Dữ liệu cũ
Thứ ba, 10/09/2019, 15:36 PM

Dự án “khủng” của CEO Group đang tàn phá vịnh Bái Tử Long?

(NTD) – Đổ đất đỏ, lấy đất rừng, hút cát, san lấn biển rầm rộ với quy mô lớn, nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, xe chở đất đá gây tai nạn, dự án chia nhỏ thành nhiều phân khu, lập báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) từng phần để UBND tỉnh phê duyệt giúp doanh nghiệp (DN) thi công dự án sớm … - thực trạng mà nhiều hộ dân ở huyện Vân Đồn (Quảng Ninh) đang rất “bức xúc” khi nói về dự án Khu tổ hợp du lịch nghỉ dưỡng Sonasea Vân Đồn Harbor City, do Công ty CP Đầu tư và phát triển du lịch Vân Đồn (thuộc CEO Group) làm chủ đầu tư.

 

Theo phản ánh của người dân và tại thời điểm ghi nhận thực tế của PV báo Người tiêu dùng, trong quá trình thực hiện dự án Sonasea Vân Đồn Harbor City, Công ty CP Đầu tư và phát triển du lịch Vân Đồn đã sử dụng nhiều hệ thống máy hút cát trong lòng dự án, với công suất lớn bơm ra biển, nhằm mục đích kè đá lấn biển.

Dân lo lắng

Dọc tuyến kè dài hơn 1km xuất hiện nhiều cồn cát trắng mới được hình thành, cộng với từng vùng nước đỏ bắt đầu lan tỏa, có nguy cơ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường biển.

52b8eab45965be3be774
Dự án Sonasea Vân Đồn Harbor City đang hút cát, lấn biển với quy mô lớn

Anh P.H.D., người dân ở xã Hạ Long, huyện Vân Đồn (Quảng Ninh) cho hay: “Từ nhiều tháng nay, chúng tôi thấy công nhân thi công dự án đang dùng nhiều máy móc hoạt động hút cát để bơm ra biển. Nhìn quy mô hoạt động san lấp mặt nền, hút cát, xây kè, lấn biển trong dự án diễn ra như một đại công trường, bùn đất lan ra nhìn nước dọc biển đục ngầu, người dân lo sợ môi trường biển bị hủy hoại. Đặc biệt, trên dọc khu vực di sản thiên nhiên thế giới vịnh Bái Tử Long đang có những bãi cát vàng, cát trắng thu hút nhiều du khách du lịch tới tham quan cũng bị ảnh hưởng”.

Theo Quyết định số 1138/QĐ-UBND phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 của UBND tỉnh Quảng Ninh, dự án Tổ hợp du lịch nghỉ dưỡng Sonasea Vân Đồn Harbor City (tên cũ: Khu tổ hợp du lịch nghỉ dưỡng Sonasea Dragon Bay), có vị trí tại xã Hạ Long, huyện Vân Đồn, có ranh giới: phía Tây giáp dự án Sân golf Ao tiên, phía Bắc giáp đỉnh núi Cái Bầu, phía Đông Nam giáp biển (vịnh Bái Tử Long), phía Đông Bắc giáp dự án Du lịch sinh thái của Công ty TNHH Mai Quyền (giáp phân khu 8 , dự án Con đường di sản).

eea2e9385de9bab7e3f8
Quá trình san lấp mặt bằng, hút cát lấn biển bên trong dự án đang được triển khai

Theo nội dung Quyết định 1138/QĐ-UBND cho thấy, khu tổ hợp này có diện tích nghiên cứu 358,35ha. Đối với việc triển khai dự án đầu tư Khu tổ hợp du lịch nghỉ dưỡng Sonasea Vân Đồn Harbor City - Phân khu 1, ngày 18/9/2018, UBND tỉnh Quảng Ninh ban hành Quyết định số 3691/QĐ-UBND về việc phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường, với quy mô 67ha.

