Thứ sáu, 30/04/2021, 19:10 PM

Đại thắng Mùa Xuân 1975 và trang sử mới hôm nay

(CL&CS) - Hôm nay, toàn Ðảng, toàn dân và toàn quân ta vui mừng kỷ niệm 46 năm Ngày Giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước (30/4), gắn với đẩy mạnh thi đua chào mừng thành công Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, hướng tới cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Thắng lợi có ý nghĩa lịch sử và tầm vóc thời đại

Ngày 30/4 được xem là ngày lễ lớn của đất nước ta và mang ý nghĩa sâu sắc. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, ngày 30 tháng 4 năm 1975 đã trở thành mốc son chói lọi, đánh dấu sự đổi mới của đất nước. Sự kiện đó đã đưa nước Việt Nam ta thoát khỏi sự xâm lược của đế quốc Mỹ và mở đầu cho một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập và tự do cho dân tộc. Chiến thắng 30/4/1975 là một thành quả vĩ đại của Đảng, Nhà nước, dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

dai-thang-mua-xuan-1975-bai-hoc-ve-su-lanh-dao-chi-dao-cua-dang

Xe tăng quân giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập ngày 30/4/1975. (Ảnh tư liệu)

Với mỗi người Việt Nam, ngày 30/4/1975 là một ngày lịch sử trọng đại. Đó là ngày mà chiến tranh dần đi vào dĩ vãng, đất nước sạch bóng thù xâm lược, hoà bình trở lại trên toàn cõi Việt Nam. Đó là ngày đoàn tụ: Non sông thu về một mối, Bắc - Nam liền một dải từ địa đầu Lũng Cú đến chót mũi Cà Mau. Vĩ tuyến 17 ngang dòng sông Bến Hải chỉ còn là di tích lịch sử một thời…

Ngày 30/4 là ngày hoà hợp dân tộc, từng gia đình và cả dân tộc sum họp dưới mái nhà Việt Nam, người một nước cùng nhìn về một hướng, cùng chung một con đường… Hoà hợp dân tộc đã hoá giải xung đột, xoá bỏ hận thù, giải phóng nội lực để cùng nhau bước vào kỷ nguyên mới: Kỷ nguyên hoà bình, thống nhất, độc lập, tự do cùng đi lên Chủ nghĩa xã hội, xây dựng đất nước đàng hoàng hơn, to đẹp hơn…

Để góp phần tạo nên thắng lợi trên là sự kết hợp của nhiều nhân tố cả về phía ta và phía địch, thời cơ cho cuộc tổng tấn công giải phóng Sài Gòn đã xuất hiện. Cùng với những diễn biến có lợi do yếu tố thời cơ mang lại, Đảng ta đã có sự chỉ đạo chiến lược kịp thời.

Trước những diễn biến mới của tình hình chính trị nước Mỹ và sự suy yếu của chính quyền Việt Nam Cộng hòa, Bộ Chính trị đã họp tháng 10/1974 và tháng 01/1975 quyết định mục tiêu giải phóng hoàn toàn miền Nam trong 02 năm 1975 - 1976, và dự kiến nếu thời cơ đến sớm sẽ giải phóng miền Nam trong năm 1975. Tận dụng thời cơ chiến lược quan trọng đến từ chiến thắng Phước Long và chiến thắng Ban Mê Thuột; Bộ Chính trị họp ngày 25/3/1975 nêu nhiệm vụ cụ thể giải phóng Sài Gòn trước mùa mưa, đến cuộc họp ngày 31/3/1975, Bộ Chính trị đã nhận định, thời cơ chiến lược tiến hành tổng công kích, tổng khởi nghĩa vào sào huyệt của địch đã hoàn toàn chín muồi.

30(40)

Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước trên lễ đài tại Lễ mít tinh mừng Việt Nam đại thắng, ngày 15/5/1975 (Ảnh: baotanglichsu.vn)

Cần có quyết tâm lớn hoàn thành trận quyết định chiến lược cuối cùng tốt nhất trong tháng 4/1975. Bộ Chính trị Trung ương Đảng đã quyết định thành lập Bộ chỉ huy và Đảng ủy Mặt trận Sài Gòn do tập thể các ủy viên Bộ Chính trị tại chiến trường (Lê Đức Thọ, Phạm Hùng, Văn Tiến Dũng) lãnh đạo, chỉ đạo. Đại tướng Văn Tiến Dũng, Tổng Tham mưu trưởng, trực tiếp làm Tư lệnh Bộ Chỉ huy chiến dịch. Đồng chí Phạm Hùng làm Chính ủy. Trước đó, ngày 25/3/1975, Hội đồng chi viện chiến trường đã được thành lập, do Thủ tướng Phạm Văn Đồng làm Chủ tịch. Bộ Chính trị cũng đã quyết định tiến hành chiến dịch giải phóng Sài Gòn lấy tên là Chiến dịch Hồ Chí Minh (từ ngày 09 đến ngày 30/4/1975).

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 kết thúc thắng lợi có ý nghĩa lịch sử và tầm vóc thời đại, mở ra kỷ nguyên mới: kỷ nguyên thống nhất, độc lập, hòa bình, cả nước đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội. Thành quả vĩ đại ấy là kết quả của ý chí thống nhất Tổ quốc và khát vọng hòa bình, tiêu biểu cho bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam; minh chứng cho sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh vào điều kiện và hoàn cảnh của cách mạng và chiến tranh cách mạng nước ta; biểu tượng của sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, của tinh thần đoàn kết quốc tế; đồng thời đánh dấu sự phát triển của truyền thống đánh giặc giữ nước và nghệ thuật quân sự của dân tộc Việt Nam.

Thắng lợi của quân dân ta trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước mãi mãi ghi vào lịch sử dân tộc như một mốc son chói lọi, biểu tượng về chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người, đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ 20, một sự kiện có tầm quan trọng quốc tế to lớn và có tính thời đại sâu sắc.

Việt Nam hôm nay vượt qua đại dịch, phục hồi phát triển kinh tế

Trong năm 2020 vừa qua, dịch COVID-19 (được đánh giá là dịch bệnh tồi tệ nhất trong khoảng 100 năm trở lại đây) bùng phát ở nhiều nước đã tác động sâu rộng tới sức khỏe và đời sống của cộng đồng quốc tế, tới sự phát triển kinh tế - xã hội trên quy mô toàn cầu.

images5423969_app_6438

Người dân cả nước đang hân hoan hướng về ngày bầu cử 23/5 (hình minh họa)

Tuy nhiên, tại nước ta, với chiến lược phù hợp và sự vào cuộc quyết liệt của các bộ, ngành liên quan, chính quyền các cấp và cộng đồng dân cư, Việt Nam đã và đang kiểm soát tốt dịch bệnh. Việt Nam được Tổ chức Y tế thế giới và cộng đồng quốc tế đánh giá là một trong số ít quốc gia có hoạt động chống dịch hiệu quả nhất trong bối cảnh là nước có thu nhập trung bình thấp, đầu tư cho y tế còn nhiều hạn chế.

Với tinh thần "chống dịch như chống giặc”, sẵn sàng hy sinh lợi ích kinh tế trước mắt để cứu người thoát dịch; coi con người là vốn quý nhất, là trung tâm của mọi chính sách phát triển kinh tế - xã hội, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã ra Lời kêu gọi, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, liên tục; ban hành nhiều Nghị quyết, Chỉ thị, quyết liệt chỉ đạo các cấp, các ngành, cơ quan chức năng, địa phương tập trung triển khai, ứng phó và ngăn chặn dịch lây lan.

Việt Nam đã để lại dấu ấn sâu sắc đối với bạn bè quốc tế về một đất nước đoàn kết, chung sức, đồng lòng với Chính phủ nêu cao tinh thần “chống dịch như chống giặc”, “mỗi người dân là một chiến sĩ chống dịch”. Tiến sĩ Kidong Park, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam nêu rõ: “Những gì Chính phủ, Bộ Y tế và địa phương đã làm trong những ngày vừa qua khiến chúng tôi thực sự ấn tượng vì hiệu quả của nó. Điều đó cho thấy, hệ thống giám sát dịch bệnh của Việt Nam hoạt động rất tốt và chứng tỏ niềm tin của người dân với chính quyền”.

