Thứ năm, 03/08/2023, 19:45 PM

Đề xuất dùng gầm cầu cạn làm nơi trông giữ xe tạm thời

(CL&CS) - Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa gửi Dự thảo Luật Đường bộ để xin ý kiến các bộ ngành, địa phương và các cơ quan có liên quan.

Bãi trông giữ xe gầm cầu vượt Ngã Tư Vọng.

Bãi trông giữ xe gầm cầu vượt Ngã Tư Vọng.

Trên địa bàn Hà Nội hiện nay có 587 cầu. Tuy nhiên, hiện chỉ có 3 gầm cầu Chương Dương, Ngã Tư Vọng, Vĩnh Tuy được tạm sử dụng làm nơi trông giữ phương tiện từ năm 2020.

Có mặt tại gầm cầu vượt Ngã Tư Vọng, điểm trông giữ xe rộng hàng nghìn m2 xuất hiện đã nhiều năm. Do việc thiết kế cửa ra ngay gần lối sang đường của người đi bộ vì vậy đã thường xuyên xảy ra xung đột khi các phương tiện di chuyển qua đoạn đường này.

Tại đây cũng là điểm nóng giao thông của Hà Nội, từ khi bãi giữ xe này xuất hiện, cảnh ùn tắc thường xuyên xảy ra do việc ôtô ra vào bãi gây cản trở việc lưu thông của các phương tiện. Một nhân viên cho biết, mỗi ngày có từ 700 - 800 xe máy, ô tô vào gửi, chủ yếu của bệnh nhân, người nhà bệnh nhân các bệnh viện quanh đó gửi trong ngày.

Tại gầm cầu Vĩnh Tuy (phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng) bãi trông giữ xe đang hoạt động tại đây với quy mô khá lớn kéo dài từ cột T2 - T14 kéo dài gần 1km, được chia làm nhiều khu trông giữ, tổng cộng lên đến cả nghìn chiếc. Bãi giữ xe tiến hành trông xe cả ngày đêm với hệ thống hàng rào sắt thép.

Bãi xe dưới gầm cầu này được quây kín bằng hàng rào lưới sắt, một góc của bãi giữ xe được tận dụng để trông những xe máy không được sử dụng trông rất lộ xộn, biển bảng quảng cáo, xe ô tô cũ nằm la liệt. Bên ngoài bãi có cắm biển đơn vị hoạt động trông giữ là Công ty TNHH Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội. 

Hơn 1km tại khu vực gầm cầu cạn của cầu Vĩnh Tuy (quận Hai Bà Trưng) cũng được sử dụng làm bãi giữ xe.

Hơn 1km tại khu vực gầm cầu cạn của cầu Vĩnh Tuy (quận Hai Bà Trưng) cũng được sử dụng làm bãi giữ xe.

Theo ông Trần Hữu Bảo, Phó GĐ Sở GTVT Hà Nội cho biết, số lượng phương tiện giao thông đường bộ của TP Hà Nội tính đến nay khoảng trên 7,9 triệu phương tiện các loại (trong đó có khoảng 1,1 triệu xe ôtô; 6,6 triệu xe máy; 0,2 triệu xe máy điện), tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2019 - 2022 là trên 10% đối với ôtô và trên 3% đối với xe máy, chưa kể khoảng 1,2 triệu phương tiện từ các tỉnh, TP khác tham gia giao thông trên địa bàn.

Trong khi đó, tỷ lệ diện tích đất dành cho giao thông trên diện tích đất xây dựng đô thị mới đạt được 10,35% (chỉ tăng được khoảng từ 0,26 - 0,3%/năm); diện tích đất giành cho giao thông tĩnh mới đáp ứng được 25% nhu cầu đỗ xe và rất ít dự án bãi đỗ xe ngầm, cao tầng được hoàn thành, đưa vào sử dụng.

“Từ tháng 6/2020 đến nay, ước tính mỗi ngày các địa điểm trên trông giữ hơn 2.000 phương tiện, chấp hành tốt các quy định, trông giữ đúng diện tích, thu đúng giá, đảm bảo an ninh, an toàn, không gây ùn tắc. Việc trông giữ xe khu vực gầm cầu đã giải quyết một phần nhu cầu của người dân, góp phần giảm áp lực giao thông tĩnh” - ông Bảo đánh giá.

Bộ Giao thông vận tải mới đây vừa gửi Dự thảo Luật Đường bộ để xin ý kiến các bộ ngành, địa phương và các cơ quan có liên quan. So với Luật Giao thông đường bộ năm 2008, Dự thảo Luật có nhiều điểm mới, đặc biệt là quy định về việc sử dụng tạm thời gầm cầu cạn để trông, giữ phương tiện giao thông, giải quyết nhu cầu giao thông tĩnh của các đô thị lớn, nâng cao hiệu quả của việc khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ (Điều 40 của Dự thảo).

Cầu có gầm làm nơi trông xe phải đáp ứng yêu cầu, điều kiện kỹ thuật an toàn, không quá tuổi thọ khai thác, không trong thời gian sửa chữa, kiểm định, quan trắc. Gầm cầu thuộc tuyến phố chính không được dùng để trông xe. Khi dùng gầm cầu trông xe phải thiết kế giao thông đấu nối đường bộ trong khu vực và được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận về PCCC, bảo vệ môi trường.

Dự thảo cũng nêu rõ, đơn vị có nhu cầu sử dụng tạm thời gầm cầu cạn để trông, giữ phương tiện giao thông đường bộ có văn bản đề nghị, gửi cơ quan được giao quản lý tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ để kiểm tra, chấp thuận khi đáp ứng các quy định trên. Cơ quan được giao quản lý tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ có trách nhiệm lấy ý kiến của cơ quan Công an trước khi chấp thuận việc sử dụng tạm thời gầm cầu cạn để trông, giữ phương tiện giao thông đường bộ.

Đơn vị sử dụng tạm thời gầm cầu để trông giữ phương tiện giao thông phải di chuyển ra khỏi phạm vi gầm cầu khi có yêu cầu của cơ quan quản lý đường bộ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền, chủ sở hữu hoặc tổ chức, cá nhân được giao quản lý, khai thác công trình đường bộ mà không được yêu cầu bồi thường.

Đề xuất này khi được đưa ra lấy ý kiến đã ngay lập tức nhận được sự quan tâm của dư luận, trong đó, không ít ý kiến cho rằng, cơ quan soạn thảo cần cân nhắc thấu đáo, bởi việc trông giữ xe dưới gầm cầu cạn tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ và gây áp lực giao thông trên tuyến đường, nhất là giờ cao điểm.

Trúc Thi

Bình luận

Nổi bật

Bộ trưởng Giao thông vận tải yêu cầu rà soát, kiểm tra giá vé máy bay

Bộ trưởng Giao thông vận tải yêu cầu rà soát, kiểm tra giá vé máy bay

sự kiện🞄Thứ ba, 07/05/2024, 13:57

(CL&CS) - Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng vừa ký công văn gửi Cục Hàng không Việt Nam, Vụ Vận tải về việc rà soát, kiểm tra giá vé máy bay.

Bộ Xây dựng: Phê duyệt Quy chế quản lý kiến trúc theo Chiến lược phát triển ngành Xây dựng đến năm 2030

Bộ Xây dựng: Phê duyệt Quy chế quản lý kiến trúc theo Chiến lược phát triển ngành Xây dựng đến năm 2030

sự kiện🞄Thứ ba, 16/04/2024, 09:53

(CL&CS) - Mới đây, Bộ Xây dựng có Công văn 1502/BXD-QHKT gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc đôn đốc triển khai thi hành Luật Kiến trúc theo Quyết định số 1037/QĐ-TTg ngày 16/8/2019; Định hướng phát triển kiến trúc Việt Nam.

Thông xe tuyến đường gần 200 tỉ đồng kết nối Hà Nội với Bắc Giang

Thông xe tuyến đường gần 200 tỉ đồng kết nối Hà Nội với Bắc Giang

sự kiện🞄Thứ hai, 15/04/2024, 08:06

(CL&CS)- Tuyến đường 4,2km nối Hà Nội với Bắc Giang chính thức thông xe giúp tăng tính kết nối, tạo đà phát triển kinh tế - xã hội của hai địa phương và các vùng lân cận.