Dữ liệu cũ
Thứ bảy, 10/06/2017, 19:53 PM

Cần kiểm tra việc hút cát của Công ty Đức Long

(NTD) - Sạt lở bờ biển, ô nhiễm môi trường nước ở các khu nuôi trồng thủy sản gần địa điểm khai thác cát đang khiến chính quyền địa phương và người dân thị trấn An Thới, H.Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang lo sợ. Nếu cứ tiếp tục khai thác bừa bãi, không được quản lý chặt chẽ, giám sát kỹ lưỡng từ cơ quan chuyên trách, rất có thể Phú Quốc sẽ bị “biến dạng - tàn tạ” chỉ trong tương lai gần.

Nạo vét - tận thu hay lạm dụng trục lợi “khủng”?

Việc khai thác cát rầm rộ trong thời gian gần đây ở khu vực biển thuộc thị trấn An Thới đã gây nhiều bức xúc cho người dân, cũng như chính quyền địa phương. Thế nhưng, dù người dân và lãnh đạo đã nhiều lần kiến nghị lên cấp trên, nhưng câu trả lời cũng chỉ vỏn vẹn: “Đây là dự án đã được phía bộ cấp phép nên địa phương cũng đành thua”.

Theo tìm hiểu của PV, việc nhiều tàu lớn tới vùng biển An Thới rồi mang cát đi nước ngoài, là thuộc dự án nạo vét luồng tàu vào quân cảng do Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân làm chủ đầu tư. Chủ đầu tư đã hoàn thành đủ các thủ tục như: Lập dự án, phê duyệt thiết kế kỹ thuật thi công; lập, trình phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường. Ngoài ra, để cắt giảm chi phí đầu tư đã ký hợp đồng với CTCP Hải Việt và Công ty TNHH Sản xuất xây dựng - thương mại Đức Long (Công ty Đức Long) thi công nạo vét theo cơ chế “xã hội hóa” để giảm gánh nặng vốn đầu tư, một khối lượng lớn cát từ hoạt động nạo vét sẽ được đơn vị thi công xuất khẩu ra nước ngoài theo hình thức tận thu.

Làm đúng, tại sao sạt lở?

Công văn hướng dẫn khai thác, nạo vét của Bộ Xây dựng gửi Công ty Đức Long đã yêu cầu công ty này phải bảo đảm không sạt lở, không ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân. Chưa biết công ty này đã làm đúng yêu cầu hay chưa, chỉ thấy ngay khi các tàu công suất lớn vào khuynh đảo vùng biển An Thới, thì lập tức những địa điểm gần đó sạt lở nghiêm trọng. Còn một số hộ dân nuôi cá bè thì bức xúc vì cá chết hàng loạt do môi trường nước “bỗng nhiên” bị ô nhiễm, con số thiệt hại từ vài trăm triệu đến hàng tỷ đồng mỗi hộ.

Việc khai thác cát ở dự án nói trên cho thấy quá nhiều rủi ro có thể dẫn đến việc sạt lở và gây ô nhiễm môi trường nước xung quanh. Thực tế điều này đã xảy ra ngay sau khi các tàu công suất lớn đến hút cát xuất khẩu đi Singapore.

Cùng lúc, có nhiều sà lan, tàu ghe lớn nhỏ thi nhau ‘‘xà xẻo’’ đến cạn cùng tài nguyên cát trong cùng một phạm vi rất nhỏ. Nói như ông Trần Văn Tiến - Phó Chủ tịch UBND thị trấn An Thới, thì “Đó là kiến thức phổ thông quá đơn giản mà ai cũng biết, việc “hút lấy, hút để” một lượng cát hàng trăm ngàn mét khối cùng lúc, làm ngày, làm đêm như vậy, thì tự nhiên nó phải thiếu, thiếu không có gì bù đắp vào nên đất trên bờ tự sạt lở xuống thôi. Mình biết như vậy, nhưng mình không có đủ thẩm quyền nên chỉ kiến nghị thôi!”.

Công văn số 32/BXD-VLXD của Bộ Xây dựng về việc gia hạn hướng dẫn xuất khẩu cát nhiễm mặn tận thu từ Dự án nạo vét vùng nước quân cảng Vùng 5 Hải quân đối với Công ty Đức Long đã nêu rõ: Công ty Đức Long phải đăng ký khối lượng nạo vét cát nhiễm mặn theo đúng quy định của Luật khoáng sản (phân vùng khu vực, trình tự nạo vét, công suất nạo vét, vị trí và có tọa độ nạo vét…), phải thông báo đến Sở Tài nguyên và Môi trường và UBND tỉnh Kiên Giang về kế hoạch thi công theo yêu cầu để cấp trên theo dõi giám sát. Trong quá trình tiến hành thực hiện dự án, Công ty Đức Long phải thực hiện đúng các phương án nạo vét và báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án, được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, bảo đảm không gây sạt lở bờ, không ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, sinh hoạt của người dân, bảo đảm an ninh và an toàn hàng hải trong vùng dự án.

Công văn cũng đề nghị Công ty Đức Long thực hiện đúng các quy định về hồ sơ xuất khẩu khoáng sản và có trách nhiệm báo cáo Bộ Xây dựng, UBND tỉnh Kiên Giang và Bộ Tư lệnh Hải quân về khối lượng, tình hình xuất khẩu cát nhiễm mặn của dự án.

Rõ ràng, hướng dẫn thực hiện và các yêu cầu mà dự án đưa ra là hết sức khoa học, đáp ứng đầy đủ các điều kiện về an toàn, an ninh và môi trường. Nhưng, đơn vị thi công, khai thác có làm đúng, làm đủ hay không thì chưa rõ. Trước mắt, chỉ thấy toàn bộ những hiểm họa đang rình rập vùng đất liền và đời sống, sinh hoạt của người dân ở thị trấn An Thới (đảo Phú Quốc) khi đất sụt lún, sạt lở, còn người dân thì “dở khóc dở cười” vì cá bỗng dưng chết dưới nguồn nước đục ngầu!?

14
Chủ đầu tư nạo vét, tận thu cát ở Phú Quốc là hợp lý, nhưng đơn vị thi công có làm đúng hay không vẫn là dấu hỏi.

Bờ biển Phú Quốc “tàn tạ” !?

Công ty Đức Long sẽ xuất khẩu tối đa gần 1 triệu m3 cát thuộc dự án, nhưng chỉ mới tiến hành khoảng 1/10 con số này (tức khoảng 100.000 m3), còn lại khoảng 826.226 m3 vẫn chưa được khai thác xong. Số còn lại này đã được các cơ quan chức năng thống nhất gia hạn khai thác đến ngày 30/6.

Dù chỉ mới khai thác khoảng 1/10 khối lượng được cho phép nhưng việc sạt lở đã diễn ra một cách nghiêm trọng như thế. Thậm chí, nhiều người dân đã phản ánh trực tiếp với PV rằng việc khai thác đã ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống, sinh hoạt của nhiều hộ dân trên đảo, nơi mà hầu hết đều chỉ biết sống dựa vào nghề cá. “Đừng nói tới chuyện khai thác khối lượng bao nhiêu, bởi vì máy hút ngày, hút đêm, tàu lớn rồi đến ghe nhỏ, làm sao anh ra kiểm tra được hút bao nhiêu, hút như thế nào. Chúng hút “no” xong rồi đi, còn báo bao nhiêu khối thì báo, chứ ai ra đó mà giám sát, cân, đong, đo, đếm? Tôi chỉ thấy lúc tàu hút, đốt đèn sáng trưng lên thì nước nguyên khu này đục ngầu, cá ngoi ngóp ngay” - anh L.H, người nuôi cá bè khu vực cảng cũ An Thới bức xúc nói.

Trong khi đó, chị H.A (ngụ An Thới) chia sẻ: “Chúng ta cứ bảo sẽ xây dựng Phú Quốc phát triển mạnh mẽ, mà bao năm rồi chẳng thấy được bồi đắp thêm bao nhiêu, mà cứ hút cát để diện tích đất liền thu hẹp dần. Mình cứ hay nói mình tương đương với Singapore mà đất mình cứ thu hẹp dần do sụt lún, sạt lở vì hút cát đem bán cho họ, để họ bồi tụ đất của họ ngày càng rộng lớn hơn. Đảo mình cũng cần bồi đắp, sao không bồi đắp mà cứ đi bán cho người ta, do mình cả thôi! Ở đây không bán, chở tít tận bên kia bán với cái giá rẻ bèo, nghĩ mà buồn. Không biết rồi đây Phú Quốc sẽ còn “tàn tạ” như thế nào nữa!”.

“Chúng tôi đồng ý để khai thác cát vì mục đích xây dựng tốt hơn, chứ không phải làm cùng, thu tận để hưởng lợi, rồi trốn mất để dân khổ, để cái đảo này móp méo. Phú Quốc mình đẹp lắm, tiềm năng lắm nhưng phải làm cho đúng, chứ cứ kiểu cấp phép một đường rồi làm một nẻo, làm không có tâm như vậy, thì tôi phản đối đến cùng. Bởi, nếu mình làm đúng hướng, Phú Quốc mình là một viên ngọc quý!” - ông H.D, người đã có hơn 20 năm sống ở huyện đảo Phú Quốc bộc bạch.

Sáng 6/6, trao đổi với PV, ông Huỳnh Quang Hưng - Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc, khẳng định: “Quan điểm của huyện đảo Phú Quốc là không để hút cát ở đây mà đem bán cho nước ngoài như vừa qua. Huyện cũng đã báo cáo đề xuất lên cấp trên về vấn đề này. Chúng ta vẫn sẽ khai thác nhưng làm vừa phải, có lộ trình, rồi cũng cấp, bán cho các doanh nghiệp cần san lấp, xây dựng trên địa bàn huyện. Nhiều doanh nghiệp rất cần cát, phải mua từ nơi khác xa xôi, tốn kém, còn ở đây mang đi nước khác bán rẻ, là không hợp lý”.

Xin ý kiến dân thì ai cho làm?!

Trả lời câu hỏi của PV về việc các đơn vị khi tiến hành dự án có tham khảo ý kiến của người dân và chính quyền địa phương hay không, cả ông Huỳnh Quang Hưng, Phó Chủ tịch UBND H.Phú Quốc và ông Phan Quốc Thới, Chủ tịch UBND TT.An Thới (H.Phú Quốc) đều cho biết: Chính quyền địa phương và người dân hoàn toàn bị động trước việc này. “Chúng tôi không được thông báo trước, cũng không có đơn vị nào tiến hành lấy ý kiến của người dân” - ông Thới nói. Còn ông Hưng chia sẻ: “Không có xin ý kiến của dân, vì nếu có xin, cũng chẳng ai đồng ý cho làm”.

 Võ Nguyễn - Nguyên Vũ

 

Bao NTD_So 339_
 

Bình luận

Nổi bật

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

sự kiện🞄Thứ ba, 20/02/2024, 10:09

Trên thế giới còn rất nhiều những chiếc phi cơ 'lão thành' ngót nghét 50 tuổi vẫn đang bay trên bầu trời.

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

sự kiện🞄Thứ bảy, 14/10/2023, 05:57

Loại thực phẩm nhiều người xem như vô hại này lại là nguyên nhân dẫn đến bệnh tật, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng, chúng thường được gọi là "sát thủ thầm lặng" tàn phá sức khoẻ con người.

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

sự kiện🞄Thứ năm, 29/06/2023, 15:00

(CL&CS) - Cảng Chu Lai thuộc Công ty Giao nhận - vận chuyển quốc tế Trường Hải (THILOGI) đang dần khẳng định năng lực tiếp nhận tàu lớn, khai thác đa dạng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy giao thương tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên.