Dữ liệu cũ
Thứ ba, 01/09/2020, 08:40 AM

Bán “dự án ma”, hàng loạt giám đốc công ty địa ốc bị bắt

(CL&CS) - Lợi dụng các cơn sốt đất, nhiều công ty địa ốc đã “vẽ” ra các dự án đất nền để bán cho nhà đầu tư. Mặc dù đã được cảnh báo rất nhiều từ trước nhưng người dân vẫn cứ lao đầu vào các “dự án ma” để rồi sập bẫy.

Thời gian gần đây tại khu vực phía Nam, cơ quan cảnh sát điều tra Công an các tỉnh Bình Dương, Long An, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, TP.HCM… đã ra quyết định khởi tố, bắt tạm giam hàng loạt giám đốc công ty bất động sản để điều tra hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Những tưởng sau khi “ông trùm” dự án ma là Công ty Địa ốc Alibaba bị bắt thì làn sóng bán “bánh vẽ” sẽ lắng xuống; Nhưng không những không lắng xuống mà còn nở rộ tại nhiều địa phương phía Nam.

Alibaba - huy động vốn trái phép 2
Một dự án"ma' do Công ty địa ốc Alibaba mở bán tại Bà Rịa - Vũng Tàu đã bị lực lượng chức năng tỉnh này kịp thời can thiệp trước khi CEO công ty này bị bắt.

Cụ thể, ngày 1/7, Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam 4 tháng đối với Ngô Minh Khâm, Tổng giám đốc CTCP Địa ốc Phú An Thịnh Land (địa chỉ 137-139 Vành Đai Trong, phường Bình Trị Đông B, quận Bình Tân, TP.HCM) để điều tra hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM cho biết, từ năm 2017 đến 2018, nhiều khách hàng đã bỏ ra hàng tỷ đồng mua nền đất tại các dự án Eco Garden, Eco Garden 3 và Eco Garden 5 ở hai huyện Cần Đước và Bến Lức (tỉnh Long An) do CTCP Địa ốc Phú An Thịnh Land làm chủ đầu tư. 

Sau khi đóng tiền, khách hàng đợi dài cổ vẫn không được công ty này sang tên, làm sổ. Bị khách hàng truy hỏi, phía Phú An Thịnh Land trả lại tiền cho khách hàng nhưng chỉ trả lại được một phần, còn lại dây dưa không thanh toán. Đến thời điểm hiện tại, Công an TP.HCM đã tiếp nhận hơn 50 đơn tố giác của các nạn nhân, tố cáo Khâm lừa đảo chiếm đoạt gần 40 tỷ đồng.

Cũng tại TP.HCM, ngày 31/7, Công an TP.HCM (PC03) thi hành lệnh khởi tố, bắt tạm giam bà Nguyễn Thị Diệu Thuý (37 tuổi, ngụ Q.8), là Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư Tiên Phong Land, để điều tra hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Còn tại Đồng Nai, ngày 29/7, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh này cho biết, đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Nguyễn Đình Chính (32 tuổi, ngụ phường Phước Tân, TP Biên Hòa), Giám đốc Công ty Bất động sản Rồng Đất, đóng tại xã Bình Minh (huyện Trảng Bom) để điều tra về hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Ngày 22/8, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an Bà Rịa - Vũng Tàu bắt Dương Văn Long, 40 tuổi, ngụ TP HCM là Giám đốc Công ty TNHH Kỹ thuật kiến trúc xây dựng Hoàng Long (trụ sở ở xã Phú Mỹ) khi đang trốn ở phòng trọ thuộc TP Dĩ An, Bình Dương, về hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Theo điều tra, từ đầu 2019, Dương Văn Long gom đất nông nghiệp ở xã Tóc Tiên và phường Hắc Dịch (thị xã Phú Mỹ) sau đó làm hạ tầng, vẽ các dự án mang tên Hoàng Long Center City, Kim Long Center City, Hoàng Long Khu phố 4, Hoàng Long Khu phố 5 rồi quảng cáo bán đất nền. Công ty của Long cam kết thời hạn giao đất, sổ đỏ.

Tuy nhiên, sau thời gian dài khách hàng đóng tiền Long không thực hiện như đã hứa. Còn chính quyền địa phương phát hiện công ty Long làm hạ tầng sai phép nên cưỡng chế. Khi khách hàng tố cáo, ông ta bán nhà bỏ trốn.

Cơ quan điều tra xác định, các dự án công ty Long rao bán không có giấy phép đầu tư dự án, không có giấy phép cải tạo mặt bằng và xây dựng hạ tầng. Đã có gần 100 người bị Long lừa số tiền hơn 50 tỷ đồng.

Mới đây nhất, ngày 27/8, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đồng Nai đã ra quyết định khởi tố, bắt tạm giam 4 tháng đối với ông Đỗ Sơn Tùng (37 tuổi, quê Hà Nam), Giám đốc Công ty Bất động sản nhà đất Đồng Nai để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Trước những sai phạm của các chủ đầu tư, chủ đất nêu trên, nhiều chuyên gia luật đề nghị các cơ quan chức năng cần xem xét, xử lý hình sự những người liên quan về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản để có sự răn đe.

Luật sư Huỳnh Đức Hữu, Đoàn Luật sư TP.HCM, nêu quan điểm: “Có thể thấy theo luật đất đai, luật xây dựng, luật kinh doanh bất động sản muốn làm dự án nhà ở thì đầu tiên phải có đất, phải phù hợp quy hoạch, duyệt kế hoạch sử dụng đất, hạ tầng… Thị trường bất động sản vốn rất rõ ràng, chỉ có những người cố ý làm sai và sự buông lỏng quản lý của chính quyền địa phương mới khiến mọi chuyện rối lên. Lâu nay những sai phạm như thế thường chỉ bị xử phạt hành chính, cưỡng chế và điều đó không đủ sức răn đe những người cố ý làm bậy”.

Một luật sư của Đoàn Luật sư TP.HCM cho rằng việc lấy đất chưa đủ điều kiện pháp lý để kinh doanh, bán cho người mua chính là có dấu hiệu của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản quy định tại Điều 174 BLHS năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017. Tuy nhiên, vấn đề khó khăn là những người bán dự án “ma” đã lách luật bằng nhiều thủ đoạn tinh vi. Chẳng hạn, thay vì ký hợp đồng mua bán thì họ chỉ làm hợp đồng góp vốn, hợp đồng giữ chỗ hoặc hợp đồng hợp tác phân chia sản phẩm. Đây là kẽ hở khiến thời gian qua nhiều trường hợp như Công ty Alibaba vẫn chưa được cơ quan chức năng xử lý tới nơi tới chốn.

Một điểm đáng nói nữa là giới cò đất, môi giới tiếp tay đắc lực cho những doanh nghiệp trên khi đăng tin, rao bán rầm rộ các dự án “ma” tới nay vẫn chưa bị kiểm soát, xử lý.

Còn theo luật sư Trần Đức Phượng (Đoàn Luật sư TP.HCM), nguyên nhân chính khiến khách hàng tự “sập bẫy dự án ma" đến từ sự lựa chọn của chính họ. Có thể khách hàng đã biết trước những rủi ro nhưng họ lại cho rằng, rủi ro đó mình không phải gánh chịu. Họ nghĩ mình chỉ lướt sóng và sẽ bán được lại cho người khác, thoát hàng dễ dàng. Vì có hàng trong tay nên họ lại dụ dỗ người khác mua như một hình thức đa cấp, không quan tâm đến sản phẩm mà chỉ quan tâm đến việc bán cho ai.

Như vậy, chính người mua lại là người đứng ra bảo vệ cho đơn vị bán hàng sai phạm đó. Vì nếu không bảo vệ, họ cũng bị ảnh hưởng, có nguy cơ mất trắng, thiệt hại về tiền. Vì sợ mất tiền nên họ buộc phải nói tốt và trở thành đồng phạm. 

Cũng theo luật sư Phượng, để giải quyết và xóa bỏ được vấn nạn này, theo ông cần giải quyết 2 vấn đề.

Thứ nhất, cơ quan quản lý Nhà nước phải giải quyết tận gốc vấn đề này. Chẳng hạn, như trường hợp dự án ma của Vũng Tàu, nếu trên thực tế việc sử dụng đất có vi phạm, không đúng theo quy hoạch ban đầu là làm đường thì buộc phải xử lý, đưa về hiện trạng ban đầu. Nếu trường hợp tiếp tục vi phạm thì phải thu hồi đất. Như vậy mới giải quyết được hậu quả và người dân nhìn thấy hậu quả đó mới biết sợ mà không dám mua.

“Trường hợp khách hàng muốn nhận biết dự án ma, nếu giao dịch đất nền thì theo quy định của Luật Đất đai là phải có sổ. Nếu lô đất có sổ, khách hàng mới nên tiến hành giao dịch. Muốn tránh được rủi ro thì buộc phải thực hiện theo quy định của pháp luật. Với những ai dù biết vẫn muốn giao dịch, đương nhiên có thể có lợi ích trước mắt, nhưng nhiều rủi ro phía trước là điều khó tránh khỏi. Với người chưa nắm rõ quy tắc, luật lệ thì nên chọn sản phẩm ít rủi ro”, luật sư Phương chia sẻ thêm.

Tấn Lợi

Bình luận

Nổi bật

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

sự kiện🞄Thứ ba, 20/02/2024, 10:09

Trên thế giới còn rất nhiều những chiếc phi cơ 'lão thành' ngót nghét 50 tuổi vẫn đang bay trên bầu trời.

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

sự kiện🞄Thứ bảy, 14/10/2023, 05:57

Loại thực phẩm nhiều người xem như vô hại này lại là nguyên nhân dẫn đến bệnh tật, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng, chúng thường được gọi là "sát thủ thầm lặng" tàn phá sức khoẻ con người.

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

sự kiện🞄Thứ năm, 29/06/2023, 15:00

(CL&CS) - Cảng Chu Lai thuộc Công ty Giao nhận - vận chuyển quốc tế Trường Hải (THILOGI) đang dần khẳng định năng lực tiếp nhận tàu lớn, khai thác đa dạng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy giao thương tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên.