Đề nghị “bỏ tính giá trị đất đai” trong cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp Nhà nước
(CL&CS)- Thời gian qua việc xác định giá trị của doanh nghiệp còn chưa chính xác dẫn tới kế hoạch thoái vốn, cổ phần hóa (CPH) doanh nghiệp nhà nước (DNNN) giai đoạn 2016-2020 và từ 2020 đến nay không đạt mục tiêu. Trước bài học từ nhiều vụ việc, các chuyên gia bày tỏ lo ngại việc cổ phần hóa, thoái vốn của doanh nghiệp Nhà nước nếu không chặt chẽ sẽ dẫn đến việc bán công ty để bán đất.
Tại hội “Hội thảo Giải pháp thúc đẩy quá trình cổ phần hoá doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp”, tổ chức tại Hà Nội ngày 17.5, đại diện Bộ Tài chính, chuyên gia kinh tế đề nghị bỏ tính giá trị đất đai trong xác định tài sản doanh nghiệp cổ phần, thoái vốn, vì cho rằng đây là vấn đề vướng mắc, chồng chéo, dễ dẫn đến sai phạm.
Năm 2021, kế hoạch thu từ CPH, thoái vốn DNNN mà Quốc hội giao là hơn 40.000 tỉ đồng, nhưng hết năm 2021 chỉ đạt 3.000 tỉ đồng, đạt 8% kế hoạch. Kế hoạch thoái vốn, cổ phần hóa (CPH) doanh nghiệp nhà nước (DNNN) giai đoạn 2016-2020 và từ 2020 đến nay không đạt mục tiêu.
Tại hội thảo, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, việc đổi mới cơ cấu doanh nghiệp nhà nước là một trong những nhiệm vụ quan trọng của tái cơ cấu nền kinh tế. Ông cũng chỉ rõ một số tồn tại vướng mắc trong quá trình cổ phần hóa, thoái vốn hiện nay như tiến độ chậm, chưa đạt kết quả đề ra theo đề án mà Chính phủ đã ban hành, nguồn thu cổ phần hóa chưa đạt yêu cầu. Ông cho rằng, thời gian qua việc xác định giá trị của doanh nghiệp còn chưa chính xác mà rủi ro lớn nhất là vấn đề xác định giá trị quyền sử dụng đất.
Theo ông Phớc, giá trị quyền sử dụng đất hiện nay có nhiều quan điểm, theo văn bản trước đây thì tiền thuê đất hàng năm thì không tính vào giá trị doanh nghiệp, nhưng tiền thuê đất một lần thì lại tính. Thế nhưng, bất cập là việc thuê đất một lần khi xác định thì không sát giá trị tại thời điểm xác định. Thứ hai, sau khi chuyển vào giá trị cổ phần hóa hôm nay dù có sát giá trị thì sau 5 năm, 10 năm… vẫn có khoảng cách. "Đây cũng là một lỗ hổng gây thất thoát, chưa nói đến việc nộp tiền thuê đất một lần thì doanh nghiệp cổ phần hóa có thể chuyển quyền sử dụng đất để làm nhà đô thị, hay công trình khác", Bộ trưởng nói.
Quá trình bán đất xảy ra nhiều sai phạm
Theo ông Nguyễn Tấn Thịnh - Cục trưởng Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính), cơ chế, chính sách sắp xếp lại nhà, đất và huy động nguồn lực từ đất đai khi cổ phần hoá, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước tương đối đầy đủ, nhưng việc triển khai thực hiện chưa được quan tâm đúng mức.
Ông Thịnh cho biết, có doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước thuộc đối tượng sắp xếp lại, xử lý nhà, đất theo Quyết định số 09/2007/QĐ-TTg nhưng hơn 15 năm nay không kê khai báo cáo và triển khai thực hiện, mặc dù Bộ Tài chính đã có nhiều văn bản đôn đốc.
"Một số doanh nghiệp không chủ động triển khai việc sắp xếp cơ sở nhà, đất, đợi đến thời hạn sắp cổ phần hóa mới bắt đầu thực hiện, dẫn đến nhiều bất cập và có thể ảnh hưởng đến tiến độ cổ phần hóa. Ngoài ra, một số doanh nghiệp đã được phê duyệt phương án nhưng không thực hiện theo đúng phương án đã được phê duyệt", ông Thịnh nói.
Cũng tại hội thảo, chuyên gia kinh tế - TS Vũ Đình Ánh cho rằng, những vấn đề liên quan đến đất đai đang làm cản trở quá trình cổ phần hóa, thoái vốn. Hiện nay trong nhiều trường hợp cổ phần, thoái vốn đang không bán doanh nghiệp mà bán đất. Rất nhiều sai phạm cổ phần hóa hiện nay là bán đất nhưng “đội lốt” là bán doanh nghiệp.
