Chủ nhật, 25/07/2021, 19:18 PM

Đại biểu quốc hội băn khoăn với dự kiến phân bổ vốn đầu tư của Chính phủ

(CL&CS) - Giải ngân chậm là câu chuyện biết rồi- khổ lắm- nói mãi mà chưa có giải pháp khắc phục. Đại biểu chưa thấy tính cấp bách trong nhiều dự án đầu tư công.

Chuyện biết rồi, khổ lắm!

“Các đại biểu đi giám sát về xong rất buồn. Công trình thì dở dang, không đưa đưa vào sử dụng được, rất lãng phí, trong khi tiền để trong két”. Đại biểu Quốc hội đoàn Tây Ninh, ông Nguyễn Mạnh Tiến Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội đã phát biểu như vậy khi thảo luận tổ về việc thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2021 và dự kiến kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025.

 Đại biểu Nguyễn Mạnh Tiến cho biết 2 nhiệm kỳ tham gia Quốc hội vừa qua ông thấy lúc nào Chính phủ cũng đốc thúc giải ngân. Mà càng đốc thúc tiến độ giải ngân càng chậm, trong khi lúc nào cũng kêu thiếu tiền. Vì sao? Có lẽ do cách lập kế hoạch đầu tư, cách thức thực hiện, giám sát, chế tài có vấn đề.

“Giải ngân chậm là câu chuyện biết rồi- khổ lắm- nói mãi mà chưa có giải pháp khắc phục. Nguyên nhân thật ra ai cũng biết, vướng từ quy định pháp luật, về trình tự rườm rà… Nhiều thủ tục có thể bỏ được nhưng ta không bỏ. Về tổ chức thực hiện, ngoài năng lực, còn là vấn đề lợi ích”, đại biểu Lê Tiến Châu (Hậu Giang) phát biểu.

Các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ

Các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ

Các đại biểu đề nghị phải nghiêm túc rút kinh nghiệm để khắc phục, chấm dứt tình trạng chậm giải ngân đầu tư công, tránh làm nản lòng các nhà đầu tư. Phải chấm dứt việc đầu tư manh mún, dàn trải, giảm hiệu quả đầu tư.

“Chậm giải ngân vốn đầu tư công ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế, ảnh hưởng huy động vốn xã hội, ảnh hưởng đến uy tín quốc gia trước các nhà tài trợ khi có tiền mà không tiêu được trong khi vẫn phải trả lãi vay. Nếu để kéo dài không khắc phục được sẽ ảnh hưởng rất lớn đến đầu tư công trung hạn trong giai đoạn sắp tới”, đại biểu Lê Minh Nam (Hậu Giang) nhấn mạnh.

Một vấn đề nữa các đại biểu quan tâm, đó là việc hoàn thiện ngay thủ tục đầu tư đối với gần 5.000 dự án tại Kỳ họp thứ 1, Quốc hội khóa XV là rất khó khăn.

Trong tổng số 4.979 dự án dự kiến được phân bổ có khoảng 513 dự án khởi công mới sử dụng vốn ngân sách Trung ương của các bộ, ngành, địa phương chưa được phê duyệt chủ trương đầu tư.

Các đại biểu ở Ủy ban Tài chính Ngân sách đề nghị trình Quốc hội giao Chính phủ khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư, và ủy quyền cho Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trước khi Chính phủ giao kế hoạch đầu tư công trung hạn như đã thực hiện tại nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV.

Vì sao lại là 2.870.000 tỷ đồng

Một số đại biểu e ngại về tổng mức vốn đầu tư mà Chính phủ dự kiến.

Thay mặt Chính phủ đã trình bày trước Quốc hội tờ trình về dự kiến Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết Chính phủ sẽ huy động tối đa các nguồn lực đầu tư của nền kinh tế, trọng tâm là bảo đảm nguồn lực NSNN cho đầu tư tối thiểu là 2.870 nghìn tỷ đồng.  

Khi trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Phú Cường cho biết, Uỷ ban cơ bản thống nhất dự kiến tổng mức vốn đầu tư công giai đoạn 2021-2025 là 2.870.000 tỷ đồng.

Đã có đại biểu e ngại Chính phủ có huy động đủ 2.870.000 tỷ đồng hay không. Và ở một góc nhìn khác về con số này, Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Đoàn thành phố Hà Nội) phát biểu: “Tôi đề nghị CP phải giải thích rõ vì sao chọn con số này khi chúng ta đang đối mặt với nhiều khó khăn do đại dịch Covid-19”.

Phân bổ vốn đầu tư là một vấn đề mà các đại biểu thảo luận.

“Chính phủ cần dành nguồn lực nhiều hơn nữa cho đầu tư các công trình phòng chống thiên tai, nếu không thiên tai sẽ xóa sổ tất cả những thành quả của chúng ta – lũ lụt ở trong nước năm 2020 hay trận lũ kinh hoàng ở Trung Quốc đang diễn ra là minh chứng”, đại biểu Hải Anh (Đồng Tháp) phát biểu.

Một số đại biểu ở Hà Nội đề nghị tăng đầu tư cho giáo dục, giáo dục đào tạo và phát triển khoa học công nghệ. Trong dự kiến kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025  còn chưa thấy chú trọng đến vấn đề này.

Đại biểu điểm danh những dự án không cần đưa vào đầu tư công

Sự lưu tâm của Đại biểu Hoàng Văn Cường (Tp. Hà Nội) trong kế hoạch thực hiện đầu tư công giai đoạn tới là lựa chọn cơ cấu phân bổ và các dự án cần đầu tư. trong giai đoạn 2021-2025, Chính phủ cần ưu tiên các dự án cấp thiết, cấp bách để lựa chọn phân bổ ngân sách cho hợp lý.

“Tôi thấy có một số dự án chưa cấp bách, chưa cần thiết để đầu tư tư công.  Các dự án tồn đọng như kết nối khu du lịch Tam Chúc – Bái Đính đã tồn đọng nay lại đưa vào? Liệu có cấp bách không trong khi nhiều dự án cần thiết hơn? Rồi việc phân bổ vốn cho Tổng Cty đường cao tốc – vấn đề  Quốc hội đã thảo luận- chuyển từ vốn vay sang vốn cấp phát không phù hợp với Luật đầu tư công. Hoặc một số dự án tôn tạo, cải tạo không phải trọng điểm quốc gia cũng đưa vào danh mục đầu tư”,  đại biểu Hoàng Văn Cường phát biểu.

Đại biểu Nga cũng thấy trong những dự án mới Chính phủ dự kiến chưa thấy thực sự cấp bách  lưu ý là áp lực trả nợ rất lớn và tới đây thu ngân sách sẽ khó khăn.

Trong báo cáo thẩm tra, Ủy ban Tài chính ngân sách nhận thấy, phương án phân bổ chưa bảo đảm cụ thể vì bên cạnh việc phân bổ 100.000 tỷ đồng dự kiến dành cho các chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG), số còn lại 69.643,453 tỷ đồng, Chính phủ dự kiến thực hiện một số nhiệm vụ chưa có phương án chi tiết đảm bảo đầy đủ danh mục dự án theo quy định của Luật Đầu tư công.

Cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ giải trình rõ vấn đề này và đề nghị Chính phủ báo cáo chi tiết phương án phân bổ, cân đối đủ vốn đối ứng đối với các dự án đã ký kết, chuyển tiếp sang giai đoạn 2021-2025. Tính toán, rà soát kỹ các hiệp định dự kiến sẽ ký trong giai đoạn 2021-2025.

Theo nghị trình, sáng nay, 25/7/2021, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường thảo luận đánh giá về thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm 2021, các giải pháp cho 6 tháng cuối năm, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2021-2025 trong đó có nội dung về tăng cường phòng chống COVID-19 trong thời gian tới.

Hà Linh Lan

Bình luận

Nổi bật

Chính phủ đề xuất tiếp tục giảm 2% thuế VAT trong 6 tháng cuối năm 2024

Chính phủ đề xuất tiếp tục giảm 2% thuế VAT trong 6 tháng cuối năm 2024

sự kiện🞄Thứ sáu, 03/05/2024, 15:11

(CL&CS)- Chính phủ vừa có Tờ trình trình Quốc hội xem xét, cho phép tiếp tục thực hiện chính sách giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng (GTGT) đối với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng thuế suất thuế GTGT 10% trong 6 tháng cuối năm 2024.

Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn

Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn

sự kiện🞄Thứ năm, 25/04/2024, 15:37

(CL&CS) - Chiều 24/4 tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp bán dẫn. Hội nghị do Văn phòng Chính phủ phối hợp cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức.

Trông giữ xe không dùng tiền mặt

Trông giữ xe không dùng tiền mặt

sự kiện🞄Thứ ba, 23/04/2024, 09:28

(CL&CS) - Hà Nội vừa chính thức triển khai thí điểm thu phí không dùng tiền mặt tại 7 điểm trông giữ xe ở quận Hoàn Kiếm. Đây là một nội dung nhằm triển khai Đề án 06 của Chính phủ và Nghị quyết số 18-NQ/TU của Thành ủy Hà Nội về chuyển đổi số, xây dựng Thành phố thông minh.