại chủ trương đầu tư, được thực hiện đồng thời với việc thực hiện nội dung điều chỉnh chủ trương dự án (nếu có).

Hai là để giải quyết triệt để các khó khăn, vướng mắc đối với việc triển khai các tiểu dự án trong dự án PPP, đồng thời quản lý chặt chẽ nguồn vốn đầu tư công và đẩy nhanh tiến độ thi công toàn tuyến bao gồm 3 cầu lớn (Hồng Hà, Mễ Sở và Hoài Thượng) và hệ thống đường song hành do 3 địa phương đồng loạt triển khai; Hà Nội kiến nghị Chính phủ chấp thuận chủ trương giao UBND thành phố Hà Nội là cơ quan chủ quản, quyết định đầu tư tiểu dự án đầu tư công trong dự án PPP. Tuy nhiên việc triển khai theo phương án này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính cần tham mưu cho Chính phủ xem xét điều chỉnh, sửa đổi Luật PPP, Nghị định số 99/2021/NĐ-CP ngày 11-11-2021 của Chính phủ về việc thanh toán tiểu dự án sử dụng vốn đầu tư công trong dự án PPP.

Ba là về việc áp dụng cơ chế đặc thù của Dự án đường Vành đai 4. Hà Nội kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn về việc cho phép nhà đầu tư dự án theo hình thức PPP và BOT (Dự án thành phần 3) được áp dụng cơ chế đặc thù về khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường như nhà thầu thi công dự án được quy định tại Điểm d Khoản 1 Điều 3 Nghị quyết số 56 ngày 16-6-2022 của Quốc hội về chủ trương đầu tư Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô.

kien nghi

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh báo cáo tại cuộc làm việc.

Nhóm kiến nghị thứ hai có 7 kiến nghị cụ thể về các tuyến đường sắt đô thị. Theo đó, ngoài tuyến đường sắt đô thị của Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông (tuyến 2A) đang khai thác, tuyến Nhổn - ga Hà Nội hiện đang triển khai thi công, 7 tuyến còn lại (tuyến số 1, 2, 4, 5, 6, 7, 8) đều chưa được triển khai. Trên cơ sở đó, thành phố kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết định cụ thể về chủ trương đầu tư, nguồn vốn, cho ý kiến về chủ trương đầu tư nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai thủ tục, đầu tư xây dựng...

Trong đó, thành phố kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sớm xem xét phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án tuyến đường sắt đô thị thí điểm thành phố Hà Nội, đoạn Nhổn - ga Hà Nội (đề xuất trong tháng 5-2023) và cho phép UBND thành phố được thực hiện thanh toán từ nguồn vốn ứng trước của ngân sách thành phố để giải ngân thanh toán cho các nhà thầu, tư vấn của dự án trong thời gian hoàn chỉnh các thủ tục phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh dự án và gia hạn các khoản vay ODA của dự án. Đối với tuyến đường sắt đô thị thành phố Hà Nội tuyến số 5 (Văn Cao - Ngọc Khánh - Láng Hòa Lạc), để bảo đảm việc cân đối nguồn lực trong việc thực hiện dự án, Hà Nội kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, ưu tiên cho thành phố sử dụng nguồn vốn từ nguồn ODA để đầu tư dự án.

Nhóm kiến nghị thứ ba gồm 4 kiến nghị về lĩnh vực nhà ở. Trong đó, đáng chú ý, về phát triển nhà ở xã hội, Hà Nội kiến nghị Chính phủ cho phép được quyết định hình thức thực hiện nghĩa vụ phát triển nhà ở xã hội đối với quỹ đất ở 20% thuộc các dự án có quy mô ≥ 2ha được nộp bằng tiền, tạo nguồn lực đầu tư xây dựng các khu nhà ở xã hội tập trung. Thành phố cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính sớm hướng dẫn thực hiện việc quản lý, sử dụng khoản tiền sử dụng đất phải nộp đối với quỹ đất 20% tại các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị.

Nhóm kiến nghị thứ tư gồm 3 kiến nghị về đất đai. Cụ thể, về hoàn thiện khung pháp lý cho hoạt động của Quỹ Phát triển đất, thành phố kiến nghị, trong thời gian chờ Chính phủ ban hành nghị định, Thủ tướng Chính phủ cho phép thành phố được ứng vốn từ Quỹ Phát triển đất để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch, trong đó đối tượng ứng vốn bao gồm cả các dự án đầu tư công, dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu đất đấu giá quyền sử dụng đất.

Về giá đất, Hà Nội kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao các Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Nghị định số 44/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 theo hướng áp dụng hệ số điều chỉnh giá đất (K) để xác định: Giá thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; giá trị quyền sử dụng đất khi cổ phần hóa; giá khởi điểm đấu giá quyền sử dụng đất; giá bồi thường giải phóng mặt bằng. Ngoài ra, thành phố kiến nghị Thủ tướng Chính phủ sớm xem xét chấp thuận chủ trương chuyển mục đích đất trồng lúa đối với 8 cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố (UBND thành phố đã báo cáo).

Nhóm kiến nghị thứ năm là về tăng cường phân cấp, ủy quyền cho thành phố Hà Nội. Hiện nay, thành phố Hà Nội đang phối hợp Bộ Tư pháp xây dựng Luật Thủ đô sửa đổi với 9 nhóm chính sách lớn, trong đó đề xuất Thủ tướng Chính phủ ủy quyền cho thành phố 10 nội dung thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ theo quy định của pháp luật hiện hành.

Trung Kiên

Bình luận

Nổi bật

Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn

Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn

sự kiện🞄Thứ năm, 25/04/2024, 15:37

(CL&CS) - Chiều 24/4 tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp bán dẫn. Hội nghị do Văn phòng Chính phủ phối hợp cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức.

Trông giữ xe không dùng tiền mặt

Trông giữ xe không dùng tiền mặt

sự kiện🞄Thứ ba, 23/04/2024, 09:28

(CL&CS) - Hà Nội vừa chính thức triển khai thí điểm thu phí không dùng tiền mặt tại 7 điểm trông giữ xe ở quận Hoàn Kiếm. Đây là một nội dung nhằm triển khai Đề án 06 của Chính phủ và Nghị quyết số 18-NQ/TU của Thành ủy Hà Nội về chuyển đổi số, xây dựng Thành phố thông minh.

Tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, sinh kế cho người dân

Tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, sinh kế cho người dân

sự kiện🞄Thứ ba, 23/04/2024, 09:28

(CL&CS) - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 21/4/2024 về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.