Theo phê duyệt, dự án Khu tổ hợp nghỉ dưỡng Sonasea Vân Đồn Harbor City - Phân khu I, có diện tích đất ở liền kề (shophouse) 25.560m2; đất cây xanh công viên 13.672m2; đất thuê để xây khách sạn, căn hộ nghỉ dưỡng 195.442m2; đất thuê xây biệt thự không hình thành đơn vị ở 285.541m2; đất giao thông hơn 34.000m2…

Đến đầu năm 2019, UBND tỉnh Quảng Ninh ban hành quyết định thu hồi, chuyển mục đích sử dụng đất, điều chỉnh mục đích sử dụng đất (đợt 1) cho Công ty CP Đầu tư và phát triển du lịch Vân Đồn, tại xã Hạ Long, huyện Vân Đồn để thực hiện dự án Khu tổ hợp nghỉ dưỡng Sonasea Vân Đồn Harbor City.

Theo đó, tỉnh Quảng Ninh thu hồi 178.913m2 đất mặt nước, bãi triều do UBND xã Hạ Long, huyện Vân Đồn quản lý, (đã hoàn thành xong công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư) giao cho Công ty CP Đầu tư và phát triển du lịch Vân Đồn thuê bổ sung, theo hình thức thuê đất trả tiền một lần cho cả thời gian thuê, để thực hiện dự án Khu tổ hợp nghỉ dưỡng Sonasea Vân Đồn Harbor City - Phân khu 1.

Đồng thời, UBND tỉnh Quảng Ninh cũng đồng ý cho Công ty CP Đầu tư và phát triển du lịch Vân Đồn chuyển đổi mục đích sử dụng 25.560m2 đất, từ đất thương mại dịch vụ sang đất ở và 26.342m2 từ đất thương mại dịch vụ sang đất công cộng, được UBND tỉnh cho thuê đất tại Quyết định số 3026/QĐ-UBND ngày 8/8/2018 thuộc dự án Khu tổ hợp nghỉ dưỡng Sonasea Vân Đồn Harbor City - Phân khu 1, tại xã Hạ Long, huyện Vân Đồn (Quảng Ninh).

Diện tích sau khi thuê đất bổ sung và chuyển mục đích sử dụng đất (đợt 1) để thực hiện dự án này gồm 566.959m2 (diện tích đã được UBND tỉnh cho thuê đất tại Quyết định số 3026/QĐ-UBND ngày 8/8/2018 là 388.046m2). Căn cứ vào Luật Bảo vệ môi trường, Nghị định số 18/2015/NĐ-CP, ngày 14/2/2015, với dự án có lấn biển từ 20ha trở lên, thẩm quyền phê duyệt ĐTM thuộc Bộ TN&MT.

7f496326d4f733a96ae6
Phối cảnh tổng thể dự án Sonasea Vân Đồn Harbor City

Vậy, UBND tỉnh Quảng Ninh căn cứ vào đâu để có thể tự ý quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường cho một dự án rộng 67ha vừa lấn biển, vừa lấy đất rừng? Và theo Điều 4, Quyết định số 3691/QĐ-UBND, việc hút cát, lấp biển của chủ đầu tư đã tuân thủ đúng quy định của pháp luật?

Theo các hộ dân nơi đây, từ khi Dự án Sonasea Vân Đồn Harbor City đi vào xây dựng, rất nhiều vụ tai nạn, va chạm giữa xe tải với phương tiện và người dân đã xảy ra. Ông M.T.H., người dân trên địa bàn (xã Hạ Long, Vân Đồn) bức xúc nói: “Hằng ngày, trên tuyến tỉnh lộ 334 có rất nhiều lượt xe tải trọng lớn nối đuôi nhau, trong đó phần lớn là phục vụ thi công dự án Khu tổ hợp nghỉ dưỡng Sonasea Vân Đồn Harbor City.

Các xe tải này lấy đất từ mỏ đất thuộc xã Đoàn Kết đến dự án tại xã Hạ Long (Vân Đồn), khiến đất đá rơi vãi xuống đường gây ô nhiễm môi trường, xe chạy ầm ầm với tốc độ cao hỗn loạn, xảy ra tình trạng mất an toàn giao thông nghiêm trọng. Đợt trước có xe chở đất của dự án đâm sập 1 nhà dân ở thôn 3, đặc biệt đoạn từ ngã tư sân bay Vân Đồn vào dự án giờ bắt đầu xuất hiện nhiều ổ voi, ổ gà, trời nóng bụi bặm, mưa trơn trượt dễ xảy ra tai nạn”.

Như vậy, với cơ sở pháp luật và thực tiễn, việc bức xúc của các hộ dân trong quá trình chủ đầu tư thực hiện thi công dự án có nhiều hệ lụy, hoàn toàn có cơ sở.

Dự án “khủng” với nhiều điều “bí ẩn”?

.Được biết, sau khi quỹ đất biển 100ha được chủ đầu tư sở hữu, Tập đoàn CEO tiếp tục xin UBND tỉnh Quảng Ninh tăng quy mô đất làm dự án lên tới 358,35ha, với định hướng phát triển khu tổ hợp du lịch nghỉ dưỡng, bất động sản và đô thị nhà ở, nhưng diện tích lấn biển, đất rừng, … có thể tăng vượt 20 ha và không thuộc thẩm quyền thẩm định, phê duyệt báo cáo ĐTM của địa phương.

11
Dự án sẽ lấn biển bao nhiêu để không phá vỡ cảnh quan và môi trường của vịnh Bái Tử Long?

Căn cứ Quyết định 1138/QĐ-UBND của UBND tỉnh Quảng Ninh ban hành ngày 11/4/2018, bước tiếp theo phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 của dự án Sonasea Vân Đồn Harbor City – được mở rộng quy mô gấp 3,5 lần so với diện tích đất nghiên cứu của chủ dự án cũ đã bị chậm tiến độ trong chục năm qua.

Theo quy định, UBND tỉnh Quảng Ninh phải công bố Quy hoạch chi tiết 1/500 của dự án Sonasea Vân Đồn Harbor City trên cổng thông tin điện tử của tỉnh, để chủ đầu tư và các hộ dân trong phạm vi ảnh hưởng của dự án nắm rõ thông tin.

Tuy nhiên, các thông tin về cơ cấu sử dụng đất của dự án Sonasea Vân Đồn tổng thể 358,35 ha (bao gồm dự án phân khu 1) có tổng diện tích lấn biển là bao nhiêu lại không được thể hiện cụ thể. Bởi những số liệu này được quy định tại Quyết định 3028/QĐ-UBND cùng một số văn bản quan trọng khác, dường như đã “biến mất” khỏi hệ thống Cổng thông tin điện tử của tỉnh Quảng Ninh?

Tương tự, Quyết định số 3026/QĐ-UBND của UBND tỉnh Quảng Ninh ban hành ngày 8/8/2018, về việc cho thuê đất tại dự án Khu tổ hợp nghỉ dưỡng Sonasea Vân Đồn Harbor City - Phân khu 1, cũng không thể tìm thấy trên hệ thống dữ liệu công bố thông tin công khai của tỉnh Quảng Ninh.

254114a4a475432b1a64
Dự án Sonasea Vân Đồn được chia nhỏ thành các dự án thành phần để tỉnh Quảng Ninh có thẩm quyền phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường

Trong năm 2018, chủ đầu tư thực hiện dự án tiến hành san lấp mặt bằng, hút cát lấn biển, thi công hạ tầng kỹ thuật, hệ thống kè, thi công ép cọc, ... Dự kiến, đến cuối năm 2019 hoàn thành 200 căn shophouse; tổ hợp khách sạn 5 sao, công suất 1.000 phòng hoàn thành cuối năm 2020. Điều đáng chú ý, UBND tỉnh Quảng Ninh cho chủ đầu tư thuê đất theo hình thức “đất ở không hình thành đơn vị ở”, tỉnh đồng ý giao cho CEO Group một phần đất thuê để xây biệt thự không hình thành đơn vị ở 285.541m2; đất thuê hạ tầng giao thông hơn 34.000m2

Như vậy, đến thời điểm này, báo cáo ĐTM của dự án tổng Sonasea Vân Đồn vẫn chưa được Bộ TN&MT phê duyệt, nhưng hoạt động thi công dự án đã diễn ra rầm rộ từ hơn một năm trước (năm 2018). UBND tỉnh Quảng Ninh đã chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Sonasea Vân Đồn theo từng phân khu, chia nhỏ diện tích đất mặt nước dưới 20 ha để báo cáo ĐTM của CEO Group được xử lý phê duyệt ở địa phương, thay vì phải chờ thủ tục phê duyệt bắt buộc ở cấp Bộ TN&MT theo Nghị định 18.

Việc UBND tỉnh Quảng Ninh thực hiện chia nhỏ dự án thành nhiều phân khu, lập báo cáo ĐTM từng phần để cấp UBND tỉnh phê duyệt giúp DN thi công dự án sớm, song song với việc lập báo cáo ĐTM tổng thể dự án để trình cấp Bộ TN&MT phê duyệt sau đó?

Phải chăng, UBND tỉnh Quảng Ninh đang “giúp” các chủ đầu tư thực hiện dự án dù chưa đủ điều kiện pháp lý về đất đai, môi trường vẫn ngang nhiên thi công, lấn biển mà không bị xử lý theo quy định của pháp luật? Liệu có nhóm lợi ích nào đó đang thao túng lấy quỹ đất lớn, bất chấp vi phạm quy hoạch xây dựng, đất đai, xâm hại môi trường biển?

Trước hoạt động khai thác đất đỏ lấp biển cũng như hút cát trắng để bồi đắp ra vịnh Bái Tử Long của CEO Group đang gây lo ngại về môi trường biển sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Người dân trên địa bàn huyện Vân Đồn (Quảng Ninh) nói riêng và dư luận nói chung đang thực sự quan tâm tới thực trạng thi công dự án của CEO. Mong rằng, cơ quan chức năng liên quan sẽ sớm vào cuộc kiểm tra dự án để đảm bảo quyền lợi cho người dân.

Từ thực tế nêu trên, dư luận đang đặt ra câu hỏi, liệu UBND tỉnh Quảng Ninh có làm trái thẩm quyền trong phê duyệt đánh giá tác động môi trường? Tỉnh Quảng Ninh liệu đang có dấu hiệu của sự “dễ dãi” trong thẩm định, phê duyệt, quyết định chủ trương đầu tư các dự án ven biển?

Báo Người tiêu dùng sẽ tiếp tục thông tin đến bạn ở bài viết tiếp theo

Hồng Liên

Thông tin với báo chí về vấn đề đánh giá tác động môi trường của dự án trên, ngày 9/8/2019, Sở TN&MT tỉnh Quảng Ninh gửi công văn số 4855 với nội dung: Tháng 8/2018 tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư dự án Sonasea Vân Đồn – Phân khu 1, có diện tích 67 ha (theo Quyết định 3028/QĐ-UBND) , với phần đất mặt nước 9,67 ha. Báo cáo ĐTM của dự án này được chủ đầu tư lập trên cơ sở pháp lý của Quyết định 3028/QĐ-UBND và văn bản 1081/UBND, ngày 25/6/2018 của UBND huyện Vân Đồn.

Sở TN&MT tỉnh Quảng Ninh cho rằng, dự án có diện tích đất mặt nước 9,67 ha - dưới 20 ha, nên đối chiếu theo quy định tại Mục 4, Phụ lục III kèm theo Nghị định 18/2015/NĐ-CP, năm 2015 của Chính phủ về quy hoạch bảo vệ môi trường và đánh giá tác động môi trường, báo cáo ĐTM của dự án Sonasea Vân Đồn – Phân khu I, thuộc thẩm quyền thẩm định, phê duyệt của UBND tỉnh Quảng Ninh.

Về thẩm quyền phê duyệt báo cáo ĐTM, Phụ lục III kèm theo Nghị định 18, tại Mục 4 quy định: “Dự án có lấn biển từ 20 ha trở lên; dự án có sử dụng đất rừng phòng hộ hoặc rừng đặc dụng từ 20 ha trở lên, đất rừng tự nhiên từ 100 ha trở lên; dự án có sử dụng từ 10 ha đất trồng lúa trở lên”, thuộc thẩm quyền phê duyệt báo cáo ĐTM của Bộ TN&MT.

Nên đọc

 

Bình luận

Nổi bật

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

sự kiện🞄Thứ ba, 20/02/2024, 10:09

Trên thế giới còn rất nhiều những chiếc phi cơ 'lão thành' ngót nghét 50 tuổi vẫn đang bay trên bầu trời.

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

sự kiện🞄Thứ bảy, 14/10/2023, 05:57

Loại thực phẩm nhiều người xem như vô hại này lại là nguyên nhân dẫn đến bệnh tật, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng, chúng thường được gọi là "sát thủ thầm lặng" tàn phá sức khoẻ con người.

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

sự kiện🞄Thứ năm, 29/06/2023, 15:00

(CL&CS) - Cảng Chu Lai thuộc Công ty Giao nhận - vận chuyển quốc tế Trường Hải (THILOGI) đang dần khẳng định năng lực tiếp nhận tàu lớn, khai thác đa dạng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy giao thương tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên.