Thứ tư, 24/05/2023, 13:59 PM

Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh: Chú trọng tổng kết thực tiễn để lập đề nghị có tầm nhìn dài hạn hơn

(CL&CS) - Cơ bản nhất trí với Tờ trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự kiến chương trình xây dựng luật năm 2024, điều chỉnh chương trình năm 2023, thảo luận tại phiên họp toàn thể sáng nay, các đại biểu Quốc hội đặc biệt nhấn mạnh vấn đề kỷ luật, kỷ cương xây dựng luật. Trong đó, các cơ quan đề xuất xây dựng luật phải chú trọng tổng kết thực tiễn để lập đề nghị có tầm nhìn dài hạn hơn.

60

Tiếp tục phiên họp toàn thể sáng 23.5, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Quốc hội đã thảo luận về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023.

Kiên quyết không đưa vào chương trình các đề xuất chưa được chuẩn bị kỹ 

Điều hành phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, dự kiến Chương trình 2024 đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội chuẩn bị từ sớm và rất kỹ lưỡng trên cơ sở đề nghị của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí. Nhấn mạnh đây là phiên thảo luận đầu tiên thực hiện theo Nội quy Kỳ họp mới, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu Quốc hội tập trung thảo luận về dự kiến chương trình, cho ý kiến trực tiếp vào dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về Chương trình năm 2024, điều chỉnh Chương trình năm 2023 và các biện pháp tổ chức thực hiện Chương trình; đồng thời đánh giá những kết quả, tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện Chương trình xây dựng pháp luật từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV đến nay. 

Tại phiên họp, các đại biểu Quốc hội cơ bản nhất trí với Tờ trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; ghi nhận và đánh giá cao sự nỗ lực của các cơ quan trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng luật, pháp lệnh, hoàn thiện thể chế, đặc biệt là sự chủ động, trách nhiệm và những đổi mới đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội thực hiện, qua đó đã góp phần quan trọng nâng cao chất lượng công tác lập pháp.

61
Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (Lạng Sơn) phát biểu tại hội trường. Ảnh: Hồ Long

ĐBQH Phạm Trọng Nghĩa (Lạng Sơn) đánh giá việc lập dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hàng năm đã ngày càng chặt chẽ, các đề nghị xây dựng pháp luật đã được xem xét ngày càng thận trọng; chất lượng hồ sơ ngày càng được nâng cao; quá trình tham gia thẩm tra đề nghị xây dựng luật của các cơ quan của Quốc hội ngày càng được tăng cường, đặc biệt là hoạt động phản biện xã hội, ý kiến tham gia đóng góp của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên. 

Nhất trí cao với một số quan điểm, định hướng cơ bản được nêu trong Tờ trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự kiến Chương trình năm 2024, ĐBQH Nguyễn Thị Xuân (Đắk Lắk) ghi nhận, thời gian qua, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan, tổ chức đã thích ứng linh hoạt với tình hình, vượt qua khó khăn, tích cực, chủ động trong công tác lập và thực hiện Chương trình cơ bản bảo đảm đúng tiến độ, chất lượng.

62
Đại biểu Nguyễn Thị Xuân (Đắk Lắk) phát biểu tại hội trường. Ảnh: Lâm Hiển

Theo đại biểu, trong thời gian tới, Quốc hội, Chính phủ cần tiếp tục phát huy các kết quả này, đặc biệt là công tác xây dựng pháp luật cần được chuẩn bị từ sớm, từ xa. Các chính sách đề xuất phải nhằm kịp thời triển khai thực hiện văn kiện Đại hội XIII của Đảng, các nghị quyết, kết luận, chỉ thị của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Đồng thời, phải bảo đảm, đáp ứng kịp thời yêu cầu của thực tiễn, tính đồng bộ trong hệ thống pháp luật. 

Về Chương trình năm 2023, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa cho rằng, số lượng dự án được đề nghị bổ sung cao hơn số lượng dự án đã được Quốc hội quyết định. Trong khi đó, theo phụ lục 3 kèm theo Tờ trình số 476 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì có đến 6/28 dự án, dự thảo đề nghị đưa vào Chương trình năm 2023 và năm 2024 nhưng không có trong Kế hoạch số 81 ngày 5.11.2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

"Điều này một mặt thể hiện sự thay đổi của tình hình thực tiễn đòi hỏi phải nhanh chóng điều chỉnh Chương trình nhằm hoàn thiện thể chế, nhưng mặt khác việc phải bổ sung quá nhiều dự án so với Chương trình chính thức cũng thể hiện tính dự báo của chương trình chưa cao".

Nhấn mạnh như vậy, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa đề nghị các cơ quan cần quan tâm hơn nữa đến công tác tổng kết thực tiễn để lập đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh có tầm nhìn dài hạn hơn, đồng thời phải có giải pháp quyết liệt hơn để sớm đưa các dự án còn lại trong Kế hoạch số 81 vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 vào năm 2025.

63
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Anh (Bắc Ninh) phát biểu tại hội trường. Ảnh: Hồ Long

Liên quan đến vấn đề này, ĐBQH Nguyễn Thị Kim Anh (Bắc Ninh) cũng cho rằng, để đảm bảo tính ổn định, nâng cao chất lượng chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, Chính phủ cần tăng cường hơn nữa kỷ cương trong công tác xây dựng pháp luật, yêu cầu các cơ quan đề xuất, cơ quan soạn thảo phải nghiêm túc tuân thủ quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. "Các bộ chủ trì đề xuất, Bộ Tư pháp, Chính phủ và các cơ quan của Quốc hội cùng đồng hành ngay từ giai đoạn đầu của việc đề xuất xây dựng luật, kiên quyết không đưa vào chương trình các đề xuất xây dựng luật chưa được chuẩn bị kỹ càng, chưa đủ điều kiện", đại biểu nói. 

64
Đại biểu Lê Xuân Thân (Khánh Hòa) phát biểu tại hội trường. Ảnh: Lâm Hiển

Trước tình trạng kéo chậm gửi tài liệu, hồ sơ kéo dài nhiều năm chưa được khắc phục triệt để, ĐBQH Lê Xuân Thân (Khánh Hòa) kiến nghị phải có biện pháp giải quyết vấn đề này, đảm bảo thời gian để các đại biểu Quốc hội nghiên cứu kỹ lưỡng các nội dung của cácvdự thảo luật, dự thảo nghị quyết. Ngoài ra, cơ quan chủ trì soạn thảo phải phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp, các cơ quan của Quốc hội, thường xuyên cập nhật dự thảo tiếp thu chỉnh lý ở từng giai đoạn để có phản ứng nhanh, kịp thời, đảm bảo dự thảo đạt chất lượng cao khi trình Quốc hội thông qua.

Đã đến lúc cần xây dựng Luật Đô thị đặc biệt

Về các dự án cụ thể, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa đánh giá dự án Luật chuyển đổi giới tính có ý nghĩa rất quan trọng, các chính sách trong dự luật này liên quan chặt chẽ đến quyền con người, quyền công dân, là một bước cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp và Bộ luật Dân sự. Trong trường hợp dự án Luật được Quốc hội quyết định đưa vào Chương trình, đại biểu đề nghị bổ sung một mục tại Điều 4 của dự thảo Nghị quyết về Chương trình xây dựng pháp luật năm 2024 quy định rõ trách nhiệm các cơ quan hữu quan trong việc hỗ trợ đại biểu Nguyễn Anh Trí soạn thảo luật theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. 

65
Đại biểu Nguyễn Thị Yến (Bà Rịa - Vũng Tàu) phát biểu tại hội trường. Ảnh: Lâm Hiển

ĐBQH Nguyễn Thị Yến (Bà Rịa - Vũng Tàu) đề nghị Quốc hội xem xét, bổ sung dự án Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024. Bởi hiện nay, chúng ta chưa mở rộng các đối tượng tham gia bảo hiểm y tế. Bên cạnh đó, tình trạng vật tư y tế, thuốc điều trị cho người tham gia bảo hiểm y tế chưa đảm bảo yêu cầu đề ra. Đặc biệt, trong và sau giai đoạn phòng, chống dịch Covid - 19, tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế gây ra những khó khăn với người tham gia bảo hiểm y tế, nhất là người nghèo.

Đại biểu Lê Xuân Thân và ĐBQH Trương Trọng Nghĩa (TP. Hồ Chí Minh) đề xuất Quốc hội cần sớm xem xét sửa đổi, bổ sung Luật Thương mại. Trong gần 20 năm qua kể từ khi Luật Thương mại được ban hành, Việt Nam đã tham gia nhiều Hiệp định và công ước quốc tế. Cùng với đó, thương mại điện tử, công nghệ số phát triển mạnh mẽ. Lĩnh vực thương mại điện tử hiện đang được điều chỉnh bởi 3 Nghị định, không đáp ứng kịp sự phát triển của thương mại điện tử. Cùng với việc sửa đổi Luật Thương mại, đại biểu cũng đề nghị xem xét sửa đổi Luật Trọng tài thương mại để đồng bộ với Bộ luật Dân sự, đáp ứng yêu cầu phát triển.

Trong phiên thảo luận sáng nay, các đại biểu cũng đề nghị xem xét, bổ sung một số dự án vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của nhiệm kỳ Quốc hội Khoá XV nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn. 

Trong đó, đại biểu Trương Trọng Nghĩa đề nghị bổ sung dự án Luật Đô thị đặc biệt và dự án Luật Liên kết kinh tế vùng. Trong đó, việc xây dựng Luật Đô thị đặc biệt sẽ tạo cơ sở pháp lý để điều hành, quản lý các đô thị đặc biệt thay cho các nghị quyết riêng biệt, có tính chất thí điểm với các dạng thí điểm khác nhau hiện nay. "Đã đến lúc chúng ta phải xây dựng Luật Đô thị đặc biệt, cần có định hướng trung hạn và dài hạn". Nhấn mạnh điều này, đại biểu cho rằng, Luật Đô thị đặc biệt cũng sẽ định hướng cho sự phát triển của các đô thị khác của nước ta như Hải Phòng, Đà Nẵng, Nha Trang, Cần Thơ... 

Để tạo cơ sở pháp lý cho Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa đề nghị Quốc hội xem xét sớm đưa vào Chương trình xây dựng pháp luật để ban hành luật hoặc Nghị quyết quy định những vấn đề về nguyên tắc, về cơ chế pháp lý để tạo khuôn khổ pháp lý cho việc hình thành các sandbox trong từng ngành, từng lĩnh vực cụ thể…

Tăng tính dự báo, cá thể hóa trách nhiệm

Giải trình các vấn đề được đại biểu Quốc hội đặt ra, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, những năm gần đây, việc lập dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh đã được Chính phủ xem xét rất kỹ lưỡng. Trong đó, một điểm tích cực là hầu như không có tình trạng xin lùi, xin rút dự án khỏi chương trình mà chủ yếu là Chính phủ đề nghị bổ sung chương trình. Chính phủ đã hết sức cố gắng giải quyết những vấn đề mà các bộ, các ngành chưa thống nhất với nhau. Ngoài các phiên họp thường kỳ, Chính phủ tổ chức 4 phiên họp chuyên đề chỉ tập trung vào công tác xây dựng pháp luật. 

66
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long giải trình các vấn đề được đại biểu Quốc hội đặt ra

Trên cơ sở ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tư pháp khẳng định, sẽ tiếp tục tiếp thu các ý kiến để tham mưu cho Chính phủ tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác lập pháp nói chung và xây dựng chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nói riêng.

Bộ trưởng Lê Thành Long cũng nêu thực tế việc Quốc hội quyết định không lập Chương trình lập pháp toàn khoá là bởi việc lập chương trình này còn mang tính hình thức, những năm cuối nhiệm kỳ hầu như không nhìn kỹ lại được chương trình gốc nữa. Do đó Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 chỉ còn Chương trình hàng năm để bảo đảm linh hoạt hơn. Theo Bộ trưởng, với sáng kiến của Đảng đoàn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Định hướng chương trình xây dựng luật, pháp lệnh cả nhiệm kỳ và trên cơ sở đó xây dựng Chương trình hàng năm là phù hợp. 

Thừa nhận việc đề xuất bổ sung Chương trình năm 2023 khá nhiều dự án Luật, song Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết, Chính phủ đề xuất bổ sung 10 luật và nghị quyết nhằm tháo gỡ một số các khó khăn vướng mắc để xử lý các công trình trong thực hiện các dự án giao thông; xử lý vấn đề về kinh phí chi thường xuyên, bổ sung dự án Luật Các tổ chức tín dụng vì Nghị quyết số 42/2017/QH14 đã sắp hết hạn thi hành; nghị quyết về giảm thuế giá trị gia tăng nhằm gỡ khó cho các doanh nghiệp, góp phần phục hồi sản xuất... 

Bộ trưởng Lê Thành Long cũng nhấn mạnh, việc tăng cường phòng chống lợi ích nhóm và tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, tổ chức thi hành pháp luật là trách nhiệm rất nặng nề đối với các cơ quan tham mưu, đặc biệt là các cơ quan tham gia quá trình xây dựng dự luật. Đề nghị các bộ, các ngành trong phạm vi của mình tiếp tục chủ động bảo đảm tuân thủ nghiêm các quy trình, quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Bộ trưởng Lê Thành Long cũng mong muốn các Ủy ban của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội tiếp tục giám sát công tác xây dựng ban hành và tổ chức thi hành văn bản quy phạm pháp luật.

Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định giao Tổng Thư ký Quốc hội và Thường trực Ủy ban Pháp luật tiếp thu đầy đủ ý kiến của các đại biểu Quốc hội để hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 và điều chỉnh Chương trình năm 2023. Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh nhiều đề xuất cụ thể, xác đáng của đại biểu về điều chỉnh chương trình, tăng tính dự báo trong công tác xây dựng pháp luật cũng như các giải pháp tăng cường kỷ luật kỷ cương, cá thể hóa trách nhiệm, đảm bảo thực hiện tốt nhất chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của cả nhiệm kỳ nói chung và Chương trình hàng năm nói riêng. 

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết, theo chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tháng 7 tới, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ phối hợp với Chính phủ và các cơ quan hữu quan tổ chức hội nghị đánh giá tình hình triển khai các luật, Nghị quyết của Quốc hội từ đầu nhiệm kỳ đến giữa năm 2023, triển khai các luật, Nghị quyết được Quốc hội thông qua ngay tại Kỳ họp này… "Đây là lần đầu tiên Hội nghị được tổ chức với quy mô toàn quốc, kết nối với các điểm cầu 63 tỉnh, thành phố trên cả nước, để góp phần nâng cao hơn nữa hiệu quả của công tác triển khai thực hiện pháp luật", Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh. 

Theo Báo điện tử Đại biểu nhân dân

Bình luận

Nổi bật

Thủ tướng tiếp Bộ trưởng Bộ Quân đội Cộng hòa Pháp

Thủ tướng tiếp Bộ trưởng Bộ Quân đội Cộng hòa Pháp

sự kiện🞄Thứ ba, 07/05/2024, 20:43

(CL&CS) - Ngày 6/5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tiếp Bộ trưởng Bộ Quân đội Cộng hòa Pháp Sébastien Lecornu đang có chuyến thăm Việt Nam, tham dự các hoạt động kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.

Quyết tâm đưa Đông Nam Bộ phát huy vai trò 'Thành đồng Tổ quốc' trong phát triển kinh tế-xã hội thời kỳ mới

Quyết tâm đưa Đông Nam Bộ phát huy vai trò 'Thành đồng Tổ quốc' trong phát triển kinh tế-xã hội thời kỳ mới

sự kiện🞄Thứ ba, 07/05/2024, 13:15

(CL&CS) - Ngày 5/5, tại tỉnh Tây Ninh, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ chủ trì Hội nghị lần thứ 3 của Hội đồng, với nội dung trọng tâm là tổ chức triển khai thực hiện quy hoạch vùng Đông Nam Bộ vừa được Thủ tướng Chính phủ ban hành một ngày trước đó.

Thế hệ trẻ phát huy tinh thần Chiến thắng Điện Biên Phủ, đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc

Thế hệ trẻ phát huy tinh thần Chiến thắng Điện Biên Phủ, đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc

sự kiện🞄Thứ ba, 07/05/2024, 13:14

(CL&CS) - Tại Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 – 7/5/2024), bạn trẻ Vũ Quỳnh Anh (SN 1995), đại diện thế hệ trẻ Việt Nam, đã phát biểu cảm tưởng.