Thứ hai, 31/10/2022, 10:44 AM

Cần xem xét trách nhiệm của lãnh đạo cơ quan chủ quản chưa làm tốt vai trò hoàn thiện pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý

“Có khi nào chúng ta thử xem xét trách nhiệm của cơ quan chủ quản trong việc chưa hoàn thiện pháp luật để cho các đơn vị trực thuộc hoặc trực tiếp quản lý xảy ra sai phạm? Đã đến lúc cần xem xét trách nhiệm của lãnh đạo cơ quan chủ quản dưới cấp độ chưa làm tốt vai trò hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật trong lĩnh vực ngành mình quản lý”, ĐBQH Siu Hương (Gia Lai) kiến nghị tại Phiên giám sát tối cao của Quốc hội sáng nay, 31.10.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành nội dung
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành nội dung

Đúng trọng tâm, trọng điểm

Nêu ý kiến tại phiên thảo luận, ĐB Siu Hương khẳng định, với tình hình hiện nay, Quốc hội tiến hành giám sát tối cao việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2021 là đúng trọng tâm, trọng điểm và đáp ứng được nguyện vọng của cử tri cả nước.

"Xét về quy mô, Quốc hội thực hiện chương trình giám sát quy mô rất lớn từ trước đến nay, huy động một lực lượng lớn tham gia, các cơ quan của Quốc hội trong lĩnh vực, phạm vi phụ trách đã tham gia và đóng góp nhiều ý kiến về kế hoạch, đề cương, các báo cáo giám sát chuyên đề. Tất cả các Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng Nhân dân các tỉnh, thành phố đã tổ chức giám sát trực tiếp việc thực hiện chính sách pháp luật về thực hành tiết kiệm chống lãng phí tại địa phương. Nếu như các chương trình giám sát trước đây chỉ tập trung vào một lĩnh vực một hoặc một số nhiệm vụ trong tổ chức thực hiện ở một số địa phương thì cuộc giám sát lần này trải rộng từ Trung ương đến các địa phương", đại biểu chỉ rõ. 

Đại biểu Quốc hội Siu Hương (Gia Lai) phát biểu tại hội trường. Ảnh: Hồ Long

Đại biểu Quốc hội Siu Hương (Gia Lai) phát biểu tại hội trường. Ảnh: Hồ Long

Xét về phạm vi giám sát, theo ĐB Siu Hương, có thể khẳng định là rất rộng từ lĩnh vực kinh tế, tổ chức bộ máy đến hoạt động tư pháp. "Đây là một chương trình giám sát đã xâu chuỗi gần như hầu hết các lĩnh vực pháp luật điều chỉnh trong đời sống xã hội". Công tác thực hành tiết kiệm chống lãng phí bao quát ở phạm vi rất rộng liên quan đến nhiều quy định pháp luật chuyên ngành do tất cả các ngành, lĩnh vực đều yêu cầu phải có các quy chuẩn, tiêu chuẩn, đơn giá, định mức kinh tế, kỹ thuật cụ thể.

"Chương trình giám sát lớn và chi tiết như vậy đã đặt lên hoạt động lập pháp khối lượng công việc hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật lớn và đặt Chính phủ vào vị thế đẩy mạnh hơn nữa việc tổ chức thực hiện tốt văn bản pháp luật. Với sự triển khai quyết liệt và đồng bộ của Quốc hội, đến nay Đoàn giám sát nhận 580 công văn báo cáo của Chính phủ, các bộ, ngành địa phương, các Đoàn đại biểu Quốc hội cùng hệ thống các phụ lục kèm theo đồ sộ", ĐB Siu Hương nhấn mạnh. 

Đẩy mạnh công tác giáo dục pháp luật

Thống nhất rất cao những giải pháp cũng như kiến nghị của đoàn giám sát của Quốc hội là gần như hoàn chỉnh, tuy nhiên để việc thực hiện chính sách pháp luật về thực hành tiết kiệm chống lãng phí đi vào nề nếp, trở thành một ý thức pháp luật trong thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và trong đời sống xã hội, ĐB Siu Hương đề nghị xem xét một số đề xuất trọng tâm.

Trong đó, cần đẩy mạnh công tác giáo dục pháp luật trong việc thực hiện chính sách pháp luật về thực hành tiết kiệm chống lãng phí trong các chương trình đào tạo. Dẫn câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Hiền dữ phải đâu là tính sẵn, phần nhiều do giáo dục mà nên”, đại biểu nêu rõ, hiện nay trong chương trình giáo dục phổ thông đã đưa chương trình pháp luật vào giảng dạy để các em phân biệt được những hành vi hợp pháp và hành vi trái pháp luật. Đây là một điều đáng mừng vì ít nhất thì ngay từ khi ngồi ở ghế nhà trường đã trang bị cho các em xác định được hành vi nào là hành vi hợp pháp. Do vậy, cần đẩy mạnh công tác giáo dục pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong chương trình giảng dạy. 

Toàn cảnh phiên thảo luận tại hội trường. Ảnh: Hồ Long
Toàn cảnh phiên thảo luận tại hội trường. Ảnh: Hồ Long

Cùng với đó, cần đẩy mạnh công tác giáo dục pháp luật. Trong việc thực hiện chính sách pháp luật về thực hành tiết kiệm chống lãng phí thì yếu tố đầu tiên phải đề cập đến là con người quyết định đến tính hiệu quả của chương trình. Vì vậy cần đẩy mạnh công tác phổ biến giáo dục pháp luật, trong đó tùy vào lĩnh vực mà xây dựng chương trình phổ biến giáo dục pháp luật cho phù hợp. Qua báo cáo giám sát thể hiện rất rõ việc vi phạm pháp luật ở nhiều cấp độ, khía cạnh nhưng tập trung vào một số lĩnh vực liên quan đến lợi ích như quản lý tài sản công, lĩnh vực đất đai.

Đại biểu cũng đề nghị phải tập trung hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật. Qua giám sát bộc lộ nhiều lĩnh vực pháp luật cần hoàn thiện cả về hình thức và nội dung. Tuy nhiên, theo đại biểu, chính các cơ quan chủ quản phải chịu trách nhiệm trong việc hoàn thiện pháp luật. Trong báo cáo đã phản ánh rất rõ nhiều lĩnh vực, nhiều nội dung sai phạm là do văn bản pháp luật chưa hoàn thiện hoặc chưa đồng bộ. “Vậy có khi nào chúng ta thử xem xét trách nhiệm của cơ quan chủ quản trong việc chưa hoàn thiện pháp luật để cho các đơn vị trực thuộc hoặc trực tiếp quản lý xảy ra sai phạm? Đã đến lúc cần xem xét trách nhiệm của lãnh đạo cơ quan chủ quản dưới cấp độ chưa làm tốt vai trò hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật trong lĩnh vực ngành mình quản lý”, đại biểu nêu vấn đề.

Đại biểu Siu Hương cũng kiến nghị tăng cường hơn nữa tính chủ động trong hoạt động giám sát của HĐND các cấp. Qua báo cáo của đoàn giám sát phản ánh rất đúng tình trạng nhiều địa phương vi phạm trong sử dụng ngân sách quản lý tài sản công, đất đai. HĐND với vị trí là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, giám sát là một hoạt động hiến định và đã được văn bản luật quy định chi tiết. Do vậy, HĐND cần nâng cao hơn nữa chất lượng và hiệu quả trong việc hoạt động giám sát ở địa phương, kiến nghị các giải pháp cũng như vướng mắc trong thực hiện pháp luật trên địa bàn qua đó góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật.

Minh Trang ( Theo Đại biểu nhân dân)

Bình luận

Nổi bật

Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ

Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ

sự kiện🞄Thứ ba, 07/05/2024, 12:26

(CL&CS) - Hôm nay (7-5), tại TP Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và tỉnh Điện Biên tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.

Toàn văn phát biểu của Thủ tướng tại Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Toàn văn phát biểu của Thủ tướng tại Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

sự kiện🞄Thứ ba, 07/05/2024, 12:08

(CL&CS) - Tạp chí Chất lượng và cuộc sống trân trọng giới thiệu toàn văn Diễn văn của Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.

Kinh tế tiếp tục duy trì đà phát triển tích vực ở cả 3 khu vực nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ

Kinh tế tiếp tục duy trì đà phát triển tích vực ở cả 3 khu vực nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ

sự kiện🞄Chủ nhật, 05/05/2024, 22:46

(CL&CS) - Ngày 4/5, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2024.