Thứ tư, 25/10/2023, 09:42 AM

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: "Cứ không làm được gì lại đổ hết cho thể chế" là không đúng!

Qua kết quả rà soát hệ thống văn bản pháp luật của cả Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều cho thấy, những ý kiến cho rằng "cứ không làm được gì thì lại đổ hết cho thể chế" là không đúng. Nhấn mạnh điều này, song Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng nêu rõ, để đáp ứng yêu cầu phát triển, kể cả vấn đề xây dựng thể chế pháp luật và tổ chức thực hiện pháp luật đều phải cố gắng nhiều hơn nữa.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại buổi họp tổ. Ảnh: Lâm Hiển
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại buổi họp tổ. Ảnh: Lâm Hiển

Cả xây dựng pháp luật và tổ chức thực hiện pháp luật đều phải cố gắng hơn nữa

Tiếp tục Kỳ họp thứ Sáu, sáng nay, 24.10, Quốc hội thảo luận tại tổ về tình hình thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, kết quả rà soát hệ thống pháp luật theo yêu cầu của Quốc hội tại Nghị quyết về Kỳ họp thứ Năm, Quốc hội Khoá XV.

Các đại biểu Quốc hội nhất trí với nhận định của Ủy ban Kinh tế về việc tổ chức thực hiện luật pháp, chính sách, thực thi công vụ vẫn là khâu yếu; chậm phản ứng chính sách đối với các biến động của nền kinh tế. Một số ý kiến cho rằng, việc chấn chỉnh, khắc phục tình trạng một bộ phận cán bộ, công chức đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, sợ sai, sợ trách nhiệm nên không dám làm vẫn còn chậm. 

Liên quan đến vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, tại các Kỳ họp trước, các đại biểu Quốc hội đã đặt vấn đề tại sao lại có tình trạng nêu trên, do vướng mắc về hệ thống pháp luật hay do khâu tổ chức thực hiện, hay do cả hai và mức độ đến đâu?

Toàn cảnh buổi họp tổ Hải Phòng, Thừa Thiên Huế, Lai Châu, Bà Rịa Vũng Tàu. Ảnh: Lâm Hiển
Toàn cảnh buổi họp tổ Hải Phòng, Thừa Thiên Huế, Lai Châu, Bà Rịa Vũng Tàu. Ảnh: Lâm Hiển

Để giải đáp những câu hỏi này, tại Nghị quyết về Kỳ họp thứ Năm, Quốc hội đã giao cho Chính phủ nhiệm vụ tổng rà soát hệ thống pháp luật hiện nay, từ luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đến nghị định của Chính phủ, thông tư của các bộ, các quyết định cá biệt của Thủ tướng có tính quy phạm pháp luật. Phạm vi rà soát là toàn diện, nhưng tập trung vào 22 lĩnh vực trọng tâm với 523 văn bản, trong đó có 66 luật, 2 pháp lệnh, 8 nghị quyết của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội, 167 nghị định, 63 quyết định của Thủ tướng có tính quy phạm pháp luật và 217 thông tư của Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ.

Chủ tịch Quốc hội cho biết, Chính phủ đã tích cực và nghiêm túc triển khai thực hiện nhiệm vụ này. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng thành lập một tổ công tác do Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định làm tổ trưởng để thực hiện rà soát hệ thống pháp luật, bảo đảm tính độc lập về kết quả rà soát, đồng thời hỗ trợ công tác rà soát của Chính phủ.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, tuy đánh giá độc lập, nhưng Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Pháp luật – cơ quan chủ trì thẩm tra nội dung này - đều thống nhất cho rằng, các văn bản quy phạm pháp luật được rà soát nói chung và trong 22 lĩnh vực trọng tâm nói riêng đều cơ bản phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, phù hợp với quy định của Hiến pháp, tương thích với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; cơ bản đáp ứng các yêu cầu về tính thống nhất, tính đầy đủ, tính đồng bộ, tính khả thi, kiến tạo phát triển đất nước và hội nhập quốc tế... 

“Kết quả rà soát này phù hợp với kết luận của Trung ương và Nghị quyết số 27 của Ban Chấp hành Trung ương về xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Đồng thời, giải đáp được câu chuyện "cứ không làm được gì lại đổ hết cho thể chế" là không đúng. Chẳng lẽ năm ngoái tăng trưởng hơn 8% là do hệ thống pháp luật năm ngoái tốt hơn năm nay? Không phải như vậy. Tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội chịu tác động của rất nhiều yếu tố, cả khách quan và chủ quan, cả trong nước và ngoài nước. Hệ thống pháp luật nước ta ngày càng hoàn thiện, ngày càng đầy đủ hơn”, Chủ tịch Quốc hội khẳng định.

Chủ tịch Quốc hội nêu ví dụ trong lĩnh vực đầu tư công, Luật Đầu tư công có một vài điểm nhưng cũng không vướng mắc gì cho khâu tổ chức thực hiện. Thực tế cũng cho thấy, có những năm như năm 2020 giải ngân đầu tư công đạt gần 100%, năm nay chúng ta phấn đấu đạt 95% kế hoạch trong khi tổng mức đầu tư công cao gấp đôi các năm khác, lên đến hơn 700 nghìn tỷ đồng.

Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội cho biết, cũng không phải tất cả vướng mắc đều do khâu tổ chức thực hiện. Qua rà soát cho thấy, có vướng mắc do hệ thống pháp luật còn có những điểm chồng chéo, chưa hợp lý, nhưng số lượng văn bản phát hiện chồng chéo, mâu thuẫn là không nhiều. Nhiều nội dung địa phương phản ánh thì thực chất không phải do luật có vướng mắc mà là do chưa có văn bản hướng dẫn chi tiết, hoặc do cách hiểu ở dưới chưa đúng hoặc địa phương hỏi nhưng bộ, ngành không trả lời, trả lời chung chung, cũng có những văn bản ban hành chưa kịp thời...

Một kết luận rất đáng mừng nữa, theo Chủ tịch Quốc hội là có đến 70% số lượng các văn bản phát hiện có nội dung mâu thuẫn, chồng chéo thì hiện đã nằm trong các dự án luật đang chuẩn bị được Quốc hội xem xét, thông qua. Đơn cử như Luật Đất đai có 34 việc hay Luật Đấu giá tài sản có 24 việc, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản thì lần này cũng xử lý được hết. Một số nội dung còn lại sẽ được sửa đổi trong các dự án luật đã được đưa vào chương trình lập pháp năm 2024 của Quốc hội. Với 30% số lượng các nội dung phát hiện chồng chéo nhưng chưa có trong Kết luận số 19 của Bộ Chính trị và Kế hoạch số 81 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch đề nghị Quốc hội đưa vào Nghị quyết Kỳ họp thứ Sáu để giao cho các cơ quan liên quan tiếp tục nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã có Phụ lục số 4 về các nội dung được Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội phát hiện qua rà soát nhưng chưa được đề cập trong báo cáo của Chính phủ. Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát các nội dung này, coi đây là nhiệm vụ thường xuyên. Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban cũng sẽ tăng cường giám sát việc ban hành văn bản pháp luật. "Kể cả vấn đề xây dựng thể chế pháp luật, tổ chức thực hiện pháp luật cũng phải cố gắng nhiều hơn nữa để đáp ứng yêu cầu phát triển", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh. 

Ảnh: Lâm Hiển
Ảnh: Lâm Hiển

Điều hành chính sách hài hoà 

Tại phiên thảo luận tổ, các đại biểu Quốc hội cũng nhất trí với đánh giá về kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 đã được Thủ tướng Chính phủ và Ủy ban Kinh tế báo cáo trước Quốc hội tại Phiên khai mạc Kỳ họp, đặc biệt là việc có khả năng hoàn thành tất cả các chỉ tiêu về xã hội trong bối cảnh nền kinh tế hết sức khó khăn vừa qua. “Trụ đỡ nông nghiệp” tiếp tục phát huy vai trò, giúp giải quyết được nhiều vấn đề về an sinh xã hội, ổn định xã hội.

ĐBQH Nguyễn Hữu Toàn (Lai Châu) đánh giá cao chất lượng báo cáo thẩm tra về tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách của các cơ quan của Quốc hội, kể cả những mặt được và chưa được, những vấn đề cần chú ý đều được phân tích và chỉ rõ. Đề cập chỉ tiêu tốc độ tăng năng suất lao động xã hội năm thứ 3 liên tiếp không đạt mục tiêu đề ra, đại biểu nhấn mạnh, đây là một chỉ tiêu quan trọng của tăng trưởng bền vững, do đó phải đánh giá sâu sắc vấn đề này, nguyên nhân tại sao liên tiếp không đạt mục tiêu để có giải pháp phù hợp và hiệu quả hơn.

ĐBQH Nguyễn Thị Yến (Bà Rịa – Vũng Tàu) phát biểu tại buổi họp tổ. Ảnh: Quang Khánh
ĐBQH Nguyễn Thị Yến (Bà Rịa – Vũng Tàu) phát biểu tại buổi họp tổ. Ảnh: Quang Khánh

ĐBQH Nguyễn Thị Yến (Bà Rịa – Vũng Tàu) lưu ý, để có thể đạt mục tiêu tăng trưởng khoảng 5% của cả năm đòi hỏi sự nỗ lực, phấn đấu rất lớn trong 3 tháng cuối năm. Do đó, Chính phủ cần cân nhắc, đánh giá kỹ lưỡng tình hình để có giải pháp phù hợp; nắm chắc tình hình thế giới; trong điều hành chính sách cần điều tiết hài hoà giữa tăng trưởng và lạm phát, giữa cung - cầu, lãi suất - tỷ giá... Cùng với đó, tiếp tục thực hiện các giải pháp duy trì kết quả đạt được của các ngành, lĩnh vực. Tập trung kích cầu tiêu dùng, tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế VAT, thực hiện hiệu quả các chính sách xúc tiến thương mại; bảo đảm nguồn cung điện xăng, dầu...

Về đầu tư công, ĐB Nguyễn Thị Yến nhất trí tập trung giải ngân cho các dự án có khả năng giải ngân. Đồng thời, cần có các biện pháp quyết liệt hơn trong việc thực hiện cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước, phải xem đây là trách nhiệm chính trị bởi nhiệm vụ này đã được thực hiện từ lâu nhưng vẫn còn rất chậm. Đại biểu cũng đề nghị xây dựng lộ trình xử lý nợ xấu nội bảng, đánh giá đúng thực trạng, nguyên nhân để có giải pháp phù hợp gắn với việc thực hiện chủ trương tái cơ cấu tổ chức tín dụng.

Quỳnh Chi ( Đại biểu nhân dân)

Bình luận

Nổi bật

Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn

Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn

sự kiện🞄Thứ năm, 25/04/2024, 15:37

(CL&CS) - Chiều 24/4 tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp bán dẫn. Hội nghị do Văn phòng Chính phủ phối hợp cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức.

Trông giữ xe không dùng tiền mặt

Trông giữ xe không dùng tiền mặt

sự kiện🞄Thứ ba, 23/04/2024, 09:28

(CL&CS) - Hà Nội vừa chính thức triển khai thí điểm thu phí không dùng tiền mặt tại 7 điểm trông giữ xe ở quận Hoàn Kiếm. Đây là một nội dung nhằm triển khai Đề án 06 của Chính phủ và Nghị quyết số 18-NQ/TU của Thành ủy Hà Nội về chuyển đổi số, xây dựng Thành phố thông minh.

Tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, sinh kế cho người dân

Tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, sinh kế cho người dân

sự kiện🞄Thứ ba, 23/04/2024, 09:28

(CL&CS) - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 21/4/2024 về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.