Thứ năm, 23/11/2023, 21:09 PM

Báo động gia tăng tình trạng kháng kháng sinh

(CL&CS) - Kháng thuốc kháng sinh đang là mối lo của các bác sỹ, chuyên gia y tế khi số bệnh nhân nhiễm vi khuẩn kháng thuốc và đa kháng thuốc ngày càng gia tăng đến mức báo động.

Gia tăng tình trạng kháng kháng sinh

Mỗi năm thế giới có khoảng 700.000 người tử vong do kháng thuốc. Dự báo, đến năm 2050, cứ 3 giây sẽ có 1 người tử vong do các siêu vi khuẩn kháng thuốc, tương đương với khoảng 10 triệu người mỗi năm. Khi đó, thậm chí các bệnh thông thường như ho, hay chỉ một vết cắt trên da cũng có thể gây tử vong.

Tại Bệnh viện Bạch Mai có khoảng 40-60% ca bệnh có vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh trước khi nhập viện. Nhiều bệnh nhân vào viện vì một bệnh khác nhưng nhiễm trùng tăng lên nhanh, gặp vi trùng kháng kháng sinh khiến bệnh nhân nguy kịch và tử vong do nhiễm trùng chứ không phải do bệnh lý lúc bệnh nhân nhập viện.

Mới đây, một bệnh nhân bị nhiễm trùng huyết phải thở máy, mở nội khí quản. Điều các bác sĩ đặc biệt lo ngại là tình trạng kháng kháng sinh của bệnh nhân. Kết quả nuôi cấy vi khuẩn cho thấy bệnh nhân bị nhiễm tụ cầu vàng từ cộng đồng.

Do đau lưng nhiều nhưng nam bệnh nhân không đi khám ở đâu, tự dùng thuốc kháng sinh và gọi ‘lang vườn’ đến châm cứu, tiêm thuốc vào đấy, vì vậy vi khuẩn từ đường truyền, đường tiêm, châm cứu đi vào máu khắp nơi cơ thể, đặc biệt đi đến tim dẫn đến thủng van tim, sùi van tim. Hiện tại, bệnh nhân phải mổ để thay van tim và rất nhiều các cấu trúc của tim để ông có thể kéo dài sự sống và chờ đợi kháng sinh diệt tụ cầu vàng.

Trước đó, một bệnh nhân khác được chuyển từ tuyến dưới lên với tình trạng dị ứng kháng sinh rất nặng sau khi điều trị sốt xuất huyết và nhiễm trùng huyết. Bệnh nhân lại xuất hiện thêm tình trạng viêm phổi, vì vậy phải thở máy và đặt nội khí quản. Các bác sĩ phải lấy đờm để xác định thêm khả năng kháng thuốc.

(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

Kháng kháng sinh đang là vấn đề nghiêm trọng 

Kháng thuốc là tình trạng các vi sinh vật như vi khuẩn, virus, nấm, ký sinh trùng… kháng lại thuốc kháng sinh khiến các loại thuốc này giảm tác dụng, thậm chí không còn tác dụng. Tình trạng này đang gây ra những hậu quả vô cùng nghiêm trọng.

Việt Nam đã xuất hiện vi khuẩn đa kháng (kháng 2 nhóm kháng sinh) và toàn kháng (kháng với tất cả kháng sinh). Chính vì vậy, trong khi tại nhiều nước, việc sử dụng kháng sinh thế hệ 1 vẫn điều trị hiệu quả, tại Việt Nam đã phải dùng kháng sinh thế hệ 3 và 4.

Ở nước ta có nhiều loại vi khuẩn thông dụng, nguy hiểm, nhưng có tỷ lệ kháng thuốc cao đến rất cao, như nhóm vi khuẩn E.coli (vi khuẩn đường ruột), tỷ kháng thuốc lên tới 40%, thậm chí có địa phương lên đến 70%, kháng cả kháng sinh mạnh nhất là colistin, hay như vi khuẩn A.baumannii, vi khuẩn gây nhiễm khuẩn bệnh viện, tỷ lệ kháng với hầu hết các loại kháng sinh lên đến trên 90%.

Tại Hội nghị triển khai Chiến lược quốc gia về phòng, chống kháng thuốc giai đoạn 2023-2030, tầm nhìn đến năm 2045 do Bộ Y tế phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công thương và Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Tổ chức FHI 360 và các đối tác tổ chức ngày 20/11, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cảnh báo: “Kháng thuốc vẫn đang là mối lo ngại ở Việt Nam, bất chấp những tiến bộ khoa học đã đạt được trong 10 năm qua. Các dữ liệu kháng sinh đồ gần đây cho thấy, xu hướng kháng kháng sinh ngày càng tăng. Trong khi đó, chúng ta vẫn còn đối mặt với nhiều thách thức như: Năng lực hạn chế của các phòng xét nghiệm trong việc tiến hành giám sát và phân tích dữ liệu, kê đơn thuốc kháng sinh không phù hợp và thiếu việc thực thi các quy định về bán thuốc kháng sinh. Chiến lược kháng kháng sinh quốc gia toàn diện mà Bộ Y tế phát động, triển khai cũng thể hiện cam kết của Chính phủ trong việc giải quyết vấn đề này”.

Theo lãnh đạo Bộ Y tế, lạm dụng và sử dụng không hợp lý thuốc kháng vi sinh vật ở người, động vật và thực vật là nguyên nhân chính dẫn đến sự phát triển nhiễm trùng kháng thuốc. Thiếu thực hành kê đơn thuốc hợp lý và sự tuân thủ điều trị của bệnh nhân cũng góp phần vào tình trạng này.

Chẳng hạn, thuốc kháng sinh tiêu diệt vi khuẩn nhưng không thể tiêu diệt các nhiễm trùng do virus như cảm lạnh hoặc cúm. Nhưng thông thường, kháng sinh vẫn được kê đơn cho những trường hợp đó hoặc được sử dụng thuốc kháng sinh mà không có sự giám sát y tế thích hợp. Thuốc kháng sinh cũng thường được sử dụng quá mức ở trang trại và nông nghiệp.

Các chuyên gia dịch tễ khẳng định, thuốc kháng sinh là vũ khí tuyệt vời do con người tạo ra để chống lại các bệnh do nhiễm khuẩn, nhưng tại Việt Nam, hầu hết các cơ sở y tế đang phải đối mặt với tốc độ lan rộng của các vi khuẩn kháng với nhiều loại kháng sinh. Trong khi nhiều quốc gia phát triển vẫn sử dụng kháng sinh thế hệ thứ nhất thì Việt Nam phải dùng tới kháng sinh thế hệ 3, 4.

TS Cao Hưng Thái, Phó cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho rằng, mức độ kháng thuốc ở Việt Nam ngày càng trầm trọng và gây áp lực lớn lên sức khỏe cộng đồng. Ngoài gánh nặng tài chính do việc điều trị kéo dài, bệnh nhân còn phải đối mặt với khả năng một tương lai không có thuốc kháng sinh điều trị hiệu quả đối với một số bệnh nhiễm khuẩn, nhất là đối với các phẫu thuật và điều trị như hóa trị liệu ung thư và cấy ghép mô.

Do kháng kháng sinh là mối đe dọa thực sự đối với sức khỏe cộng đồng nên nếu không nỗ lực để giải quyết vấn đề này sẽ tiến tới một thế giới mà những bệnh nhiễm trùng thông thường không thể điều trị được và phẫu thuật thông thường có rủi ro cao vì nguy cơ nhiễm trùng khó kiểm soát hơn.

TS Angela Pratt, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam cho rằng, đại dịch Covid-19 đã làm trầm trọng thêm tình trạng sử dụng kháng sinh quá liều lượng và sai cách. Chính vì vậy, cần xem xét lại và nỗ lực giải quyết vấn đề kháng thuốc. Để làm được điều này, chúng ta cần thực hiện cách tiếp cận "Một sức khỏe"-tập hợp các ngành và các bên liên quan trong nỗ lực hợp tác để giải quyết gốc rễ của các vấn đề, trong đó có tình trạng kháng kháng sinh. "WHO sẽ tiếp tục hỗ trợ Chính phủ trong việc bảo đảm khả năng tiếp cận và hiệu quả của các loại thuốc thiết yếu trong tương lai. Kháng sinh là một trong những khám phá quan trọng nhất của nhân loại, do đó chúng ta phải bảo vệ và gìn giữ chúng. Để làm được điều đó, chúng ta cần phải cùng nhau ngăn chặn kháng kháng sinh", TS Angela Pratt nhấn mạnh.

Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, để phòng chống kháng thuốc, người dân chỉ nên dùng thuốc kháng sinh và các loại thuốc chống vi sinh vật khác do nhân viên có chuyên môn và thẩm quyền kê đơn, luôn tuân thủ theo lời khuyên của nhân viên y tế khi sử dụng kháng sinh; không bao giờ dùng chung hoặc sử dụng kháng sinh còn thừa của người khác; ngăn ngừa nhiễm trùng bằng cách rửa tay thường xuyên, chuẩn bị thức ăn hợp vệ sinh, tránh tiếp xúc gần với người bệnh, thực hành tình dục an toàn và tiêm chủng đầy đủ.

Trúc Thi

Bình luận

Nổi bật

Thủ tướng tiếp Bộ trưởng Bộ Quân đội Cộng hòa Pháp

Thủ tướng tiếp Bộ trưởng Bộ Quân đội Cộng hòa Pháp

sự kiện🞄Thứ ba, 07/05/2024, 20:43

(CL&CS) - Ngày 6/5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tiếp Bộ trưởng Bộ Quân đội Cộng hòa Pháp Sébastien Lecornu đang có chuyến thăm Việt Nam, tham dự các hoạt động kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.

Quyết tâm đưa Đông Nam Bộ phát huy vai trò 'Thành đồng Tổ quốc' trong phát triển kinh tế-xã hội thời kỳ mới

Quyết tâm đưa Đông Nam Bộ phát huy vai trò 'Thành đồng Tổ quốc' trong phát triển kinh tế-xã hội thời kỳ mới

sự kiện🞄Thứ ba, 07/05/2024, 13:15

(CL&CS) - Ngày 5/5, tại tỉnh Tây Ninh, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ chủ trì Hội nghị lần thứ 3 của Hội đồng, với nội dung trọng tâm là tổ chức triển khai thực hiện quy hoạch vùng Đông Nam Bộ vừa được Thủ tướng Chính phủ ban hành một ngày trước đó.

Thế hệ trẻ phát huy tinh thần Chiến thắng Điện Biên Phủ, đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc

Thế hệ trẻ phát huy tinh thần Chiến thắng Điện Biên Phủ, đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc

sự kiện🞄Thứ ba, 07/05/2024, 13:14

(CL&CS) - Tại Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 – 7/5/2024), bạn trẻ Vũ Quỳnh Anh (SN 1995), đại diện thế hệ trẻ Việt Nam, đã phát biểu cảm tưởng.