Thứ hai, 03/07/2023, 14:49 PM

Đề xuất miễn tiền chậm nộp thuế nhằm giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp

(CL&CS) - Bộ Tài chính đang xây dựng tờ trình Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định và ban hành Nghị quyết của Quốc hội về miễn tiền chậm nộp phát sinh trong năm 2022 và năm 2023 đối với DN, tổ chức phát sinh lỗ trong kỳ tính thuế năm 2022.

Miễn tiền chậm nộp thuế năm 2022 cho DN nhằm hỗ trợ giảm bớt khó khăn về tài chính. Ảnh: S.T

Miễn tiền chậm nộp thuế năm 2022 cho DN nhằm hỗ trợ giảm bớt khó khăn về tài chính. Ảnh: S.T

Tăng nợ thuế do nhiều doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ

Theo Bộ Tài chính, trong 3 năm 2020-2022, dịch Covid-19 và các vấn đề kinh tế, chính trị quốc tế đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của người dân. Thời gian vừa qua, với việc Ngân hàng Nhà nước thắt chặt nhanh chính sách tiền tệ đã khiến cho thanh khoản thị trường bị thu hẹp, lãi suất tăng nhanh dẫn đến hạn chế khả năng tiếp cận tín dụng của nhiều DN.

Khẩn trương trình các cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện các giải pháp về thuế, tiền thuê đất và tiền sử dụng đất cần triển khai thực hiện ngay từ đầu năm 2023 nhằm kịp thời hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.

(Trích ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái tại công văn Số 45-44/2022/VPCP-KTTH của Văn phòng Chính phủ về các giải pháp, hỗ trợ DN, người dân để thúc đẩy sản xuất kinh doanh).

Trong bối cảnh đó, nhiều DN trong lĩnh vực thủy sản, da giày, dệt may, thép, gỗ, đang khó khăn trong việc tìm kiếm các đơn hàng cho năm 2023 và càng khó khăn hơn trong việc đảm bảo dòng tiền để thanh toán các khoản nợ đến hạn, đảm bảo vốn kinh doanh.

Do đó, để hỗ trợ DN, người dân vượt qua khó khăn về tài chính năm 2023, đặc biệt là hỗ trợ các DN phát sinh lỗ trong kỳ tính thuế năm 2022; bên cạnh các giải pháp về gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất, Bộ Tài chính cho rằng cần thiết có giải pháp về miễn tiền chậm nộp để các DN, tổ chức có vốn tập trung vào sản xuất, kinh doanh, tạo đà thúc đẩy phát triển kinh tế.

Bộ Tài chính cho biết, việc miễn tiền chậm nộp tiền thuế, tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với DN, tổ chức bị thua lỗ trong năm 2022 nhằm hỗ trợ các đối tượng này giảm bớt khó khăn về tài chính, tập trung phục hồi sản xuất kinh doanh. Mục tiêu quan trọng là có chính sách hỗ trợ kịp thời, đúng, trúng đối tượng để đạt được mục tiêu tiếp tục hỗ trợ DN tập trung nguồn lực, khôi phục sản xuất kinh doanh, tạo đà thúc đẩy phát triển kinh tế theo chủ trương của Đảng và Nhà nước, đồng thời phù hợp với tình hình, điều kiện thực tế của ngân sách nhà nước (NSNN).

Theo Bộ Tài chính, tính đến thời điểm cuối tháng 12/2022, tổng số tiền thuế nợ ngành thuế đang quản lý là 134.967 tỷ đồng (bao gồm cả nợ đang xử lý và nợ đang khiếu nại), chiếm 9,2% tổng số thu NSNN năm 2022. Số nợ thuế năm 2022 có xu hướng tăng so với các năm trước. Nguyên nhân chủ yếu do dịch Covid-19 vẫn để lại hậu quả, tác động xấu đến nền kinh tế, ảnh hưởng đến người dân và DN. Mặt khác, giá dầu, nguyên vật liệu đầu vào có nhiều biến động ảnh hưởng đến hầu hết các lĩnh vực, ngành kinh tế dẫn đến người nộp thuế gặp nhiều khó khăn trong sản xuất kinh doanh, kết quả kinh doanh thua lỗ nên không có khả năng nộp kịp thời tiền thuế nợ vào NSNN làm tăng nợ thuế.

Theo quy định của Luật Quản lý thuế hiện hành, người nộp thuế bị tính tiền chậm nộp theo mức 0,03%/ngày trên tổng số tiền thuế nợ làm tăng thêm gánh nặng về tài chính cho người nợ thuế. Nhiều DN, tổ chức mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng đã cố gắng nộp đủ số tiền nợ gốc của các khoản tiền thuế, tiền sử dụng đất, tiền thuê đất.

Tác động giảm thu NSNN khoảng 2,5 nghìn tỷ đồng

Ngày 19/10/2021, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 406/NQ-UBTVQH15 về ban hành một số giải pháp hỗ trợ DN, người dân chịu tác động của dịch Covid-19, trong đó có giải pháp: Miễn tiền chậm nộp phát sinh trong năm 2020 và năm 2021 của các khoản nợ tiền thuế, tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với DN, tổ chức (bao gồm cả đơn vị phụ thuộc, địa điểm kinh doanh) phát sinh lỗ trong năm 2020. Theo đó, tính đến 31/12/2022, cơ quan thuế đã thực hiện miễn 2.116 tỷ đồng tiền chậm nộp phát sinh trong năm 2020 và 2021 của 5.753 người nộp thuế là DN, tổ chức phát sinh lỗ trong năm 2020. Trong đó, năm 2020 miễn tiền chậm nộp với số tiền 929 tỷ đồng, năm 2021 miễn tiền chậm nộp với số tiền là 1.187 tỷ đồng. Giải pháp nêu trên đã thực sự hỗ trợ đúng người, đúng thời điểm (người nộp thuế gặp khó khăn về tài chính do sản xuất kinh doanh thua lỗ), giúp người nộp thuế vượt qua khó khăn, tập trung nguồn lực để tiếp tục duy trì, phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh sau đại dịch.

Để tiếp tục hỗ trợ DN, tổ chức giảm bớt khó khăn về tài chính, tập trung nguồn lực để khắc phục những khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh và biến động của kinh tế thế giới, đặc biệt là DN, tổ chức bị thua lỗ trong năm 2022 nhằm giúp các đối tượng này giảm bớt gánh nặng, có điều kiện phục hồi sản xuất kinh doanh, Chính phủ đề xuất giải pháp tương tự như đã thực hiện năm 2020 và 2021 theo Nghị quyết số 406/NQ-UBTVQH15 ngày 19/10/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Nghị định số 92/2021/NĐCP ngày 27/10/2021 của Chính phủ. Cụ thể, miễn tiền chậm nộp phát sinh trong năm 2022 và năm 2023 của các khoản nợ tiền thuế, tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với DN, tổ chức (bao gồm cả đơn vị phụ thuộc, địa điểm kinh doanh) phát sinh lỗ trong kỳ tính thuế năm 2022. Không áp dụng quy định này đối với các trường hợp đã nộp tiền chậm nộp trước thời điểm Nghị quyết này có hiệu lực thi hành. Việc đề xuất miễn tiền chậm nộp với điều kiện phát sinh lỗ trong năm 2022 để đảm bảo hỗ trợ đúng đối tượng. Nếu không ràng buộc điều kiện lỗ thì nhóm đối tượng là những DN, tổ chức không thực sự gặp khó khăn cũng được miễn, gây bất bình đẳng và lãng phí nguồn lực. Hơn nữa, nếu tất cả các DN, tổ chức được miễn tiền chậm nộp sẽ dẫn đến DN, tổ chức không nộp thuế, tiền sử dụng đất, tiền thuê đất và như vậy NSNN sẽ không có nguồn thu.

Về tác động tới ngân sách, dự kiến việc thực hiện chính sách này có thể làm giảm thu NSNN khoảng 2,5 nghìn tỷ đồng. Đây là số tiền chậm nộp của các DN, tổ chức bị thua lỗ, không có khả năng nộp ngân sách đúng hạn. Số tiền giảm thu này ảnh hưởng không lớn đến thu NSNN nhưng có tác động giảm gánh nặng tài chính cho DN, tổ chức, góp phần hỗ trợ các DN, tổ chức sớm phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh, vượt qua khó khăn do hậu quả của dịch bệnh Covid-19, biến động của tình hình kinh tế thế giới để có thể tiếp tục hoạt động, đóng góp vào kết quả khôi phục nền kinh tế của đất nước và góp phần thực hiện an sinh xã hội.

Để khắc phục và bù đắp các tác động đến thu NSNN trong ngắn hạn cũng như đảm bảo sự chủ động trong điều hành dự toán thu NSNN, Chính phủ sẽ chỉ đạo Bộ Tài chính phối hợp với các bộ, ngành có liên quan và địa phương chú trọng chỉ đạo thực hiện và triển khai hiệu quả các luật thuế; tiếp tục cải cách hiện đại hóa hệ thống thuế, đơn giản hóa thủ tục hành chính thuế; đồng thời quyết liệt công tác quản lý thu NSNN, tập trung triển khai kịp thời, có hiệu quả các nhóm giải pháp quản lý thu, chống thất thu, chuyển giá, trốn thuế.

Theo Tạp chí Hải quan

Bình luận

Nổi bật

Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn

Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn

sự kiện🞄Thứ năm, 25/04/2024, 15:37

(CL&CS) - Chiều 24/4 tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp bán dẫn. Hội nghị do Văn phòng Chính phủ phối hợp cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức.

Trông giữ xe không dùng tiền mặt

Trông giữ xe không dùng tiền mặt

sự kiện🞄Thứ ba, 23/04/2024, 09:28

(CL&CS) - Hà Nội vừa chính thức triển khai thí điểm thu phí không dùng tiền mặt tại 7 điểm trông giữ xe ở quận Hoàn Kiếm. Đây là một nội dung nhằm triển khai Đề án 06 của Chính phủ và Nghị quyết số 18-NQ/TU của Thành ủy Hà Nội về chuyển đổi số, xây dựng Thành phố thông minh.

Tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, sinh kế cho người dân

Tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, sinh kế cho người dân

sự kiện🞄Thứ ba, 23/04/2024, 09:28

(CL&CS) - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 21/4/2024 về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.