Ông Ánh cho biết thêm, tất cả vấn đề sai phạm từ sử dụng sai mục đích, chuyển đổi mục đích sử dụng đất đều xuất phát từ việc chúng ta cho thuê đất quá lâu, trong thời gian dài. Từ đó, việc áp giá thị trường vào tính giá trị tài sản của doanh nghiệp gây khó khăn cho cổ phần hóa.
“Đất là tài sản của toàn dân, Nhà nước là đại diện quản lý, lý do gì mà định giá tài sản của nhà nước lại để cho thị trường làm? Nên không có giá thị trường mà chỉ nên có định giá theo cơ chế thị trường, không phải cơ chế quản lý hành chính quan liêu. Vấn đề quan trọng hơn là đất của doanh nghiệp nhà nước được cho không, giao đất sau khi cổ phần hóa ai có quyền cho thuê hoặc chấm dứt cho thuê, ai có quyền sử dụng đất đó?”, ông Ánh phân tích.
Trong luật Đất đai là UBND cấp tỉnh, nhưng ở doanh nghiệp nhà nước, nếu tách quyền quản lý đất riêng trước, trong và sau cổ phần sẽ giao lại cho ai, cho Ủy ban Quản lý vốn nhà nước hay SCIC. “Chúng ta cần phải làm rõ, đất trước cổ phần hóa ai quản, trong cổ phần hóa ai quản và sau cổ phần hóa ai sẽ quản. Cái này là cái then chốt để quyết định giá đất, thuê đất và thời hạn thuê đất”, TS Vũ Đình Ánh nêu thực tế.
Theo ông Phạm Văn Đức, Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính), có nhiều nguyên nhân dẫn đến kế hoạch CPH, thoái vốn chưa đạt mục tiêu đề ra, trong đó có nguyên nhân chủ quan từ tư duy, nhận thức về vai trò, vị trí của DNNN chưa thống nhất dẫn tới lúng túng trong hoàn thiện thể chế và tổ chức thực hiện. Cùng với đó, đa số các tập đoàn, tổng công ty chưa chủ động triển khai các chính sách pháp luật về đất đai, đến khi phải thực hiện CPH mới bắt đầu thực hiện sắp xếp lại, xử lý nhà, đất, từ đó ảnh hưởng đến tiến độ...
Nhìn từ góc độ khác, bà Phạm Thị Hồng Hà, Phó Giám đốc Sở Tài chính TP Hồ Chí Minh thì thẳng thắn cho rằng, do tâm lý e ngại, sợ sai khi CPH còn rất nặng nề. "TP Hồ Chí Minh triển khai rất sớm các quy định liên quan tới sắp xếp, CPH DNNN thông qua việc thành lập Ban Chỉ đạo CPH DN. Giai đoạn 2016-2020 là giai đoạn thực hiện quyết toán chuyển thể của các DNNN CPH giai đoạn 2013-2015 và trước đó. Đây cũng là giai đoạn có nhiều cuộc thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra... và từ đó chỉ ra nhiều sai sót, sai phạm trong quá trình tổ chức, thực hiện CPH.
Ngoài việc những cá nhân, tổ chức có sai sót, sai phạm phải kiểm điểm, các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán còn quy trách nhiệm đến thành viên Ban Chỉ đạo và yêu cầu kiểm điểm trách nhiệm cá nhân. Khi phát hiện những sai sót trong việc xác định chi phí thương hiệu, lợi thế kinh doanh, giá trị các khoản đầu tư tài chính, giá trị quyền sử dụng đất, tài sản cố định… làm ảnh hưởng kết quả xác định giá trị DN, các cơ quan thanh tra, kiểm tra đều quy trách nhiệm cho Ban Chỉ đạo CPH.
Trong khi đó, các thành viên tham gia tổ chức phối hợp liên ngành làm việc theo chế độ kiêm nhiệm và là lãnh đạo của các sở, ngành nhưng phải thông qua nhiều nội dung không thuộc lĩnh vực quản lý như thẩm định giá, dự toán kinh phí CPH, phương án sử dụng lao động, phương án sử dụng đất, nhân sự... Điều này dẫn đến tâm lý e ngại, đùn đẩy, thoái thác trách nhiệm tham gia của Ban Chỉ đạo CPH, làm ảnh hưởng đến tiến độ”, bà Hà cho biết.
Giải pháp tháo gỡ vướng mắc
Nhấn mạnh một trong những vướng mắc trong quá trình CPH, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, công tác xử lý về đất đai gặp nhiều vướng mắc, nhất là trong việc xác định thẩm quyền lập, phê duyệt phương án sử dụng đất/phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất, đặc biệt là đối với các DN có số lượng nhà đất lớn, nằm trên địa bàn nhiều địa phương, lịch sử pháp lý đất đai phức tạp.
“Để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ và tránh thất thoát trong quá trình CPH, thoái vốn, tôi đề nghị tách việc xác định giá trị quyền sử dụng đất khỏi quy trình CPH, thoái vốn tại DN. Sau khi CPH, việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất (nếu có) phải phù hợp với quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt và thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật khác liên quan. Bên cạnh đó, cần tách công tác sắp xếp lại, xử lý nhà, đất khỏi quy trình CPH. Vì hoạt động rà soát hiện trạng sử dụng đất là nhiệm vụ thường xuyên cả trước và sau CPH của các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về đất đai để bảo đảm sử dụng đúng mục đích và hiệu quả sử dụng đất, tránh hoang hóa, lãng phí, chứ không phải chỉ để thực hiện công tác CPH, thoái vốn”, ông Hùng đề xuất.
Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế, TS Vũ Đình Ánh thì cho rằng, cần tách giá trị đất đai ra khỏi xác định giá trị DN. "Tôi ủng hộ việc tách giá trị đất đai ra khỏi xác định giá trị DN không chỉ vì câu chuyện lợi ích mà còn giảm số vụ vi phạm. Tôi cảm thấy chúng ta không bán DN mà đang bán đất, rất nhiều sai phạm hiện nay đều liên quan đến chuyện mua bán đất “đội lốt” bán DN”, ông Ánh nói.
Còn ông Lê Mạnh Hùng, Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho rằng, thời gian tới, trước hết cần thay đổi nhận thức, quan điểm về chủ trương CPH, thoái vốn DNNN. Tiếp đó, phải đề ra các giải pháp khả thi để hoàn thành các mục tiêu. Tất nhiên, không CPH, thoái vốn bằng mọi giá, mà cần theo nguyên tắc và tín hiệu thị trường, bảo đảm nguyên tắc công khai, minh bạch, hiệu quả và thu hồi tối đa vốn nhà nước…
Cũng tại hội thảo, nhiều ý kiến cũng kiến nghị không tính giá đất vào giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa, thay vào đó, trả đất về lại Nhà nước để sử dụng cơ chế thuê đất hoặc đấu giá quyền sử dụng đất sau khi cổ phần xong.
Thanh Xuân
Bình luận
Nổi bật
Đầu tư gần 3.000 tỷ đồng xây dựng kết cấu hạ tầng Khu Công nghiệp Đồng Văn VI
sự kiện🞄Thứ năm, 21/11/2024, 15:42
(CL&CS) - Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký Quyết định số 1426/QĐ-TTg ngày 19/11 về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu Công nghiệp Đồng Văn VI, tỉnh Hà Nam.
Thị trường đất nền: Sở hữu tiềm năng tăng giá, nhà đầu tư đồng loạt quay trở lại
sự kiện🞄Thứ năm, 21/11/2024, 14:30
Theo các chuyên gia đánh giá, thị trường đất nền "hút khách" trở lại do chịu tác động mạnh từ hai yếu tố. Thứ nhất là xu hướng tăng giá mạnh của phân khúc căn hộ chung cư đã đẩy một bộ phần nhà đầu tư chuyển dịch sang đất nền. Thứ hai là quy định cấm phân lô bán nền sẽ làm khan hiếm nguồn cung.
Thị trường chung cư tại Hà Nội: Giá tăng nhanh nhưng chỉ là “cú sốc tạm thời”, bước đầu cho một chu kỳ mới?
sự kiện🞄Thứ năm, 21/11/2024, 14:30
Theo ông Trần Quang Trung - Giám đốc phát triển kinh doanh OneHousing, giá căn hộ tại Hà Nội tăng nhanh trong thời gian ngắn có thể gây ra phản ứng “sốc tạm thời” nhưng trong chặng đường tới năm 2030 thì đây mới chỉ là sự khởi đầu cho một chu kỳ tăng trưởng mới.
anh đứcLorem ipsum dolor sit amet, consectetur adipisicing elit. Quis cum, ut esse cupiditate autem. Dolor est dolorem sunt, sequi omnis corporis cumque ratione accusamus ex deserunt, molestiae consequuntur natus beatae.