Dữ liệu cũ
Thứ tư, 18/03/2020, 14:14 PM

Hà Nam: Công ty CP đầu tư Thành Thắng Group có đang "qua mặt” Bộ Tài nguyên và Môi trường?

(NTD) – Theo phản ánh, từ năm 2014, Công ty Cổ phần đầu tư Thành Thắng Group (Công ty Thành Thắng) đã đưa máy móc vào khai thác đá sét trái phép tại khu vực mỏ ở địa phận xã Thanh Lưu, xã Liêm Sơn thuộc huyện Thanh Liêm (Hà Nam) gây ô nhiễm môi trường, hư hỏng đường dân sinh và việc đền bù không thỏa đáng khiến người dân bức xúc. Sự việc này, người dân cho rằng "Thành Thắng là doanh nghiệp lớn nên cậy thế và qua mặt cơ quan chức năng, đặc biệt là Bộ Tài nguyên và Môi trường (Bộ TN&MT)"?

 Ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống dân sinh

Nhiều hộ dân sinh sống gần dọc đường Dốc Bưởi và tuyến đường liên xã ĐH13 đoạn từ xã Liêm Sơn, thị trấn Tân Thanh, xã Thanh Hương (huyện Thanh Liêm) đến nhà máy xi măng Thành Thắng (xã Thanh Nghị) cho biết, từ khoảng năm 2014, 2015 đến nay thì Công ty Thành Thắng đã tiến hành khai thác đá sét tại mỏ đá sét thuộc thị trấn Tân Thanh và xã Liêm Sơn, khiến tình trạng mất an toàn giao thông, gây ô nhiễm môi trường khiến cuộc sống của người dân bị ảnh hưởng, đảo lộn nghiêm trọng.

21d7d70a1c16e748be07
Xe tải chở khoáng sản về hướng nhà máy xi măng Thành Thắng gây bụi mù mịt cả tuyến đường

Anh H.T.P. (45 tuổi, người dân sinh sống gần khu vực mỏ đá thuộc xã Liêm Sơn) cho biết: “Mỗi ngày có rất nhiều lượt xe tải cỡ lớn tấp nập chở khoáng sản mang logo của Thành Thắng Group hoạt động liên tục. Từ khoảng năm 2014 đến nay, người dân chúng tôi phải chung sống với tiếng ồn, bụi mịt mù gây ô nhiễm, ngày nào cũng có nhiều xe tải hạng nặng, xe quá khổ, xe cơi nới thành thùng chở đá sét từ mỏ về tới nhà máy sản xuất xi măng của Công ty Thành Thắng. Xe chở đất, đá rơi vãi khắp đường, khi mưa xuống tạo vũng lầy gây ảnh hưởng nặng đến khu vực canh tác, sản xuất của người dân. Đặc biệt, tài xế lái xe đi với tốc độ nhanh, nguy hiểm, khiến chúng tôi rất bức xúc vì sợ tai nạn xảy ra. Chúng tôi nghi vấn rằng, Thành Thắng là doanh nghiệp lớn nên cậy thế và qua mặt cơ quan chức năng, đặc biệt là Bộ TN&MT".

1437f1bc39a0c2fe9bb1
Đoạn đường bị "cày nát" do xe tải chở đất đá từ mỏ về nhà máy gây vương vãi khắp

Song song với việc các hộ dân phản ánh tình trạng Công ty Thành Thắng khai thác đá sét sai phép gây ảnh hưởng tới đời sống dân sinh thì người dân ở thôn Cẩm Du, xã Thanh Lưu (nay là thị trấn Tân Thanh, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam) cũng phản ánh rằng, họ chỉ nhận được tiền đề bù cây cối, chưa nhận được tiền hỗ trợ về đất, tiền tái sản xuất. Và họ đặt ra câu hỏi, tại sao cùng dự án nhưng người dân xã Liêm Sơn thì nhận được tiền đền bù cây cối hoa màu, tiền đất và tiền hỗ trợ sản xuất, còn người dân thôn Cẩm Du, thị trấn Tân Thanh lại chưa được nhận số tiền này?

Qua ghi nhận thực tế của PV, ở tuyến đường dân sinh, hướng từ mỏ về nhà máy xi măng Thành Thắng có rất nhiều xe trọng tải lớn vô tư lộng hành chở vật liệu đá sét được phủ bạt một cách sơ sài và các xe này như đang đua nhau “làm xiếc” trên đường gây mất an toàn giao thông. Đặc biệt, có một số chiếc xe bồn chở nước của Công ty Thành Thắng phun nước ở dọc đường nhưng chỉ là hình thức “lấy lệ”, không hiệu quả, bởi thực trạng xuất hiện bụi ô nhiễm mù mịt cả tuyến đường.

Việc xe tải hoạt động liên tục cả ngày lẫn đêm, gây hư hỏng tuyến đường dân sinh ĐH13 nhưng không hề thấy bóng dáng của lực lượng chức năng tỉnh Hà Nam giám sát, kiểm tra hay xử lý thực trạng trên.

Liệu có bị thu hồi giấy phép?

Mỏ đá sét thuộc 2 xã Liêm Sơn và xã Thanh Lưu (nay là thị trấn Tân Thanh, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam) trước đây thuộc quyền khai thác của Công ty cổ phần Xi măng Thanh Liêm. Tại Văn bản số 108/UBND-DN&XTĐT ngày 23/01/2009 của UBND tỉnh Hà Nam về việc giải quyết đề nghị của Công ty CP Xi măng Thanh Liêm, UBND tỉnh Hà Nam đồng ý cho Công ty này thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng khu mỏ sét tại địa bàn xã Liêm Sơn và thị trấn Tân Thanh, huyện Thanh Liêm và cho phép khai thác tận thu phần diện tích bìa núi Dốc Bưởi; Giao cho UBND huyện Thanh Liêm phối hợp với Công ty CP Xi măng Thanh Liêm thực hiện giải phóng mặt bằng theo quy định.

ll
Khu vực mỏ khai thác của Công ty Thành Thắng tại xã Liêm Sơn và xã Thanh Lưu (nay là thị trấn Tân Thanh)

Sau đó một thời gian, Công ty CP Xi măng Thanh Liêm phá sản. Mỏ đá sét này được Bộ TN&MT cấp phép cho Thành Thắng Group tại Văn bản số 71/GP-BTNMT ngày 11/01/2018. Theo đó, Công ty Thành Thắng được cấp phép khai thác bằng phương pháp lộ thiên mỏ đá sét từ tháng 1/2018 tại huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam, trong đó có 1 năm xây dựng cơ bản mỏ.

Song, theo tìm hiểu thực tế của PV và thông tin từ người dân thì từ khi mới chỉ có giấy phép thăm dò trữ lượng khoáng sản, Công ty Thành Thắng đã tiến hành đưa máy móc vào khai thác tại khu vực mỏ tại xã Liêm Sơn và xã Thanh Lưu.

Theo giấy phép 71/GP-BTNMT ngày 11/01/2018, quyết định cho phép Công ty Thành Thắng khai thác bằng phương pháp lộ thiên mỏ đá sét tại khu vực các xã Liêm Sơn và Thanh Lưu. Trong đó, diện tích khai thác là 9,53 ha được giới hạn bởi các điểm khép góc có toạ độ xác định theo phụ lục 1 và bản đồ khai thác khoáng sản tại phụ lục 2 của giấy phép. Trữ lượng khai thác là 2,641,562 tấn đá sét ở trạng thái tự nhiên trong thời gian 30 năm (có 1 năm xây dựng cơ bản), độ sâu khai thác thấp nhất ở +20m.

Trữ lượng khoáng sản được phép đưa vào thiết kế khai thác 4.303.000 tấn đá sét ở trạng thái tự nhiên; Trữ lượng khai thác 2.641.562 tấn đá sét ở trạng thái tự nhiên; Công suất khai thác từ 31.562 tấn/năm đến 90.000 tấn/năm, công suất khai thác chi tiết tại phụ lục 3; Thời gian khai thác 30 năm, trong đó có 1 năm xây dựng cơ bản mỏ.

Cũng theo giấy phép, Công ty Thành Thắng phải tiến hành khai thác theo đúng toạ độ, diện tích, mức sâu, trữ lượng đã quy định. Trước khi tiến hành khai thác phải nộp thiết kế mỏ được lập, thẩm định; Báo cáo Sở Tài nguyên và Môi trường để kiểm tra thực địa, xác định toạ độ, mặt bằng khai thác và cắm mốc giới khu vực được phép khai thác; Thực hiện đầy đủ nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường, phục hồi môi trường của dự án.

Giấy phép cũng nêu rõ trước khi tiến hành khai thác Công ty Thành Thắng phải đăng ký ngày bắt đầu xây dựng cơ bản mỏ, ngày bắt đầu khai thác, thông báo về giám đốc điều hành mỏ, kế hoạch khai thác. Giấy phép có hiệu lực kể từ ngày ký tức ngày 11/01/2018, trong đó có 1 năm xây dựng cơ bản và phải đăng kí ngày bắt đầu xây dựng. Như thế, nếu đăng kí ngay trong ngày cấp phép thì đến ngày 11/01/2019 Công ty Thành Thắng mới có thể bắt đầu tiến hành khai thác tại khu vực xã Liêm Sơn và xã Thanh Lưu với trữ lượng khai thác năm đầu tiên quy định là 31.562 tấn/năm.

Trước khi tiến hành khai thác, Thành Thắng Group phải thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật có liên quan và các quy định tại Giấy phép số 71/GP-BTNMT ngày 11/01/2018; nộp cho Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam.

Phía chính quyền và đại diện Công ty Thành Thắng phản hồi gì?

Để có sự đa chiều thông tin, PV báo Người tiêu dùng đã đưa những nội dung phản ánh của người dân để liên hệ trực tiếp với ông Nguyễn Văn Toản - Chủ tịch UBND thị trấn Tân Thanh, theo ông Toản: “Đối với việc giải phóng mặt bằng (GPMB) thì Công ty Thành Thắng mua lại của Công ty CP xi măng Thanh Liêm từ năm 2014. Việc GPMB này đã tiến hành từ năm 2009, khi Công ty CP xi măng Thanh Liêm đã GPMB xong, người ta đã đền bù các hoa lợi, không có vấn đề gì xảy ra. Vừa rồi, một số công ty có đền bù quỹ đất nhưng trong giai đoạn đó không có văn bản nào, việc giải phóng của Thanh Liêm trước khi có văn bản mấy năm.

7c715c279b3b6065392a
Những chiếc máy xúc cần cẩu mang logo Thành Thắng Group đang tiến hành múc đất san lấp mặt bằng ở khu vực gần mỏ

"Công ty xi măng Thanh Liêm đã bàn giao cho Công ty Thành Thắng từ năm 2014... Xe tải của Thành Thắng có đi qua khu vực dân cư thì có gây ồn ào, bụi, có tưới nước và hạn chế nhưng cũng không thể tránh khỏi ô nhiễm được”, ông Toản chia sẻ thêm.

Vị chủ tịch UBND thị trấn Tân Thanh cũng xác nhận rằng, hiện tại Công ty Thành Thắng thực hiện dự án khai thác ở sườn núi của xã Liêm Sơn, họ không xây dựng khu hệ thống gom nước nên khi trời mưa, nước có chảy lên mặt đường, ảnh hưởng đến người dân khu vực khai thác mỏ.

Để có thêm thông tin liên quan đến sự việc, trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Hảo – Phó GĐ Phụ trách Sở Tài nguyên & Môi trường tỉnh Hà Nam, cho biết: “Tôi đã giao cho Thanh tra Sở thành lập đoàn kiểm tra đơn vị này, chúng tôi đã cho người kiểm tra và sẽ đăng lên cổng thông tin. Việc khai thác trái phép hay không thì chúng tôi đã có văn bản trả lời UBND tỉnh. Còn việc chúng tôi đi kiểm tra là Công ty Thành Thắng có gây ô nhiễm môi trường hay không”? Nói là vậy nhưng khi PV muốn tiếp cận văn bản cụ thể thì ông Hảo khước từ và báo bận họp?.

Theo tìm hiểu của PV, ngày 12/3/2020, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hà Nam đã ban hành Quyết định số 67/QĐ-STN&MT về việc kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường, khoáng sản đối với Công ty CP đầu tư Thành Thắng tại dự án khai thác mỏ đá sét xi măng thuộc xã Thanh Lưu và xã Liêm Sơn, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam.

Khi PV đã đến tận trụ sở của Công ty Thành Thắng (Thôn Bồng Lạng, Xã Thanh Nghị, Huyện Thanh Liêm, Hà Nam) để gửi giấy giới thiệu đặt lịch làm việc thì đơn vị không tiếp nhận nội dung làm việc với lý do từ người bảo vệ gác cổng: “Văn phòng không có ai gọi ra thì dù báo chí hay là ai đi nữa cũng không được vào bên trong và sẽ không có ai tiếp”.

e62baec565d99e87c7c8
Trước trụ sở Công ty Thành Thắng, xuất hiện những chiếc xe tưới nước nhưng dư luận cho rằng đây là "hình thức chống chế" không hiệu quả mà ô nhiễm bụi ngày càng nhiều hơn

Sau nhiều lần liên hệ, đại diện Công ty Thành Thắng cho biết, đã có đầy đủ giấy tờ, có đầy đủ ban ngành kiểm tra, còn vấn đề đền bù của người dân thì phía Công ty cũng đang làm việc?. Tuy nhiên đến nay, đã nhiều ngày trôi qua, PV vẫn chưa tiếp cận được các giấy tờ liên quan đến tính pháp lý của xây dựng cơ bản mỏ, thiết kế xây dựng mỏ, giấy tờ thể hiện nộp tiền thuế, phí khai thác khoáng sản cũng như những hồ sơ liên quan đến việc  đền bù cho người dân… của Công ty Thành Thắng.

Tài nguyên khoáng sản có hạn, sẽ đến lúc cạn kiệt, bởi thế, cần siết chặt quản lý nguyên liệu khoáng sản làm xi măng là một bài toán lớn với ngành. Theo tìm hiểu của PV, Công ty Thành Thắng là một trong những doanh nghiệp nằm trong danh sách tầm ngắm theo kế hoạch thanh tra năm 2019 của Bộ TN&MT. Nếu các đơn vị được Bộ TN&MT cấp giấy phép thăm dò khoáng sản, giấy phép khai thác khoáng sản nhưng họ tiến hành khai thác khoáng sản làm xi măng gây ô nhiễm môi trường quanh khu vực mỏ thì những đơn vị đó đã "cố tình" sai phạm và không thượng tôn pháp luật.

Đề nghị cơ quan ban ngành của tỉnh Hà Nam có vào cuộc để làm rõ về những hoạt động khai thác khoáng sản trái phép của Công ty Thành Thắng từ năm 2014 đến nay. Việc người dân phản ánh đơn vị này khi mới chỉ có giấy phép thăm dò khoáng sản nhưng Công ty Thành Thắng lại khẳng định đã có giấy phép khai thác? Trong khi PV hỏi thì đơn vị không cung cấp được? Liệu việc Công ty Thành Thắng tiến hành khai thác đá sét tại khu vực mỏ xã Thanh Lưu, xã Liêm Sơn có dấu hiệu vi phạm điều khoản trong giấy phép và có bị Bộ TN&MT thu hồi giấy phép?

Nếu hành vi khai thác khoáng sản (tài nguyên đất) làm vật liệu xây dựng thông thường không sử dụng vật liệu nổ mà không có giấy phép khai thác thì sẽ bị xử phạt theo khoản 1 Điều 44 Nghị định 33/2017/NĐ-CP.

Nếu hành vi khai thác khoáng sản mà phải sử dụng vật liệu nổ để khai thác khoáng sản làm vật liệu thông thường hoặc mức công suất khai thác vượt mức 100% trở lên so với trong giấy phép khai thác thì sẽ bị xử phạt theo hành vi tại khoản 6 Điều 36 Nghị định 33/2017/NĐ-CP.

Ngoài các hình phạt tiền chính thì người vi phạm phải bị áp dụng các hình phạt bổ sung như sau tùy theo mức độ vi phạm thực tế của hành vi và các biện pháp khắc phục hậu quả:

+ Tước quyền sử dụng giấy phép thăm dò khoáng sản từ 06 tháng đến 12 tháng

+ Tước quyền sử dụng giấy phép khai thác khoáng sản từ 03 tháng đến 12 tháng

+ Tịch thu tang vật, mẫu vật là khoáng sản, phương tiện được sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm

+ Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc thực hiện các giải pháp phục hồi môi trường khu vực đã khai thác, đưa khu vực khai thác về trạng thái an toàn.

PV sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc về nội dung sự việc ở bài viết tiếp theo.

 

Hồng Liên

Bình luận

Nổi bật

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

sự kiện🞄Thứ ba, 20/02/2024, 10:09

Trên thế giới còn rất nhiều những chiếc phi cơ 'lão thành' ngót nghét 50 tuổi vẫn đang bay trên bầu trời.

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

sự kiện🞄Thứ bảy, 14/10/2023, 05:57

Loại thực phẩm nhiều người xem như vô hại này lại là nguyên nhân dẫn đến bệnh tật, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng, chúng thường được gọi là "sát thủ thầm lặng" tàn phá sức khoẻ con người.

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

sự kiện🞄Thứ năm, 29/06/2023, 15:00

(CL&CS) - Cảng Chu Lai thuộc Công ty Giao nhận - vận chuyển quốc tế Trường Hải (THILOGI) đang dần khẳng định năng lực tiếp nhận tàu lớn, khai thác đa dạng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy giao thương tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên.