Thứ sáu, 08/04/2016, 07:12 AM

Chủ tịch Hiệp hội Sữa muốn khái niệm sữa nhập nhèm

Chủ tịch Hiệp hội sữa Việt Nam ông Trần Quang Trung vừa có công văn đi ngược kết luận của cơ quan thuộc Quốc hội, bỏ qua quyền lợi người tiêu dùng.

Các cơ quan chức năng đã kết luận, khái niệm “sữa tiệt trùng” đang làm người tiêu dùng nhầm lẫn giữa sữa dạng lỏng làm từ sữa bột với sữa tươi; tác động tiêu cực đến nông dân nuôi bò sữa. Tuy nhiên, Chủ tịch Hiệp hội sữa Việt Nam-ông Trần Quang Trung – lại vừa có công văn gửi các cơ quan báo chí đề nghị thận trọng trong việc thay đổi khái niệm “sữa tiệt trùng” nếu không sẽ gây “lệch lạc”.

Nói ngược kết luận của cơ quan thuộc Quốc hội

Liên quan đến khái niệm “sữa tiệt trùng”, dư luận gần đây liên tục phản ánh rằng: Đây là khái niệm dùng để gọi loại sữa dạng lỏng làm từ sữa bột (có thể bổ sung một phần sữa tươi). Khái niệm này không gọi đúng bản chất nguyên liệu sữa nên người tiêu dùng nhầm lẫn sữa tiệt trùng với sữa tươi. Trong hơn 5 năm tồn tại, khái niệm này cũng tác động tiêu cực đến ngành chăn nuôi và sản xuất sữa tươi trong nước.

Nhận ra bất cập, cuối tháng 4/2015, Cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm (Bộ Y tế) triển khai soát xét, sửa đổi Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN) đối với sản phẩm sữa, trong đó có việc sửa đổi khái niệm “sữa tiệt trùng”. Cuối tháng 8/2015, Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường (KHCN&MT) Quốc hội họp chuyên đề và kết luận: Yêu cầu Bộ Y tế khẩn trương sửa đổi quy chuẩn kỹ thuật về sữa dạng lỏng (QCVN: 5-1:2010), đặc biệt là khái niệm “sữa tiệt trùng” để minh bạch nguồn gốc nguyên liệu sản xuất, tránh gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng và phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế (Codex 206-1999). Đề nghị này nêu rõ: “Nên tách thành 2 khái niệm là “sữa hoàn nguyên” và “sữa pha lại tiệt trùng”.

chu-tich-hiep-hoi-sua-muon-khai-niem-sua-nhap-nhem

Rất nhiều chủng loại và nhãn mác sữa dạng lỏng, người tiêu dùng lạc vào “ma trận” không biết đâu là sữa bột pha lại, đâu là sữa tươi - Ảnh Người lao động.

Tuy nhiên, ngay sau cuộc họp của Uỷ ban KHCN&MT của Quốc hội nêu trên, ông Trung liên tục kêu gọi không nên vội vàng thay đổi. Lần này, ông Trung lại làm công văn gửi các cơ quan truyền thông để tiếp tục trì hoãn. Trong công văn, ông Trung cho rằng: “Việc sửa đổi Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với các sản phẩm sữa dạng lỏng (trong đó có khái niệm “sữa tiệt trùng” - PV), đến thời điểm này đã có nhiều chuyên gia cho rằng cần có những đánh giá, nghiên cứu thận trọng, nếu vội vàng thay đổi sẽ dễ dẫn đến những lệch lạc trong chính sách..”. Đáng tiếc, ông Trung với học hàm là PGS.TS nhưng dùng lối nói phiếm chỉ, không chỉ ra “nhiều chuyên gia” gồm những ai. Theo dõi thông tin liên quan đến khái niệm sữa tiệt trùng, chúng tôi nhận thấy, hiện không có chuyên gia nào ngoài ông Trung lên tiếng nêu ý kiến như trên.

chu-tich-hiep-hoi-sua-muon-khai-niem-sua-nhap-nhem

Công văn của Hiệp hội sữa VN.

Bỏ qua quyền lợi của người tiêu dùng

Trong tiến trình soát xét để sửa đổi QCVN 5-1:2010, một trong những lý do mà Bộ Y tế lưỡng lự trong sửa đổi tên gọi “Sữa tiệt trùng” là vì trong sản phẩm sữa đó “có thể pha thêm sữa tươi”.

Trong một hội thảo về Quyền người tiêu dùng năm 2015, ông Trần Quốc Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng hàng hóa (Bộ Khoa học – Công nghệ) cho biết, một số loại hàng hóa đặc thù phải tuân theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành. Cụ thể với mặt hàng sữa dạng lỏng, các tiêu chuẩn, quy chuẩn này phải được thể hiện trên nhãn mác để người tiêu dùng nhận diện và đưa ra những lựa chọn.Thế nhưng các tài liệu về tiêu chuẩn, quy chuẩn là những tài liệu phức tạp mà ít người tiêu dùng quan tâm, vì thế thông tin trên nhãn hàng hóa càng cụ thể bao nhiêu thì càng hỗ trợ người tiêu dùng bấy nhiêu. Tuy nhiên, trên nhãn mác hiện nay, hầu như không có doanh nghiệp sữa nào nêu tỷ lệ sữa tươi có trong “sữa tiệt trùng”. Vì thế, người tiêu dùng không thể nhận diện được đó là sữa tươi hay sữa bột.

chu-tich-hiep-hoi-sua-muon-khai-niem-sua-nhap-nhem
 Rất ít người tiêu dùng đọc phần nguyên liệu sản xuất, dẫn tới tưởng “sữa tiệt trùng” là sữa tươi.

Tiến sĩ Lê Thị Hợp- Nguyên Viện trưởng Viện dinh dưỡng Quốc gia cũng chỉ ra thực tế nhãn mác của mặt hàng sữa và thực phẩm dinh dưỡng dạng sữa thông tin rất chung chung, hàm lượng không rõ và in rất nhỏ như kiểu đánh đố.

Bà viện dẫn, nhiều loại sữa có nhãn “Sữa tiệt trùng” sử dụng đồng thời 2 loại nguyên liệu là sữa bò tươi, sữa bột không ghi rõ tỷ lệ (%) của từng loại. Trong khi đó, theo điều 13, Nghị định 89/2006/NĐ-CP về nhãn hàng hóa thì trường hợp tên của thành phần cấu tạo được sử dụng làm tên hàng hóa hay một phần của tên hàng hóa bắt buộc phải ghi định lượng. Như vậy khi doanh nghiệp công bố sản phẩm có chứa sữa tươi thì phải thể hiện rõ định lượng sữa tươi. Quy định có tính pháp quy này hầu hết đã bị lờ đi.

Vì thế, các doanh nghiệp ngành sữa đang phải chịu cảnh cạnh tranh không lành mạnh, khi mà doanh nghiệp chế biến sữa nước từ sữa bột chiếm ưu thế mạnh mẽ về giá, đẩy mạnh quảng cáo khiến cho người tiêu dùng càng bị nhầm lẫn về sản phẩm, không đủ thông tin để lựa chọn sản phẩm theo nhu cầu.

Lẽ ra, với vai trò đại diện Hiệp hội sữa VN, ông Trung phải làm rõ những vấn đề này để tạo sự công bằng cho các doanh nghiệp chế biến sữa do ông đại diện, nhưng ông lại có đề xuất ngược lại là “giữ nguyên QCVN 5:1-2010” để mọi sự “vẫn như cũ”, tiếp tục gây nhập nhèm về tên gọi sữa.

TS Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách Chiến lược Bộ NN&PTNT cho rằng, đã đến lúc các cơ quan đảm nhận trách nhiệm trước nhân dân phải làm tròn trách nhiệm đảm bảo sự minh bạch thông tin về nguyên liệu sản xuất và kiểm soát chặt chẽ các quy định của nhà nước về quyền của người tiêu dùng và quyền của người sản xuất. “Giải pháp kỹ thuật thì rõ ràng, những biện pháp các nước làm như thế nào thì ta có thể áp dụng được như thế. Các chuyên gia và cơ quan quản lý nhà nước không có khó khăn và yếu kém về chuyên môn để có thể thực hiện những giải pháp này. Vấn đề là quyết tâm để thực hiện, thực chất đó chính là đạo đức với chính con em của ta trong tương lai và với chính người dân của mình” – TS Đặng Kim Sơn nói.

Ông Trần Quang Trung, Chủ tịch Hiệp hội sữa Việt Nam là Phó giáo sư, Tiến sĩ nguyên là Chánh thanh tra Bộ Y tế, sau làm Cục trưởng An toàn thực phẩm – Bộ Y tế có chức năng thanh tra các doanh nghiệp sản xuất sữa. Ngay sau khi về hưu năm 2014, ông Trung ngồi vào ghế Chủ tịch Hiệp hội sữa Việt Nam, bảo vệ quyền lợi cho các doanh nghiệp sản xuất sữa.

Đến nay, sau gần tròn 1 năm tiến hành lấy ý kiến sửa đổi, Bộ Y tế vẫn chưa ban hành thông tư sửa đổi QCVN 5:1-2010 và khái niệm “sữa tiệt trùng”, trong khi đó, ¾ bộ có liên quan tới quản lý ngành sữa đã đăng đàn phát biểu, thậm chí có văn bản đề nghị sửa đổi QCVN 5:1-2010 là Bộ NNPTNT, Bộ Công thương và Bộ Khoa học- Công nghệ.

Mọi thông tin mời bạn đọc xem thêm tại đây.

Theo Kiến Thức

Bình luận

Nổi bật

Nước thải chăn nuôi sử dụng cho cây trồng phải đảm bảo theo QCVN 01-195:2022

Nước thải chăn nuôi sử dụng cho cây trồng phải đảm bảo theo QCVN 01-195:2022

sự kiện🞄Thứ sáu, 10/05/2024, 16:06

(CL&CS) - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 01-195:2022/BNNPTNT quy định giá trị giới hạn cho phép về các thông số của nước thải chăn nuôi sử dụng cho cây trồng nhằm hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường và sức khỏe con người.

QCVN 01-195:2022/BNNPTNT về nước thải chăn nuôi sử dụng cho cây trồng

QCVN 01-195:2022/BNNPTNT về nước thải chăn nuôi sử dụng cho cây trồng

sự kiện🞄Thứ sáu, 10/05/2024, 15:58

(CL&CS) - Xử lý chất thải chăn nuôi sẽ giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tiết kiệm chi phí cho việc tiêu hủy, mang lại hiệu quả kinh tế, bảo đảm yêu cầu về bảo vệ môi trường cộng đồng…

Sắp ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường

Sắp ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường

sự kiện🞄Chủ nhật, 05/05/2024, 12:24

(CL&CS) - Trong giai đoạn 2024-2026, Bộ Tài nguyên và Môi trường dự kiến sẽ ban hành nhiều Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường đối với khí thải phương tiện ô tô; Quy chuẩn về tiếng ồn;...