Bước sang năm 2021, đại dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp khi số lượng các ca mắc mới tiếp tục tăng ở nhiều nước và đã ghi nhận sự xuất hiện biến thể mới của vi-rút SARS-CoV-2, trong đó có một số nước láng giềng có chung đường biên giới phía Tây Nam. Do đó, trong nước đang tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh bùng phát trở lại rất cao. Việc thực hiện “mục tiêu kép” vừa phát triển kinh tế, vừa bảo đảm yêu cầu phòng chống dịch là một nhiệm vụ rất khó khăn. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 đã rất quan tâm, thường xuyên chỉ đạo quyết liệt, theo báo Chính phủ.

Năm 2021 là năm khởi đầu triển khai thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam thời kỳ 2021-2030. Theo đó, Việt Nam đã đặt mục tiêu đến năm 2025 là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại; đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Đại dịch COVID-19 là dịp để chứng minh rằng nếu tất cả các tổ chức, mọi người dân ở một cộng đồng, một quốc gia và trên toàn thế giới cùng đoàn kết, nắm tay nhau thì chúng ta có thể cùng nhau vượt qua những thách thức rất lớn đối với toàn nhân loại.

Chỉ còn chưa đầy 1 tháng nữa sẽ diễn ra cuộc bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn các tỉnh cùng tưng bừng tổ chức nhiều hoạt động thi đua lao động sản xuất, tạo không khí náo nức, rộn ràng hướng tới ngày hội lớn của đất nước.

Cùng với sự kiện có ý nghĩa chính trị quan trọng của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và đại biểu hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 là cuộc vận động chính trị quan trọng và là đợt sinh hoạt dân chủ sâu rộng trong mọi tầng lớp nhân dân. Đây là cơ hội để nhân dân ta thực hiện quyền làm chủ của mình thông qua việc lựa chọn, bầu ra những đại biểu tiêu biểu, thật sự có đức, có tài, xứng đáng đại diện cho nhân dân tại Quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp. Đây cũng là dịp để tiếp tục xây dựng, củng cố và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.

Hồng Liên

Bình luận

Nổi bật

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát và giám sát chặt chẽ việc cấp tín dụng của các tổ chức tín dụng

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát và giám sát chặt chẽ việc cấp tín dụng của các tổ chức tín dụng

sự kiện🞄Thứ sáu, 03/05/2024, 10:43

(CL&CS) - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 2/5/2024 về triển khai nhiệm vụ điều hành chính sách tiền tệ năm 2024, tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô.

Thủ tướng kiểm tra, động viên, thúc đẩy các dự án cao tốc trọng điểm

Thủ tướng kiểm tra, động viên, thúc đẩy các dự án cao tốc trọng điểm

sự kiện🞄Thứ năm, 02/05/2024, 08:43

(CL&CS) - Ngày 29/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và đoàn công tác đi kiểm tra hiện trường, động viên cán bộ, công nhân đang làm việc trên công trường, đốc thúc một số dự án thành phần thuộc tuyến cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2021-2025, đi qua địa bàn các tỉnh Khánh Hòa, Bình Định, Phú Yên và cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột.

Khẩn trương làm rõ nguyên nhân, khắc phục hậu quả vụ nổ lò hơi tại Đồng Nai

Khẩn trương làm rõ nguyên nhân, khắc phục hậu quả vụ nổ lò hơi tại Đồng Nai

sự kiện🞄Thứ năm, 02/05/2024, 08:42

(CL&CS) - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 42/CĐ-TTg ngày 1/5/2024 về vụ nổ lò hơi tại Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại gỗ Bình Minh thuộc ấp Vàm, xã Thiện Tân, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai.