Doanh nghiệp Việt Nam cần gì để tăng năng suất lao động?
(CL&CS) - Chương trình quốc gia về tăng năng suất lao động đến năm 2030 vừa được Chính phủ phê duyệt khẳng định: năng suất lao động trở thành một động lực quan trọng cho tăng trưởng nhanh, bền vững, tận dụng hiệu quả các cơ hội của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; trong đó, nâng cao chất lượng thể chế kinh tế thị trường; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; thúc đẩy liên kết vùng; phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là các trụ cột chính.
Thực trạng năng suất lao động ở việt nam
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, cạnh tranh khốc liệt giữa các nền kinh tế, nâng cao năng suất lao động (NSLĐ) giúp doanh nghiệp có thể đứng vững, đưa kinh tế nước ta phát triển nhanh và bền vững. Nói về tầm quan trọng của NSLĐ, Paul R. Krugman - Nhà kinh tế học người Mỹ, đạt giải Nobel kinh tế đánh giá: "Năng suất không phải là tất cả, nhưng trong dài hạn, năng suất gần như là tất cả!".
Những năm qua, NSLĐ của Việt Nam liên tục gia tăng cả về giá trị và tốc độ, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.
Trong giai đoạn 2011-2020 trung bình mỗi năm NSLĐ của Việt Nam tăng khoảng 8,9 triệu đồng/lao động, từ mức 70 triệu đồng/lao động của năm 2011 lên mức 150,1 triệu đồng/lao động vào năm 2020; NSLĐ năm 2020 gấp 2,1 lần năm 2011. Năm 2021, NSLĐ của Việt Nam tăng lên mức 172,8 triệu đồng/lao động và năm 2022 NSLĐ đạt 188 triệu đồng/lao động.
Tốc độ tăng NSLĐ trong giai đoạn vừa qua của nền kinh tế đã có sự cải thiện đáng kể. Bình quân giai đoạn 2011-2020, tốc độ tăng NSLĐ theo giá hiện hành đạt 5,29%; trong đó bình quân giai đoạn 2016-2020 tăng 6,05%, vượt mục tiêu đề ra trong Nghị quyết số 05-NQ/TW Hội nghị lần thứ IV Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII là tốc độ tăng NSLĐ bình quân hằng năm giai đoạn 2016-2020 cao hơn 5,5%.
Năm 2021, tốc độ tăng NSLĐ chỉ đạt 4,6% so với năm 2020 do kinh tế Việt Nam chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19. Mặc dù năm 2022 kinh tế nước ta đạt mức tăng trưởng cao 8,02% nhưng NSLĐ cũng chỉ tăng 4,7% so với năm trước.
Đánh giá thực trạng năng suất lao động ở Việt Nam hiện nay, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban pháp chế kiêm Phó Tổng thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho biết: Tại nhiều doanh nghiệp hiện nay đang ghi nhận chất lượng lao động khá thấp. Đây là 1 thách thức lớn khi tỷ lệ người lao động có trình độ từ cao đẳng hoặc đại học trở lên chỉ chiếm tỷ trọng khoảng 15%. Chất lượng lao động còn có thể xem xét qua thước đo là năng suất lao động, thể hiện qua số lượng sản phẩm được tạo ra tính trên một đơn vị người lao động làm việc hoặc giờ lao động.
Đồng quan điểm, TS.Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê nhận định: năng suất lao động của Việt Nam đã thu hẹp được khoảng cách tương đối với các nước trong khu vực ASEAN có trình độ phát triển cao hơn. Tuy vậy, vẫn thấp hơn nhiều so với năng suất lao động của Singapore, Malaysia, Thái Lan chứ chưa nói tới nhiều quốc gia khác như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc hay Anh, Pháp, Mỹ.... Năng suất lao động của Việt Nam thấp là do cơ cấu lao động theo ngành kinh tế chưa hợp lý, chưa phát huy được vai trò chủ đạo của năng suất lao động nội ngành.
Năng suất lao động của khu vực doanh nghiệp thấp, ứng dụng công nghệ, kỹ thuật trong sản xuất kinh doanh còn hạn chế, máy móc thiết bị và quy trình công nghệ còn lạc hậu; nguồn nhân lực còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu nâng cao năng suất lao động để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Giải pháp chính sách để tăng năng suất lao động cho doanh nghiệp
Để hòa nhịp với xu hướng thay đổi của kinh tế thế giới và cũng để nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam, theo TS. Nguyễn Bích Lâm cần định kỳ đánh giá, bổ sung và cập nhật Chương trình quốc gia về năng suất lao động cho phù hợp với những biến đổi của kinh tế thế giới. Chỉ có tăng năng suất lao động một cách vượt trội, Việt Nam mới có thể cạnh tranh với các nền kinh tế trong khu vực và thế giới.
Cùng với đó, các ngành và địa phương cần chủ động dự báo những biến cố hoặc đánh giá tác động của những cơ hội, thách thức đến từ những thay đổi của nền kinh tế toàn cầu - yếu tố ngoại sinh đối với Việt Nam. Từ đó, đưa ra những giải pháp giúp ổn định kinh tế vĩ mô, nâng cao năng suất lao động và thúc đẩy tăng trưởng nhanh, bền vững.
TS.Nguyễn Bích Lâm khuyến nghị cần tiếp tục cải cách và hoàn thiện thể chế nhanh hơn, hiệu quả hơn để khơi thông và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực. Đồng thời, tạo môi trường pháp lý đồng bộ để tất cả các loại thị trường đều phát triển và cạnh tranh lành mạnh; xây dựng các cơ chế, chính sách ưu đãi và đặc thù hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện giải pháp đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ mới.
Song song đó, hoàn thiện Chiến lược tăng trưởng hướng tới xuất khẩu để tận dụng tối đa lợi ích từ các Hiệp định thương mại tự do hay xây dựng Chiến lược quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ, ưu tiên nhóm công nghệ số, công nghệ cao, thiết kế hay đổi mới sáng tạo...Về phía các doanh nghiệp, TS.Nguyễn Bích Lâm cho rằng, mỗi doanh nghiệp cần xây dựng và thực thi chiến lược nâng cao năng suất lao động dựa vào tri thức, công nghệ; tập trung đầu tư cho đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại vào sản xuất và quản trị doanh nghiệp. Cùng với đó, liên tục tích cực đổi mới quy trình sản xuất, sắp xếp lại quy mô doanh nghiệp cho phù hợp với từng ngành và từng vùng kinh tế.
Doanh nghiệp cũng cần đánh giá cụ thể từng công đoạn của quy trình sản xuất để cơ cấu lại bức tranh lao động của doanh nghiệp mình; phát triển quy trình sản xuất tự động hoặc đầu tư sử dụng robot công nghiệp và trí tuệ nhân tạo giúp nâng cao năng suất lao động, hạ giá thành sản phẩm và nâng cao khả năng cạnh tranh cho doanh nghiệp.
Thực tế cho thấy, năng suất lao động luôn là một thách thức và phụ thuộc rất nhiều vào trình độ, năng lực, kỹ năng cũng như chuyên môn của người lao động. Vì vậy giáo dục người dân, phổ cập và nâng cao trình độ, chất lượng của hệ thống giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực; trong đó, có định hướng ưu tiên đào tạo các tài năng, kỹ năng mới nổi cũng sẽ là quốc sách hàng đầu đối với Việt Nam trong giai đoạn phát triển kế tiếp.
Nguyễn Quỳnh
Bình luận
Nổi bật
Cải tiến hệ thống quản lý môi trường cho tổ chức, doanh nghiệp với bộ tiêu chuẩn ISO 14001
sự kiện🞄Thứ hai, 18/11/2024, 07:17
(CL&CS) - Áp dụng bộ tiêu chuẩn ISO 14001 giúp nâng cao năng lực quản lý các khía cạnh môi trường thông qua chương trình hành động vì môi trường được triển khai trong toàn doanh nghiệp…
Vai trò của tiêu chuẩn ISO 13485 trong sản xuất vật tư y tế
sự kiện🞄Thứ hai, 11/11/2024, 08:32
(CL&CS)- Tiêu chuẩn ISO 13485 cho phép dễ dàng xác định quy trình sản xuất, các bước kiểm soát, truy xuất nguồn gốc, giám sát hiệu suất quá trình và giám sát hiệu suất của thành phẩm.
Đất nước muốn thịnh vượng thì phải tăng năng suất lao động
sự kiện🞄Thứ ba, 05/11/2024, 14:23
(CL&CS) - Năng suất lao động là một trong những yếu tố quan trọng quyết định sự phát triển và thịnh vượng của một quốc gia. Do đó, Việt Nam luôn hướng tới mục tiêu thúc đẩy tăng năng suất lao động thông qua việc tăng hiệu quả của các ngành công nghiệp mũi nhọn bằng cách áp dụng công nghệ mới, nâng cấp máy móc, đầu tư, đào tạo kỹ năng và đào tạo nghề cho nguồn lao động; hoặc chuyển dịch sang các hoạt động có giá trị gia tăng lớn hơn, phù hợp với tình hình thực tiễn quốc gia.
anh đứcLorem ipsum dolor sit amet, consectetur adipisicing elit. Quis cum, ut esse cupiditate autem. Dolor est dolorem sunt, sequi omnis corporis cumque ratione accusamus ex deserunt, molestiae consequuntur natus beatae.