Chủ nhật, 28/08/2016, 19:30 PM

Đường sách - nơi giao lưu văn hóa của người dân TP.HCM

(NTD) - Hoạt động từ tháng 2/2016 đến nay, đường sách Nguyễn Văn Bình đã thực sự trở thành một địa chỉ văn hóa của người dân TP.HCM và cả du khách nước ngoài... nhất là vào dịp cuối tuần.

Nhiều mảng, miếng kinh doanh

Theo thống kê của Ban điều hành (BĐH) đường sách thì tổng doanh thu của các gian hàng sách tại đường sách đạt khoảng hơn 16 tỷ đồng trong đó có 5 gian đạt mức trên 1 tỷ đồng mỗi gian và 15 gian còn lại đạt mức doanh thu từ 200-500 triệu đồng. Có sự khác biệt này chủ yếu là do quy mô các gian cũng như một số gian chuyên kinh doanh mảng sách có tính chuyên biệt cao như sách nghiên cứu, chuyên ngành... Tuy nhiên, theo đánh giá chung của giới làm sách cũng như những người làm văn hóa thì thành công của đường sách không phải nằm ở doanh thu bán sách.

Đại diện Công ty văn hóa sáng tạo Trí Việt cho biết, sau một thời gian dài NXB lúng túng trong tìm kiếm hướng xuất bản phù hợp trong điều kiện cạnh tranh gay gắt như hiện nay. Khi đường sách đi vào hoạt động, thông qua ý kiến của bạn đọc, yêu cầu tìm sách trực tiếp tại gian hàng, NXB đã phát hiện nhu cầu bạn đọc về mảng sách lịch sử văn hóa và tập trung vào mảng đề tài này. Ông Lê Hoàng, Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, Chủ tịch Hội Xuất bản TP.HCM, thành viên BĐH đường sách khẳng định con đường đã trở thành một hàn thử biểu trong lĩnh vực xuất bản. Đó không phải là nơi cạnh tranh với các nhà sách, hệ thống phát hành sách mà là sự bổ sung, hỗ trợ để các nhà làm sách có thể xây dựng, tạo dấu ấn thương hiệu cũng như là một địa chỉ văn hóa đọc quan trọng để các đơn vị làm sách tổ chức các cuộc gặp gỡ, giao lưu giữa tác giả với bạn đọc.

Trong 6 tháng hoạt động đã có hơn 50 chương trình giới thiệu sách mới, các buổi nói chuyện về sách, giao lưu, ký tặng sách... gần như mỗi tuần đường sách đều có ít nhất 2 hoạt động liên quan đến văn hóa đọc. Đây là điều mà nhiều năm qua đời sống văn hóa đọc thành phố không thể thực hiện được dù là ngay cả vào giai đoạn bùng phát 2010-2012. Nhiều địa phương như: Cần Thơ, Đà Nẵng đã cử đoàn đến học tập việc xây dựng đường sách, có đơn vị còn trực tiếp mời những người trực tiếp tham gia làm đường sách đến địa phương để hỗ trợ, tư vấn mở đường sách. Hơn nữa, khi đường sách mở ra, chủ trương của BĐH là “để thả cửa” cho các công ty, đơn vị tham gia “tha hồ” mà thiết kế nội thất cũng như mặt tiền của gian hàng và đơn vị mình. Thế nên, hình ảnh và sắc màu của đường sách sinh động hơn hẳn các “lô đồng phục” của các hội sách. Đây là yếu tố thu hút bạn đọc, người yêu sách nhiều hơn. Các đơn vị tham gia đường sách, bây giờ đã chuyển hẳn các buổi giao lưu tác giả - tác phẩm, giới thiệu sách mới, thảo luận hay nói chuyện chuyên để... đã “dời đô” ra tổ chức ngay tại đường sách. Vừa đỡ tốn chi phí mặt bằng, vừa có “hồn” và gần gũi với bạn đọc.

Cái “hút” nữa của đường sách là có gian hàng chuyên bán và đấu giá sách cũ. Các gian hàng phân chia chủ yếu theo thể loại. Có gian trưng bày những ấn phẩm sản xuất trong thời bao cấp, gồm nhiều bộ sách, tủ sách được khảo cứu, biên tập lần đầu trong thời kỳ này, đa dạng về thể loại như dịch, nghiên cứu, sáng tác... Nhiều loại báo cũ như Lục Tỉnh Tân Văn, Tri Tân... hay các từ điển xưa như Hán Việt Từ điển (1950), Từ điển Việt Nam (1958)... cũng được bày bán cho độc giả muốn nghiên cứu tài liệu xưa. Không ít cuốn sách trong chợ phiên có thời gian ấn hành trước năm 1945, được đánh giá là khá quý hiếm và vốn chỉ được bày bán, trao đổi trực tiếp giữa các nhà sưu tầm. Gian hàng sách cũ cũng được phân chia thành từng mức giá để đáp ứng túi tiền của từng độc giả, từ đồng giá 19.000 đồng, 38.000 đồng... cho đến hàng trăm ngàn đồng. Theo nhiều người sưu tầm sách cũ lâu năm, giá những cuốn sách này chủ yếu được định giá theo số lượng còn hiện hành trên thị trường. Nhiều ấn phẩm được in vào thời bao cấp, cho đến nay vẫn còn tái bản thì được bán với mức giá ưu đãi dành cho học sinh, sinh viên.

Trên tay cầm cuốn Việt văn toàn thư (NXB Á Châu, 1961), ông Nguyễn Hải (nhà ở P.2, Q.5) cho biết đây là lần đầu ông đến đường sách Nguyễn Văn Bình và phát hiện nhiều đầu sách mình tìm kiếm đã lâu. Theo ông Hải, sách được người đọc tìm đến vì màu giấy dễ đọc, không làm lóa mắt và đặc biệt là lối viết, dịch khoáng đạt của người xưa - những cây bút kỳ cựu chứ không chỉ là “thợ dịch”, “thợ viết”. Cũng theo độc giả 62 tuổi này, sách cổ có sức thu hút nhất ở giá trị thời gian. Đó có thể là dòng đề tặng của chủ cuốn sách trước đó, hoặc bức thư, tấm ảnh được kẹp trong trang sách, hay những dòng đánh giá viết bên lề sách. Người đọc sẽ hồi tưởng lại cuộc sống xa xưa và như sống lần nữa trong bối cảnh và thời điểm sách được xuất bản.

22
Các bé thiếu nhi vui chơi tại đường sách

Vẫn còn những “lợn cợn”

Trong sơ kết của mình, các đơn vị tham gia đường sách cũng như chính BĐH đều cảnh báo đường sách TP.HCM đang đứng trước một giai đoạn thử thách đầy gian nan. Theo ông Lê Hoàng, có hai lý do cơ bản đe dọa hoạt động của đường sách thời gian tới. Đầu tiên là lượng khách đến đường sách đang có xu hướng giảm. Có nhiều lý do nhưng về cơ bản được cho là thiếu phương pháp quảng bá, truyền thông. Đến nay đường sách vẫn chưa có trang web riêng, các trang mạng xã hội cũng vắng bóng. Hệ thống chiếu sáng cũng chưa hiệu quả, vào buổi tối đường sách gần như biến mất so với khu vực xung quanh vốn náo nhiệt và rực rỡ. Cũng vì thiếu quảng bá mà nhiều sự kiện tại đường sách không nhận được sự chú ý của bạn đọc. Bên cạnh đó, các hoạt động, sự kiện tuy nhiều nhưng đơn điệu. Một vấn đề khác cũng được xem là gây ảnh hưởng đến hoạt động chung là cho đến nay, sau 6 tháng hoạt động đường sách vẫn chưa có quy chế hoạt động, chưa xây dựng được nội quy cho các đơn vị. Chính vì vậy khi xảy ra các vấn đề như giá nước uống quá cao, BĐH đường sách lại phải thực hiện vai trò quản lý theo kiểu “năn nỉ”, đề nghị giảm giá cho phù hợp chứ không có chế tài nào đối với các đơn vị đang hoạt động tại đường sách. Hiện nay, tuy có nhiều gian hàng doanh thu giảm đến 50%, mấp mé mức phải bù lỗ hoạt động, số lượng khách giảm gần 1/3. Tuy nhiên, nhiều ý kiến khác lại cho rằng dù có nhiều thử thách nhưng thực tế những khó khăn trên là một điều bình thường với một hoạt động văn hóa mang tính đặc trưng, đi đầu và duy nhất như đường sách TP.HCM.

21
Trưng bày sách xưa, sách cũ tại đường sách
Theo thống kê của BĐH đường sách thì đến nay, con đường này đã đón tiếp khoảng trên 600 ngàn lượt bạn đọc đến tham quan, tìm mua sách. Trong đó trẻ em chiếm 15%, sinh viên, học sinh chiếm 30%, người lớn khoảng 30% và đặc biệt du khách nước ngoài chiếm đến gần 25%. Số khách đến đường sách chủ yếu tập trung vào hai khoảng thời gian là từ 9-11h và từ 15-19h. Đã có khoảng gần 250.000 bản sách được bán ra tại đường sách, trong đó tập trung chủ yếu là các đầu sách lịch sử, văn hóa, văn học, thiếu nhi, tâm lý...

 Quốc Định

 

NTD So 64 (254-258)_Page_15
 

Bình luận

Nổi bật

Đài thiên văn cao nhất thế giới xây trên sa mạc đi vào hoạt động

Đài thiên văn cao nhất thế giới xây trên sa mạc đi vào hoạt động

sự kiện🞄Thứ sáu, 03/05/2024, 15:16

Ý tưởng cho dự án đài thiên văn này đã được hình thành từ 26 năm trước với mục đích nghiên cứu sự tiến hóa của các thiên hà và ngoại hành tinh.

Hội đồng Giải thưởng Tạ Quang Bửu họp đánh giá các hồ sơ đề cử Giải thưởng năm 2024

Hội đồng Giải thưởng Tạ Quang Bửu họp đánh giá các hồ sơ đề cử Giải thưởng năm 2024

sự kiện🞄Thứ sáu, 03/05/2024, 15:15

(CL&CS)- Hội đồng xét tặng Giải thưởng Tạ Quang Bửu 2024 đã xem xét 16 đề cử từ các Hội đồng khoa học để chọn ra các hồ sơ xuất sắc nhất để trao giải.

Các tiêu chuẩn phổ biến của tín chỉ carbon rừng

Các tiêu chuẩn phổ biến của tín chỉ carbon rừng

sự kiện🞄Thứ sáu, 03/05/2024, 15:12

(CL&CS)- Bằng việc tuân thủ các tiêu chuẩn tín chỉ carbon rừng không chỉ đảm bảo tính minh bạch và tin cậy cho thị trường tín chỉ carbon mà còn khuyến khích và thúc đẩy đầu tư vào các dự án bảo vệ rừng, từ đó giảm thiểu phát thải khí nhà kính.