Dữ liệu cũ
Thứ hai, 13/01/2014, 02:00 AM

Cạn dư địa hỗ trợ tăng trưởng

Nâng trần bội chi, phát hành thêm trái phiếu là những giải pháp đã được duyệt triển khai song giới phân tích cho rằng dư địa hỗ trợ tăng trưởng kinh tế hiện không còn nhiều.

Quốc hội đã chấp thuận nâng bội chi năm 2014 lên 5,3% GDP, tương đương 224.000 tỷ đồng để có thêm tiền đầu tư phát triển, trong bối cảnh tổng vốn đầu tư toàn xã hội đã giảm mạnh (từ 42% GDP về còn 30% GDP) và góp phần đảm bảo kinh tế 2014 tăng trưởng 5,8% theo đúng mục tiêu đề ra.

Tuy nhiên, các chuyên gia khuyến cáo nâng trần bội chi chưa phải là phép thần thông để vực dậy cỗ máy tăng trưởng Việt Nam. Bộ phận phân tích thuộc Khối Nguồn vốn của Ngân hàng Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank) nhận định dù có “nới lỏng” cho chi tiêu công nhưng dự toán ngân sách Nhà nước năm 2014 cho thấy chi đầu tư phát triển năm nay chỉ khoảng 163.000 tỷ đồng, thấp hơn mức 175.000 tỷ đồng trong dự toán 2013 và 165.000 tỷ đồng ước thực hiện năm ngoái.

Chính sách tài khóa không còn nhiều dư địa để hỗ trợ tăng trưởng năm 2014 do thâm hụt ngân sách theo dự toán đã chạm mức trần là 224.000 tỷ đồng đã được Quốc hội phê duyệt, tương đương 5,3% GDP, báo cáo của Techcombank phản ánh.

Bên cạnh đó, nếu bội chi triền miên, con số này sẽ khiến nợ công ngày càng phình to và đe dọa đến sự ổn định của Việt Nam. Tính đến 31/12/2012, tỷ lệ nợ công của Việt Nam đã lên tới 55,7% GDP. Dù chưa vượt ngưỡng 65% GDP mà Quốc hội đã thông qua, song hệ số an toàn nợ của Việt Nam đang giảm do phần trả lãi và chi phí ngày càng lớn, trong khi quy mô dự trữ ngoại hối so với tổng nợ thấp, tiến sĩ Đào Văn Hùng – Giám đốc Viện Chính sách và Phát triển nhận định.

Chính sách tài khóa cạn kiệt dư địa, chính sách tiền tệ cũng lâm vào cảnh suy giảm nguồn lực, tiến sĩ Trịnh Quang Anh nhận xét. Theo ông, trong bối cảnh Quốc hội quyết không cho dùng tiền ngân sách để giải quyết nợ xấu thì mọi việc dồn về Ngân hàng Nhà nước, bởi “người ta nghĩ nới đó có cỗ máy in tiền. “Việc cho phát hành trái phiếu VAMC và tái cấp vốn qua kênh trái phiếu này chính là câu chuyện tài khóa lấn át tiền tệ”, tiến sĩ Trịnh Quang Anh nói.

Hệ quả của chính sách tài khóa ít dư địa, nợ xấu lớn, cầu tiêu dùng yếu là mối lo ngại về khả năng tăng trưởng 2014 có thể đạt con số mục tiêu 5,8% mà Quốc hội đề ra. “Chúng tôi dự báo kinh tế Việt Nam 2014 sẽ tăng trưởng khoảng 5,63% với lạm phát ở mức 7%”, Techcombank cho biết. Con số này cũng gần với kịch bản 5,67% được Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế trình bày trước lãnh đạo Bộ Kế hoạch & Đầu tư hồi giữa tháng 12. Hay bi quan hơn, các chuyên gia của HSBC cho rằng mức tăng GDP của Việt Nam chỉ có thể đạt 5,4%, còn Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Chính sách (VEPR) đưa ra con số suýt soát năm 2013, ở mức 5,5%.

“Kinh tế năm 2014 chỉ có thể nhúc nhích đi lên, khó khăn vẫn là rất lớn”, Tiến sĩ Võ Trí Thành – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nhận định.

Thậm chí, khi Thông tư 02 được áp dụng từ 1/6/2014 khiến các nhà băng phải minh bạch hơn về các khoản nợ xấu và tăng trích lập dự phòng rủi ro thì quá trình xét duyệt các khoản vay mới càng thận trọng hơn, đe dọa đến khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp. “Việc doanh nghiệp không tìm được nguồn vay mới có thể dẫn đến tiếp tục gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh và kinh tế Việt Nam năm 2014 sẽ bị ảnh hưởng không nhỏ”, báo cáo của Techcombank nêu.

Tuy nhiên, vẫn còn cơ sở để hy vọng kinh tế năm nay tăng trưởng khả quan hơn năm 2013, xuất phát từ hoạt động xuất khẩu và sản xuất tại khối doanh nghiệp vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cùng với sự ấm dần của cầu đầu tư khu vực tư nhân.

Báo cáo triển vọng vĩ mô của HSBC mới đây nhận xét, trong những năm tới, với việc nhu cầu từ các nước phương Tây cải thiện, Việt Nam có thể trở thành một trong những quốc gia được hưởng lợi nhiều nhất khi xuất khẩu chiếm tới 81% GDP năm 2012,. Nhu cầu đầu tư khu vực tư nhân cũng có những tín hiệu phục hồi rõ hơn với chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) đã 4 tháng liên tiếp trên 50 điểm. Sản xuất công nghiệp tăng nhanh cộng với tồn kho tăng nhẹ trở lại là tín hiệu lạc quan của nhà sản xuất về nhu cầu tiêu thụ sắp tới.

Những cú huých gia tăng thương mại và đầu tư nước ngoài sẽ tạo đột biến cho doanh nghiệp trong nước tăng sức cạnh tranh và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, bà Mai Thị Thu, Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế – xã hội Quốc gia nhận định.

Phương Linh

Nguồn: vnexpress.net

Bình luận

Nổi bật

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

sự kiện🞄Thứ ba, 20/02/2024, 10:09

Trên thế giới còn rất nhiều những chiếc phi cơ 'lão thành' ngót nghét 50 tuổi vẫn đang bay trên bầu trời.

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

sự kiện🞄Thứ bảy, 14/10/2023, 05:57

Loại thực phẩm nhiều người xem như vô hại này lại là nguyên nhân dẫn đến bệnh tật, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng, chúng thường được gọi là "sát thủ thầm lặng" tàn phá sức khoẻ con người.

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

sự kiện🞄Thứ năm, 29/06/2023, 15:00

(CL&CS) - Cảng Chu Lai thuộc Công ty Giao nhận - vận chuyển quốc tế Trường Hải (THILOGI) đang dần khẳng định năng lực tiếp nhận tàu lớn, khai thác đa dạng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy giao thương tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên.