Thứ tư, 16/02/2022, 11:07 AM

Bộ NN-PTNT và Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên ký kết biên bản ghi nhớ

(CL&CS)- Ngày 14/2, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT(MARD) Lê Minh Hoan đã có buổi làm việc và ký kết Biên bản Ghi nhớ với Chủ tịch Toàn cầu Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF).

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết: Để nông nghiệp phát triển bền vững, xanh, toàn diện và hiện đại, ngành nông nghiệp Việt Nam phải có những chính sách và chủ trương nhằm tận dụng được cả cơ hội, thách thức, thay đổi tư duy làm nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu. Theo đó, ngành nông nghiệp Việt Nam đặt ra những nhiệm vụ và mục tiêu rất cụ thể: Đó là, “Việt Nam sẽ là nhà cung cấp lương thực, thực phẩm Minh bạch - Trách nhiệm - Bền vững” theo cam kết của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị thượng đỉnh về hệ thống lương thực, thực phẩm của Liên hợp quốc tháng 9/2021. Tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu toàn cầu (COP26), tháng 11/2021 Thủ tướng chính phủ Phạm Minh Chính đã cam kết Việt nam sẽ trở thành quốc gia trung hòa về các-bon vào năm 2050. Theo đó, nông nghiệp sẽ sử dụng tiết kiệm và hiệu quả các nguồn tài nguyên đất và nước, vật tư nông nghiệp.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh: Phát triển nền nông nghiệp theo hướng sinh thái là một cách tiếp cận đa giá trị, đa ngành, lồng ghép các giá trị kinh tế, xã hội và môi trường, đảm bảo sự phát triển toàn diện trong mối tương tác môi trường - hệ sinh thái -  con người và động thực vật; Tận dụng tối đa lợi thế tự nhiên nhưng cũng cố gắng bảo vệ môi trường, cảnh quan, đa dạng sinh học theo hướng tăng trưởng xanh, tiêu dùng xanh, thúc đẩy Chuyển đổi nông nghiệp, nông thôn bền vững theo 3 trục: Nông nghiệp sinh thái – Nông thôn hiện đại – Nông dân thông minh.

IMG_2611

Bộ trưởng Lê Minh Hoan và Ông Prasanna De Silva đã ký kết Biên bản ghi nhớ về Hợp tác Phát triển Nông nghiệp và Tham gia đối tác một sức khỏe tại Việt Nam giai đoạn 2022 – 2026.

Với kinh nghiệm trong công tác bảo tồn, đề xuất và vận động thay đổi chính sách và bề dày hợp tác cùng với Bộ và các cơ quan liên quan của WWF, cụ thể là, rất nhiều hoạt động hợp tác, hỗ trợ ngành nông nghiệp Việt Nam, như: hỗ trợ kỹ thuật, chương trình, dự án, đào tạo chuyên gia, hợp tác nghiên cứu khoa học, đầu tư và trao đổi kỹ thuật, ... WWF sẽ là một trong những đối tác chiến lược cho các cơ quan Chính phủ trong lĩnh vực bảo tồn trong thập kỷ tới, vốn là thập kỷ vàng của đa dạng sinh học Việt Nam và toàn cầu.

Ông Prasanna De Silva, Giám đốc Toàn cầu của WWF, phụ trách các chương trình quốc gia cho biết: WWF kỳ vọng sẽ cùng với MARD đồng hành trong quá trình tái cơ cấu, phát triển ngành nông nghiệp bền vững,  theo chiều sâu, như phát triển các ngành hàng có giá trị và theo hướng phục hồi tài nguyên, gắn kết với phục hồi rừng, các vùng đất ngập nước và các vùng biển có giá trị về đa dạng sinh học và môi trường cho cộng đồng, tận dụng được cơ hội thị trường xuất khẩu và đảm bảo an ninh lương thực. WWF có thể tận dụng các kinh nghiệm và kiến thức trong phát triển chuỗi, trong lập kế hoạch và qui hoạch dựa trên khoa học, các năng lực trong thúc đẩy và nâng cao năng lực cộng đồng, quy tụ được cả khối tư nhân và cộng đồng, nhà nước. Ngoài ra, chúng ta còn có các cơ hội để đi vào các hướng phát triển sáng tạo để thực hiện các kỹ thuật canh tác và các sản phẩm mới, vừa giúp hấp thụ các-bon.

WWF đã và đang cùng với MARD, các cấp chính quyền địa phương thử nghiệm và nhân rộng các mô hình như tăng cường năng lực cho cộng đồng tham gia quản lý các khu rừng đặc dụng, rừng phòng hộ. Việc thúc đẩy ứng dụng các giải pháp thuận thiên, ở quy mô lớn đang được đặt ra là một trong các chiến lược mới. WWF có thể cùng huy động sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế, các nguồn tiền đầu tư từ nước ngoài và trong nước để hiện thực hoá chiến lược này. 

Ông Prasanna De Silva tin tưởng các cam kết này, kết hợp với tầm nhìn, vai trò lãnh đạo và kết nối của MARD, chúng ta sẽ tạo ra những sự thay đổi cần thiết cho khung chính sách và thực thi các chính sách, đẩy mạnh sự sáng tạo và tham gia của khối tư nhân và đảm bảo việc chia sẻ lợi ích công bằng cho các bên liên quan, trong đó đặc biệt là các cộng đồng sống phụ thuộc vào tài nguyên thiên nhiên, góp phần vào sự phát triển bền vững của Việt Nam. 

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Lê Minh Hoan và Ông Prasanna De Silva đã ký kết Biên bản ghi nhớ về Hợp tác Phát triển Nông nghiệp và Tham gia đối tác một sức khỏe tại Việt Nam giai đoạn 2022 – 2026.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh: Việc ký kết Biên bản ghi nhớ ngày hôm nay sẽ thiết lập một khuôn khổ cho việc tăng cường hợp tác giữa WWF- Việt Nam và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam trong lĩnh vực phát triển nông nghiệp và Đối tác Một sức khỏe về phòng chống bệnh dịch từ động vật sang người giai đoạn 2022-2026. Các nội dung cam kết là căn cứ quan trọng trong việc xác định, triển khai các hoạt động hợp tác giai đoạn 2022-2026. Tôi tin tưởng rằng với sự đồng hành và hỗ trợ của WWF, sự quyết tâm cao của Bộ Nông nghiệp và PTNT, các hoạt động hợp tác trong khuôn khổ Biên bản ghi nhớ này sẽ được triển khai thành công, hỗ trợ cho ngành nông nghiệp Việt Nam phát triển bền vững, thực hiện tốt các nhiệm vụ và mục tiêu của ngành.

Trung Kiên

Bình luận

Nổi bật

Kinh doanh hướng đến phát triển xanh, bền vững

Kinh doanh hướng đến phát triển xanh, bền vững

sự kiện🞄Thứ tư, 24/04/2024, 14:53

(CL&CS) - Ngày nay, người tiêu dùng (NTD) đang dần thay đổi thói quen của mình và hướng đến tiếp cận những sản phẩm xanh, hàng hóa xanh, thân thiện với môi trường.

Đồng Nai: Hưởng ứng Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới năm 2024 với các mục tiêu phát triển bền vững

Đồng Nai: Hưởng ứng Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới năm 2024 với các mục tiêu phát triển bền vững

sự kiện🞄Thứ tư, 24/04/2024, 13:49

(CL&CS) - Nhằm tôn vinh vai trò của sở hữu trí tuệ (SHTT) trong đời sống kinh tế - xã hội, nâng cao nhận thức của cộng đồng về SHTT, Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) đã chọn ngày 26/4 hàng năm là “Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới”. Dịp này, tỉnh Đồng Nai cũng đã ban hành kế hoạch tổ chức các hoạt động chào mừng Ngày SHTT.

Một số giải pháp giảm phát thải khí nhà kính trong nông nghiệp

Một số giải pháp giảm phát thải khí nhà kính trong nông nghiệp

sự kiện🞄Thứ tư, 24/04/2024, 13:48

(CL&CS) - Phát thải khí nhà kính là một trong những nguyên nhân chính gây biến đổi khí hậu trên toàn cầu - một trong những thách thức đối với nhiều quốc gia trên thế giới, ảnh hưởng đến mọi mặt kinh tế, chính trị, ngoại gia và an ninh.